Đức Thánh Cha giải thích về Thông điệp mới của ngài

Đức Thánh Cha giải thích về Thông điệp mới của ngài

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 8 ngàn tín hữu hành hương tại Vatican sáng 8-7-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã giải thích ý nghĩa Thông điệp thứ ba của ngài ”Caritas in veritate” (Bác ái trong sự thật).

Hiện diện tại buổi tiếp kiến còn có hàng chục nữ tu dòng Thừa sai giáo lý, các nữ tu Phan Sinh Angelina, các đại chủng sinh giáo phận Lugo bên Tây Ban Nha, các tham dự viên khóa học quốc tế dành cho các nhà đào tạo thuộc phong trào Nước Chúa Kitô đến từ nhiều người nói tiếng Tây Ban Nha..

Ngài tóm lược bài huấn giáo cho các tín hữu rằng:

”Hôm qua (7-7-2009), Thông điệp mới của tôi, Caritas in veritate, Bác ái trong sự thật, đã được công bố. Thông điệp này nói về sự phát triển con người toàn diện, không nhắm đưa ra những giải pháp kỹ thuật thực hành cho các vấn đề lớn về kinh tế của thời đại chúng ta ngày nay. Những vấn đề lớn của xã hội chúng ta vượt xa lãnh vực thực hành thuần túy và phải được cứu xét trong một toàn thể rộng lớn hơn. Qua đó, tôi muốn nhắc nhớ rằng sự phát triển toàn diện mỗi người và toàn thể nhân loại chỉ có thể đạt được trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô. Động lực chủ yếu dẫn đến mục tiêu ấy chính là bác ái trong sự thật, nghĩa là thái độ sẵn sàng dấn thân hành động theo tiêu chuẩn trao tặng nhưng không và qui hướng đời sống kinh tế và xã hội theo những tiêu chuẩn lớn, đó là tôn trọng sự sống con người, tôn trọng các quyền lợi và nghĩa vụ đích thực của con người, cần tôn trọng luân lý đạo đức trong các hoạt động kinh tế và trong các trách nhiệm chính trị, nỗ lực phục vụ công ích cả trên bình diện hoàn vũ, tôn trọng luân lý đạo đức trong kỹ thuật và các phương tiện truyền thông. Sự canh tân xã hội chúng ta, một xã hội đang bị đau yếu tại nhiều nơi, đòi hỏi phải nghiêm túc suy nghĩ lại ý nghĩa sâu xa của kinh tế, tài chánh và chính trị. Sự suy nghĩ lại như thế phải dựa trên sự thật về con người. Thêm vào đó cần xác tín rằng con người không phải chỉ có thân xác, nhưng có cả linh hồn nữa, và sự phát triển con người toàn diện cũng phải bao gồm sự tăng trưởng về tinh thần.”


Huấn dụ bằng tiếng Ý

Trước các bài huấn giáo tóm lược bằng các sinh ngữ, ĐTC đã diễn giảng dài hơn bằng tiếng Ý về Thông điệp mới của ngài và khẳng định rằng:

“Thông điệp mới của tôi, Caritas in veritate, đã được chính thức giới thiệu hôm qua, có quan điểm cơ bản lấy hứng từ một đoạn trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu hành Ephêrô, trong đó thánh Tông đồ với về hành động theo sự thật trong bác ái, như chúng ta vừa nghe đọc, ”Khi hành động theo sự thật trong bác ái, chúng ta tìm cách tăng trưởng trong mọi sự, hướng về Chúa là thủ lãnh, là Đức Kitô” (4,15). Vì thế, toàn thể đạo lý xã hội của Hội Thánh xoay quanh nguyên tắc ”bác ái trong sự thật”. Chỉ nhờ bác bác ái được lý trí và đức tin soi sáng, mới có thể đạt được những mục tiêu phát triển có giá trị nhân bản và nhân bản hóa.

ĐTC cũng nhận định rằng ”tình trạng thế giới, như thời sự những tháng gần đây cho thấy, tiếp tục trình bày những vấn đề không nhỏ và những xì căng đan về sự chênh lệch thái quá vẫn tiếp tục kéo dài, mặc dù đã có những cam kết dấn thân đã được đưa ra trong quá khứ. Một đàng người ta ghi nhận có những chênh lệch trầm trọng về mặt xã hội và kinh tế, đàng khác, từ nhiều phía, người ta yêu cầu có những cải tổ không thể trì hoãn được, để lấp đầy hố chia cách trong sự phát triển các dân tộc. Với mục tiêu đó, hiện tượng hoàn cầu hóa có thể là một cơ may thực sự, nhưng để được như thế, điều quan trọng là phải tiến hành một sự canh tân sâu rộng về văn hóa và luân lý, và một phân định theo tinh thần trách nhiệm về những quyết định cần đề ra cho công ích. Một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người, đó là điều có thể có được nếu người ta nỗ lực tái khám phá những giá trị luân lý đạo đức nền tảng, nghĩa là cần đưa ra những dự phóng mới về kinh tế, thiết định lại sự phát triển một cách đại đồng, dựa trên nền tảng luân lý về trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa và trước con người, trong tư cách là thụ tạo của Thiên Chúa”.
ĐTC cảnh giác chống lại quan niệm ”coi trời bằng vung”, một sự tín thác vô giới hạn nơi tiềm năng của kỹ thuật rốt cuộc chỉ là ảo tưởng. Cần có những người ngay chính trong chính trị cũng như trong lãnh vực kinh tế, thành tâm chú ý tới công lích. Đặc biệt khi nhìn những nhu cầu cấp thiết của thế giới, cần kêu gọi sự chú ý của dư luận quần chúng về thảm trạng nạn đói và an ninh lương thực đang là vấn đề lớn của một phần quan trọng trong nhân loại. Thảm trạng to lớn ấy đang gọi hỏi lương tâm chúng ta: cần quyết liệt đương đầu với thảm trạng này và thăng tiến sự phát triển nông nghiệp tại các nước nghèo nhất. Tôi chắc chắn rằng con đường liên đới với sự phát triển các nước nghèo nhất chắc chắn sẽ giúp đề ra một dự phóng giải quyết cuộc khủng hoảng hoàn cầu hiện nay. Điều không thể nghi ngờ là cần thận trọng tái thẩm định vai trò và quyền lực chính trị của các quốc gia, trong một thời đại trong thực tế có những giới hạn chủ quyền của các nước vì bối cảnh mới về chính trị thương mai và tài chánh quốc tế. Đàng khác, không được thiếu sự tham gia trong tinh thần trách nhiệm của các công dân vào chính trị quốc gia và quốc tế, nhờ sự canh tân dấn thân của các hiệp hội các công nhân, được kêu gọi thiết lập những hợp lực mới trên bình diện địa phương và quốc tế. Trong lãnh vực này, các phương tiện truyền thông xã hội giữa một vai trò hàng đầu để tăng cường đối thoại giữa các nền văn hóa và truyền thống khác nhau”.

Trong phần cuối của bài huấn dụ bằng tiếng Ý, ĐTC nhắn nhủ mọi người rằng: ”Chúng ta hãy cầu nguyện để các tín hữu đang hoạt động trong lãnh vực kinh tế và chính trị, nhận thấy một điều rất quan trọng là cuộc sống chứng tá của họ phù hợp với Tin Mừng trong khi họ phục vụ xã hội. Đặc biệt tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho các vị quốc trưởng và thủ tướng chính phủ của khối G-8 đang gặp gỡ nhau trong những ngày này tại thành phố L'Aquila. Ước gì từ hội nghị thượng đỉnh quan trọng này của thế giới có thể nảy sinh những quyết định và hướng đi hữu ích cho sự phát triển mọi dân tộc, nhất là những dân tộc nghèo nhất. Chúng ta hãy phó thác các ý nguyện này cho sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội và Mẹ của nhân loại.”

Sau khi ban phép lành, ĐTC đã chào thăm 6 GM, trước khi bắt tay chào hàng chục anh chị em tàn tật ngồi trên ghế lăn, trước khi chào các đôi vợ chồng mới cưới, rồi ngài tiến vào một phòng hội nhỏ gần lối ra của Đại thính đường để tiếp kiến phu nhân của các vị tổng thống và thủ tướng chính phủ các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-8.

Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cha Lombardi cho biết buổi tiếp kiến đã diễn ra trong một phòng hội nhỏ cạnh lối ra của Đại thính đường Phaolô 6. Các phu nhân được hai nữ bộ trưởng Italia tháp tùng và gồm có bà Margarita Zavala, phu nhân tổng thống Mêhicô, tiếp đến là phu nhân của các thủ tướng Anh quốc, Ấn độ, Thụy Điển, phu nhân tổng thống Nam Phi, và bà Margarida Sousa Uva, phu nhân của ông Barroso, chủ tịch Ủy ban hành pháp của Liên hiệp Âu Châu.

Sau buổi tiếp kiến, các phu nhân đã đến thăm vườn Vatican, đi qua hang đá Đức Mẹ Lộ Đức và kính viếng Đền thờ Thánh Phêrô (SD 8-7-2009)

G. Trần Đức Anh OP

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top