ĐTC Phanxicô tại Bari: Phải ưu tiên xây dựng hòa bình

ĐTC Phanxicô tại Bari: Phải ưu tiên xây dựng hòa bình

ĐTC Phanxicô tại Bari: Phải ưu tiên xây dựng hòa bình

Như tin đã đưa, sáng Chúa Nhật 23/2, Đức Thánh Cha đến thành phố Bari, ở miền nam nước Ý, để tham dự và kết thúc cuộc gặp gỡ từ 19-23/2 vì hoà bình cho vùng Địa Trung Hải, với sự tham dự của hơn 100 giám mục của vùng này. Đức Thánh Cha khởi hành từ Vatican lúc 7h sáng bằng máy bay trực thăng và đến Bari lúc 8h15.

Lúc 8h30, Đức Thánh Cha gặp gỡ các giám mục và có một bài huấn dụ dành cho các giám mục tham dự.

Lý do chọn Bari

Mở đầu bài huấn dụ, trước hết, Đức Thánh Cha giải thích lý do chọn thành phố Bari là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ vì hòa bình cho Địa Trung Hải: “Tôi quyết định chọn nơi đây, vì thành phố Bari có ý nghĩa quan trọng trong mối tương quan với Trung Đông và lục địa châu Phi, một dấu chỉ hùng hồn về mối tương quan sâu sắc giữa các dân tộc và truyền thống. Hơn nữa, giáo phận Bari luôn giữ cho cuộc đối thoại đại kết và liên tôn sống động, dấn thân không mệt mỏi trong việc thiết lập mối tương quan hỗ tương và tình huynh đệ. Chính vì thế cách đây hơn một năm tôi đã chọn Bari là nơi gặp gỡ các vị lãnh đạo các cộng đoàn Kitô hữu Đông Phương”.

Vai trò quan trọng của Địa Trung Hải

Từ bối cảnh thực tế của thế giới, đặc biệt của Địa Trung Hải, Đức Thánh Cha nói đến cuộc gặp gỡ của các giám mục. Các giám mục gặp nhau để suy tư về ơn gọi và số phận của Địa Trung Hải, về việc chuyển giao đức tin và thúc đẩy hòa bình. Chính Địa Trung Hải là nơi nền văn minh nhân loại được hình thành, nơi gặp gỡ của các dân tộc. Chính vì vậy các dân tộc và các nền văn hóa phải gặp gỡ nhau và nhớ đến những gì họ có chung. Mọi người phải ý thức, chỉ khi sống chung hòa thuận thì họ mới có thể tận hưởng những cơ hội  mà khu vực này mang lại, trong đó bao gồm tài nguyên, vẻ đẹp của vùng đất, các truyền thống. Địa Trung Hải là một sự giao thoa giữa các lợi ích và sự kiện quan trọng nhìn từ khía cạnh xã hội, chính trị, tôn giáo và kinh tế, và có ảnh hướng đến các khu vực khác của thế giới.

Sứ vụ người môn đệ Chúa

Liên quan đến tình hình thực tế của Địa Trung Hải, Đức Thánh Cha so sánh vùng đất này với thời của Chúa Giêsu. Như Chúa Giêsu hoạt động trong một bối cảnh văn hóa và tôn giáo phức tạp, ngày nay chúng ta được đặt vào trong một bức tranh xã hội có nhiều mặt và nhiều hình thức bị xé nát và làm gia tăng bất ổn bởi sự chia rẽ và bất bình đẳng. Trong bối cảnh này tất cả mọi người, các tôn giáo, các nhà chính trị được mời gọi làm chứng cho sự hiệp nhất và hòa bình. Chúng ta làm điều này xuất phát từ đức tin và từ việc chúng ta thuộc về Giáo hội. Chúng ta hãy tự hỏi, là những một đệ của Chúa, chúng ta đã đóng góp được gì cho người nam và nữ tại khu vực Địa Trung Hải.

Chuyển giao đức tin

Đi từ thực tế của vùng đất này, Đức Thánh Cha nói việc chuyển giao đức tin cho các thế hệ. Việc này chỉ có thể thực hiện được tại nơi đây khi đức tin được gìn giữ và nuôi dưỡng nhờ giáo lý và cử hành các Bí tích, giáo dục lương tâm, lắng nghe Lời Chúa. “Ở nơi đây, đức tin được kết hợp với sự phong phú của các nền văn hóa qua các tác phẩm nghệ thuật. Một di sản thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới. Di sản này phải được bảo tồn cẩn thận và chuyển giao cho thế hệ tiếp theo”.

Loan báo Tin Mừng đi đôi với dấn thân vì lợi ích chung

“Trong bối cảnh này, việc loan báo Tin Mừng không thể tách rời khỏi việc dấn thân vì công ích và thúc đẩy chúng ta hành động không mệt mỏi cho hòa bình. Ngày nay, khu vực Địa Trung Hải trở nên bất ổn và chiến tranh, cả ở Trung Đông lẫn ở các nước Bắc Phi, cũng như giữa các nhóm sắc tộc hoặc các nhóm tôn giáo. Chúng ta cũng không thể quên cuộc xung đột vẫn chưa được giải quyết giữa người Israel và người Palestine, với sự nguy hiểm của các giải pháp bất bình đẳng và do đó, là kẻ gây ra các cuộc khủng hoảng mới”.

Chiến tranh là một hành động điên rồ

Theo Đức Thánh Cha, trong các cuộc chiến tranh, người ta sử dụng những của cải, tài nguyên xã hội để hỗ trợ các gia đình, y tế, giáo dục vào việc mua vũ khí. Và đây là một hành động điên rồ.

Mục tiêu cuối cùng của mỗi xã hội loài người vẫn là hòa bình. Không có sự thay thế hợp lý nào cho hòa bình. Chiến tranh xuất hiện như là sự thất bại của mọi dự án của con người và Thiên Chúa. Điều này dễ hiểu khi thăm một thành phố có xung đột. Chúng ta sẽ nhận ra do hận thù, khu vườn biến thành một vùng đất hoang tàn và thiên đường trở thành địa ngục trần gian.

Phải ưu tiên xây dựng hòa bình

Việc xây dựng hòa bình phải là ưu tiên hàng đầu mà Giáo hội và mọi tổ chức dân sự phải luôn nhận thấy. Và công lý là điều kiện tiên quyết và thiết yếu. Hòa bình bị chà đạp ở nơi mà nhu cầu của con người bị bỏ qua và lợi ích kinh tế của các đảng phái chiếm ưu thế.

Công lý cũng bị văn hóa loại bỏ cản trở, đối xử với con người như đồ vật, tạo ra và gia tăng bất bình đẳng. Nhiều hoạt động bác ái, giáo dục được các cộng đồng Kitô thực hiện góp phần ngăn chặn văn hóa này. Và mỗi khi các giáo phận, giáo xứ, hiệp hội, tình nguyện viên hoặc cá nhân làm việc để hỗ trợ những người bị bỏ rơi hoặc có nhu cầu, thì Tin Mừng lại có được sức thu hút mới.

Theo đuổi công ích là một tên gọi khác của hòa bình. Đức Thánh Cha trích dẫn lời của thị trưởng thành Firenze, thánh Giorgio La Pira, để đưa ra tiêu chí cho tinh thần này: “Hãy để nỗi niềm mong đợi của người nghèo hướng dẫn chúng ta”. Nguyên tắc này không bao giờ được loại bỏ chỉ vì lợi ích cá nhân. Và chính nguyên tắc này, nếu được thực hiện nghiêm túc, sẽ là một bước ngoặc nhân chủng học sâu sắc, làm cho mọi người sống xứng đáng hơn.

Tình trạng của người di cư

Đức Thánh Cha đề cập đến tình trạng thực tế của Đại Trung Hải. Đây là một vùng đất dừng chân của những người phải rời khỏi quê hương do chiến tranh, bạo lực với mong ước tìm kiếm một cuộc sống xứng đáng hơn với nhân phẩm. Nhưng thực tế họ đang phải sống trong một hoàn cảnh rất bấp bênh do số người tị nạn ngày càng gia tăng, khí hậu và môi trường ngày càng trở nên khắc nghiệt. Và như thế đây là điểm đánh dấu sâu sắc về khu vực Đại Trung Hải, điều mà chính các quốc gia và các tôn giáo chưa chuẩn bị kịp. Hậu quả là không chỉ các quốc gia mà những dòng người di cư đi qua lẫn các quốc gia mà họ muốn đến định cư bị ảnh hưởng, mà chính các Chính phủ và các Giáo hội nơi họ ra đi cũng trở nên u tối bởi sự ra đi của nhiều người trẻ.

Chúng ta biết trong nhiều hoàn cảnh xã hội hiện nay, đang lan tràn sự dửng dưng và thậm chí là từ chối những người tị nạn. Điều này làm chúng ta nhớ đến thái độ trong các dụ ngôn của Tin Mừng. Thái độ đóng kín cõi lòng trong chính sự giàu có của mình, không đón tiếp những anh chị em đang kêu cứu. Họ sợ hãi và tìm cách phòng vệ trước những người mà họ coi như những người xâm lược. Đứng trước hiện trạng này, cộng đồng quốc tế cần phải dừng các can thiệp quân sự, đồng  thời phải xây dựng các tổ chức bảo đảm cơ hội bình đẳng và những nơi mà công dân có thể tham gia vào công ích.

Sứ mạng của Giáo hội

Đức Thánh Cha mời gọi các Giám mục hãy lên tiếng yêu cầu các Chính phủ bảo vệ các nhóm thiểu số và tự do tôn giáo. Trong những cuộc bách hại tôn giáo, các cộng đoàn Kitô hữu là những nạn nhân trước tiên, tạo ra một vết thương làm con tim chúng ta rớm máu, chúng ta không thể thờ ơ trước hiện tượng này. Đồng thời, chúng ta không bao giờ chấp nhận để cho những người đi tìm kiếm niềm hy vọng bằng đường biển phải chết mà không được giúp đỡ, hoặc để họ trở thành nạn nhân của khai thác tình dục, mafia.

Đức Thánh Cha nhìn nhận sự thật: “Tất nhiên việc đón tiếp và hội nhập toàn diện không phải là một quá trình dễ dàng; tuy nhiên, chúng ta không thể tưởng tượng được việc người ta xây những bức tường ”.

Địa Trung Hải có một ơn gọi đặc thù: về mặt văn hóa luôn cởi mở cho những cuộc gặp gỡ, đối thoại và hội nhập văn hóa. Do đó, Địa Trung Hải đại diện cho một tiềm năng đặc biệt: chúng ta đừng để chủ nghĩa quốc gia lan rộng, nghĩa là làm cho một số quốc gia bị cô lập. Chỉ đối thoại mới cho phép chúng ta gặp gỡ, giúp vượt qua những định kiến, có thể nói chuyện và hiểu nhau hơn.

Theo nghĩa này, một cơ hội đặc biệt dành cho các thế hệ mới, khi họ được đảm bảo quyền tiếp cận các tài nguyên và được đặt trong điều kiện để trở thành nhân vật chính trong hành trình của họ. Và nhờ đó, họ có thể tỏ ra là người có khả năng tạo ra tương lai và hy vọng. Kết quả này chỉ có thể xảy ra khi thế hệ trẻ được đón nhận cách chân thành, nhân từ không hời hợt, trong mọi lãnh vực và mọi cấp độ.

Đối với những ai tin vào Tin Mừng, đối thoại không chỉ đơn giản có một giá trị nhân học mà còn có giá trị thần học. Lắng nghe anh chị em không chỉ là một hành động bác ái, mà còn là một cách đặt mình lắng nghe Chúa Thánh Thần, là Đấng chắc chắn cũng đang hoạt động ở người kia.

Thần học đón tiếp và đối thoại

Cần phải soạn thảo một nền thần học đón tiếp và đối thoại, diễn giải và đề xuất lại việc giảng dạy Kinh Thánh. Và điều này chỉ có thể được thực hiện được nếu chúng ta nỗ lực thực hiện bước đầu tiên và không loại trừ những hạt giống sự thật nơi những người khác. Theo cách này, việc đối chiếu nội dung của các niềm tin khác nhau có thể liên quan không chỉ đến các sự thật được tin, mà còn các chủ đề cụ thể, vốn trở thành các điểm giá trị của tất cả giáo huấn. Cũng chính vì lý do này mà một cuộc gặp gỡ sống động hơn giữa các tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau là rất cần thiết, được thúc đẩy bởi tinh thần tôn trọng chân thành và một ý hướng hòa bình.

Tiếp tục dòng tư tưởng về đối thoại, Đức Thánh Cha hướng các giám mục đến “Tài liệu về tình huynh đệ con người về hòa bình và chung sống” đã ký tại Abu Dhabi. Đức Thánh Cha nói: theo những lời dạy thiết thực của tài liệu, các tôn giáo, thay vì chống đối nhau, phải cùng nhau hợp tác lo cho người nghèo, người di cư, và cùng nhau tìm kiếm sự hiệp nhất.

Mẫu gương Tông đồ Phaolô

Đức Thánh Cha cầu chúc cho cuộc gặp gỡ này mang lại nhiều hoa trái tốt lành nhờ sự cầu bầu của Thánh Phaolô, người đầu tiên đã vượt Địa Trung Hải với biết bao khó khăn gian khổ để mang Tin Mừng của Chúa cho muôn dân. Mẫu gương của Thánh Tông Đồ giúp các giám mục tiếp tục dấn thân trong niềm vui và tự do để chuyển giao đức tin cho thời  đại hôm nay.

Cuối cùng Đức Thánh Cha trích dẫn lời ngôn sứ Isaia như một sứ vụ dành cho các giám mục và cũng như ước muốn trao ban sức mạnh và niềm hy vọng . Trước sự hoang tàn của Giêrusalem và dân phải lưu đày, vị ngôn sứ luôn hướng mắt về tương lai hòa bình và thịnh vượng: “Họ sẽ tái thiết những tàn tích cổ xưa, sẽ dựng lại những hoang tàn thuở trước, tu bổ những thành bị bỏ hoang, những chốn hoang tàn từ bao thế hệ”. Đức Thánh Cha nói: “Đây là công việc mà Thiên Chúa trao phó cho anh em cho khu vực Địa Trung Hải này”.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top