Đức tân Giáo hoàng Phanxicô gặp giới báo chí: “Phải tiếp cận các biến cố lịch sử ở khía cạnh đức Tin”

Đức tân Giáo hoàng Phanxicô gặp giới báo chí: “Phải tiếp cận các biến cố lịch sử ở khía cạnh đức Tin”

WHĐ (17.03.2013) – Sáng 16-03, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với các phóng viên báo chí đến từ khắp nơi trên thế giới, theo dõi những diễn tiến và đưa tin về những hoạt động của Tòa Thánh, từ sau “Thông báo gây sửng sốt của vị tiền nhiệm của tôi là Đức Bênêđictô XVI” (lời của Đức tân Giáo hoàng).

ĐTC ngỏ lời chào các phóng viên và khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông:

“Trong thời gian qua, vị trí của truyền thông đã tăng lên đáng kể, rất cần trong việc loan tải các sự kiện lịch sử đang diễn ra. Cảm ơn các bạn đã phục vụ đắc lực trong những ngày cả thế giới Công giáo, và không chỉ những người Công giáo, mà rất nhiều người trên thế giới đã hướng nhìn về Kinh thành Muôn thuở, nhất là lãnh thổ nhỏ bé với tâm điểm là mộ Thánh Phêrô này. Các bạn đã vất vả làm biết bao việc! Các bạn đã nói về Tòa Thánh, về Giáo hội, về các nghi lễ và truyền thống, về đức tin của Hội Thánh, vai trò và sứ vụ của Giáo hoàng. Đặc biệt cảm ơn những người đã theo dõi và trình bày các sự kiện này với một tầm nhìn đúng đắn nhất. Mọi biến cố lịch sử phải được đọc trong chiều sâu của nó, được tiếp cận ở khía cạnh đức Tin. Các biến cố của Giáo hội thì phức tạp hơn so với các sự kiện chính trị, kinh tế, bởi các biến cố đó không tương ứng với lôgích trần thế. Vì lẽ đó, việc trình bày các biến cố của Hội Thánh cho công chúng thật không dễ dàng. Nếu Giáo hội là một định chế mang tính nhân loại và lịch sử, với tất cả những đặc trưng của nó, thì trước hết cũng phải thấy Giáo hội là một thực tại thiêng liêng, là dân của Chúa đang bước đến gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Chỉ với cái nhìn như thế, ta mới hiểu được những gì Giáo hội đang làm”.

“Chúa Kitô là Mục tử của Hội Thánh, và Người hiện diện qua sự tự do của con người và một trong số đó đã được chọn để đại diện cho Chúa Kitô trong tư cách kế vị Thánh Tông đồ Phêrô. Chính Chúa Kitô mới là trái tim của Hội Thánh. Không có Người, sẽ chẳng có Giáo hội và cũng chẳng có lý do gì để Giáo hội tồn tại. Như Đức Bênêđictô XVI vẫn thường nói, Chúa Kitô đang hiện diện và dẫn dắt Hội Thánh. Mọi việc diễn ra trong Giáo hội đều do Chúa Thánh Thần tác động. Chính Chúa Thánh Thần đã soi sáng Đức Bênêđictô XVI đưa ra quyết định vì lợi ích của Hội Thánh. Chính Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn các hồng y khi các ngài cầu nguyện và chọn lựa. Phải nhìn và giải thích trong chiều hướng đó mới thấu triệt được ý nghĩa mọi sự kiện vừa diễn ra… Vì lẽ đó, tôi mời các bạn đi sâu vào việc phân tích những động cơ thiêng liêng đích thực nhất đang thúc đẩy Giáo hội để hiểu đúng về Giáo hội. Giáo hội rất chú trọng đến báo chí và các phương tiện truyền thông vì giới này biết cách nắm bắt những kỳ vọng và đòi hỏi của thế giới, đồng thời mang lại những yếu tố giúp đọc ra ý nghĩa các sự kiện. Nhiệm vụ của các bạn đòi hỏi phải có sự nhạy bén và kinh nghiệm như các ngành nghề khác, nhất là phải lưu tâm đến Chân, Thiện, Mỹ. Đó là điều khiến chúng ta gần nhau vì Giáo hội tồn tại là để thông truyền Chân, Thiện, Mỹ nơi chính con người của Đức Kitô. Quả thật chúng ta không truyền bá chính bản thân mình mà truyền thông về ba giá trị thần linh đó”.

“Nhiều người không rõ tại sao tôi nhận tên Phanxicô, đã nghĩ đến các thánh Phanxicô Xaviê, Phanxicô Salêsiô và Phanxicô Assisi. Số là, trong Nhà nguyện Sistina, tôi ngồi cạnh Đức hồng y Claudio Hummes, nguyên Tổng giám mục Sao Paulo, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ, Ngài là một người bạn lớn, thật sự là một người bạn thân thiết. Khi mọi sự diễn ra đã trở nên nguy hiểm đối với tôi, ngài đã trấn an, khích lệ tôi. Và khi đạt tới hai phần ba số phiếu bầu, các hồng y vỗ tay mừng Giáo hoàng vừa được chọn, người bạn này bảo tôi: Đừng bao giờ quên người nghèo! Điều đó đã ghi vào tâm trí tôi, khiến tôi nghĩ đến vị thánh Nghèo. Tôi đã nghĩ đến những cuộc chiến tranh, và khi cuộc bỏ phiếu diễn ra đến lúc đạt sự nhất trí, tôi liền nghĩ đến Phanxicô, con người của hòa bình, người yêu mến và bảo vệ thiên nhiên. Bây giờ nhân loại đối xử với thiên nhiên thật tồi tệ. Thánh nhân là người quảng bá tinh thần hòa bình. Ngài là một người nghèo. Tôi ước mong một Giáo hội nghèo, vì người nghèo! Một hồng y nói với tôi: ‘Nên chọn tên Ađrianô vì Đức Ađrianô VI là một nhà cải cách. Chúng ta cần cải tổ Giáo hội. Hoặc chọn tên khác: Clêmentê. Tại sao không? Đặt tên Clêmentê XV để rửa nhục cho Dòng Tên bị Đức Clêmentê XIV giải tán’. Còn tôi thì đã chọn tên Phanxicô, tên của cõi lòng tôi”.

Kết thúc buổi gặp gỡ, một lần nữa ĐTC nồng nhiệt cảm ơn các đại diện của giới truyền thông:

“Tôi nghĩ đến mọi việc các bạn đã hoàn thành, nghề các bạn theo đuổi, cầu chúc các bạn khi tác nghiệp luôn được bình tâm và đạt nhiều hiệu quả, hiểu biết Tin Mừng của Đức Kitô và hiện thực của Hội Thánh ngày một hơn. Tôi phó dâng lời cầu chúc này cho Đức Trinh nữ Maria, Ngôi Sao dẫn đường cho công cuộc Phúc âm hóa. Chúc gia đình các bạn được hạnh phúc. Với cả tấm lòng tôi chúc lành cho các bạn”.

Trước khi ban phép lành, ĐTC chào đông đảo đại biểu nhiều tín ngưỡng khác nhau:

“Tôi vừa nói với cả tấm lòng tôi chúc lành cho các bạn, nhưng có nhiều bạn không phải là người Công giáo, hoặc không có tín ngưỡng, vậy, tôn trọng niềm tin của các bạn, tôi thầm chúc lành cho từng bạn, bởi tôi biết tất cả các bạn đều là con cái của Chúa. Xin Chúa chúc lành cho các bạn”.

(Theo VIS, 16-03-2013)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top