Đức cha Thomas Dabre (Ấn Độ) đọc Thông điệp Caritas in Veritate

Đức cha Thomas Dabre (Ấn Độ) đọc Thông điệp Caritas in Veritate

Đức cha Thomas Dabre (Ấn Độ) đọc Thông điệp Caritas in Veritate: “Chủ nghĩa nhân đạo vô thần là phi nhân, không thể bảo đảm cho sự phát triển đích thực của nhân loại”

WHĐ (17.07.2009) – Ngay sau khi Tòa Thánh công bố Thông điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI Caritas in Veritate (7/07/2009), hãng tin AsiaNews đã thực hiện cuộc phỏng vấn Đức cha Thomas Dabre, giám mục giáo phận Poona, Chủ tịch Ủy ban Thần học và Tín lý trực thuộc Hội đồng Giám mục Ấn Độ (CCBI).

Được biết Đức cha Thomas Dabre đã dành thời gian nghiền ngẫm bức Thông điệp của ĐTC ngay sau khi tiếp nhận. Ngài đã trao đổi với phóng viên về nhiều chủ điểm trong Thông điệp cũng như những âm vang của văn kiện này vào tình hình xã hội đương thời của Ấn Độ.

WHĐ xin giới thiệu toàn văn bài phỏng vấn này.

***

PV: Kinh tế là lãnh vực dành cho các nhà chuyên môn. ĐTC đã vượt qua giới hạn này. Có người sẽ hỏi: Dựa vào đâu ĐTC phát biểu về những vấn đề như thế?

Gm Dabre: Những vấn đề kinh tế là chuyện thiết thân của con người, vì kinh tế phục vụ đời sống mọi người. Cả người quản lý lẫn người thụ hưởng lợi ích kinh tế, dù là cá nhân hay các nhóm, đều phải tôn trọng những nguyên tắc luân lý, đạo đức nhất định, bởi vì phát triển không thể dẫn đến tha hóa, bất bình đẳng, bất công và phân biệt đối xử trong xã hội. Đó là lý do vì sao không thể khoán trắng kinh tế cho các chuyên gia, nhưng đòi phải hướng đến phúc lợi toàn diện cho mọi người. Vì thế ĐTC đã đặt tên cho bức Thông điệp gợi lên ý hướng chủ đạo cho đề tài kinh tế. Với nhan đề Caritas in Veritate - Bác ái trong sự thật - ĐTC đặt cuộc thảo luận xã hội vào đúng đường, gợi lên niềm hy vọng và hăng hái để với tình yêu chúng ta hành động vì lợi ích và tương lai của các quốc gia.

Thị trường thì phải tuân theo quy tắc đạo đức, còn lợi nhuận thì không thể là mục đích tối thượng. Sự thăng tiến phải là một giá trị có hiệu lực đối với mọi người.

Thông điệp Caritas in Veritate thích hợp ra sao đối với Ấn Độ?

Đối với người Ấn Độ chúng tôi, văn kiện này được coi là một món quà. Dù đất nước đang trở thành một thế lực kinh tế toàn cầu, nhưng người nghèo của chúng tôi ở nông thôn vẫn đang mòn mỏi trong những điều kiện sống không ra con người. Họ không có tiền trang trải những nhu yếu phẩm như lương thực, nước sạch, chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Ấn Độ chiếm vị trí thứ ba trên thế giới về tài nguyên lao động kỹ thuật và khoa học, hơn nữa, Ấn Độ còn thu hút sự chú ý của thế giới về những tiến bộ trong lãnh vực công nghệ không gian, vậy mà khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Những người nghèo khổ nhất của tầng lớp cùng đinh, những người Dalit (giai tầng xã hội bần cùng nhất, dưới đáy xã hội), những nhóm bộ tộc thiểu số đều bị gạt khỏi lề cuộc sống và cho ra rìa sự phát triển kinh tế.

May thay, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu không ảnh hưởng nhiều đến Ấn Độ. Nhưng nạn tham nhũng, chủ nghĩa giáo điều (fundamentalism) và sự phân biệt đối xử trong xã hội là những hiểm họa thực sự của xã hội chúng tôi.

Thông điệp của ĐTC đề cập đến tự do tôn giáo. Điều này có liên quan gì đến kinh tế và phát triển?

ĐTC ưu tư trước hành động giết người nhân danh tôn giáo. Ngài nhấn mạnh sự khước từ tự do tôn giáo là một trở lực đối với tiến bộ, dẫn đến khủng bố và bạo lực, tác động tiêu cực đến phụ nữ và người nghèo. Một nền văn hóa không khoan dung như vậy được những người thuộc trào lưu giáo điều về tôn giáo lợi dụng. Từ điểm nhìn này mới thấy, sự ra đời của Thông điệp Caritas in Veritate gần với ngày 15 tháng Tám, ngày lễ Độc lập lần thứ 63 của Ấn Độ, quả là một sự kiện cộng hưởng ý nghĩa.

Mô hình kinh tế nào được miêu tả trong Thông điệp của Đức Giáo hoàng?

Đối với ĐTC, kinh tế phải được xây dựng cho cả đàn ông và phụ nữ, được kiến tạo từ sự liên đới tức là hướng đến tự do; các quan hệ hợp đồng không phải là tất cả; không thể đạt được lợi ích chung nếu chỉ vơ về cho riêng mình. Một nền kinh tế đặt nền móng trên lợi nhuận trước mắt thì chẳng một ai có thể hưởng được thành quả và kế hoạch đã đề ra, đồng thời cũng không thể có được một nền kinh tế vững vàng, bền lâu.

Theo ĐTC, chúng ta phải nhận ra có nhiều người nghèo trải qua cuộc sống bất ổn, đó là tình trạng do thói tham lam, ích kỷ, thiếu ý thức trách nhiệm gây ra rộng khắp. Những điều đó đã lan tràn trong xã hội chúng tôi và kìm hãm sự phát triển. Theo ĐTC, từng cá nhân cần nhận thức nhân vị của mình và chia sẻ trách nhiệm xã hội nhằm bảo đảm công bằng và lợi ích chung. Mối liên hệ giữa quyền lợi và trách nhiệm cá nhân cần phải được nhấn mạnh; đạo đức phải là trung tâm của bản thân con người.

Đây là Thông điệp thứ ba của ĐTC Bênêđictô XVI. Có điểm nào chung giữa ba thông điệp?

Chắc chắn có. Thông điệp thứ nhất Deus Caritas est và Thông điệp thứ hai Spe salvi liên quan với nhau ở nguyên lý Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta luôn có thể hy vọng vào tương lai nhân loại, vốn được đặt nền móng trên tình yêu của Thiên Chúa, rằng nhân loại sẽ được cứu và đó là điều tốt lành nhân loại chung hưởng.

Theo ĐTC, chỉ nơi tình yêu của Thiên Chúa, con người mới thoát khỏi cảnh tuyệt vọng, sự phát triển duy vật và tình thế đáng thất vọng. Hy vọng, bác ái, tình yêu, khả năng con người quyết tâm làm việc cho sự phát triển kinh tế, bảo đảm cho mô hình phát triển kinh tế được xây dựng trên nền tảng là lợi ích chung của loài người.

Chúng ta là những người lãnh nhận tình yêu của Thiên Chúa, cuộc sống của chúng ta được đổ đầy niềm hy vọng và được hướng dẫn bởi những nguyên tắc đạo đức sẽ tràn thấm vào tiến trình nền kinh tế của chúng ta. Cuộc sống của chúng ta cần được Thánh Thần Tình yêu và Ánh sáng Chân lý hướng dẫn. Thiên Chúa, Đấng rộng ban cho chúng ta sự thật và tình yêu, hướng dẫn chúng ta nhận ra bản thân mình và chỉ đường cho chúng ta bước đi.

Vấn đề toàn cầu hóa được nhắc đến nhiều lần trong Thông điệp Caritas in Veritate. Giáo Hội đứng ở vị trí nào trong vấn đề này? Điều đó cho thấy đây là một vấn đề hay là một cơ hội?

Theo ĐTC, đối lập mù quáng với vấn đề toàn cầu hóa sẽ là sai lầm và là dấu chỉ của một thái độ lệch lạc. Chúng ta cần nhận ra những khía cạnh tích cực của tiến trình này vì nó có thể khai mở những khả năng chưa từng có cho việc tái phân phối của cải. Đồng thời ĐTC cũng cảnh báo chúng ta vấn đề toàn cầu hóa có thể làm tăng thêm quyền lực và sự bất bình đẳng cũng như châm ngòi khủng hoảng toàn cầu.

Chúng ta cần tinh thần đạo đức thích hợp để dẫn quá trình toàn cầu hóa hướng về lợi ích chung và tình liên đới, không để nó rơi vào chủ nghĩa cá nhân và tinh thần vụ lợi.

Nếu chúng ta muốn toàn cầu hóa đem lại lợi ích và không kết thúc bằng việc gây ra sự phân hóa xã hội, thì phải điều khiển nó bằng tinh thần công bằng và niềm khao khát thực hiện lợi ích chung. Bản thân kinh tế và sự phát triển kỹ thuật thì chưa đủ. Trong thế kỷ chúng ta đang sống, cảnh nghèo khổ, đói khát, thiếu ăn đủ để chứng minh cho điều đó. Toàn cầu hóa không thể chỉ nhắm vào trọng tâm kinh tế mà còn phải lấy con người làm trung tâm; phải hướng vào những nhu cầu của các cộng đồng và còn phải nghĩ đến tiến trình văn hóa nữa.

Thông điệp của Đức Thánh Cha nhắm đến mô hình phát triển nào?

Nghèo đói và kém phát triển phải được khắc phục khi đã đạt đến sự phát triển đích thực. Điều đó có nghĩa là nhân loại phải được đặt ở vị trí trung tâm của những chương trình phát triển. Vì vậy những nhà quản nhiệm kế hoạch phát triển phải tăng cường trách nhiệm. Từ một quan điểm kinh tế mà gây nên tình trạng đời sống nhân dân chậm phát triển thì quả thật là một sai lầm. Lẽ ra chúng ta đã phải nhìn thẳng vào cái giá phải trả của thói quan liêu và bệnh hành chính và tập trung vào sự liên kết và hỗ trợ nhau.

Vì chúng ta tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, giúp đỡ các nước đang phát triển nên chúng ta được coi như một công cụ hợp lý để tạo ra của cải cho mọi người.

Sự phát triển kỹ thuật đã đưa đến ý nghĩ cho rằng kỹ thuật có thể quyết định mọi thứ. Điều này dẫn đến tình trạng chú tâm quá mức đến kỹ năng giải quyết vấn đề hơn là tìm hiểu nguyên nhân phát sinh vấn đề.

Thông điệp mang tên Caritas in Veritate - Bác ái trong Chân lý. Vậy chân lý nào được Đức Thánh Cha nỗ lực loan báo cho nhân loại?

Vẻ đẹp và sự thật giản dị của Thiên Chúa. ĐTC đã nói rất rõ chủ nghĩa nhân đạo vô thần là phi nhân, không thể bảo đảm sự phát triển đích thực của nhân loại.

Bác ái và chân lý liên kết với nhau tự bản chất. Tình yêu của Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta khám phá sự thật của bản thân mình được phản chiếu nơi gương mặt của Đức Kitô, Đấng là Sự Thật.

Sự thật cần phải được tìm kiếm, khám phá và diễn tả trong những mối tương quan của đức ái; đức ái cần phải được thấu hiểu, củng cố và thực hành trong ánh sáng của sự thật. Cả đức ái và sự thật đều đưa con người đến sự phát triển đích thực.

Ý thức hệ chối từ Thiên Chúa và sự dửng dưng vô thần đều là những trở lực ngăn cản phát triển. Vì thế bác ái và lòng yêu sự thật đặt ra cho Giáo Hội một thách thức rất lớn trong thế giới đang toàn cầu hóa.

Bảo vệ sự thật của mỗi người là bảo vệ phẩm giá bất khả xâm phạm của con người từ khi sinh ra đến lúc chết. ĐTC kính yêu của chúng ta, một cách tiên tri, đã luôn phản đối chủ trương chống lại sự sống ngay từ lúc bắt đầu, phản đối lập trường ủng hộ việc hợp pháp hóa cái chết êm dịu. Sự sống tạo vật là quà tặng của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là chúng ta gánh lấy trách nhiệm chuyển giao cho các thế hệ tương lai cả một hành tinh là Trái đất, nơi chúng ta sống và canh tác.

Trong Thông điệp này, ĐTC đã đề cập đến một số chủ điểm từ những giáo huấn của Giáo Hội về xã hội và áp dụng vào hoàn cảnh hiện nay: kinh tế, toàn cầu hóa, khoảng cách giàu - nghèo, môi trường sinh thái, trào lưu cơ bản, v.v... Đối với tôi, đây là một trong những giá trị đóng góp lớn lao của bức Thông điệp. Trong văn kiện này, Đức Bênêđictô XVI không chỉ cho thấy những lập luận trí tuệ mà còn đi thẳng vào vấn đề cốt tủy của con người.

Đối với Giáo Hội tại Ấn Độ, bản thân nhan đề bức Thông điệp đã hàm chứa niềm vui mừng và hy vọng vì châm ngôn tiếng Phạn của chúng tôi có câu Satyameva Jayate, nghĩa là “Chỉ chân lý là chiến thắng”. Và đây là chân lý: Bác ái thì ở trong Sự thật.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top