ĐTC Phanxicô: Chúa biện hộ cho người ta, dù họ cố tình hãm hại Chúa
TGPSG / Vatican.va -- Trong phần thứ nhất của bài giảng Lễ Lá năm nay 2022, ĐTC Phanxicô đã trình bày cho mọi người thấy: có hai não trạng đối nghịch nhau trên đồi Canvê: tự cứu và tha thứ. Thay vì tìm cách tự cứu mình khỏi nỗi đau trên thập giá - theo lời thách thức của của những kẻ hãm hại Người, Chúa Giêsu đã nói lời tha thứ cho họ, chính vào lúc họ đang làm cho Người phải đau đớn đến tận cùng và đau đớn mấy giờ liền như thế trên thập tự.
Không những thế, Chúa còn biện hộ cho họ, để xin Chúa Cha tha thứ cho chính những kẻ đang cố tình hãm hại Người: đó là nội dung phần thứ hai của bài giảng Lễ Lá được ĐTC Phanxicô nhấn mạnh vào đầu tuần này.
Chúa là Đấng biện hộ cho ta
Chúa đã cầu nguyện khi đau đớn trên đồi Canvê: ‘Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.’ Họ không biết việc họ làm ư? Những kẻ đóng đinh Người trước đó đã xác định rất rõ rằng phải tiêu diệt Đức Giêsu. Họ đã tổ chức để bắt Người, xét xử Người, và bây giờ họ đang ở trên đồi Canvê để chứng kiến cái chết của Người. Họ biết quá rõ việc họ đang làm và đang thỏa mãn với việc đó. Vậy mà Đức Giêsu vẫn biện hộ cho những kẻ bạo tàn đó rằng: Họ không biết việc họ làm!
Đây là cách Chúa Giêsu đối xử với chúng ta: Người trở thành người biện hộ cho chúng ta. Người không chống lại chúng ta, Người chỉ chống lại tội lỗi của chúng ta để cứu chúng ta. Và lập luận mà Người sử dụng thật thú vị: bởi vì họ không biết, sự thiếu hiểu biết của trái tim mà tất cả tội nhân chúng ta đều có.
Khi người ta sử dụng bạo lực thì đúng là họ đã không biết về ‘Thiên Chúa là Cha của họ’, cũng không biết về ‘người khác là anh em của họ’. Chúng ta đã quên mất lý do chúng ta có mặt trên thế giới này và chúng ta đã thực hiện những hành động tàn ác cách ngu dại. Chúng ta thấy điều này trong sự điên rồ của chiến tranh, nơi chúng ta trở lại đóng đinh Chúa Kitô. Đúng vậy, một lần nữa, Chúa Kitô lại bị đóng đinh trên Thánh giá nơi những người mẹ đang than khóc về cái chết oan uổng của chồng con họ. Người bị đóng đinh nơi những người tị nạn chạy trốn bom đạn với những đứa trẻ trên tay. Người bị đóng đinh nơi những người già bị bỏ lại một mình chỉ để chết, nơi những người trẻ bị tước đoạt tương lai của họ, nơi những người lính bị gửi đi để giết anh em của họ. Chúa Kitô bị đóng đinh ở đó, ngày nay.
Người trộm lành được Chúa phong thánh
Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Nhiều người nghe thấy những lời chưa từng nghe này; nhưng vào khoảnh khắc đó, có một người đã tận tình chào đón lời này. Anh ta là một tội phạm, bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu. Lòng thương xót của Chúa Giêsu đã làm trỗi dậy niềm hy vọng cuối cùng trong anh và khiến anh thốt lên những lời này: “Ông Giêsu ơi, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42) như muốn nói rằng: “Mọi người đã quên tôi rồi, nhưng ông còn nghĩ đến những kẻ đã đóng đinh ông. Vậy thì, với ông, vẫn còn có chỗ dành cho tôi.”
Người trộm lành đã đón nhận Thiên Chúa khi cuộc sống sắp kết thúc và vì vậy cuộc sống của anh đã bắt đầu lại. Nơi địa ngục trần gian, anh thấy cửa Thiên Đàng mở ra: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (c. 43). Đây là điều kỳ diệu của ơn tha thứ đến từ Thiên Chúa. Điều này đã biến lời thỉnh cầu cuối cùng của một người bị kết án tử hình trở thành cuộc phong thánh đầu tiên trong lịch sử.
Không bao giờ là quá muộn
Trong Tuần Thánh này, chúng ta hãy xác định cách chắc chắn rằng: Thiên Chúa có thể tha thứ mọi tội lỗi. Thiên Chúa tha thứ cho tất cả mọi người, Người có thể nối liền mọi khoảng cách, biến mọi tiếng khóc thành vũ điệu (x. Tv 30,12). Hãy tin chắc rằng, với Đức Kitô, luôn có chỗ cho mọi người; rằng với Chúa Giêsu, không bao giờ là kết thúc, không bao giờ là quá muộn. Với Chúa, chúng ta luôn có thể quay trở lại cuộc sống. Can đảm lên, chúng ta hãy tiến bước đến Lễ Phục sinh với ơn tha thứ của Người vì Chúa Kitô liên tục cầu bầu cùng Chúa Cha cho chúng ta (x. Dt 7,25). Và khi nhìn vào thế giới bạo lực đầy thương tích của chúng ta, Người không bao giờ mệt mỏi lặp lại: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. Chúng ta cũng hãy lặp lại điều này trong tâm hồn: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha thành lập Ủy ban Tòa Thánh về ngày Thế giới Trẻ em
-
Việt Nam, quốc gia có tỷ lệ phá thai cao hàng đầu thế giới, dẫn đầu sáng kiến của Liên Hợp Quốc về sinh non -
Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố hoàn tục một linh mục lạc giáo người Argentina -
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người thánh thiện của các giáo phận -
Nhận định của Đức Bênêđictô XVI về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em -
Giáo hội và Nhà nước Pháp đang chuẩn bị sự kiện mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà Paris -
Kitô hữu chiếm 75% tổng số các cuộc bách hại chống các tôn giáo thiểu số -
Ngày thế giới người nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dùng bữa trưa với 1.300 người nghèo -
Vatican tổ chức khám bệnh miễn phí cho người nghèo nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VIII -
Tại sao Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu cho một bản dịch Kinh Thánh mới?
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô