Đức Maria - Mẹ của những người tin

Đức Maria - Mẹ của những người tin

WGPSG -- Nhiều người truyền tai nhau: “Có một tượng Đức Mẹ được vớt từ dòng sông Mê Kông lên rất linh thiêng, bất cứ ai đến xin ơn gì, Đức Mẹ cũng ban cho”. Từ đó, nhiều người ở khắp nơi đã đến thăm viếng Mẹ và loan truyền cho nhau những ơn lành của Thiên Chúa dành cho họ qua “Đức Mẹ dòng sông Mê Kông”.

Thật may mắn khi tôi được theo chân nhóm thiện nguyện ở quận 3 và Xóm Mới tham gia thực thi bác ái mùa Vọng và hành hương Đức Mẹ dòng sông Mê Kông tại Campuchia. Đoàn đã cùng với Cha Giuse Nguyễn Văn Cung - thuộc Tu đoàn Thừa sai Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế - khởi hành sang Campuchia lúc 04g30 sáng 10/12/2012.

Thăm nhà thờ Vạn Lịch và nhà thờ Tân Tua

Lúc 09g30 ngày 10/12/2012, đoàn đã đến viếng Mình Thánh Chúa tại nhà thờ Vạn Lịch (Samrong Thom) và gửi tặng một số hiện kim để quý thầy thuộc Tu đoàn Thừa sai Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế có điều kiện giúp đỡ bà con giáo dân. Thầy Piô X Hà Văn Thanh cho biết: “Họ đạo gồm 64 hộ dân với gần 300 giáo dân. Cuộc sống của giáo dân còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ quý ân nhân trong và ngoài nước, ngôi nhà thờ nhỏ đã được khánh thành ngày 17/7/2012 và nhận Đức Mẹ Vô Nhiệm Nguyên Tội làm bổn mạng”. Bên cạnh đó, Thầy Vinh Sơn Tô Ánh Đại cho biết thêm: “Ngôi nhà thờ đã có từ trước năm 1970, nhưng sau đó bà con hồi hương về Việt Nam khá đông, đến năm 1991, một số bà con giáo dân còn lại đã đặt tên là Vạn Lịch”.

Sau bữa cơm trưa tại Phnom Penh, đoàn đã gặp Thầy Phaolô Vinh đang phụ giúp nhà thờ Tân Tua, và gửi tặng họ đạo một số hiện kim. Thầy rất vui khi gặp bà con ở quê hương sang tận nơi đây để thăm hỏi và giúp đỡ đồng hương của mình. Thầy nuối tiếc vì họ đạo Tân Tua ở xa nên giáo dân không thể đón tiếp đoàn được”.

Thăm nhà thờ Chợ Nhỏ và nhà thờ Bãi Cải

Lúc 14g00 đoàn đã ghé thăm nhà thờ Chợ Nhỏ (trước đây là Chủng viện Nam Vang) và cử hành giờ Lòng Chúa Thương Xót tại nhà nguyện. Đi tham quan cơ sở khá rộng nhưng rất ít thầy theo học, tôi cảm nhận cánh đồng truyền giáo tại Campuchia rất rộng lớn và rất cần sự dấn thân của các nhà truyền giáo trong và ngoài nước.

Sau đó, đoàn đã lên phà qua sông đến nhà thờ Bãi Cải (Arey Khsath), hành hương cầu nguyện tại núi Đức Mẹ, nơi đặt tượng Đức Mẹ thứ nhất đã được vớt dưới lòng sông Mê Kông ngày 16/4/2008. Đặc biệt, đoàn đã đến kính viếng tượng Đức Mẹ tại cuối nhà thờ, là tượng Đức Mẹ thứ hai vừa được vớt ngày 19/11/2012, và hiệp dâng Thánh lễ tại nhà thờ cùng với bà con người Việt Nam tại đây.

Chia sẻ Tin Mừng, Cha Giuse Nguyễn Văn Cung mời gọi mọi người hãy cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã sai Con Một đến để cứu chuộc chúng ta, đồng thời qua chúng ta, Thiên Chúa sẽ cứu vớt người khác. Như thế, Thiên Chúa đã nhập thể để cứu chuộc chúng ta và mọi người.

Qua sự kiện họ đạo Bãi Cải vừa vớt được hai tượng Đức Mẹ Maria, ngài nhắn nhủ cộng đoàn hãy noi gương “Đức Maria - Mẹ của những người tin”. Vì lòng tin, hơn 20 thế kỷ trước, Đức Mẹ đã trao phó trọn vẹn cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Lúc đó, Đức Mẹ đã phải giằng co trong tư tưởng để nói lên tiếng “Xin Vâng” với sứ thần truyền tin. Khi Mẹ chấp nhận mang thai Chúa Cứu Thế là chấp nhận có thể bị người đời kết án, bị ném đá. Khi đứng dưới chân Thánh giá, chứng kiến cuộc tử nạn của Chúa, Mẹ đau xót tột cùng để vâng theo thánh ý Chúa Cha. Theo gương “Xin Vâng” của Mẹ, mỗi người phải cố gắng từ bỏ mình và hy sinh ý riêng. Ngài nhấn mạnh thêm: Vì lòng tin, Đức Mẹ đã dẫn đưa chúng ta đến giáo họ Bãi Cải trên đất nước Phật này. Do đó, chúng ta hãy tin vào Chúa, vào Mẹ Maria, và tin nhau để sống đạo yêu thương như Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con hãy yêu thương yêu nhau” (Ga 13, 35).

Ước nguyện đơn sơ và chất phác

Sau Thánh lễ, Chị Maria Nguyễn Thị Thìn đã thay mặt đoàn gửi một số hiện kim và hiện vật cho giáo họ, đồng thời phát bánh cho các cháu thiếu nhi. Thay mặt giáo họ, Nữ tu Anna Nguyễn Thị Chuyên đã có lời cám ơn mọi người và giới thiệu vợ chồng Anh Phan Văn Hú (theo đạo Phật), là chứng nhân vừa vớt được tượng Đức Mẹ thứ hai ngày 19/11/2012.

Thật cảm động khi lắng nghe anh tâm sự: Lúc vớt được tượng lên ghe, tôi có cảm giác không phải là tượng, nhưng là thân thể của một người đang sống như chúng ta. Tôi vừa mừng vừa run, và thầm thĩ cầu xin Mẹ ban ơn cho vợ tôi được khỏi bệnh, và sống với tôi thêm được 10 năm thôi cũng được, vì vợ tôi quá nhiều bệnh; ngoài ra, tôi không ước mong gì hơn. Ôi! Một nguyện ước thật đơn sơ và chất phác biết bao!

Chia tay

Trên đường trở về Việt Nam, chiều 11/12/2012, Anh Vũ Tôn - Trưởng đoàn - ôn tồn nói: “Chuyến đi này thật nhiều ý nghĩa, vì đoàn chúng ta có linh mục cùng đồng hành, chúng ta đến kính viếng hai tượng Đức Mẹ được vớt ở dòng sông Mê Kông và thực thi bác ái mùa Vọng thật tốt đẹp. Anh chân thành cám ơn Cha Giuse và mọi người, và cầu chúc mọi người luôn noi gương Mẹ Maria, cùng có trách nhiệm cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, qua việc chuyên tâm sống và thực thi Lời Chúa, để Lời Chúa trở thành hiện thực và luôn sống động trong lòng thế giới hôm nay.

Đoàn đã về đến Thành phố Hồ Chí Minh lúc 21g00 ngày 11/12/2012. Xin Chúa Giêsu và Mẹ Maria luôn phù trợ và sai nhiều tông đồ nhiệt thành đến cánh đồng truyền giáo đang rộng mở trên đất nước Campuchia để Tin Mừng của Chúa được loan truyền đến muôn nơi.

(Xin click vào đây để xem hình)

Đôi nét về hai tượng Đức Mẹ được vớt từ dòng sông Mê Kông

1/ Tượng thứ nhất - được vớt ngày 16/4/2008

Một ngày kia có ghe đánh cá của dân tộc người Chàm đánh chà rà cách xa bến đò Arey Khsath khoảng 250m phát hiện một miếng sắt ở dưới đáy sông.

Ngày 15/4/2008, tổ Việt Nam 08 người theo đạo Phật gồm: Anh Phiệt, anh Liền, anh Độ, anh Thu, anh Gấm, anh Phệt, anh Đề đồng ý nộp 30.000 ria cho người Chàm để được lặn lấy khối sắt kiếm tiền nuôi gia đình.

Ngày hôm sau là thứ Tư, ngày 16/4/2008, họ tiếp tục bàn luận và góp ý với nhau, rồi lấy máy bơm bắn nước xuống đáy sông khoảng 1,5 – 2m. Lúc đó họ phát hiện một khối sắt lớn, bèn lấy cột trục kéo lên ghe. Khi họ nhìn thấy cục sắt thì phát hiện ra là tượng một người nữ nên đem về để trên bè.

Lúc ấy anh Lý, người hàng xóm của 8 thợ lặn đã nhận ra tượng đó là của người Công giáo, anh liền báo cho Anh Khui Chanh Đa ở họ đạo Arey Khsath, Anh Khui Chanh Đa đến, thấy tượng Đức Mẹ liền nói với những người thợ lặn: “Đây là tượng Đức Mẹ Maria, các anh đừng đập bể, đừng cưa, để Ban hành giáo Arey Khsath đến thỏa thuận rồi chuộc tượng lại. Sau khi thỏa thuận xong, lúc 17g00 chiều 16/4/2008, tượng Đức Mẹ được rước về đặt ở cuối nhà thờ họ đạo Arey Khsath (Bãi Cải).

Ngày nay, tượng Đức Mẹ cao 1,50m, nặng 130kg được để trên núi nhân tạo cao 8,1m cạnh nhà thờ tại xóm Arey Khsath.

2/ Tượng thứ hai - được vớt ngày 18/11/2012

Ông Phan Văn Hú, sinh năm 1953, sống tại xóm Arey Khsath, huyện L-vi-em, tỉnh Candal. Ông là người theo đạo Phật. Trước đây, ông là thợ lặn. Bỗng đêm 18/11/2012, ông chiêm bao thấy một tượng bằng đồng giang tay, hình thù một người thanh niên to lớn, ông nghe tiếng phát ra từ tượng đó: “Hãy vớt tôi lên, tôi đang nằm dưới đáy sông Mê Kông, gần nơi mà các người đã vớt Đức Mẹ lần trước”.

Sáng 19/11/2012, Ông Hú cùng với hai người con trai là Anh Phan Văn Ì và Anh Phạm Văn Mận đi vớt tượng. Khi đã tìm thấy tượng, ba cha con dùng máy bắn bùn ra khỏi tượng rồi lấy dây cột và dùng cẩu lắc cẩu tượng lên. Khi đưa tượng lên gần mặt nước, ông gọi điện cho Anh Nguyễn Hoàng Anh là cựu Ban hành giáo giáo họ Arey Khsath đến giúp đưa tượng lên. Cuối cùng, tượng Đức Mẹ ẵm Đức Chúa Con (Mẹ Thiên Chúa) được đưa lên ghe một cách tốt đẹp.

Lúc đầu, ông rất phân vân, vì người báo mộng là một thanh niên, nhưng khi vớt tượng lên lại là tượng người phụ nữ. Nhưng nhờ Ban hành giáo giải thích, người thanh niên đã báo mộng chính là Chúa Giêsu mà Mẹ Maria đang bế trên tay, lúc này anh mới yên tâm.

Ngày nay, tượng Mẹ Thiên Chúa đang được đặt ở cuối thánh đường Arey Khsath để mọi người đến chiêm ngắm và cầu nguyện.

(Trích từ tư liệu do Ban hành giáo họ đạo Arey Khsath cung cấp)

Top