Đức Thánh Cha mời gọi thay đổi đời sống trong thời đại nhiều mỏng giòn luân lý này
Trong một thời đại nhiều sự mỏng giòn luân lý như thời đại ngày nay Thiên Chúa vẫn luôn luôn nhân lành và thương xót, vì Thiên Chúa truy tố tội lỗi nhưng bảo vệ kẻ có tội, miễn là họp biết nói không với các tật xấu của thế gian này và có can đảm triệt để thay đổi đời sống.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại đại thính đường Phaolô VI trong nội thành Vaticăng, sáng thứ tư 2-9-2009
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục nói đến gương mặt của các tác giả Kitô của Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương. Lần này là thánh Oddone, viện phụ tu viện Biển Đức Cluny bên Pháp thời trung cổ. Đề cập tới tiểu sử của thánh nhân Đức Thánh Cha nói:
Oddone là viện phụ thứ hai của tu viện Cluny. Người sinh ra vào khoảng năm 880 giữa vùng Maine và Touraine bên Pháp. Thân phụ thánh hiến người cho thánh Giám Mục Martino thành Tours, và Oddone đã suốt đời sống dưới bóng chở che và tưởng nhớ thánh nhân, rồi đã kết thúc cuộc sống bên cạnh mộ của thánh nhân.
Trước khi lựa chọn đời thánh hiến, khi còn là một thanh niên 16 tuổi Oddone đã sống kinh nghiệm ơn thánh đặc biệt. Sau này người kể lại cho đan sĩ Giovanni người Ý và sẽ là vị viết tiểu sử của người. Trong một buổi canh thức giáng sinh Oddone đã cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria như sau: ”Lạy Bà, là Mẹ của lòng xót thương, trong đêm nay Mẹ đã cho Đấng Cứu Thế chào đời, xin hãy cầu cho con. Ôi Mẹ rất đạo hạnh, ước chi việc sinh nở vinh quang và đặc biệt của Mẹ là nơi ẩn náu của con” (Vita sancti Odonis, I,9; PL 133,747). Sau này thánh Oddone sẽ luôn xưng tụng Mẹ Maria với tước hiệu là ”Mẹ của lòng xót thương”, và cũng gọi Mẹ là ”niềm hy vọng duy nhất của thế giới... nhờ Mẹ mà các cửa thiên đàng được rộng mở” (In veneratione S. Mariae Magdalenae: PL 133,721). Ngay từ hồi đó tuy chưa là đan sĩ Oddone đã sống theo một số quy luật của thánh Biển Đức và rất có lòng sùng mộ thánh nhân. Ngài gọi thánh Biển Đức là ”ngọn đèn chiếu sáng đêm đen của cuôc sống” và là ”bậc thầy của kỷ luật tinh thần” (ibid.PL 133,727).
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đề cao cuộc sống đan tu và các nhân đức của thánh Oddone. Oddone rời thành Tours để gia nhập đan viện Biển Đức Baume, sau đó sang sống tại Cluny và năm 927 trở thành viện phụ đan viện này. Từ đó ngài trải dài ảnh hưởng ra trên toàn Âu châu.
Thánh Oddone viếng thăm Roma nhiều lần và cũng tới thăm các tu viện biển đức Subiaco, Montecassino và Salerno nữa. Chính tại Roma mùa hè năm 942 thánh nhân biết mình sắp chết nên cố gắng trở về Tours và qua đời bên cạnh mộ của thánh Martino, Giám Mục thành Tours, ngày 18 tháng 11 năm 942.
Thánh Oddone là người có rất nhiều nhân đức như kiên nhẫn, khinh rẻ trần gian, sốt sắng đối với các linh hồn, dấn thân tạo dựng hòa bình giữa các Giáo Hội. Người đặc biệt ước mong sự hòa hợp giữa các vua chúa và ông hoàng, tuân giữ các giới răn và chú ý tới người nghèo, răn bảo giới trẻ, tôn trọng người già (Vita., I,7: PL 133,49). Ngài ưa thích sống ẩn khuất và chỉ lo lắng làm đẹp lòng Thiên Chúa. Ngài cũng thi hành sứ vụ rao giảng và nêu gương sáng. Trong một bài giảng kính thánh nữ Maria Madalena, thánh Oddone trình bầy quan niệm của ngài về đời viện tu như sau: ”Khi ngồi dưới chân Chúa và chú ý lắng nghe lời Chúa, Maria biểu tượng cho sự dịu hiền của cuộc sống chiêm niệm, mà mùi vị càng nếm bao nhiêu càng dẫn linh hồn con người tới chỗ xa rời các sự vật hữu hình và các lo lắng ồn ào của thế giới này bấy nhiêu” (In ven. S. Mariae Magd., PL 133,717).
Xác tín này sẽ được thánh Oddone khai triển trong các bút tích của người và cho thấy tình yêu của người đối với cuộc sống nội tâm, quan niệm về trần gian như là thực tại mỏng giòn mau qua, vì thế nên không dính bén và cột buộc mình vào tất cả những gì gây lo lắng bất an. Thánh nhân cũng nhậy cảm đối với sự hiện diện của sự dữ nơi nhiều lớp người, và khát khao biến cố cánh chung. Quan niệm này của thánh nhân có thể xa lạ đối với chúng ta, nhưng nó khiến cho thánh Oddone đánh giá cao cuộc sống nội tâm rộng mở cho tha nhân, cho tình yêu thương, và như thế giúp biến đổi cuộc sống và rộng mở cho thế giới sáng láng của Thiên Chúa.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nêu bật lòng sùng kính của thánh Oddone đối với Mình Máu Thánh Chúa Kitô như sau:
Đáng nhắc nhớ nhất là lòng sùng kính của thánh Oddone đối với Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Trước sự thờ ơ của con người thời đó mà thánh nhân than phiền, ngài lại ngày càng xác tín vun trồng lòng sùng kính này hơn nữa. Thánh nhân xác tín một cách vững chắc về sự hiện diện thực sự của Mình và Máu Thánh Chúa Kitô dưới hình bánh và rượu sau khi được truyền phép. Ngài viết: ”Dưới lệnh truyền của Đấng Tạo Hóa bản chất lập tức thay đổi điều kiện bình thường của nó: bánh lập tức trở thành thịt và rượu trở thành máu” (Odonis Abb. Cluniac, occupatio, Ed. A. Swohoda, Lipsia, 1900, tr. 121).
Và thánh nhân than phiền vì mầu nhiệm thánh của Mình Chúa, trong đó bao gồm ơn cứu độ của thế giới, được cử hành một cách lơ đãng. Ngài cảnh cáo như sau: ”Các linh mục tiến tới bàn thánh một cách bất xứng làm bẩn bánh thánh, nghĩa là Mình của Chúa Kitô” (ibid. PL 133,572-573). Chỉ những ai hiệp nhất trong tinh thần với Chúa Kitô mới có thể tham dự vào Mình Thánh Thể một cách xứng đáng, bằng không việc ăn thịt và uống máu Chúa không sinh ích lợi mà lại khiến cho bị kết án. Tất cả những điều này mời gọi chúng ta tin nơi sự hiện diện thật sự của Chúa một cách mạnh mẽ và sâu xa hơn.
Thánh Oddone đã là vị lãnh đạo tinh thần đích thật cho các đan sĩ và giáo dân thời đó. Trước các tật xấu phổ biến sâu rộng trong xã hội thời bấy giờ thánh nhân đề nghị triệt để thay đổi lối sống, dựa trên sự khiêm tốn, khắc khổ, xa rời các sự mau qua và gắn bó với các điều vĩnh cửu. Tuy nhận thức được tình trạng tiêu cực của xã hội thời ấy thánh nhân không bi quan. Ngài nói: ”Thiên Chúa truy nã tội lỗi, nhưng che chở kẻ có tội”. Ngài xác tín thác về tình yêu thương của Thiên Chúa nên thích chiêm ngắm lòng từ bi của Chúa.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng có một nét thoạt tiên ít được nhận ra trong gương mặt của thánh Oddone: đó là đàng sau sự khắc khổ của vị cải cách này có một tâm hồn rất tốt lành. Thánh nhân khắc khổ nhưng nhất là tốt lành, ngài là một con người có lòng tốt bao la đến từ việc tiếp xúc với lòng tốt của Thiên Chúa. Những người sống đồng thời với thánh nhân nói ngài để tỏa thoát ra chung quanh niềm vui tràn đầy trong tâm hồn. Thánh nhân có những lời nói rầt dịu hiền. Ngài mời gọi các trẻ em mà ngài gặp trên đường đi ca hát và cho các em các món quà nhỏ. Các lời ngài nói tràn đầy tươi vui và sự vui vẻ của ngài cũng khiến cho con tim của chúng ta tràn đầy niềm vui” (ibi II,5: PL 133, 63).... Chúng ta hy vọng rằng lòng tốt đến từ lòng tin của thánh nhân hợp với sự khắc khổ và chống lại các thói xấu của thế giới này, cũng khiến cho con tim của chúng ta rung động để chúng ta có thể tìm thấy suối nguồn của niềm vui vọt trào từ lòng lành của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Chào các tín hữu Ba Lan ngài nói: ”Trong ký ức các dân tộc còn in sâu các thảm cảnh và sự vô lý của chiến tranh. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa cho tinh thần tha thứ, hòa bình và hòa giải thấm nhuần trái tim con người. Âu châu và thế giới ngày nay cần có một tinh thần hiệp thông. Chúng ta hãy xây dựng nó trên Chúa Kitô và trên Tin Mừng, trên nền tảng của tình bác ái và sự thật".
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
bài liên quan mới nhất
- Đối thoại cứu độ - Cái khung của nền luân lý tình huynh đệ
-
Đào tạo lương tâm và sự phân định trong Amoris Laetitia: Hướng tới một chuyển đổi hệ hình trong chăm sóc mục vụ gia đình -
Cha Alain Thomasset: “Phẩm giá không gắn liền với vẻ bề ngoài nhưng được ban tặng cùng với sự sống” -
Kénose là gì? -
Căn cước đàn ông, căn cước đàn bà -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần bốn - Đời sống độc thân trinh khiết Kitô giáo -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần ba - Xác thể phục sinh -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần một - Con tim được cứu rỗi (Giáo lí về Bài Giảng Trên Núi) -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác – Phần Giới thiệu -
Người Công Giáo có buộc phải đồng ý với Đức Giáo hoàng không?
bài liên quan đọc nhiều
- Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay
-
Vấn đề đạo đức của giới trẻ ngày nay -
Vấn đề nạo phá thai trong giới trẻ ngày nay -
Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo -
Có phải tiền là tất cả ? -
Lương tâm của giới trẻ ngày nay -
Ảnh hưởng của vật chất đối với Thanh thiếu niên thời nay -
Thai nhi bị dị tật: Bỏ hay giữ? -
Bác thằng bần -
Đồng tính luyến ái và chuyển giới tính: một nhận định trên phương diện Khoa học và Luân lý Công giáo