Đối với Đức Thánh Cha, việc đền tạ Kitô Giáo phải chạm đến trái tim của người bị xúc phạm

Đối với Đức Thánh Cha, việc đền tạ Kitô Giáo phải chạm đến trái tim của người bị xúc phạm

Nhân dịp kỷ niệm 350 năm Chúa Giêsu hiện ra tại Paray-le-Monial, Đức Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên hội nghị quốc tế về chủ đề đền tạ (sửa chữa) được tổ chức tại Rôma bởi Đền thánh Paray-le-Monial, Pháp. Cho rằng việc đền tạ hoàn toàn đôi khi là không thể, tuy nhiên ngài khẳng định rằng “ý hướng đền tạ và thực hiện hành động cụ thể là điều chủ yếu cho tiến trình hòa giải và trả lại sự bình an cho tâm hồn

Đây là trái tim đã yêu thương con người rất nhiều cho đến độ kiệt sức và suy mòn đi để chứng tỏ cho họ tình yêu của mình. Thay vì lòng biết ơn, Ta chỉ nhận được sự vô ơn từ hầu hết mọi người.” Những lời Chúa Giêsu nói với thánh nữ Marguerite-Marie Alacoque vào tháng 6 năm 1674 là tâm điểm của hội thảo “Đền tạ điều bất khả đền tạ” được tổ chức tại Rôma cho đến ngày 5 tháng năm, nhân dịp Năm Thánh 350 năm Chúa Giêsu hiện ra cho thánh nữ ở Paray-le-Monial. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến 130 người tham gia hội nghị này tại phòng Clementine của DinhTông Tòa, thứ Bảy ngày 4/5/2024

Đức Thánh Cha hôn thánh tích của thánh Marguerite-Marie Alacoque, do cha Etienne Kern, Giám đốc Đền thánh Paray-le-Monial, mang đến, ngày 4/5/2024

Việc đền tạ và hy tế Thập Giá

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha trước tiên nhắc lại chiều kích xã hội của việc đền tạ trong Cựu Ước và chiều kích thiêng liêng của việc đền tạ trong Tân Ước. Ngài nói : “Việc đền tạ là một khái niệm chúng ta thường thấy trong Thánh Kinh. Trong Cựu Ước, nó mang một chiều kích xã hội về việc đền bù cho tội lỗi đã phạm. Đây là trường hợp của luật Môsê quy định việc hoàn trả những gì đã bị đánh cắp hoặc đền bù những thiệt hại đã gây ra (x. Xh 22, 1-15, Lv 6, 1-7). Đó là một hành động công lý nhằm bảo vệ đời sống xã hội. Trái lại, trong Tân Ước, nó mang hình thức chiều kích tâm linh, trong khuôn khổ ơn cứu chuộc do Chúa Kitô thực hiện. Việc đền tạ được thể hiện trọn vẹn nơi hy tế thập giá. Điều mới mẻ ở đây, đó là nó mặc khải lòng thương xót của Chúa đối với tội nhân. Do đó, việc đền tạ góp phần vào sự hòa giải giữa con người với nhau, nhưng cũng góp phần vào sự hòa giải với Thiên Chúa, vì tội lỗi chống lại người lân cận cũng là xúc phạm đến Thiên Chúa. Như Ben Sirac người hiền triết đã nói, “nước mắt của bà góa không chảy xuống má Chúa sao?” (x. Hc 35, 15). Các bạn thân mến, biết bao giọt nước mắt vẫn còn chảy dài trên má Thiên Chúa trong khi thế giới chúng ta trải qua vô số sự lạm dụng chống lại phẩm giá con người, kể cả trong Dân Thiên Chúa”.

“Việc đền tạ hoàn toàn đôi khi dường như là không thể”

Với tiêu đề của cuộc hội thảo, “Đền tạ điều bất khả đền tạ”, Đức Phanxicô hy vọng vào một sự chữa lành mọi vết thương. Ngài nói tiếp : “Chủ đề hội thảo của anh chị em đặt cùng nhau hai cách diễn đạt có vẻ trái ngược nhau: “Đền tạ điều bất khả đền tạ”. Nó mời gọi chúng ta hy vọng rằng mọi vết thương đều có thể được chữa lành, ngay cả khi nó rất sâu. Việc đền tạ hoàn toàn đôi khi dường như là bất khả, khi tài sản, những người thân yêu bị mất vĩnh viễn hoặc khi các hoàn cảnh trở nên không thể cứu vãn được. Nhưng ý hướng đền tạ và thực hiện hành động cụ thể là điều chủ yếu cho tiến trình hòa giải và trả lại sự bình an trong tâm hồn”.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha tập trung vào hai thái độ cần thiết để việc đền tạ không phải chỉ là một hành vi công bằng giao hoán, nhưng còn thực sự mang tính Kitô giáo và chạm đến trái tim của người bị xúc phạmnhìn nhận mình sai lỗi và xin tha thứ.

“Tình yêu luôn có thể được tái sinh”

Trước tiên, Đức Thánh Cha nhắc nhớ : “Nhìn nhận mình sai lỗi. Bất kỳ sự đền tạ nào, về mặt nhân bản hay tâm linh, đều bắt đầu bằng việc nhìn nhận tội lỗi của mình: “Việc nhận mình sai lỗi là một phần của sự khôn ngoan Kitô giáo, điều đó làm vui lòng Chúa, vì Chúa đón nhận tấm lòng ăn năn thống hối” (Bài suy niệm buổi sáng tại nhà nguyện Nhà Thánh Marta, ngày 6 tháng 3 năm 2018). Chính từ sự thừa nhận chân thành này về lỗi lầm đã gây ra cho người anh em, và từ tình cảm sâu xa và chân thành rằng tình yêu đã bị tổn thương, mà ước muốn đền tạ nảy sinh.

Tiếp đến là xin tha thứ. Đức Thánh Cha nói : “Xin tha thứ. Đó là việc thú nhận tội lỗi đã phạm, theo gương người con hoang đàng đã nói với Cha mình: “Con đã phạm tội với Trời và với Cha” (Lc 15, 21). Việc cầu xin sự tha thứ lại mở ra cuộc đối thoại và biểu lộ mong muốn kết nối lại trong tình bác ái huynh đệ. Và việc đền tạ – thậm chí là khởi đầu của việc đền tạ hoặc chỉ là ước muốn đền tạ – xác thực lời cầu xin tha thứ, nó thể hiện chiều sâu, sự chân thành của nó, nó chạm đến trái tim của người anh em, an ủi họ và khơi dậy trong họ việc đón nhận lời cầu xin tha thứ. Vì vậy, nếu không thể đền tạ hoàn toàn điều bất khả đền tạ, thì tình yêu luôn có thể tái sinh, khiến vết thương có thể chịu đựng được.”

Làm mới lại thực hành đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Để kết luận, Đức Thánh Cha đã khích lệ các tham dự viên hãy đổi mới và đào sâu ý nghĩa của đền tạ. Ngài nói : “Chúa Giêsu đã xin thánh Margarita Maria những hành vi đền tạ vì những xúc phạm do tội lỗi của con người gây ra. Nếu những hành vi này đã an ủi trái tim Người, thì điều này có nghĩa là việc đền tạ cũng có thể an ủi trái tim của mọi người bị tổn thương. Ước gì công việc của cuộc hội thảo của anh chị em không chỉ đổi mới và đào sâu ý nghĩa của việc thực hành tốt đẹp này là đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu, một thực hành mà ngày nay có thể hơi bị lãng quên hoặc bị đánh giá sai là lỗi thời. Mong sao công việc này cũng tham gia vào việc đánh giá đúng vị trí đúng đắn của nó trong tiến trình sám hối của mọi người đã được rửa tội trong Giáo hội”.

Hội thảo sẽ được tiếp tục vào chiều thứ Bảy ngày 4 tháng Năm với phần lắng nghe ba nạn nhân và sẽ kết thúc vào Chúa Nhật 5/5/2024. Năm Thánh kỷ niệm 350 năm Chúa Giêsu hiện ra ở Paray-le-Monial sẽ kết thúc vào tháng 6 năm 2025.

Chuyển ngữ: Tý Linh

Chuyển ngữ từ: vaticannews.va

Nguồn: xuanbichvietnam.net

Top