Đối thoại với người vô thần
Stephen Hawking là nhà vật lý nổi tiếng nhất hiện nay trên thế giới. Lại càng nổi tiếng hơn nữa vì cả thế giới khâm phục khi nhìn thấy một con người bị giam mình trên chiếc xe lăn như thế, mà lại có thể thực hiện những công trình khoa học thật đáng kính nể. Thời gian vừa qua, ông có những tuyên bố gây xôn xao về niềm tin tôn giáo. Năm 2010, ông xuất bản cuốn The Grand Design, trong đó trình bày quan điểm cho rằng không cần phải có vị Thiên Chúa nào để tạo dựng vũ trụ này, và khoa học chứng minh rằng tạo dựng là một tiến trình thuần túy tự nhiên. Chưa hết, mới đây trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ UK Guardian, ông lại phi bác ý tưởng của người Kitô hữu về “Trời”, cho rằng đó chỉ là chuyện cổ tích và tưởng tượng dành cho những kẻ sợ chết! Báo Tuổi Trẻ cuối tuần 22-05-2011 trích lại “danh ngôn” này.
Là nhà vật lý nổi tiếng, chắc chắn những tuyên bố của ông gây tác động lớn trên nhiều người, nhất là giới trẻ, trong thời đại tôn sùng khoa học kỹ thuật này. Ngay lập tức, N.T. Wright, một giám mục Anh giáo, cũng là một chuyên viên Kinh Thánh, đã viết trên tờ Washington Post: “Thật đáng buồn khi thấy Stephen Hawking, một trong những trí tuệ sáng chói trong lãnh vực của ông, lại cố gắng phát biểu như một chuyên viên về những điều mà thực ra ông cũng chẳng biết hơn bao nhiêu những Kitô hữu có mức hiểu biết trung bình”. Rồi N.T. Wright giải thích: “Trong Thánh Kinh, trời không phải là nơi chốn để người ta đến sau khi chết. Trong Thánh Kinh, trời là “cõi” của Thiên Chúa, còn đất là “cõi” của con người. Và Thánh Kinh cho thấy rất rõ là hai “cõi” đó hòa vào nhau. Với người Do Thái ngày xưa, đền thờ là nơi mà hai cõi đó hòa nhập. Còn với các Kitô hữu, nơi mà hai cõi đó hòa nhập chính là Đức Giêsu, và điều rất lạ lùng là cả các Kitô hữu nữa, vì chính họ cũng là đền thờ của Thánh Thần Thiên Chúa”. N.T. Wright còn nói nhiều nữa nhưng chỉ bằng đó thôi cũng đủ thấy sự xa cách giữa quan niệm về trời trong Thánh Kinh và trong cách hiểu rất vật chất của Stephen Hawking cũng như của nhiều người. Đúng là Hawking đã tuyên bố trọng thể về Thiên Chúa và Trời mà chẳng hiểu gì cả! Giỏi lắm thì cũng lại chỉ là trở về với quan điểm của Epicure chứ có gì mới lạ đâu.
Cũng lại mới đây, nhà xuất bản Sunday Visitor trình làng cuốn sách The Godless Delusion: A Catholic Challenge to Modern Atheism. Hai tác giả, Patrick Madrid và Kenneth Hensly, cho biết đã có nhiều tác phẩm phê phán chủ nghĩa vô thần nhưng cuốn sách của họ có một cách tiếp cận khác. Họ không chỉ dựa vào niềm tin Kitô giáo của mình mà phê phán, nhưng đứng từ bình diện thuần túy lý trí tự nhiên để chỉ ra những mâu thuẫn nội tại và sự bất nhất trong những lập luận của chủ thuyết vô thần.
Theo hai tác giả này, nếu chúng ta chỉ dựa vào mặc khải hay giáo huấn của Giáo Hội để phủ nhận thuyết vô thần thì chưa đủ, vì những người vô thần có chấp nhận mặc khải hay Giáo Hội đâu. Cần phải chỉ cho người ta thấy những phi lý và mâu thuẫn trong chính lập luận của họ và như thế, gián tiếp chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ví dụ, hầu hết những người vô thần đều cho rằng khoa học chứng minh Thiên Chúa không hiện hữu, nếu chưa làm được bây giờ thì sẽ làm được trong tương lai. Cũng là niềm tin đấy chứ, gọi là “niềm tin vô thần”. Thế nhưng chuyện đó làm sao xảy ra được vì đối tượng của nghiên cứu khoa học là những thực tại vật chất trong vũ trụ trong khi Thiên Chúa là một thực tại phi vật chất. Chính triết học chứ không phải khoa học tự nhiên mới có thể lên tiếng về chuyện Thiên Chúa hiện hữu hay không. Như thế, chủ trương dựa vào khoa học để chứng minh về Thiên Chúa ở tự nó đã là một ảo tưởng. Thế rồi, luân lý đạo đức là thành phần thiết yếu trong đời sống con người và chính người vô thần cũng tôn trọng những lề luật đạo đức nếu muốn là người tốt. Trong thực tế, luôn có thứ “đạo đức vô thần” và xem ra người ta lại còn muốn nhân danh thứ đạo đức này để dạy dỗ kẻ có đạo! Thế nhưng những từ ngữ “tốt lành, thiện hảo” sẽ có nghĩa gì nếu Thiên Chúa không hiện hữu và nếu không có lề luật luân lý mà Thiên Chúa ban tặng để hướng dẫn hành vi đời sống con người. Dựa trên cơ sở nào để ban hành cái gọi là lề luật đạo đức? Hay cái gọi là lề luật đạo đức ấy chỉ là những quy định mà người cầm quyền đặt ra để bắt mọi người làm theo, và như thế, cái gọi là “vô thần” thực ra chỉ là “tôn giáo trá hình”, thứ tôn giáo nô lệ hóa và tha hóa con người ở mức độ tồi tệ nhất vì đánh mất nhân tính đích thực của con người.
Như vậy là người Kitô hữu đã lên tiếng. Họ không im lặng nhưng “sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hi vọng đang có trong anh em” (1Pr 3,15). Câu trả lời này xuất hiện ở hai mức độ. Mức độ thứ nhất là trình bày nội dung đích thực của niềm tin Kitô giáo như N.T. Wright đã làm với Stephen Hawking. Mức độ thứ hai là phê phán chính nội dung của lập luận vô thần. Ở mức độ này, hình như người ta quen với việc chủ thuyết vô thần tấn công tôn giáo, chứ không thấy tôn giáo “tấn công” chủ nghĩa vô thần. Không phải tấn công theo nghĩa bạo lực nhưng là đối thoại thẳng thắn nhằm kiếm tìm chân lý.
Để thực hiện được điều này, nhất thiết phải có những Kitô hữu có sự hiểu biết chuyên sâu về triết học, thần học và cả khoa học. Đồng thời, phải quan tâm nhiều hơn đến việc dạy giáo lý cho giáo dân. Mới đây Đức Tổng giám mục Dublin than phiền rằng đại đa số trường học tại Ireland là trường công giáo nhưng sự hiểu biết giáo lý của học sinh lại rất kém. Trong cuốn Ánh sáng cho trần gian, Đức Bênêđictô XVI cũng nhắc đến tình hình tương tự tại nước Đức, quê hương của ngài. Còn tại Việt Nam, trong một cuộc tọa đàm mới đây, một tu sĩ làm việc trong ngành giáo dục ghi nhận rằng: thảm họa của nền giáo dục ở Việt Nam phát xuất từ hàng ngũ giáo viên, những giáo viên không được đào tạo đúng mức và toàn diện nên dẫn đến những thế hệ học sinh cũng khập khiễng! Và tu sĩ đó cảnh báo: nếu Giáo Hội không lo đào tạo giáo lý viên cách nghiêm túc và toàn diện thì không chừng tương lai của Giáo Hội cũng thế. Chúng ta có rất nhiều giáo lý viên nhiệt tình nhưng nhiệt tình mà thôi chưa đủ, còn phải có đủ kiến thức giáo lý và đời sống nội tâm phong phú mới mong truyền đạt giáo lý cách tốt đẹp cho những thế hệ trẻ.
Âu cũng là điều mà mọi tín hữu công giáo Việt Nam, cách riêng các mục tử, phải suy nghĩ cho thấu đáo và có những hành động cụ thể để đáp ứng.
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19