ĐTC chủ sự Kinh Chiều với giáo sĩ, tu sĩ Croát
ZAGREB. Chiều Chúa nhật 5-6-2011, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Nhà thờ chính tòa Zagreb với 1 ngàn người, gồm các GM, LM, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và tập sinh. Ngài mời gọi cộng đoàn Giáo Hội địa phương kiên trì trong đức tin và hăng say hoạt động tông đồ giữa những khó khăn, noi gương Đức Chân Phước Hồng Y Alois Stepinac.
Nhà thờ chính tòa Zagrec được xây theo kiểu tân gôtích và là công trình kiến trúc cao nhất trên toàn Croát, với 105 mét, và dài 77 mét, được dâng kính Đức Mẹ Mông Triệu và thánh vương Stephanô của Hungari. 3 phía của thánh đường là tòa TGM rất rộng lớn được xây từ thế kỷ 18 trên vết tích của một pháo đài cũ hồi thế kỷ 16.
Sau bàn thờ chính của thánh đường, có mộ của Chân phước Hồng Y Alois Stepinac, nguyên là TGM Zagreb. Khi nhà nước cộng sản Yugoslavi lên nắm chính quyền, Đức TGM Stepinac bị kết án vì cho là đã cộng tác với chính phủ bù nhìn phát xít Ustacia thời Đức quốc xã. Trong thời gian bị quản thúc tại gia, ngài được ĐTC Piô 12 đã phong làm Hồng Y, và năm 1960, ĐHY đã qua đời trong khi bị còn bị quản thúc tại gia. Năm 1998, ĐTC Gioan Phaolô 2 đã tôn phong ngài là vị chân phước tử đạo.
Đối với người Croat, ĐHY Stepinac là biểu tượng sự đề kháng của Giáo Hội chống lại sự đàn áp của chế độ cộng sản. Đức Gioan Phaolô II tuyên bố ĐHY bị bách hại vì đã từ chối cắt đứt lòng trung thành của Giáo Hội tại Yugoslavi với Tòa Thánh và không chịu thiết lập Giáo Hội quốc gia.
Ngày nay, ĐHY Stepinac vẫn được coi là tấm gương kiên cường trung thành với Thiên Chúa và tôn trọng phẩm giá của mỗi người.
Bài giảng
Trong bài giảng sau bài đọc ngắn của Kinh Chiều, ĐTC nêu bật tấm gương và bài học của Đức Chân Phước HY Stepinac cho mọi thành phần dân Chúa tại Croát và nói:
”Chiều hôm nay chúng ta muốn sốt sắng cầu nguyện tưởng niệm Đức Chân Phước Alois Stepinac, vị Chủ Chăn can trường, mẫu gương nhiệt thành tông đồ và lòng cương quyết theo tinh thần Kitô, cuộc sống anh hùng của Người ngày nay vẫn còn soi sáng cho các tín hữu thuộc các giáo phận Croát, nâng đỡ đức tin và đời sống Giáo Hội. Sự nghiệp của vị Giám Mục không thể bị lãng quên này chủ yếu xuất phát từ đức tin của Người: lúc sinh thời, Người vẫn luôn hướng nhìn về Chúa Giêsu và luôn trở nên đồng hình dạng với Chúa, đến độ trở thành một hình ảnh sống động của Chúa Kitô, của Chúa Kitô đau khổ. Chính nhờ lương tâm Kitô kiên vững, Chân phước đã biết chống lại mọi chế độ độc đoán, trở thành người bênh vực người Do thái, Chính thống và tất cả những người bị bách hại dưới chế độ độc tài Đức quốc xã và phát xít, rồi trong thời cộng sản, Người bênh vực các tín hữu, nhất là bao nhiêu linh mục bị bắt bớ và sát hại. Đúng vậy, ĐHY đã trở thành ”trạng sư” của Thiên Chúa trên mặt đất này, vì Người đã kiên trì bảo vệ sự thật và quyền của con người được sống với Thiên Chúa.”
ĐTC nhắc đến cuộc tử đạo của ĐHY Stepinac như một sự đáp trả hồng ân của Chúa Kitô và nhấn mạnh rằng:
”Chân phước Alois Stepinac đã đáp lại bằng chức linh mục, chức giám mục, bằng sự hy sinh mạng sống của Người: một lời thưa ”xin vâng” duy nhất hiệp với lời thưa của Chúa Kitô. Cuộc tử đạo của Người đánh dấu tột đỉnh của những bạo lực chống lại Giáo Hội trong thời kỳ bách hại kinh khủng của chế độ cộng sản. Các tín hữu Công Giáo Croát, đặc biệt là hàng giáo sĩ, là đối tượng của chính sách nhất loạt xách nhiễu và hành hạ, nhắm tiêu diệt Giáo Hội Công Giáo, bắt đầu từ thẩm quyền cao nhất ở địa phương của Giáo Hội. Trong thời kỳ đặc biệt cam go ấy một thế hệ các GM, LM và tu sĩ sẵn sàng chết để không phản bội Chúa Kitô, Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng. Dân chúng thấy rằng các LM không bao giờ mất niềm tin, cậy, mến, và nhờ đó họ luôn đoàn kết với nhau. Tình đoàn kết này giải thích điều không thể giải thích được theo loài người: một chế độ khắc nghiệt như thế đã không thể khuất phục Giáo Hội.
Nhắn nhủ các Giám Mục
”Ngày nay, Giáo Hội tại Croát cũng được kêu gọi đoàn kết để đương đầu với những thách đố của một bối cảnh xã hội đã thay đổi, vạch ra trong tinh thần thừa sai táo bạo những con đường mới để rao giảng Tin Mừng, nhất là phục vụ các thế hệ trẻ. Anh em thân mến trong hàng Giám Mục, trước tiên tôi muốn khích lệ anh em chu toàn sứ mạng của anh em. Hễ anh em càng hoạt động trong sự phối hợp phong phú giữa anh em với nhau và trong niềm hiệp thông với Người Kế Vị Thánh Phêrô, thì anh em càng có thể đương đầu với những khó khăn của thời đại chúng ta. Ngoài ra, điều quan trọng là các GM và linh mục luôn hoạt động với nhau để phục vụ sự hòa giải giữa các tín hữu Kitô chia rẽ, và giữa các tín hữu Kitô với người Hồi giáo, theo gương Chúa Kitô là an bình của chúng ta. Với các linh mục, anh em đừng quên cống hiến cho họ những đường hướng tu đức, đạo lý và mục vụ rõ ràng. Thực vậy, cộng đoàn Giáo Hội có những khác biệt hợp pháp trong nội bộ của mình, nhưng cộng đoàn không thể làm chứng tá trung thành cho Chúa nếu không ở trong tình hiệp thông của các phần tử của mình. Điều này đòi anh em phải cảnh giác, trong sự đối thoại và yêu thương, nhưng phải rõ ràng và cương quyết. Anh em thân mến, gắn bó với Chúa Kitô có nghĩa là ”tuân giữ Lời Chúa” trong mọi hoàn cảnh (Xc Ga 14,23).
Về vấn đề này, Chân phước HY Stepinac đã nói: ”Một trong những tai ương lớn nhất của thời đại chúng ta là sự tầm thường trong các vấn đề đức tin. Chúng ta đừng nuôi ảo tưởng.. Hoặc chúng ta là Công Giáo, hoặc chúng ta không. Nếu chúng ta là Công Giáo, thì điều ấy cần phải được biểu lộ trong mọi lãnh vực trong đời sống chúng ta” (Bài giảng lễ thánh Phêrô và Phaolô, 29-6-1943). Giáo huấn luân lý của Giáo Hội, ngày nay thường không được cảm thông, không thể bị tách rời khỏi Tin Mừng. Các vị Chủ Chăn có nhiệm vụ trình bày giáo huấn ấy một cách có thế giá cho các tín hữu, để giúp họ lượng định trách nhiệm bản thân của họ, sự hòa hợp giữa các quyết định của họ với những đòi hỏi của đức tin. Như thế, sẽ có sự tiến bước trong khúc quanh văn hóa cần thiết để thăng tiến một nền văn hóa sự sống và một xã hội xứng với con người.
Nhắn nhủ các linh mục và tu sĩ
”Các linh mục thân mến, đặc biệt là các cha sở, tôi biết tầm quan trọng và các công tác đa dạng của anh em, trong một thời đại tình trạng thiếu linh mục trở nên gay go. Tôi khuyên anh em đừng nản chí, hãy tiếp tục tỉnh thức trong kinh nguyện và đời sống thiêng liêng, chu toàn sứ vụ của anh em một cách hiệu quả: giảng dạy, thánh hóa và hướng dẫn những người được ủy thác cho anh em chăm sóc. Hãy quảng đại đón tiếp những người đến gõ cửa lòng của anh em, cống hiến cho mỗi người những món quà mà Chúa từ nhân đã ủy thác cho anh em. Hãy kiên trì trong tình hiệp thông với GM của anh em và cộng tác với nhau. Hãy nuôi dưỡng sự dấn thân của anh em nơi nguồn mạch Kinh Thánh, các bí tích, trong sự chúc tụng Thiên Chúa không ngừng, cởi mở và ngoan ngoãn đối với hoạt động của Chúa Thánh Linh; như thế anh em sẽ trở thành những người hoạt động hữu hiệu cho công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng mà anh em được mời gọi thi hành cùng với các giáo dân, một cách có phối hợp, không có sự lẫn lộn giữa những gì thuộc về sứ vụ thánh chức và những gì thuộc chức linh mục chung của các tín hữu đã chịu phép rửa. Hãy quan tâm chăm sóc các ơn gọi linh mục: hãy nỗ lực với lòng hăng hái nhiệt thành của anh em, lòng trung thành, thông truyền một ước muốn nồng nhiệt, quảng đại đáp lại không chút do dự với Chúa Kitô, Đấng kêu gọi anh em trở nên đồng hình dạng với Ngài là Đầu và là Mục Tử.
”Hỡi những ngừơi nam nữ thanh hiến, Giáo Hội mong đợi nhiều nơi anh chị em, là những người có sứ mạng làm chứng trong mọi thời đại về ”hình thức cuộc sống mà Chúa Giêsu, vị thánh hiến tối cao và là thừa sai của Chúa Cha cho Nước của Chúa, đã từng thi hành và đề nghị hình thức ấy cho các môn đệ đi theo Ngài” (Tông Huấn Vita consecrata, 22).
”Ước gì Thiên Chúa luôn luôn là sự giàu sang duy nhất của anh chị em: Anh chị em hãy để cho Chúa uốn nắn, để trở nên hữu hình cho con người ngày nay, đang khao khát các giá trị chân thực, thánh thiện, chân lý, tình thương của chúa Cha trên trời. Được Ơn Thánh Linh nâng đỡ, anh chị em hãy nói cho dân chúng một cách hùng hồn về một cuộc sống thường được biến đổi nhờ sự mới mẻ của Mầu Nhiệm Vượt Qua. Toàn thể cuộc sống của anh chị em như thế sẽ trở thanh dấu chỉ và phục vụ cho sự thánh hiến của mọi tín hữu Kitô, sự thánh hiến mà họ nhận lãnh khi được tháp nhập vào Chúa Kitô.”
ĐTC cũng nhắn nhủ các chủng sinh và tập sinh hãy kiên trì theo Chúa. Ngài nói: ”Lời kêu gọi này đòi phải được tái khẳng định hằng ngày bằng một câu trả lời yêu thương. Ước gì chứng tá của Chân phước Stepinac soi sáng cho sự canh tân ơn gọi nơi các bạn trẻ Croát. Và hỡi các anh em trong hàng GM và LM, đừng quên cống hiến cho các chủng viện và tập viện một sự huấn luyện quân bình, chuẩn bị họ thi hành một sứ vụ được đưa vào xã hội ngày nay, qua đời sống thiêng liêng phong phú và việc học hành nghiêm túc của họ.”
Và ĐTC kết luận rằng: ”Hỡi Giáo Hội yêu quí tại Croát, hãy khiêm tốn và can đảm lãnh nhận nghĩa vụ làm lương tâm của xã hội, là muối đất và ánh sáng thế gian (Mt 5,13-14), Hãy luôn trung thành với Chúa Kitô và sứ điệp của Tin Mừng trong một xã hội đang tìm cách tương đối hóa và tục hóa mọi lãnh vực cuộc sống. Hãy là căn nhà niềm vui trong đức tin và đức cậy.
Bài giảng của ĐTC đã được mọi người vỗ tay rất lâu.
Viếng mộ ĐHY Stepinac
Kinh chiều được tiếp nối với bài ca Magnificat và các lời cầu nguyện phổ quát, trước khi ĐTC ban phép lành cho mọi người. Rồi ngài đến quì cầu nguyện trước mộ của ĐHY Chân Phước Alois Stepinac.
ĐHY sinh năm 1898 trong một gia đình nông dân khá giả tại làng Krasic, du học Roma, và thụ phong linh mục năm 1930 lúc được 32 tuổi. Chỉ 4 năm sau đó, 1934, người được bổ nhiệm làm TGM phó giáo phận Zagreb và 3 năm sau trở thành TGM chính tòa lúc mới 36 tuổi. Trong thời thế chiến thứ hai, ngài chống lại chế độ Đức quốc xã và phát xít, bênh vực người Do thái và du mục zingari bị chế độ lùng bắt và tiêu diệt. Từ sau năm 1945, khi chế độ cộng sản của thống chế Titô bắt đầu ngự trị trên Croát và liên bang Yugoslavi, Đức TGM Stepinac quyết liệt bảo vệ tự do tôn giáo vì thế chỉ một năm sau, ngày 19-10-1946 ngài bị cầm tù 5 năm, cho đến năm 1951, thì bị đưa về làng Krasic quản thúc và qua đời 9 năm sau đó vị cơn bệnh đã mắc phải trong thời gian ở tù trước đó.
Sau khi kính viếng di hài chân phước Stepinac, ĐTC đã ghé thăm tòa TGM giáo phận Zagreb đối diện với Nhà thờ chính tòa và ký sổ vàng lưu niệm. Ngài cũng chụp hình lưu niệm với các linh mục và chủng sinh của tổng giáo phận địa phương.
Sau đó, ĐTC ra phi trường quốc tế của thủ đô Zagreb. Lẽ ra có nghi thức tiễn biệt với sự hiện diện của tổng thống Ivo Josipovic, nhưng vì mưa to gió lớn, tại phi trường, nên nghi thức này được hủy bỏ. ĐTC đã chào từ biệt và cám ơn tổng thống cùng với hàng GM Croát, đặc biệt là ĐHY Josip Bozanic, TGM Zagreb, trước khi đáp máy bay lúc 8 giờ rưỡi tối, tức là trễ 1 tiếng đồng hồ, để về Roma, kết thúc cuộc viếng thăm thứ 19 tại hải ngoại và cũng là cuộc viếng thăm mục vụ đầu tiên ngài thực hiện trong năm nay.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô