Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gặp các nhà lãnh đạo nước Cộng Hòa Séc
WHĐ (28.09.2009) - Trong ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm mục vụ Giáo Hội tại CH Séc, ĐTC đã có cuộc gặp các nhà lãnh đạo và ngoại giạo đoàn tại Dinh tổng thống.
Tại đây, sau khi ngỏ lời cảm ơn sự đón tiếp long trọng dành cho ngài, ĐTC bày tỏ niềm cảm động sau khi thưởng thức tiết mục trình diễn của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Séc “đã thể hiện hùng hồn cội nguồn văn hóa Séc và sự đóng góp to lớn của dân tộc Séc vào kho tàng văn hóa châu Âu”.
Trong cuộc gặp gỡ này, ĐTC đã có bài phát biểu quan trọng với những nhà lãnh đạo CH Séc và giới chức ngoại giao.
ĐTC Bênêđictô XVI: "Cuộc cách mạng nhung đã khôi phục nền dân chủ cho Séc"
Bài diễn văn của ĐTC tại Dinh Tổng thống Séc tại Praha được mở đầu bằng những cảm nghĩ về sự trùng hợp giữa chuyến thăm mục vụ của ngài với dịp kỷ niệm 20 năm “Cuộc cách mạng nhung” của CH Séc.
ĐTC gọi cuộc cách mạng nhung là sự kiện “khôi phục nền dân chủ”, là một bộ phận làm nên cuộc “sụp đổ các chế độ toàn trị ở Trung và Đông Âu”.
Nhìn lại 20 năm sau cuộc cách mạng nhung, ĐTC đánh giá cao những thay đổi nơi bộ mặt chính trị ở Séc và các nước Đông Âu: “Những thay đổi sâu sắc về phương diện chính trị đã quét dọn, chữa lành và tái thiết châu Âu. Tất cả đều diễn ra trong bối cảnh ngày càng mở rộng sự thống nhất của châu Âu và quá trình toàn cầu hóa của thế giới”.
ĐTC hướng các nhà lãnh đạo lưu tâm đến giới trẻ trong bối cảnh chính trị từ sau cuộc cách mạng nhung đến nay: “Đối với người trẻ hiện nay, nỗi băn khoăn về bản chất của tự do nay lại được đặt ra. Đâu là mục đích của tự do? Đâu là những chuẩn mực thực sự của tự do?”.
"Đức tin Kitô giáo đã giữ vai trò quyết định trong việc hình thành di sản tinh thần và văn hóa của đất nước Séc"
Đứng trước thực tế có đến 60% dân số Séc tuyên bố không theo một tôn giáo nào, ĐTC kêu gọi cộng đồng Séc cùng suy nghĩ về vị trí của Séc là “trái tim” của châu Âu – một đất nước ở Trung Âu.
Sở dĩ ở châu Âu, Séc được coi là “trái tim” vì đất nước này có một di sản tinh thần và văn hóa mang nội dung Kitô giáo.
ĐTC nói: “Từ thời các thánh Sirillô, Mêthôđiô và các nhà truyền giáo đầu tiên, đức Tin Kitô giáo đã giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành di sản tinh thần và văn hóa của đất nước này. Di sản này đã không chỉ tạo nên tính dân tộc - cần được tiếp nối trong hiện tại và tương lai - mà còn cung cấp cho Séc một tầm nhìn cần thiết để thực thi vai trò là trái tim, hạt nhân kết nối của châu Âu”.
Tiếp tục thể hiện những nhận định về lịch sử chịu ảnh hưởng Kitô giáo của Séc, ĐTC nói đến những di sản văn hóa nghệ thuật của đất nước này, gọi đó là cuộc Hiển linh của Thiên Chúa.
ĐTC chia sẻ: “Vẻ đẹp rực rỡ của những giáo đường, lâu đài, quảng trường và những chiếc cầu không thể không đưa lòng trí chúng ta hướng về Thiên Chúa. Vẻ đẹp của những tuyệt tác này diễn tả Đức Tin. Chúng là một cuộc hiển linh của Chúa. Chúng giúp ta suy ngắm những kỳ công chói lọi mà tạo vật là chúng ta có thể khát khao khi sáng tạo những hình thức diễn tả cảm hứng thẩm mỹ và có ý nghĩa cứu độ về hiện hữu sâu thẳm nhất của mình”.
Hãy khôi phục niềm tin
Kết thúc bài diễn văn, ĐTC gửi đến các nhà lãnh đạo và giới chức ngoại giao niềm mong mỏi thiết tha của ngài đối với những hoạt động chính trị và ngoại giao.
ĐTC nhắc lại kinh nghiệm lịch sử của Séc trong chiều hướng nhắc nhở cần phải tỉnh táo trước những ngụy thuyết và sự lan tràn của chủ nghĩa tương đối: “Lịch sử bao phen đã cho thấy sự thật có thể bị phản bội và bị xuyên tạc nhằm phục vụ cho những ý thức hệ lầm lạc, cho áp bức và bất công. Nhưng những thách đố mà nhân loại phải đối mặt không giúp chúng ta có được tầm nhìn vượt lên trên những hiểm họa hay sao? Rốt cuộc, phải chăng có gì phi nhân, phá hoại và vô liêm sỉ hơn cứ chăm chăm phủ nhận cuộc tìm kiếm chân lý cao quý của chúng ta, và phải chăng chủ nghĩa tương đối đang gặm mòn những giá trị chân chính đang gợi cảm hứng cho chúng ta xây dựng một thế giới hiệp nhất và huynh đệ?”
ĐTC kêu gọi hãy khôi phục lòng tin và cầu mong những hoạt động chính trị và ngoại giao được định hướng bởi lòng tin.
Sau cùng ĐTC cầu chúc việc phục vụ trong lĩnh vực chính trị và ngoại giao được gợi cảm hứng và nâng đỡ nhờ ánh quang chân lý phản chiếu sự Khôn ngoan của Thiên Chúa là Đấng tạo thành mọi sự.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô