Đức Cha Oscar Romero: Giám mục của người nghèo
Hôm nay (24/03) người dân El Salvador tưởng nhớ 30 năm ngày Đức cha Oscar Romero, Tổng giám mục (TGM) của San Salvador, bị sát hại. Ngài đã bị giết hại trong lúc cử hành Thánh lễ tại một bệnh viện ở San Salvador ngày 24/03/1980.
Không chỉ người dân El Salvador mà người Công giáo trên toàn thế giới cũng như tất cả những ai đấu tranh cho công lý, cho người nghèo, cho người thấp cổ bé miệng, hay cho những ai bị bách hại áp bức, đều biết đến Ngài và luôn dành cho Ngài một sự yêu mến, một sự cảm phục đặc biệt.
Đứng về phía người nghèo
Oscar Romero (tên đầy đủ là Óscar Arnulfo Romero y Galdámez) sinh ngày 15/08/1917 trong một gia đình có 8 người con. Khi lên 14 tuổi, Oscar được nhận vào tiểu chủng viện, rồi sau đó được gửi đi học tại Roma và thụ phong linh mục tại đó vào ngày 04/04/1942.
Sau khi thụ phong linh mục cha Romero tiếp tục ở lại Roma để theo học chương trình tiến sĩ thần học. Nhưng vì cuộc nội chiến tại El Salvador và Giáo hội tại nước này thiếu linh mục, ngài được gọi về nước.
Và trong hơn 20 năm sau đó, ngài làm cha xứ và thư ký cho Tòa giám mục San Miguel. Năm 1970, cha Oscar Romero được tấn phong giám mục và làm phụ tá cho Đức cha Chavéz, TGM San Salvador và ngày 23/02/1977, ngài được bổ nhiệm làm TGM của San Salvador.
Việc ngài được chọn làm Giám mục phụ tá và TGM gây ngạc nhiên cho nhiều người. Trong khi một số linh mục, đặc biệt là những linh mục cấp tiến thất vọng thì giới cầm quyền cũng như người giàu có tại El Salvador lại vui mừng.
Vì mãi tới năm 1977, mặc dù được coi là một người đạo đức, nhưng ngài tỏ ra trầm lặng, bảo thủ, và có khuynh hướng cầu an, không dám lên tiếng chống lại những bất công, bạo quyền.
Nhưng chỉ một thời gian sau đó, khi chứng kiến những bất công, áp bức, bạo lực mà những người dân nghèo, những người thấp cổ bé miệng phải chịu, ngài đã thay đổi, không còn im lặng như trước.
Một biến cố quan trọng và quyết định thay đổi lập trường và cũng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của ngài là việc một linh mục dòng Tên, cha Rutilio Grande – một trong những linh mục đầu tiên được ngài truyền chức và là một người can đảm đấu tranh cho những người nghèo – bị sát hại vào ngày 12/03/1977.
Chứng kiến cảnh một linh mục can đảm đấu tranh cho người nghèo bị giết hại như vậy, Ðức cha Romero đã hoàn toàn đứng về phía người nghèo, những người bị đàn áp.
Chống bất công, bạo quyền
Ðể phản đối việc giới cầm quyền tham gia vào cuộc mưu sát này, ngài đã ra lệnh đóng cửa trường học giáo xứ trong ba ngày và đình hoãn mọi thánh lễ trên toàn quốc trong tuần lễ kế tiếp, ngoại trừ một thánh lễ đặc biệt tại Nhà thờ Chính tòa.
Trong bài giảng tại Thánh lễ đặc biết đó cũng như trong các Thánh lễ Chúa nhật tiếp theo tại Nhà thờ Chính tòa, ngài đã lên tiếng tố cáo những tội ác, bất công do giới cầm quyền gây nên.
Không chỉ giới quân phiệt, tài phiệt mà cả linh mục, giáo dân cũng như người dân El Salvador đều kinh ngạc về thái độ cứng rắn đó của ngài vì từ trước tới giờ chưa một giám mục nào ở đây dám công khai tố cáo giới cầm quyền như vậy.
Những bài giảng đó vừa giáng những đòn chí tử vào giới cầm quyền, vừa thôi thúc những nghèo, những người bị áp bức và những ai bênh vực họ can đảm nói lên tiếng nói của mình. Đó cũng là lý do nhiều linh mục, tu sỹ, giáo dân bị đánh đập, bắt bớ, tra tấn và ám sát.
Điều đó càng làm cho Đức cha Oscar Romero càng cương quyết, mãnh liệt hơn trong việc đấu tranh chống lại bạo quyền.
Để phản đối việc chính phủ liên quan đến hay thinh lặng trước các vụ bắt bớ, giết hại, ngài đã không tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống của nước này. Ngài tuyên bố: “Giáo hội không được đo lường bằng sự hỗ trợ của chính phủ mà bằng chính lòng trung thực, tinh thần cầu nguyện theo tinh thần Tin Mừng, sự tin tưởng, chân thành và công lý, nhất là khi Giáo hội chống lại các lạm dụng”.
Một cử chỉ khác được coi là mạnh dạn là việc ngài quyết định cho mở cửa chủng viện tại trung tâm thủ đô San Salvador vào ngày thứ hai Phục Sinh năm 1978 để đón tiếp bất cứ nạn nhân nào của các vụ bạo động. Hàng trăm người vô gia cư, đói rách và bị hành hung đã đến chủng viện.
Và một quyết định nữa nói lên việc ngài toàn tâm toàn lực đấu tranh cho công lý, cho người nghèo là việc ngài cho ngưng xây cất nhà thờ Chính tòa San Salvador. Ngài nói: “Khi nào chiến tranh chấm dứt, những người đói khổ được ăn uống đầy đủ và trẻ con được giáo dục, lúc đó chúng ta sẽ tiếp tục xây cất Nhà thờ Chính tòa”.
Và chết cho người nghèo
Chính sự cương quyết và can đảm đó, ngài đã trở thành cái gai trong mắt những người có quyền, có thế lực tại El Salvador. Ngài luôn bị đe dọa, luôn phải đối diện với nguy hiểm. Biết vậy, ngài vẫn không im lặng, hay tìm một nơi khác an toàn. Vì với ngài, “một mục tử chân chính khi thấy nguy hiểm không thể bỏ đoàn chiên để cứu lấy mạng sống mình. Tôi sẽ ở lại với dân tôi”.
Và khi chấp nhận ‘ở lại’ với dân của mình, với đàn chiên của mình như vậy, ngài biết sớm hay muộn giờ định mệnh kia sẽ đến.
Chiều ngày 24/3/1980, Đức cha Romero cử hành Thánh lễ cầu hồn cho thân mẫu của một người bạn tại nguyện đường của một bệnh viện ở thủ đô San Salvador. Và bài Phúc âm được chọn cho Thánh lễ đó là của Thánh Gioan, trong đó có đoạn: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ... Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.
Áp dụng Lời Chúa vào tình cảnh khốn cùng mà dân nước El Salvador phải chịu, ngài chia sẽ với cộng đoàn: “Điều quan trọng là đừng yêu mình đến nỗi không dám dính líu vào những việc liều lĩnh mà lịch sử đòi hỏi nơi chúng ta ... Bất cứ ai vì lòng yêu mến Chúa Kitô hiến thân phục vụ tha nhân, người ấy sẽ được sống giống như hạt lúa mì chết, nhưng thật ra chỉ chết về mặt bề ngoài”.
Cũng trong bài chia sẻ cuối cùng ấy, ngài cũng xác tín: “Tôi tin trong sự chết có sự sống lại. Nếu người ta giết tôi, tôi sẽ được sống lại trong dân Salvador của tôi”. Kết thúc bài chia sẽ, ngài tới giữa bàn thờ chuẩn bị dâng bánh rượu thì tiếng súng nổ và ngài đã bị sát hại ngay tại đó.
Thách đố cho Giáo Hội ?
Vì dám can đảm lên tiếng đấu tranh cho những nghèo, cho những người bị áp bức ở El Salvador ngài thường được ví như là ‘Giám mục của người nghèo’.
Không chỉ thế theo một bài viết của Christine Allen, được đăng trên trang mạng của tờ nhật báo Anh, The Guardian, ngày 20/03/2010, 30 năm sau ngày ngài bị giết hại Đức cha Oscar Romero vẫn còn là một niềm hy vọng cho người nghèo, người bị áp bức.
Theo bài viết đó, cuộc sống và cái chết của ngài ‘dạy cho chúng ta nhiều giá trị tốt đẹp của Kitô giáo. Ngài mời gọi mỗi người chúng ta trở thành tin mừng cho người nghèo và người bị áp bức trong thế giới hôm nay’.
Nhưng theo Christine Allen cuộc sống và cái chết của Đức cha Oscar Romero cũng đặt ra cho Giáo hội cũng như tất cả các thành viên của mình một thách đố. Đó là liệu ‘chúng ta có dám can đảm lên tiếng và dấn thân phục vụ người khác, và đấu tranh để đòi lại công lý cho những người nghèo, những người bị đẩy ra ngoài vòng xã hội cho dù phải đối diện với những mất mát, rủi ro cá nhân’?
Đoàn Xuân Lộc
tổng hợp
bài liên quan mới nhất
- Ngày thế giới người nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dùng bữa trưa với 1.300 người nghèo
-
Vatican tổ chức khám bệnh miễn phí cho người nghèo nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VIII -
Tại sao Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu cho một bản dịch Kinh Thánh mới? -
Cha Roberto Pasolini, tân giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng -
Đức Thánh Cha thêm Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia vào danh sách tân Hồng y -
Linh mục tự nguyện bị bắt cóc thay cho 2 tiểu chủng sinh -
Dilexit Nos: “Linh đạo liên quan sâu xa đến tâm hồn con người” -
Bảo vệ Trẻ vị thành niên: Báo cáo đầu tiên kêu gọi phản ứng ‘nghiêm ngặt’ -
Đức Hồng Y Fernández: Chúng ta hãy hành động để trao cho phụ nữ nhiều không gian và quyền hơn -
Giám mục Hà Tĩnh: Người Việt Nam chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô