Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự các nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh
WHĐ (30.03.2013) – Vào lúc 5 giờ chiều ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự nghi thức Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa tại Đền thờ Thánh Phêrô. Hơn mười nghìn người chen kín trong ngoài Đền thờ để cùng với Đức Thánh Cha và giáo triều tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa.
Nghi thức bắt đầu trong thinh lặng, đèn trong Đền thờ được giảm sáng hòa cùng bầu khí trang nghiêm thánh thiêng khi Đức Thánh Cha chậm rãi tiến vào cung thánh trong bộ lễ phục đơn sơ màu đỏ với mũ mitra trắng, không mang dây pallium, gậy và nhẫn mục tử. Ngài tiến đến trước bàn thờ và nằm phủ phục trong tĩnh lặng trước khi dâng lời nguyện bằng tiếng Latinh.
Bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Isaia (52,13-53,12) được đọc bằng tiếng Ý, bài đọc 2 trích trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Do Thái (4, 14-16; 5,7-9) bằng tiếng Tây Ban Nha, và bài Thương khó theo Thánh Gioan (18,1-19,42) được công bố bằng tiếng Latinh do 3 phó tế: 2 thầy dòng Phanxicô và 1 thầy dòng Đaminh. Theo thông lệ, bài giảng trong Nghi thức Tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh sẽ do linh mục giảng thuyết Phủ Giáo hoàng, cha Raniero Cantalamessa thuộc dòng Phanxicô Capuchin, phụ trách. Chủ đề bài giảng là “Được nên công chính cách nhưng không, nhờ đức tin và máu Chúa Kitô”.
Cha giảng thuyết bắt đầu ý niệm trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Roma: Vì ai trong chúng ta cũng phạm tội và vì phạm tội mà ta đã bị tước mất vinh quang của Thiên Chúa; nhưng người ta được Thiên Chúa làm cho công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô và tất cả những ai tin đều được như thế (x. Rm 3, 21-23). Khi bước vào Tam nhật Thánh này, chúng ta đã bước đến đỉnh cao của Năm Đức Tin và thời khắc quyết định bởi nhờ đức tin mà chúng ta được cứu độ. Và “một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (x. Rm 5, 1). Đừng giống như Ađam và Eva, chúng ta đừng lẩn tránh Thiên Chúa vì tội lỗi của mình nhưng cần phải nhận biết chúng ta cần được làm cho công chính và chúng ta không thể tự mình trở nên công chính. Nhờ vào đức tin nơi Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta nhìn thế giới với một ánh sáng mới, giúp ta vược qua giới hạn của bất hạnh và bất công vì chính sự chết và phục sinh của Đức Kitô mà trời mới đất mới đã mở ra cho chúng ta.
Tiếp tục chủ đề ơn công chính qua câu chuyện người thu thuế tội lỗi cúi đầu khẩn cầu: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” và ông ta đã được nên công chính (x. Lc 18, 13-14), cha Cantalamessa đặt câu hỏi: điều gì làm cho anh ta nên công chính? Không có gì khác ngoài niềm tin anh ta đặt trọn đời mình vào Thiên Chúa, và đó là điều duy nhất Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta: đức tin.
Đức tin của chúng ta đặt ở nơi Thập giá của Đức Kitô, đó là Tình Yêu và Tình Yêu Thập giá chỉ được đón nhận bằng đức tin vì nếu không có đức tin thì Thập giá không phải là tình yêu, sức mạnh và ơn cứu độ. Cha Cantalamessa khai triển chủ đề bài suy niệm này qua nhiều chứng từ đức tin trong dòng lịch sử và nhấn mạnh: Thập giá Đức Kitô là khí cụ mạnh mẽ của công cuộc truyền giáo. Truyền giáo là món quà mầu nhiệm từ Thập giá Đức Kitô, truyền giáo không phải là tuyên chiến hay tuyên truyền nhưng là chia sẻ món quà của Thiên Chúa dành cho thế giới nơi Đức Kitô.
Tiếp theo phần thuyết giảng của cha Raniero Cantalamessa là phần suy tôn Thánh giá. Đức Thánh Cha đã cởi áo lễ ngoài, bước ra khỏi ghế chủ tế, cung kính bái lạy 3 lần trước khi tiến đến tôn kính và hôn Thánh giá.
Sau khi kết thúc nghi thức Tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã đến Colosseum vào khoảng hơn 9 giờ tối để chủ sự Đàng Thánh giá. Hàng ngàn người thuộc nhiều sắc tộc, màu da đã chen kín Colosseum cùng với Thị trưởng Roma Gianni Alemanno và đại diện các cấp chính quyền dân sự của Roma chào đón Đức Thánh Cha.
Theo đề nghị từ lâu của Đức Bênêđictô XVI, năm nay, bài suy niệm các chặng Đàng Thánh Giá được giới trẻ Liban biên soạn dưới sự hướng dẫn của Đức hồng y Béchara Boutros Raï, Giáo chủ nghi lễ Đông phương Maronit tại Liban. Vì thế, các lời nguyện của phần suy niệm được đơm kết từ phụng vụ của nghi lễ Đông phương Maronit. Các suy niệm đúc kết từ kinh nghiệm sống đạo và chứng nhân của anh chị em Kitô hữu tại Đất Thánh, mảnh đất hội tụ các truyền thống Kitô giáo đặc sắc: 6 nghi lễ Đông-Tây của Giáo hội Công giáo, 7 Giáo hội Chính thống, và hầu hết các truyền thống Hồi giáo.
Sau khi Đức Thánh Cha an vị tại lễ đài, các tu sĩ người Liban thuộc Dòng Đức Mẹ Đồng Trinh, đang tu học ở Roma, bắt đầu hát Thánh Thi. Kết thúc bài Thánh Thi, Đức Thánh Cha làm Dấu Thánh giá bắt đầu buổi suy niệm các chặng Đàng Thánh Giá. Mỗi chặng sẽ được bắt đầu bằng việc công bố Lời Chúa, sau đó là phần suy niệm và cầu nguyện.
Đại diện các quốc gia, đoàn thể, phẩm trật phụ trách đã luân phiên vác thánh giá giữa các chặng. Đức hồng y Agostino Valini, Giám quản Giáo phận Roma, vác Thánh giá chặng đầu tiên và chặng kết thúc. Chặng thứ hai và thứ ba do hai gia đình người Italia và Ấn Độ đảm trách, chặng thứ tư và thứ năm do anh chị em đại diện một tổ chức bác ái xã hội chuyên chăm sóc người khuyết tật phụ trách, chặng thứ sáu và thứ bảy do đại diện các Kitô hữu từ Trung Hoa, chặng thứ tám và thứ chin do hai linh mục từ Đất Thánh vác, chặng thứ mười và mười một do đại diện nam nữ tu sĩ từ Châu Phi, Trung Đông, và Đất Thánh đảm nhận. Chặng thứ mười hai và mười ba do đại diện giới trẻ Brazil, là nơi tổ chức Đại hội Giới trẻ Thế giới năm nay, đảm nhận.
Đức Thánh Cha kết thúc nghi thức suy niệm các chặng Đàng Thánh Giá với lời nhắn nhủ:
Anh chị em thân mến,
Cám ơn anh chị em đã đến đây, cám ơn tất cả mọi người đã chuẩn bị cho buổi tối hôm nay, và đặc biệt cám ơn những anh chị em dù bệnh tật đau yếu vẫn đến đây hiện diện cùng chúng ta. Tôi không muốn nói nhiều, chỉ một từ thôi, đó là: Thập giá. Thập giá của yêu thương và cứu độ. Thiên Chúa xét xử chúng ta bằng tình yêu. Hãy nhớ rằng, Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta: nếu biết đón nhận, chúng ta sẽ được cứu thoát; nếu khước từ, ta sẽ bị kết án. Tình yêu Thập giá là khí cụ để chúng ta đối mặt với sự dữ trong thế gian này. Đôi khi chúng ta hỏi tại sao Chúa không hiện diện, sao Ngài im lặng. Nhiều lúc dường như Ngài không hành động trước ma lực của thế gian. Thiên Chúa đã lên tiếng, Ngài đã trả lời thắc mắc của chúng ta. Và Ngài đã trả lời bằng chính Thập giá của Đức Kitô. Thiên Chúa trả lời chúng ta bằng yêu thương, xót thương, và thứ tha.
Tối nay chúng ta đã chìm sâu trong suy niệm về Thánh giá với những chứng từ sống động của anh chị em từ Liban, họ đã viết cho chúng ta bài suy niệm tuyệt đẹp bằng chứng từ đức tin của mình trên mảnh đất còn nhiều biến động, đặc biệt ở vùng Trung Đông. Xin cảm ơn Đức Bênêđictô đã có sáng kiến này.
Chúng ta hãy tiếp tục những chặng Đàng Thánh giá trong cuộc sống hằng ngày bằng yêu thương.
Sau đó Đức Thánh Cha đã ban phép lành cho tất cả mọi người.
(Lược thuật từ CTV)
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô