Đức Hồng y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, rất hài lòng về chuyến viếng thăm Việt Nam

Đức Hồng y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, rất hài lòng về chuyến viếng thăm Việt Nam

ROMA -- Sáng ngày 26-01-2015, Đức Hồng y Fernando Filoni, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các dân tộc (thường gọi là Bộ Truyền giáo), đã về đến Roma bằng an sau một tuần lễ viếng thăm mục vụ tại Việt Nam, từ Bắc chí Nam.

Tháp tùng Đức Hồng y trên đường về có Linh mục Inhaxio Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Roberto Piermarini, Trưởng các ban tin tức của Đài Vatican, Đức Hồng y Filoni đã bày tỏ sự hài lòng rất lớn về chuyến viếng thăm ngài thực hiện tại Việt Nam. Sau đây là nội dung bài phỏng vấn.

------------

Phóng viên: Cuộc viếng thăm của Đức Hồng y có âm vang nào từ phía Giáo Hội tại Việt Nam?

Đức Hồng y (ĐHY) Filoni: Giáo Hội địa phương không những đón tiếp tôi rất tốt đẹp nhưng còn vượt quá tất cả những mong đợi của tôi. Dĩ nhiên với các giám mục, tôi đã có một cuộc gặp rỡ rất huynh đệ, và các cuộc gặp gỡ rất đẹp với các linh mục, các nữ tu, các chủng sinh. Tại Việt Nam, chúng ta có một Giáo Hội thật phong phú về ơn gọi - cả nam lẫn nữ - và tôi thấy các linh mục làm việc tốt đẹp và dấn thân trong rất nhiều hoạt động, một số hoạt động ấy tôi có dịp viếng thăm trong các giáo phận khác nhau. Rồi từ phía các tín hữu: tôi nói rằng lòng quí mến của các tín hữu Việt Nam phần nào giống như sóng thần (tsunami). Trước hết họ có một ý thức rất đặc biệt mình là Kitô hữu, một lòng đạo đức thật đáng khen và một lòng quí mến nồng nhiệt mà họ biểu lộ dào dạt một cách tự nhiên. Điều này cũng là nhân cách tiêu biểu của các tín hữu Việt Nam, họ cảm thấy rất gần gũi và kính mến các linh mục, các giám mục, và hiển nhiên là trong trường hợp này, đối với Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, và nhất là họ có một lòng quí mến sâu đậm đối với Đức Thánh Cha như nhiều lần họ bày tỏ. Vì thế, đó thực là một Giáo Hội hết sức sinh động, dấn thân, ngày qua ngày đáp ứng được những mong đợi, cả về mặt xã hội và nhân bản của đất nước. Tôi phải nói rằng đối với tôi, Việt Nam là một sự khám phá, mặc dù tôi đã có nhiều dịp được biết và đọc. Tôi cũng muốn nói lên một sự đánh giá cao về những gì đã và đang được Giáo Hội tại Việt Nam thực hiện.

Phóng viên: Thưa Đức Hồng y, có một sự đáp ứng, hay những phản ứng nào trong các cuộc nói chuyện ở cấp cao nhất đối với chính quyền Việt Nam hay không?

ĐHY Filoni: Tôi phải nói rằng tất cả các báo chí địa phương, tiếng Việt cũng như tiếng Anh, đã đăng tải, kể cả ở trang nhất, ngoài hình ảnh, cuộc gặp gỡ, và đánh giá cao sự cộng tác hiện có, sự cảm thông tốt đẹp giữa Giáo Hội Công Giáo, Tòa Thánh và dĩ nhiên là chính quyền địa phương. Và rồi tôi đích thân cảm nghiệm thấy điều đó trong các cuộc gặp gỡ mà tôi có dịp thực hiện: ngoài cuộc gặp gỡ ở cấp cao nhất với Ban Tôn giáo Chính phủ, tôi đã được mời gặp Thủ tướng và ông Bí thư Đảng Cộng Sản ở Hà Nội. Thậm chí, khi tôi giã từ, Ông Phó trưởng Ban Tôn giáo đã đến Hà Nội tiễn chào tôi ở sân bay. Vì thế, ở mọi cấp, tôi thấy có sự quan tâm rất nhiều và tôi cũng muốn nói lên sự hài lòng, vì họ rất hài lòng về các cuộc gặp gỡ mà chúng tôi đã có, như vị đại diện Tòa Thánh không thường trú, Đức Tổng Giám mục Girelli đã có dịp thấy; như Đức Tổng Giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám Mục đã tháp tùng tôi và các Giám mục khác hiện diện tại những cuộc gặp gỡ ấy. Vì thế tôi có thể nói rằng cả trên bình diện truyền thông - không kể báo chí - cả truyền hình cũng đã nhiều lần chiếu các cuộc gặp gỡ ấy, như họ đã nói với tôi.

Phóng viên: Thưa Đức Hồng y Filoni, xét về những giới hạn mà Giáo Hội tại Việt Nam còn gặp phải, cuộc viếng thăm mục vụ của Đức Hồng y mở ra hy vọng nào?

ĐHY Filoni: Những giới hạn không thuộc lãnh vực đức tin và không nhắm chống lại đức tin: - như họ đã nói với tôi -, nhiều khi những giới hạn đó là những vấn đề đặc thù, một cách nào đó cần tìm ra một cuộc đối thoại đúng. Tôi muốn nói rằng những viễn tượng ở đây là viễn tượng truyền giáo: Việt Nam là một xã hội đang thay đổi mau lẹ trên bình diện kinh tế, xã hội, nhưng vẫn còn gắn liền theo truyền thống với những giá trị thuộc thế giới Phật giáo, Khổng giáo, những giá trị truyền thống của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc loan báo Tin Mừng cần tìm ra những hình thức, hội nhập làm sao để Tin Mừng có thể được hiểu và chấp nhận. Cũng có vấn đề các nhóm dân thiểu số, nơi mà chúng tôi có được những điều hài lòng về phương diện truyền giáo: ví dụ trong Giáo phận Hưng Hóa, khi viếng thăm một giáo xứ (Hòa Bình) tôi và các giám mục đã ban các Bí tích khai tâm Kitô giáo cho gần 200 người, hầu hết là người dân tộc; và cả trong cuộc gặp gỡ ở Đà Nẵng, kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận, 50 người lớn đã được rửa tội. Vì thế có một công việc có thể được thực hiện tốt đẹp nơi những người dân tộc. Tôi cũng đã thấy rất nhiều nữ tu là người dân tộc và đây là điều mới mẻ mà dĩ nhiên trước đó tôi chưa được biết và sự kiện ấy giải thích một cách nào đó hoạt động mục vụ của những người đến từ môi trường những người dân tộc phục vụ cho những người dân tộc. Chúng tôi chưa có các linh mục trong lãnh vực này, nhưng có một sự dấn thân từ phía tất cả mọi người làm sao để có thể tìm ra những ơn gọi linh mục làm việc tốt cả trong môi trường những người dân tộc.

Phóng viên: Cuộc viếng thăm của Đức Hồng y diễn ra sau cuộc viếng thăm lần thứ hai của Đức Giáo hoàng tại Á châu; đâu là những viễn tượng được mở ra cho việc loan báo Tin Mừng tại Á châu, thưa Đức Hồng y?

ĐHY Filoni: Đức Giáo Hoàng Phanxicô quan tâm đến việc loan báo Tin Mừng tại Á châu - giống như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 nay là thánh, ngài đã đặc biệt quan tâm, làm sao để ngàn năm này phải được dành cho việc loan báo Tin Mừng tại Á châu, với một quyết tâm xứng với đại lục to lớn này. Vì thế cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, tại Sri Lanka cũng như tại Philippines, nói lên một sự chú ý đặc biệt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với đại lục này. Do đó chúng tôi hy vọng và cầu mong - chính các tín hữu Công Giáo cũng nói như vậy: rất nhiều lần họ với với tôi: “Xin Đức Hồng y xin Đức Thánh Cha đến thăm chúng con. Không phải ngài chỉ bay trên Việt Nam chúng con, nhưng còn xuống thăm chúng con nữa”. Đây là điều thật đẹp vì hiển nhiên họ cảm thấy rằng Đức Giáo Hoàng mang theo mình một đà tiến truyền giáo mà tôi tin rằng tại đại lục này có thể tìm được một không gian rộng lớn.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top