Dòng Don Bosco Việt Nam: Bế mạc Năm Thánh Salêdiêng

Dòng Don Bosco Việt Nam: Bế mạc Năm Thánh Salêdiêng

WGPSG -- “Như Don Bosco nhà giáo dục, chúng ta cống hiến cho người trẻ tin mừng của niềm vui qua một khoa Giáo dục của sự dịu hiền” (Hoa thiêng 2013).

Khoa “giáo dục dự phòng” của Thánh Don Bosco đã được dòng Salêdiêng hoàn vũ vận dụng để giáo dục thanh thiếu niên trên khắp thế giới từ nhiều năm nay. Nhằm tưởng nhớ ngài và Bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Thánh Don Bosco (1815 - 2015), một lễ hội trọng thể đã được cử hành tại cộng đoàn Don Bosco Bến Cát, giáo hạt Gò Vấp, TGP TPHCM, vào lúc 16g00 ngày 16.8.2015.

Gần 2000 người đã đến tham dự buổi lễ, gồm có: Đức cha Phêrô Maria Nguyễn Văn Đệ, SDB - Giám mục Giáo phận Thái Bình, cha Giuse Nguyễn Văn Quang - Giám tỉnh Tỉnh dòng Salêdiêng Việt Nam (SDB), soeur Anna Trần Thị Là - Phó Giám tỉnh Hội dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu (FMA), quý Bề trên, linh mục, tu sĩ dòng SDB, FMA cùng đông đảo các Cộng tác viên, Chí nguyện viên, Cựu học viên trong Gia đình Salêdiêng Don Bosco Việt Nam, quý khách mời, bạn hữu và cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Bến Cát. Đặc biệt, còn có sự tham dự của đại diện giới trẻ các giáo xứ do dòng Don Bosco quản xứ, cũng như giới trẻ thuộc Trung tâm Trẻ Don Bosco Bến Cát. 

Chia sẻ đề tài: “Sứ mệnh Salêdiêng trong lòng Giáo hội và mở ra cho thế giới”

Trước Thánh lễ, vào lúc 16g00, cha Giám tỉnh Giuse đã chia sẻ đề tài “Sứ mệnh Salêdiêng trong lòng Giáo hội và mở ra cho thế giới”. Ngài diễn giảng:

-  Don Bosco là nhà giáo dục đại tài. Con đường mà Don Boso đã dùng để khuôn đúc những người trẻ mẫu mực đầy tình Chúa và tình người của thời đại chúng ta, như Thánh Đaminh Savio, Vicunà, Namuncura...

- Vì thế, những nhà giáo dục và các bạn trẻ hãy học hỏi phương pháp giáo dục của Thánh nhân, chọn làm kim chỉ nam để dẫn người trẻ bước vào tương lai, để trở thành những công dân tốt và những Kitô hữu nhiệt thành. Qua đó, mọi người sẽ cùng nên thánh trong sứ mạng phục vụ của mình.

- Nền tảng giáo dục theo Don Bosco là: Ái - Trí - Đạo. Giáo dục chính là nghệ thuật uốn nắn con tim và làm cho con tim sống. Nhà giáo dục phải mang trong mình trái tim mục tử, thực hiện đức ái mục tử để sống xứng đáng vai trò là người Cha - người Thầy - người Bạn của người trẻ như Thánh Don Bosco.  

Kết luận, cha Giám tỉnh mời gọi các tham dự viên cùng chiêm ngưỡng người Cha – Thầy và Bạn của giới trẻ. Ngài đã trở thành khuôn vàng thước ngọc cho hệ thống giáo dục người trẻ hôm nay, một lối mở cho xã hội con người có những người trẻ giá trị, công dân tốt và Kitô hữu tốt cho ngày mai. Chúng ta hãy nối gót Don Bosco, và chúng ta có thể nói được như Thánh Đaminh Savio: “Đối với chúng tôi, sống hạnh phúc không khó, nó hoàn toàn tùy thuộc vào việc chu toàn bổn phận cách vui vẻ và đầy lòng yêu mến”.

Thánh lễ

Vào lúc 17g00, cuộc cung nghinh tượng Thánh Don Bosco và di ảnh các vị thánh trong Gia đình Salêdiêng từ sân thể thao tiến lên lễ đài, khởi đầu Thánh lễ trọng thể mừng kính Thánh Don Bosco do Đức cha Phêrô Maria Nguyễn Văn Đệ chủ tế. Đồng tế với ngài có trên 60 linh mục thuộc dòng Don Bosco và các giáo xứ trong TGP TPHCM.

Chia sẻ Tin Mừng, Đức cha Phêrô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các người trẻ trong xã hội, và việc đầu tư giáo dục người trẻ hiện nay trở nên hết sức quan trọng để có được một xã hội tốt đẹp trong tương lai. Ngài quảng diễn:

- Khi thấy những bất cập, tệ hại do những người trẻ xấu không được giáo dục gây ra cho xã hội hiện nay, chúng ta khoan đổ lỗi cho người khác và cho bối cảnh xã hội Việt Nam, nhưng hãy chung tay, cộng tác để giáo dục người trẻ, trong đó có khoa giáo dục của Thánh Don Bosco.

- Khoa giáo dục dự phòng của Thánh Don Bosco khiến các nhà giáo dục phải luôn quan tâm, để ý đến người trẻ, ngăn ngừa mọi việc có thể gây nguy hại trong việc giáo dục người trẻ, qua đó sẽ giúp người trẻ thăng tiến cả về mặt xã hội lẫn tôn giáo, cả về mặt nhân bản lẫn đời sống tâm linh. Đường lối giáo dục của Don Bosco đã được cả xã hội và Giáo hội chứng nhận hiệu quả của nó trên các người trẻ trong 120 năm qua.

Đức cha Phêrô kết luận: Ngày nay, người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy, vì thế, các nhà giáo dục, các nhà đào tạo, các bậc cha mẹ phải rèn luyện lời nói, cách cư xử để trở thành gương sáng cho học trò, cho con cái của mình noi theo. Vì thế, Nhà giáo dục phải hiện diện giữa bạn trẻ bằng con tim và tất cả con người của mình, với phong cách năng động sáng tạo và không biết mỏi mệt. Không thể chấp nhận kiểu hiện diện cách biệt và có giờ giấc theo kiểu công chức; đó không phải là giáo dục thực sự. Nhà giáo dục không nói nhiều mà phải làm nhiều; rồi các bạn trẻ sẽ nhìn ra và làm theo họ; giáo dục trước hết là chứng tá”.

Sau lời nguyện hiệp lễ, thay mặt cộng đoàn, cha Giám tỉnh Giuse ngỏ lời cảm ơn Đức cha Phêrô Maria Nguyễn Văn Đệ và chúc mừng kỷ niệm Kim khánh khấn dòng của ngài.

Cha Giám tỉnh cho biết thêm: “Trong nhiều năm qua, các tu sĩ Salêdiêng đã khởi sự các hoạt động cho sứ mệnh Salêdiêng tại miền Bắc, và trong thời gian sắp tới, một cộng đoàn đầu tiên tại Giáo phận Thái Bình sẽ được chính thức thành lập theo Giáo luật để mở rộng hoạt động tông đồ phục vụ người trẻ tại đây. Vì thế, để chính thức Bế mạc Năm Thánh Salêdiêng tại Việt Nam, ngày 22.8.2015, sẽ tổ chức lễ hội dành cho trên 5.000 bạn trẻ thuộc các Giáo phận miền Bắc tại Tòa Giám mục Thái Bình”.

Diễn nguyện và Nghi thức sai đi

Thánh lễ kết thúc lúc 18g30. Các nhóm quây quần bên nhau để thăm hỏi và dùng bữa ăn nhẹ, chuẩn bị tham dự chương trình diễn nguyện do cha Phêrô Nguyễn Huy Hoàng điều phối chương trình vào lúc 19g00.

Lễ hội Bế mạc Năm Thánh Salêdiêng tại miền Nam được khép lại bằng Nghi thức sai đi. Qua đó, các bạn trẻ và mọi người tham dự đã nói lên quyết tâm của mình trong việc làm chứng cho Tin Mừng của Đức Kitô ngay trong môi trường sống của mình: “Hãy nhắc chúng tôi biết đồng hành cùng các bạn khi cầu nguyện, hiện diện giữa các bạn trong hành trình các bạn sống, nhất là khi các bạn gặp khó khăn, xin đừng ngại làm phiền chúng tôi. Người Salêdiêng sống bằng cõi lòng thì không hề coi đó là sự phiền hà”.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top