ĐTC chủ sự Thánh Lễ cho hơn 1 triệu tín hữu tại sân bay Ndolo, Kinshasa
Vào ngày thứ hai trong chuyến Tông du đến Cộng hòa Dân chủ Congo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ cho hơn một triệu người tại sân bay “Ndolo” ở Kinshasa. Trong bài giảng ngài kêu gọi họ hạ vũ khí, đón nhận lòng thương xót và trở thành những nhà truyền giáo của hòa bình.
Ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm CHDC Congo của Đức Thánh Cha bắt đầu với Thánh lễ được ngài cử hành vào lúc 9 giờ rưỡi sáng thứ Tư ngày 1/2/2023 tại sân bay N'dolo ở thủ đô Kinshsa của CHDC Congo.
Từ Toà Sứ thần Đức Thánh Cha đi xe hơi đến sân bay cách đó khoảng 8,5 km. Đến phi trường Đức Thánh Cha đi xe mui trần vòng quanh sân bay để chào các tín hữu. Đức Hồng y Fridolin Ambongo Besungu, Tổng Giám mục của Kinshasa, đã tháp tùng Đức Thánh Cha.
ĐTC chủ sự Thánh Lễ tại sân bay Ndolo
Sân bay N'dolo đã được chỉnh trang 850 ngàn mét vuông để có thể tiếp đón tới gần 2 triệu tín hữu đến tham dự Thánh lễ. Ban tổ chức chuẩn bị 34 lối vào địa điểm này, được chia thành 30 khu vực, và một lễ đài rộng 1.440 mét vuông với thang máy.
ĐTC chủ sự Thánh Lễ tại sân bay Ndolo
Thánh lễ hôm nay được cử hành theo sách lễ Rôma dành cho các giáo phận của Zaire, cầu nguyện cho hoà bình và hoà giải.
Zaire là tên cũ của Cộng hòa dân chủ Congo. Sách lễ dành cho các giáo phận của Zaire đã được Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích phê chuẩn ngày 30/04/1988, với những thích ứng nghi lễ Roma thông thường với một số điểm theo văn hóa Congo, theo lời thỉnh cầu của các Giám mục Zaire hồi năm 1969, kết quả một tiến trình hội nhập văn hóa lâu dài được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II khuyến khích.
Văn bản Thánh lễ và nghi thức chú ý đặc biệt đến truyền thống truyền khẩu của Phi châu và nhấn mạnh sự tham gia tích cực của cộng đoàn, qua những cử điệu nhịp nhàng và giơ hai tay lên trời.
Kinh cầu các thánh được cử hành ngay đầu Thánh lễ, trong đó các tín hữu kêu cầu với cả các tổ tiên có tâm hồn ngay chính đang hiệp thông với Thiên Chúa. Trong khi đó nghi thức thống hối và chúc bình an được cử hành sau bài giảng, trước phần lời nguyện giáo dân và dâng lễ vật.
ĐTC chủ sự Thánh Lễ tại sân bay Ndolo
Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng với lời cầu chúc: “Bình an cho anh chị em!”, và các tín hữu đáp lại: “Chúng ta là anh chị em một nhà.” Đức Thánh Cha lặp lại: “Chúng ta là anh chị em một nhà,” và các tín hữu reo lên: “Thật là vui thay!”
Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng với từ Esengo, có nghĩa là niềm vui. Ngài nói: “nhìn thấy và gặp gỡ anh chị em thật là niềm vui lớn lao: tôi đã rất trông chờ giây phút này. Cảm ơn anh chị em đã đến đây!”
ĐTC chủ sự Thánh Lễ tại sân bay Ndolo
“Bình an cho anh em!”
Nối kết niềm vui gặp gỡ này với niềm vui của các môn đệ trong bài Tin Mừng thánh Gioan vừa được công bố, họ hết sức vui mừng khi nhìn thấy Chúa, Đức Thánh Cha nhận định rằng niềm vui của các môn đệ được bảo đảm bởi lời chào, đúng hơn là món quà Chúa Phục Sinh ban cho họ: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19).
Và “Bình an của Chúa Giêsu, điều cũng được ban cho chúng ta trong mỗi Thánh Lễ, là bình an của lễ Phục Sinh: bình an đến từ sự phục sinh, bởi vì trước tiên Chúa phải đánh bại kẻ thù của chúng ta là tội lỗi và sự chết, và hòa giải thế giới với Chúa Cha. Người đã phải trải qua sự cô đơn và sự bỏ rơi của chúng ta, địa ngục của chúng ta, đón nhận và xoá bỏ những khoảng cách tách chúng ta ra khỏi sự sống và niềm hy vọng. Giờ đây, sau khi xóa bỏ khoảng cách giữa Trời và Đất, giữa Thiên Chúa và con người, Chúa Giêsu ban bình an cho các môn đệ của Người.”
Ngày hôm đó, các môn đệ hoàn toàn mất nhuệ khí bởi biến cố thập giá, bị tổn thương trong lòng vì đã chạy trốn và bỏ rơi Chúa Giêsu, thất vọng vì cái kết của Người, và sợ rằng cuộc sống của họ cũng sẽ kết thúc giống như Người... Tuy nhiên, Chúa Giêsu đến và loan báo bình an ngay cả khi tâm hồn họ tràn đầy thất vọng. Người loan báo sự sống ngay cả khi họ cảm nhận bị bao quanh bởi sự chết... Đây là điều Chúa làm: Người làm chúng ta kinh ngạc, Người nắm tay chúng ta khi chúng ta sắp chìm, Người nâng chúng ta lên khi chúng ta rơi xuống tận đáy.
ĐTC chủ sự Thánh Lễ tại sân bay Ndolo
Công bố thông điệp hòa bình đầy cảm hứng
Do đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Với Chúa Giêsu, sự dữ không bao giờ chiến thắng, nó không bao giờ có tiếng nói quyết định. 'Vì Người là bình an của chúng ta' (Ep 2,14) và bình an của Người chiến thắng. Vì vậy, chúng ta, những người thuộc về Chúa Giêsu, không bao giờ được để cho nỗi buồn ngự trị trong chúng ta, chúng ta không được để cho sự cam chịu và số phận nắm giữ chúng ta... Trong một thế giới chán nản vì bạo lực và chiến tranh, các Kitô hữu phải hành động như Chúa Giêsu: Bình an cho anh em! (x. Ga 20,19. 21). Chúng ta được mời gọi để biến thông điệp hòa bình đầy cảm hứng và mang tính ngôn sứ này thành của chúng ta và công bố nó cho thế giới.”
Nhưng làm thế nào chúng ta có thể gìn giữ và vun trồng bình an của Chúa Giêsu? Đức Thánh Cha giải thích về ba suối nguồn bình an mà Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta để có thể kín múc và tiếp tục nuôi dưỡng bình an
ĐTC chủ sự Thánh Lễ tại sân bay Ndolo
Tha thứ
Nguồn mạch đầu tiên là sự tha thứ. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu các con tha tội cho ai, thì người ấy sẽ được tha” (c. 23). Đức Thánh Cha nhận xét rằng trước khi trao quyền tha tội cho các tông đồ, Chúa đã tha thứ cho họ; không phải bằng lời nói, nhưng bằng một hành động, cử chỉ đầu tiên của Đấng Phục sinh. “Người tỏ cho họ xem tay và cạnh sườn Người” (c. 20), bởi vì sự tha thứ nảy sinh từ những vết thương. “Nó nảy sinh khi những vết thương chúng ta gánh chịu không để lại vết sẹo hận thù, mà trở thành cách thế để chúng ta dành chỗ cho người khác và chấp nhận những yếu đuối của họ. Khi đó, khiếm khuyết của chúng ta trở thành cơ hội và sự tha thứ trở thành con đường dẫn đến hòa bình. Đó không phải là chúng ta bỏ mọi thứ qua một bên và hành động như thể không có chuyện gì xảy ra, nhưng là yêu thương mở lòng với người khác.”
Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để tha thứ
Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu rằng khi tội lỗi và nỗi buồn đè nặng chúng ta, khi mọi thứ không như ý, chúng ta hãy nhìn vào những vết thương của Chúa Giêsu, Đấng sẵn sàng tha thứ cho chúng ta bằng tình yêu thương vô biên và chịu thương tích của Người. “Chúa biết những vết thương của chúng ta, Người biết những vết thương của đất nước của anh chị em, của dân tộc anh chị em, của miền đất của anh chị em! ... Chúa Giêsu đau khổ với anh chị em, Người nhìn thấy những vết thương anh chị em mang trong lòng và muốn an ủi và chữa lành cho anh chị em bằng cách trao cho anh chị em trái tim thương tích của Người. Cùng với nhau, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu luôn ban cho chúng ta khả năng được tha thứ và bắt đầu lại, và cũng có sức mạnh để tha thứ cho chính mình, cho tha nhân và cho lịch sử!”
ĐTC chủ sự Thánh Lễ tại sân bay Ndolo
“Hãy hạ vũ khí xuống, hãy đón lấy lòng thương xót”
Đức Thánh Cha mong mỏi rằng hôm nay là giây phút ân sủng để đón nhận và cảm nghiệm sự tha thứ của Chúa Giêsu, là thời điểm thích hợp cho những người đang mang gánh nặng trong lòng và mong muốn trút bỏ chúng, là thời điểm thuận lợi cho tất cả những người tự xưng mình là Kitô hữu nhưng lại tham gia vào bạo lực. Chúa đang nói với họ: “Hãy hạ vũ khí xuống, hãy đón lấy lòng thương xót”, với tất cả những người bị thương và bị áp bức của dân tộc này: “Đừng sợ chôn cất các vết thương của anh chị em trong vết thương của Ta”.
Và ngài mời gọi các tín hữu Congo tháo Thánh giá khỏi cổ và lấy ra khỏi túi, cầm Thánh giá trên tay và đặt gần trái tim để chia sẻ những vết thương của họ với những vết thương của Chúa Giêsu. Ngài nói: “Hãy để Chúa Kitô có cơ hội chữa lành tâm hồn chúng ta, hãy trao cho Người quá khứ, mọi sợ hãi và phiền muộn của anh chị em.” Ngài mời gọi viết những lời bình an trên những bức tường trong phòng, trên quần áo, và đặt những lời này như một biển báo bên ngoài ngôi nhà: Bình an cho anh chị em! Việc làm này sẽ là lời tuyên bố mang tính ngôn sứ cho đất nước và là một phúc lành của Chúa ban cho những người mình gặp gỡ. Chúng ta hãy nhận lãnh ơn tha thứ của Chúa và đến lượt chúng ta hãy tha thứ cho nhau!
ĐTC chủ sự Thánh Lễ tại sân bay Ndolo
Cộng đoàn
Nguồn mạch thứ hai của bình an là cộng đoàn. Đức Thánh Cha lưu ý rằng Chúa Giêsu Phục Sinh không chỉ nói với từng cá nhân các môn đệ của Người nhưng gặp gỡ cả nhóm họ và ban bình an của Người cho cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên này. Ngài nhận định rằng sẽ không có Kitô giáo nếu không có cộng đoàn, giống như không có hòa bình nếu không có tình huynh đệ.
Nhưng là một cộng đoàn, chúng ta đang hướng về đâu, chúng ta sẽ tìm thấy bình an ở đâu? Đức Thánh Cha mời gọi suy tư về các môn đệ của Chúa. “Trước lễ Phục sinh, họ đi theo Chúa Giêsu, nhưng vẫn tiếp tục suy nghĩ theo cách của con người: họ hy vọng vào một Đấng Cứu thế chiến thắng, Đấng sẽ đánh bại kẻ thù của Người, làm nên những điều kỳ diệu và phép lạ, đồng thời làm cho họ trở nên giàu có và nổi tiếng. Thế nhưng những ước muốn trần tục đó đã khiến họ trắng tay và cướp đi sự bình an của cộng đoàn, làm nảy sinh những tranh cãi và chống đối (x. Lc 9,46; 22,24).”
ĐTC chủ sự Thánh Lễ tại sân bay Ndolo
Mối nguy khi đi theo con đường của riêng mình thay vì con đường của Chúa
Và Đức Thánh Cha lưu ý: “Đây cũng là mối nguy hiểm của chúng ta khi ở bên những người khác, nhưng lại đi con đường của riêng mình; trong xã hội, và ngay cả trong Giáo hội, chúng ta tìm kiếm quyền lực, sự nghiệp, tham vọng của riêng mình… Chúng ta đi theo con đường của riêng mình thay vì con đường của Chúa, và chúng ta kết thúc giống như các môn đệ: đằng sau những cánh cửa đóng kín, không có hy vọng, và đầy sợ hãi và thất vọng.” Tuy nhiên, vào Lễ Phục Sinh, một lần nữa các môn đệ tìm thấy con đường dẫn đến hòa bình, “nhờ Chúa Giêsu, nhờ Chúa Thánh Thần, họ sẽ không còn nhìn vào những gì chia rẽ họ, nhưng nhìn vào những gì liên kết họ.”
Con đường của Chúa là chia sẻ với người nghèo
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể cưỡng lại sự cám dỗ của quyền lực và tiền bạc và không đầu hàng trước sự chia rẽ, trước những cám dỗ của việc tìm kiếm danh vọng đang làm xói mòn cộng đồng, và trước những ảo tưởng sai lầm về lạc thú và phù thủy khiến chúng ta trở nên ích kỷ và tự cho mình là trung tâm? Đức Thánh Cha nhắc lại lời Chúa trong đoạn sách ngôn sứ Isaia nói rằng Chúa ở với tâm hồn khiêm cung tan nát (Is 57,15), và giải thích: “Con đường của Chúa là chia sẻ với người nghèo: đó là phương thuốc tốt nhất chống lại những cám dỗ của chia rẽ và thế tục.” Ngài mời gọi hãy can đảm nhìn đến người nghèo và lắng nghe họ; hãy mở lòng với người khác, thay vì khép kín trong những vấn đề của riêng mình hoặc những mối quan tâm hời hợt... Chúng ta hãy tin tưởng vào cộng đoàn và, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, xây dựng một Giáo hội thoát khỏi tinh thần thế tục và tràn đầy Chúa Thánh Thần, không quan tâm đến việc tích trữ của cải nhưng tràn đầy tình yêu thương huynh đệ!”
ĐTC chủ sự Thánh Lễ tại sân bay Ndolo
Truyền giáo
Nguồn mạch cuối cùng của bình an là truyền giáo. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu đến thế gian như thế nào? Đức Thánh Cha trả lời: Chúa Cha đã sai Người đi phục vụ và hiến mạng sống vì nhân loại (x. Mc 10,45), để tỏ lòng thương xót đối với từng người (x. Lc 15) và tìm kiếm những người xa lạc (x. Mt 9,13). Tóm lại, Chúa Cha đã sai Người đến vì mọi người: không chỉ vì người công chính, mà còn vì tất cả mọi người.
Trở thành những nhà truyền giáo của hòa bình
Do đó, chúng ta được kêu gọi trở thành những nhà truyền giáo của hòa bình, và điều này sẽ mang lại bình an cho chúng ta. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta cần tìm chỗ trong trái tim mình cho mọi người; tin rằng sự khác biệt về sắc tộc, khu vực, xã hội và tôn giáo chỉ là thứ yếu và không phải là trở ngại; rằng những người khác là anh chị em của chúng ta, là thành viên của cùng một cộng đồng nhân loại; và hòa bình do Chúa Giêsu mang đến cho thế giới là dành cho tất cả mọi người. Chúng ta cần tin rằng Kitô hữu chúng ta được kêu gọi hợp tác với mọi người, để phá vỡ vòng xoáy bạo lực, để phá bỏ những âm mưu thù hận. Các Kitô hữu, những người được Chúa Kitô sai đến, không chỉ đơn thuần là những lương tâm phê phán, mà trên hết là những chứng nhân của tình yêu, là những nhà truyền giáo về “tình yêu điên cuồng” của Thiên Chúa dành cho mỗi con người.
Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với mong ước rằng những lời “Bình an cho anh em!” vang vọng trong trái tim các tín hữu và các tín hữu hãy chọn trở thành “chứng nhân của sự tha thứ, những người xây dựng cộng đồng, những người mang sứ mạng hòa bình trong thế giới của chúng ta.”
Thánh Lễ kết thúc lúc 11 giờ 20. Sau đó, Đức Thánh Cha trở về Toà Sứ Thần để nghỉ trưa và chuẩn bị cho chương trình buổi chiều với hai cuộc gặp, với Các nạn nhân bạo lực của đông đất nước và với Đại diện của một số công việc bác ái.
ĐTC chủ sự Thánh Lễ tại sân bay Ndolo
Nguồn: vaticannews.va/vi
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha: Giáo hội Công giáo sẵn sàng chấp nhận mọi ngày Lễ Phục Sinh chung
-
Phỏng vấn Đức Hồng y Koovakad, người vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn -
Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Hồng y Koovakad làm Bộ trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn -
Các Giám mục Hoa Kỳ nói về một số sắc lệnh đặc biệt đáng lo ngại của Tổng thống Trump -
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 59: Dịu dàng chia sẻ niềm hy vọng -
Năm Thánh cho giới Truyền thông: Giải trừ vũ khí truyền thông, chia sẻ niềm hy vọng -
ĐHY Koch: Công đồng Nicaea, sau 1700 năm, vẫn còn vang vọng (số 3) -
Khai mạc sự kiện dành cho giới Truyền Thông trong Năm Thánh 2025 -
ĐHY Koch: Công đồng Nicaea, sau 1700 năm, vẫn còn vang vọng (số 2) -
ĐHY Koch: Công đồng Nicaea, sau 1700 năm, vẫn còn vang vọng (số 1)
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô