Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Linh mục và Tu sĩ mang trong mình ngọn lửa truyền giáo
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Trong Thư Chung dịp Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo tháng Mân Côi, tôi đã bày tỏ với Gia đình Giáo Phận lòng mong ước như sau: “Tôi thầm mơ ước và cầu xin Đức Mẹ Mân Côi biến đổi Giáo phận chúng ta thành Cộng đoàn Nhà Tiệc Ly, chờ đón Chúa Thánh Thần để xin Ngài tác động và thúc đẩy mọi người nỗ lực vun trồng trong Giáo phận một Mùa Xuân Truyền Giáo”. Ước mơ này chỉ thành hiện thực khi ngọn lửa truyền giáo bùng lên và đốt cháy tâm hồn các Linh mục và Tu sĩ của Giáo phận và từ đó tỏa lan đến đoàn Dân Chúa.Trong viễn tượng này, tôi xin gửi đến quý Cha và quý Tu sĩ một vài tâm tình chia sẻ qua đề tài “Linh mục và Tu sĩ mang trong mình Ngọn Lửa Truyền Giáo”.
1. Maranatha - Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến
Cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta đã khai mạc Mùa Vọng, thời gian chuẩn bị tâm hồn để chào đón Đấng Cứu Thế. Mùa Vọng như có một sức hút và lực đẩy làm cho tâm hồn chúng ta bừng lên một niềm vui và hy vọng trông chờ Đấng Cứu Thế. Lòng trí chúng ta hướng lên Thiên Chúa và tin tưởng kêu xin: “Maranatha - Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (Kh 22, 20); “Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng Chuộc Tội” (Is 45, 8).
Trong khi chúng ta trông chờ Đấng Cứu Thế, rất nhiều người trên thế giới không nghĩ đến Người và không trông chờ Người. Theo thống kê mới nhất, vào giữa năm 2019, dân số thế giới là 7, 714, 577, 000 người trong khi số dân Kitô giáo là 2, 528, 295, 000 người. Như vậy, số người chưa nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế là 5, 186, 282, 000 người. Cứ theo đà tiến của dân số hiện nay, vào năm 2025, dân số thế giới sẽ là 8, 185, 614, 000 người, còn dân số Kitô giáo sẽ là 2, 600, 912, 000 người và số dân ngoài Kitô giáo sẽ là 5, 584, 702, 000.[1] Như vậy, số người chưa biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của thế giới mỗi ngày mỗi tăng lên đông hơn. Đứng trước tình trạng này của thế giới, Linh mục và Tu sĩ được tình hiệp thông với nhân loại thúc đẩy lại dâng lên lời cầu xin tha thiết: “Maranatha - Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (Kh 22, 20); “Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng Chuộc Tội” (Is 45, 8); nhưng lần này không phải chỉ cho riêng mình, mà còn thay cho toàn thể nhân loại, nhất là những anh chị em Lương Dân và những anh chị em đang bị dày xéo bởi nhiều thử thách, vì bệnh tật, cô đơn, nghèo đói, chia rẽ, hận thù…
Cũng thực tại đó của thế giới, một thế giới còn xa cách Chúa, chưa nhận ra Đấng Cứu Độ của mình, lòng chúng ta lại bồi hồi nhớ lại những lời Chúa Kitô đã thổ lộ: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”. (Ga 10, 16); “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. (Ga 12, 32); “Ta khát” (Ga 19, 28).
Linh mục và Tu sĩ, do ơn gọi thánh hiến, để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, cũng mang trong mình nỗi khao khát của Chúa được sớm thấy mọi con chiên hiệp nhất trong cùng một đàn chiên và chỉ có một chủ chiên là Đức Kitô.
2. “Nhìn thấy Đấng Vô Hình”
Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã để lại một câu để đời, nhưng lại ít được nhắc đến. Câu đó là: “Thế giới, mặc dầu đang tỏ ra muôn ngàn dấu hiệu khước từ Thiên Chúa, thực ra lại đang đi tìm Người bằng những con đường chúng ta không ngờ và đang cảm thấy cần Người một cách đau đớn. Thế giới kêu nài những người rao giảng Tin Mừng hãy nói cho thế giới về một Thiên Chúa mà họ biết và thân thiết, như thể họ đã nhìn thấy Đấng Vô hình (x. Dt 11, 21)”. [2]
Người thời đại mong mỏi tìm được Linh mục và Tu sĩ là những chứng nhân đã gặp Chúa Giêsu để truyền đạt cho họ không chỉ giáo lý của Người mà cả kinh nghiệm gặp gỡ sống động với Người. Nhờ đó, họ có thể biết Người và đến với Người chứ không chỉ hiểu giáo lý của Người. Chứng từ của các Tông Đồ đầu tiên đều là chứng từ của những người đã gặp Chúa. Họ nói cho dân chúng về Đấng họ đã gặp, đã biết và đã được chạm đến.- Chứng từ của Thánh Gioan: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa”.(1Ga 1, 1-4).
- Chứng từ của các Tông đồ: “Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do thái và tại chính Giêrusalem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội”. (Cv 10, 39-42).
Ước chi các Linh mục và Tu sĩ của Giáo phận cũng nói được với người đương thời về Chúa Giêsu như một lời chứng phát xuất từ kinh nghiệm sống của mình: “Tôi đã gặp Ngài. Tôi biết Ngài”; “Tôi nói cho anh chị em biết về Đấng tôi đã gặp và tôi làm chứng là Ngài đúng là nguồn sống, nguồn bình an và nguồn hạnh phúc của nhân loại. Ngài có thể ban cho chúng ta ơn bình an cả khi cuộc đời chúng ta long đong và sầu khổ”. Những lý luận, những suy diễn thần học về Chúa cũng quan trọng, nhưng chúng chỉ chiếu soi lòng trí và chạm đến trái tim người nghe khi chúng phát xuất từ tâm hồn của một người đã gặp Chúa và được tình yêu của Ngài ấp ủ. Cũng điều giáo lý đó, cũng đoạn sách Tin Mừng đó, khi phát xuất từ tâm hồn một người đã gặp Chúa và đã được tình yêu của Người chinh phục thì tưới mát tâm hồn người nghe và trấn an lòng người lỡ lầm, nghi nan; khi phát xuất từ một người không thân thiết với Chúa thì trở thành lý thuyết trừu tượng nhạt nhẽo, còn nếu phát xuất từ tâm hồn một người bị chi phối bởi danh vọng, thú vui và tư lợi thì gây hoang mang, bối rối và có khi tủi nhục trong lòng người nghe.
Để gặp Thiên Chúa và trở nên nghĩa thiết với Người đến độ như “nhìn thấy Đấng Vô Hình” và “nghe được tiếng Đấng nói không bằng lời”, đã có cả một kho tàng khôn ngoan được các Thánh, thầy dạy đàng nhân đức, để lại trong Giáo Hội. Ở đây, tôi xin được tóm lược lại ba điểm nền tảng:
a. Gặp gỡ Chúa trong thinh lặng nguyện cầu
Nếu chúng ta muốn gặp Chúa, chúng ta phải để Người lôi cuốn ta vào nơi thanh vắng. Ở đó, Người sẽ thủ thỉ vào lòng chúng ta: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút… Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng”. (Mc 6, 31-32); “Này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình”. (Hs 2, 16).
Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thánh hiến và chứng tá của Linh mục và Tu sĩ. Cầu nguyện chẳng khác gì hơi thở cho cuộc sống nên đối với Linh mục và Tu sĩ, thực không đủ nếu chỉ cầu nguyện trong những giờ kinh với cộng đoàn và cử hành Bí tích cho cộng đoàn, nhưng còn phải có những giây phút riêng tư với Chúa, nhất là trước Chúa Giêsu Thánh Thể để có thể nói với Người: “Con tin Chúa ở đây với con và vì con nên con cũng muốn nói con ở đây với Chúa và vì Chúa. Con biết Chúa là của con nên con cũng muốn nói với Chúa con là của Chúa và đời con là cho Chúa”. Trong những giây phút riêng tư thân mật đó, Chúa sẽ nói vào lòng chúng ta điều Người muốn nơi chúng ta, nhất là để nói cho chúng ta hiểu được những bí nhiệm của lòng Người, giúp chúng ta cảm nghiệm được Người thương yêu chúng ta dường nào và muốn chúng ta tìm được sự an bình và sức mạnh trong tình yêu của Người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”. (Mt 11, 28-30).
b. Suy niệm Lời Chúa để được soi sáng và thanh luyện
Dân chúng không những mong đợi được nghe lời Chúa mà còn được xem thấy Chúa qua các Linh mục và Tu sĩ. Ước mong của dân chúng chắc chắn được đáp ứng vì ơn gọi thánh hiến của Linh mục và Tu sĩ là trở nên đồng hình, đồng dạng với Chúa Kitô. Trong viễn tượng này, việc suy niệm Lời Chúa là yếu tố thiết yếu trong đời sống của Linh mục và Tu sĩ vì Lời Chúa sẽ dẫn đường chỉ lối và biến đổi con người của Linh mục và Tu sĩ: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105); “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người”. (Dt 4, 12).
Việc suy niệm Lời Chúa phải dẫn đưa chúng ta từ HỌC HỎI Lời Chúa sang CẦU NGUYỆN và SỐNG Lời Chúa. Học Hỏi là tìm để biết và hiểu, Cầu Nguyện là đón nhận và để cho Lời Chúa chiếu soi cụ thể vào cuộc sống của mình để biến đổi cuộc đời. Chính vì không cầu nguyện với Lời Chúa mà có trường hợp một người biết rất nhiều về Lời Chúa và các khám phá mới mẻ về Kinh Thánh, nhưng cuộc đời của họ lại xa cách và trái ngược tinh thần của Kinh Thánh. Trong việc học hỏi và cầu nguyện với Lời Chúa, có hai cám dỗ cần phải tránh. Cám dỗ thứ nhất là đọc Lời Chúa để tìm ý tưởng mới nhằm thỏa mãn tính tò mò và tự phụ trí thức. Cám dỗ thứ hai là tìm Lời Chúa chỉ để dạy bảo người khác. Cả hai cám dỗ đều dẫn đến một điều là không đón nhận Lời Chúa để được chiếu soi và thanh luyện cuộc đời và cả những điều kín nhiệm trong lòng mình.
c. Từ bỏ mọi sự vì Chúa
Một người chỉ có thể kiên trì và hạnh phúc gặp Chúa khi chấp nhận hy sinh, từ bỏ tất cả, bắt đầu từ những chuyện nho nhỏ trong ngày sống vì Chúa. Đây là một hành trình rất khó khăn, nhưng một người không chấp nhận từ bỏ tất cả vì Chúa thì không thể nếm được niềm vui của Chúa và không thể nói với người khác về Đấng mình đã gặp và hạnh phúc được thuộc về Ngài.
Để cho việc “từ bỏ tất cả” bớt trừu tượng, chúng ta có thể lấy hai mô hình sau đây để chiếu soi cho hành trình luyện tập buông bỏ tất cả để được thanh thoát hoàn toàn. Mô hình thứ nhất dựa trên Lời Khuyên Phúc Âm (Lời Khấn Dòng): Tiền bạc, của cải vật chất (Lời Khuyên Khó Nghèo); Tình cảm nhân loại, kể cả tình cảm chính đáng (Lời Khuyên Khiết Tịnh); Danh vọng, ý riêng (Lời Khuyên Vâng Phục). Mô hình thứ hai dựa trên cơ cấu tâm lý con người: Ý tưởng, dự án, ý kiến; Tình cảm, thú vui, tiện nghi; Danh dự, chức vụ quyền bính.
3. “Sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”
Một khi lòng đầy tràn Chúa, nếm hạnh phúc gặp Chúa, được thấm nhuần tâm tư của Chúa đến độ trở thành đồng hình, đồng dạng và đồng cảm với Chúa, Linh mục và Tu sĩ sẽ nhận thấy mình được thúc đẩy mạnh mẽ tự bên trong, hân hoan ra “vùng ngoại biên truyền giáo” để gặp gỡ anh chị em Lương Dân.
“Vùng ngoại biên truyền giáo” có thể là địa bàn của Giáo phận, Quê hương Việt Nam và thế giới; “Vùng ngoại biên truyền giáo” cũng có thể ở ngay trong giáo xứ hay trường học (đối với các cộng đoàn Dòng Tu có những cơ sở giáo dục), cũng có thể là những người bạn mình vẫn thường gặp trong các cuộc tiếp xúc. Họ vẫn ở đó, nhưng mình chưa bao giờ quan tâm đến họ trong tâm tình của Chúa Giêsu: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”. (Ga 10, 16); “Tôi là bánh trường sinh...Bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. (Ga 6, 48-51). Chính vì vậy, anh chị em Lương Dân ít khi hiện diện trong tâm tư, trong các tiếp xúc và các chương trình mục vụ của các Linh mục và Tu sĩ.
Đối với các Linh mục và Tu sĩ, có hai điều cần quan tâm trong việc hướng ra “Vùng ngoại biên truyền giáo”. Điều thứ nhất là tinh thần thúc đẩy và nâng đỡ các hành động. Tinh thần hướng dẫn và nâng đỡ các hành động truyền giáo chỉ có thể là tinh thần của Chúa Kitô trong sứ mệnh cứu độ của Người. Đó chính là tình yêu, được diễn tả qua nhiều hình thức: tình nghĩa, chia sẻ, cảm thông, kính trọng, nhân từ, bao dung, tha thứ, dâng tặng… Điều thứ hai cần được quan tâm trong trách nhiệm của các Linh mục và Tu sĩ, nhất là các Cha Chánh xứ, là đoàn Dân Chúa được trao phó cho mình hướng dẫn và phục vụ. Do đó, các Linh mục và Tu sĩ không ra vùng ngoại biên một mình, nhưng cần mời gọi, tổ chức và thúc đẩy đoàn Dân Chúa cùng ra “Vùng ngoại biên truyền giáo” để loan truyền tình yêu của Chúa cho anh chị em Lương Dân.
Để kết thúc tâm tình chia sẻ này, tôi mời gọi quý Cha và quý Tu sĩ cùng cầu xin Mẹ Maria, Ngôi Sao Truyền Giáo [3] cầu bầu cho chúng ta ơn Chúa Thánh Thần, Đấng ban sức mạnh để giúp chúng ta và toàn thể Giáo phận mở các chương trình mục vụ hướng tới anh chị em Lương Dân và mở lòng mình ra đi gặp gỡ họ với tình thương yêu của Chúa Cứu Thế. Nhờ đó, mơ ước về một “Mùa Xuân Truyền Giáo” sẽ hình thành và triển nở trong Giáo phận chúng ta.
Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
[1] Source: Todd M. Johnson and Gina A. Zurlo, eds. World Christian Database (Leiden/Boston: Brill, accessed July 2018), www.worldchristiandatabase.org.
[2] ĐGH Phaolô VI, Tông huấn “Rao giảng Tin Mừng trong thế giới ngày nay”, số 76.
[3] x. ĐGH Phaolô VI, Việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới ngày nay, 08/12/1975, số 82.
Nguồn: Giáo phận Xuân Lộc
bài liên quan mới nhất
- Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski gặp gỡ chủng sinh Tổng Giáo phận Hà Nội
-
Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể -
Trực tiếp Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể lúc 08G00 Ngày 20/12/2024 -
Hành trình cuộc đời và con đường sứ mạng của Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể -
Toà Tổng Giám mục Huế kính báo: Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể đã an nghỉ trong Chúa -
Hội đồng Giám mục Việt Nam dựng bia ghi ơn Hội Thừa sai Paris -
Thánh lễ truyền chức Giám Mục cho Đức Cha Tân Cử Giuse Vũ Công Viện Ngày 28/11/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Giuse Vũ Công Viện ngày 28/11/2024 -
Nghi thức Tuyên xưng Đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Vũ Công Viện -
Kỳ họp Thường niên Ủy ban Công lý - Hòa bình 2024: Trái đất và môi sinh
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô