Đời sống tâm linh của một người theo linh đạo Mến Thánh Giá

Đời sống tâm linh của một người theo linh đạo Mến Thánh Giá

Đời sống tâm linh của một người theo linh đạo Mến Thánh Giá

TGPSG -- Một hình ảnh gợi hứng thật đẹp, được thánh sử Luca miêu tả trong trình thuật của mình, khi nói về việc Đức Giêsu đến thăm một ngôi làng nhỏ thuộc xứ Bêtania: Matta tất bật lo việc phục vụ, còn Maria lại an nhàn ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Lời Người. Hành động nào cao quý hơn?

Ai cũng biết rằng không nên loại trừ, cũng không đề cao hành động nào cả, bởi cả hai đều rất đẹp. Và hẳn sẽ hoàn hảo hơn, nếu có thể kết hợp hài hòa cả hai yếu tố ấy, để bổ túc và tương trợ cho nhau. Phải chăng hình ảnh mộc mạc ngày xưa ấy đang được biểu trưng cách sống động trong thế giới hôm nay qua bóng dáng của người nữ tu Mến Thánh Giá với linh đạo “vừa chiêm niệm vừa hoạt động” – một sự kết hợp hoàn hảo như Đức Kitô mong muốn?

Đứng trước cơn lốc của sự phát triển khoa học kỹ thuật và chủ nghĩa hưởng thụ tràn lan, con người đang cố gắng khẳng định đẳng cấp của bản thân bằng việc hòa tan mình trong các hiện tượng của xã hội. Hưởng ứng lời mời gọi của Giáo Hội trong việc hội nhập văn hóa, các tu sĩ cũng đang hòa mình vào dòng chảy của thời đại, đôi khi trở thành một người đời thực sự mà quên mất nhiệm vụ chính yếu là “đời sống tâm linh”.

Thực tế cho thấy, một tu sĩ nếu thiếu đi đời sống nội tâm họ rất dễ rơi vào khủng hoảng, khó chấp nhận Thánh giá, dễ buông xuôi, lạc phương hướng và mất bình an. Thậm chí họ còn đánh đổi cả ơn gọi để lấy một niềm vui không tên, giá trị không tồn tại. Như thế, hẳn là “đời sống tâm linh” vô cùng quan trọng, bởi nó như nhựa sống của cây, như linh hồn của thể xác sống động vậy.

Thực tế, người nữ tu Mến Thánh Giá có một niềm tự hào không hề nhỏ khi Đấng Sáng Lập là Đức Cha Lamber de la Motte đã nhìn thấy trước viễn cảnh tương lai để ngay từ đầu xây dựng và huấn luyện “đời sống tâm linh” thật sâu sắc cho con cái của mình. Nó biểu hiện cách cụ thể và sống động trong ba chiều kích của linh đạo Mến Thánh Giá là Chiêm niệm - Khổ chế và Tông đồ.

Đức Kitô là gạch nối giữa Cựu Ước và Tân Ước, là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Như thế, “đời sống tâm linh” không thể tách rời Đức Kitô. Người nữ tu Mến thánh Giá được mời gọi tập trung cái nhìn và Trái Tim vào Đức Giêsu Chịu Đóng Đinh với một tình yêu phi thường, mang đặc tính tri thức, cảm ái và thực tiễn (HC,54). Chính Đức Cha Lambert đã căn dặn: “Để gia tăng đời sống thiêng liêng, không có phương thế nào hữu hiệu cho bằng sự đối thoại thường xuyên với Thiên Chúa và lòng trung thành với tác động của ân sủng Người”(HC,54).

Đời sống thiêng liêng của người nữ tu Mến Thánh Giá được cụ thể hóa bằng việc vun trồng đời sống kinh nguyện nội tâm phong phú như suy niệm, nguyện ngắm cảm ái và chiêm ngưỡng bằng cái nhìn đơn sơ thuần khiết, cử hành phụng vụ và cung chiêm Thánh Thể với thái độ tôn thờ sâu thẳm, xứng với sự cao cả của Thiên Chúa Cha, đặt mình thường xuyên dưới tác động của Chúa Thánh Thần để trở nên con thảo của Chúa Cha và được ơn soi sáng trong từng sinh hoạt tông đồ.

Để gắn bó với Đức Kitô trong Mầu Nhiệm Thánh Giá, người nữ tu phải dành thời gian suy ngắm Lời Chúa, trung thành với việc đọc và chia sẻ lời Chúa, đồng thời áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống.

Người nữ tu Mến Thánh Giá phải trung thành với các giờ thiêng liêng: thánh lễ, giờ kinh phụng vụ, suy gẫm, chầu Thánh Thể, tĩnh tâm và hãy làm tất cả vì lòng yêu mến (HC,56).

Người nữ tu vun trồng tinh thần nguyện ngắm và thực hành theo đúng ý Giáo hội và Đấng Sấng Lập mong muốn, bằng cách lấy Kinh Thánh là nguồn lương thực nuôi dưỡng đời sống thánh hiến. Trong khi thực hành nguyện ngắm, đối tượng ưu tiên của người nữ tu Mến Thánh Giá là Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và luôn trung thành với thời gian nguyện ngắm là 30 phút mỗi ngày (HC,57). “Linh đạo Mến Thánh Giá hướng trọn lòng trí chị em vào Trái tim bị đâm thâu của Chúa Ki tô Chịu Đóng Đinh như biểu tượng của tình yêu cứu độ lớn lao”(HC,58).

Người tu sĩ cần tuân giữ sự thinh lặng bên trong và cả bên ngoài để dễ dàng kết hợp mật thiết với Chúa hơn. Trong bất cứ nơi đâu, người nữ tu hướng trọn lòng trí về Chúa, nhớ đến Chúa trong việc dâng những lời nguyện tắt và rước lễ thiêng liêng. Sự tĩnh lặng nội tâm nuôi dưỡng tâm hồn giúp người nữ tu vượt qua sự trống rỗng của tâm linh và có nghị lực vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Cuối cùng là việc hoán cải mỗi ngày, cụ thể là thực hành phút hồi tâm, xét mình cách trung thực trước mặt Chúa và năng đến với bí tích hòa giải. Đó là phương pháp tốt nhất giúp người nữ tu Mến Thánh Giá luôn thăng tiến trong “đời sống tâm linh”.

Khổ chế là một điểm đặc biệt duy nhất chỉ có nơi người nữ tu Mến Thánh Giá mà thôi. Nó thể hiện mức độ sâu sắc và cao cả của đời sống tâm linh vượt trội. Vì theo  Đức Cha Lambert “khổ chế biểu hiện tình yêu đích thực  đối với Thánh Giá Con Thiên Chúa. Tình yêu này là hiệu quả của tình yêu phi thường dành riêng cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh”(HC,65). Khổ chế là những hy sinh vất vả, đau đớn bên ngoài và tâm tình vâng phục bên trong nhằm mục đích thông phần với Đức Kitô. Khổ chế gắn liền với nhân đức thờ phượng vì “tưởng nhớ, suy niệm và noi theo Thánh Giá Đức Giêsu Kitô là thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Chân Lý theo đúng ý Người muốn”(Hc,65). Như vậy, khổ chế nâng đời sống tâm linh của người nữ tu Mến Thánh Giá lên một tầm cao mới, vượt xa so với các hình thức phượng tự bên ngoài có thể nhìn thấy được.

Đời sống tâm linh của người nữ tu từ lâu đã không còn bó hẹp trong bốn bức tường mà được thể hiện cách sâu xa ngang qua đời sống Tông đồ. Họ ý thức mình được sai đi vì Chúa Kitô, phục vụ hết mình trong niềm vui và hạnh phúc. Đứng trước sự khác biệt trong đời sống cộng đoàn, họ vui vẻ đón nhận và thông cảm với nhau. Người nữ tu có đời sống tâm linh thực sự luôn mang sự bình an, niềm tin tưởng ngập tràn trong bầu khí yêu thương; làm với trọn con tim hy sinh quên mình; vô vị lợi không so đo tính toán; dám lãnh trách nhiệm trong công việc; tôn trọng người khác trong các mối tương quan và nhất là không bị các thú vui trần thế lôi kéo. Như vậy, người nữ tu Mến Thánh Giá mang Chúa trong mình trên con đường truyền giáo. Họ làm việc vì Chúa, trong Chúa và cho Chúa. Thế nên dù có vấp ngã trên đường đời, họ vẫn can đảm đứng lên vì có Chúa luôn mỉm cười với họ.

Ngoài ba khía cạnh chính yếu của linh đạo Mến thánh Giá thì “đời sống tâm linh” còn được thể hiện rõ nét hơn trong việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm. Bởi vì, trong đời sống tu trì, ba lời khấn chính là một ràng buộc tự nguyện, nó vượt lên trên các khuynh hướng tự nhiên của con người: 

  • Lời khấn Khó nghèo đòi buộc người nữ tu trở nên trắng tay, không có gì là của riêng và chỉ chọn Đức Kitô là gia nghiệp duy nhất.
  • Lời khấn Khiết tịnh đụng chạm đến khát vọng sâu xa nhất của con người là muốn yêu và được yêu.  Lời khấn này đòi buộc người nữ tu vượt lên trên bản tính tự nhiên của thân xác và những thèm muốn của bản năng con người.
  • Lời khấn Vâng phục  đòi buộc người nữ tu trao trả tự do cho Thiên Chúa, hoàn toàn phó thác cho Người ngang qua bề trên và Hội Dòng.

Cả ba lời khấn đều là những khát vọng căn bản sâu xa của một con người tự nhiên. Nếu như người tu sĩ sống triệt để cả ba lời khấn thì hẳn là họ phải có sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa. Họ có thể khước từ tất cả vì họ có tình yêu Thiên Chúa dư tràn, chính tình yêu ấy đã lấp đày mọi nỗi khát vọng hay chờ mong của một con người. Mỗi khi gặp những thách đố trong cuộc đời, họ luôn nghe thấy tiếng Chúa thúc giục trong tâm hồn và họ có thể dùng chính sức mạnh của Thiên Chúa mà chống trả mọi trước cám dỗ. 

Là người nữ tu Mến Thánh Giá, em cảm thấy có một niềm vui sâu thẳm từ bên trong khi đọc được những thao thức của Đấng Sáng Lập về đường hướng đào tạo “đời sống tâm linh” cho con cái mình. Em nghĩ rằng nếu mỗi chị nữ tu Mến Thánh Giá sống triệt để đường hướng ấy thì qủa là họ đã chạm tới Chúa tự lúc nào.

Tuy nhiên, con đường nên thánh trong thế giới hôm nay không dễ dàng như thế. Thế giới đang cùng với nhân loại tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của văn minh trí tuệ với đỉnh cao vượt bậc của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, y khoa và nhiều lĩnh vực khác. Tất cả đang làm cho cuộc sống con người được nâng cao. Đất Nước chúng ta cũng đang quay cuồng trong sự thay đổi đa diện, đa chiều, siêu tốc độ, tất cả như đang hội tụ thành một bức tranh màu sắc và đa dạng. Tu sĩ nói chung và người nữ tu Mến Thánh Giá nói riêng cũng đang bị cuốn vào vòng xoáy của sự biến động ấy. Sự hội nhập đã đẩy mục đích và giá trị sống của người tu sĩ sang chỉ số về thành tích và hình thức bên ngoài, mà nhấn chìm “đời sống tâm linh” vào một góc khuất không thể tìm thấy. 

Cuộc sống tất bật của các dòng tu nữ không còn là một chuyện đáng ngạc nhiên, vì đó như một điều tất yếu của cuộc đời dâng hiến. Công tác mục vụ, công tác xã hội, giảng dạy, học hành, chưa kể đến các sự kiện văn hóa hay những biến cố lớn nhỏ trong nhà, tất cả làm cho người tu sĩ như vật lộn cả ngày từ sáng tinh sương tới lúc đêm về. Ngày lại ngày, người nữ tu bị công việc bao vây, phủ kín. Khoảnh khắc ngày tàn cũng là lúc thân xác mệt mỏi rã rời, không còn hơi sức để cầu nguyện hay nghĩ đến chuyện xây dựng đời sống nội tâm. Như thế “đời sống tâm linh” của người tu sĩ trong thế giới hôm nay chỉ còn gói gọn trong các giờ chung một cách máy móc và uể oải.

Thế giới thay đổi, các dòng tu cũng không còn nghiêm ngặt và khắt khe như xưa. Người tu sĩ cảm thấy thoải mái hơn trong việc tiếp xúc với thế giới hiện đại qua mang xã hội, dễ dàng hơn trong việc giao tiếp, ăn mặc và sử dụng tiện nghi. Tất cả những thứ đó đã chi phối hoàn toàn cuộc sống, tâm hồn và trái tim của người tu sĩ khiến họ làm việc thờ phượng với tâm tình khô cứng, với hình thức chóng qua và tình yêu hời hợt. Sự tĩnh lặng và thánh thiêng trong các Hội Dòng dần được thay thế bằng sự vui tươi nhộn nhịp. Nguyên nhân một phần cũng là do đáp ứng những đòi hỏi của thế giới hiện đại, phần còn lại là do chính bản thân người tu sĩ đã không cố gắng gìn giữ cho minh một lâu đài nội tâm sâu thẳm. 

Người nữ tu nhìn lại quá khứ với lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã gìn giữ và bảo vệ truyền thống tốt đẹp của người Mến Thánh Giá. Cho dù khó khăn vất vả nhưng chỉ với tình yêu dành cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh mà các nữ tu đã làm cho cái tên Mến Thánh Giá vẫn tồn tại và phát triển cho tới ngày nay.

Là thế hệ kế tiếp trên con đường Mến Thánh Giá, chúng ta hãy làm một cuộc cách mạng trở về nguồn để thấm đẫm tinh thần của Đấng Sáng Lập, quyết tâm xây dựng đời sống nội tâm vững chắc cho dù thời thế có thay đổi và công việc có bộn bề. Trở về nguồn để làm sống lại tinh thần thiêng liêng tốt đẹp; để hâm nóng tình yêu với Đức Kitô - Đấng là đối tượng duy nhất của lòng trí người Mến Thánh Giá; để thêm vị mặn nồng nàn vào việc thờ phượng Thiên Chúa và để mang theo Đức Kitô cùng với tình yêu của Ngài trao cho tha nhân mỗi khi có cơ hội phục vụ họ.

Nhiều người thế giới hôm nay đề cao chủ nghĩa cá nhân, khẳng định bản thân bằng cách hưởng thụ những thú vui thân xác. Họ đã quên bẵng Thiên Chúa và loại trừ Đức Kitô khi để cho Lòng Thương Xót bị thái độ nhẫn tâm chà đạp; để tình yêu bị ghen ghét tấn công; để tốt lành bị hiểu lầm áp bức; để tha thứ bị bạo tàn giết chết, và để Thiên Đàng bị hỏa ngục xâm lấn.

Đứng trước tình cảnh hỗn loạn ấy, hình ảnh người tu sĩ - cách riêng người nữ tu Mến Thánh Giá sống “đời sống nội tâm” chính là lời minh chứng hùng hồn nhất làm cho Đức Kitô sống lại trong thế giới hôm nay.

Ước mong sao mỗi người tu sĩ bước trên đường thánh hiến luôn ý thức và cảm nghiệm sâu sắc tầm quan trọng thực sự của đời sống thiêng liêng để họ luôn làm đẹp lòng Chúa bởi vì “Đời sống cầu nguyện chiếm vị trí cao nhất trong Hiến Chương và trong đời sống chị em Mến Thánh Giá, vì nhiệm vụ chính yếu của tu sĩ là chiêm niệm các mầu nhiệm của Thiên Chúa và kết hợp liên lỉ với Người bằng kinh nguyện” (HC,55).

                                                                                           Thêm Nguyễn

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hiến Chương Hội Dòng Mến Thánh Giá.
  2. Bút Tích Đấng Sáng Lập.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top