Đức cố Hồng y Shirayanagi được ca ngợi vì những nỗ lực hòa bình
VATICAN (UCAN) -- Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói ngài “hết sức đau buồn” khi hay tin Đức Hồng y người Nhật Peter Seiichi Shirayanagi qua đời hôm 30-12.
Đức Hồng y 81 tuổi qua đời tại Nhà dưỡng lão linh mục Loyola ở Tokyo. Sức khỏe của ngài ngày càng xấu đi từ khi ngài bị đau tim hồi tháng 8.
Ngài là một trong hai Hồng y người Nhật tham dự mật nghị hồng y bầu Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI hồi tháng 4-2005.
Trong điện tín chia buồn gửi Đức Tổng Giám mục Peter Takeo Okada, người kế nhiệm Đức Hồng y Shirayanagi làm tổng giám mục Tokyo, Đức Bênêđictô nhắc lại “cam kết không ngừng rao giảng Tin Mừng ở Nhật, đẩy mạnh công lý và hòa bình, và nỗ lực không mệt mỏi vì người tị nạn” của Đức Hồng y trong thời gian dài làm linh mục và giám mục.
Đức Thánh cha gửi “lời chia buồn chân thành” đến các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân của tổng giáo phận và cầu xin Thiên Chúa “thưởng công cho Đức cố Hồng y, và đón nhận linh hồn cao quý của ngài vào nơi ánh sáng và hòa bình trong Nước Trời”.
Cáo phó trên nhật báo Vatican “L’Osservatore Romano” khen ngợi Đức Hồng y “đặc biệt sẵn sàng” đối thoại với các tôn giáo khác.
Ngài có tiếng “kiên định và tôn trọng quyền tự do của mọi tín đồ”.
Đức Hồng y Shirayanagi còn nổi tiếng có “nhiều sáng kiến quan trọng về hòa bình và giải trừ quân bị”, đặc biệt là để tưởng nhớ vụ Hiroshima và Nagasaki.
Ngài mạnh mẽ ủng hộ xóa nợ cho các nước nghèo và thành lập Ủy ban Công lý và Hòa bình đầu tiên của Hội đồng Giám mục Nhật Bản. Đức Hồng y còn làm chủ tịch Ủy ban Hoạt động Xã hội của Hội đồng Giám mục, qua đó ngài đấu tranh cho quyền lợi của người tị nạn.
Nhật báo Vatican khen cách ngài đẩy mạnh “quan hệ thân thiết” với người Công giáo Trung Quốc và đi gặp một nhóm linh mục, tu sĩ và giáo dân Trung Quốc vào năm 1989.
Hai sự kiện nổi bật trong sự nghiệp của ngài là tiếp đón Đức Thánh cha Gioan Phaolô II sang thăm Nhật năm 1981, và chủ tế nghi lễ tôn phong chân phước cho 188 vị tử đạo Nhật tại sân vận động Nagasaki ngày 24-11-2008.
Thánh lễ cầu hồn cho Đức Hồng y sẽ được tổ chức tại nhà thờ chính tòa Đức Bà ở Tokyo vào ngày 5-1, sau đó Đức Hồng y sẽ được hỏa thiêu theo phong tục Nhật Bản.
Đức Hồng y Shirayanagi sinh tại Hachioji thuộc tổng giáo phận Tokyo ngày 17-6-1928. Ngài lấy bằng triết học và thần học tại đại học Sophia trước khi thụ phong linh mục ngày 21-12-1954.
Sau đó ngài sang Rôma học giáo luật và vào tháng 5-1966 ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá của Tokyo. Ba năm sau, ngài được bổ nhiệm làm giám mục phó cho Đức Hồng y Peter Tatsuo Doi, và ngài làm tổng giám mục Tokyo ngày 21-2-1970.
Đức Thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong Hồng y cho ngài vào ngày 26-11-1994. Ngài đứng đầu tổng giáo phận Tokyo đến tháng 2-2000.
Với sự ra đi của ngài, trong Hồng y Đoàn không còn thành viên người Nhật nào nữa, nhưng việc này có thể thay đổi khi Đức Bênêđictô tổ chức mật nghị hồng y, vào một thời điểm nào đó trong năm 2010.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô