Đôi nét về thánh quan Don Bosco

Đôi nét về thánh quan Don Bosco

WGPSG -- Giáo hội Công giáo Việt Nam có một kho tàng châu báu là 117 vị thánh Tử đạo Việt Nam. Do đó, người Công giáo Việt Nam đã có truyền thống kính nhớ các thánh Tử Đạo Việt Nam qua việc rước kiệu xương thánh các ngài với lòng mến mộ; khi Cung hiến bàn thờ, xương thánh Tử đạo Việt Nam cũng thường được rước và đặt nơi bàn thờ. Với truyền thống tốt đẹp này, Dòng Don Bosco Việt Nam (SDB) đã tổ chức đón tiếp thánh quan Don Bosco đến Việt Nam từ ngày 16/01/2011 đến ngày 01/02/2011 để toàn thể linh mục, tu sỹ, cựu học viên, cộng tác viên... SDB Việt Nam đến kính viếng thánh quan và dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã gửi linh đạo Salêdiêng đến Việt Nam từ năm 1952.

Theo chương trình, lúc 14g30 ngày 16/01/2011, thánh quan Don Bosco, sau thời gian lưu ngự tại Manila Philippin, sẽ đáp chuyến bay từ Manila đến Việt Nam qua cảng hàng không sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Sau đó, di chuyển thánh quan Don Bosco từ sân say Tân Sơn Nhất về trụ sở của Tỉnh Dòng và đến các cơ sở của Tỉnh Dòng tại Việt Nam. Trước đó, ngày 10/12/2010 Tỉnh Dòng Don Bosco Việt Nam đã nhận chiếc xe tải thiết kế một cách đặc biệt từ hãng xe hơi Fiat của Italia dùng vào việc chuyên chở và di chuyển thánh quan Don Bosco đến những nơi khác nhau cho việc hành hương kính viếng Don Bosco.

Đôi nét về thánh quan Don Bosco. (Trích từ tư liệu của Học viện Don Rua - Don Bosco - Đà Lạt)

Don Bosco sinh ngày 16/8/1815, tại Becchi, Asti, Torino, nước Ý. Ngài qua đời ngày 31/01/1888, vào lúc 4g45, tại Valdocco, Torino.

Vì Don Bosco muốn ở giữa các con của ngài sau khi chết nên Cha Rua và các Bề trên quyết định an táng Don Bosco ở Nhà thờ Đức Mẹ Phù Hộ. Nhưng chính quyền thành phố Torino không chấp nhận. Do đó, ngày 01/02/1888, các ngài đã cử Đức cha Gioan Cagliero và cha Tổng Thỉnh viên Notario đi Roma để gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Crispi. Sau khi trình bày với ông Thư ký, các ngài nhận được câu trả lời tích cực:

- Tại sao không có thể an táng Don Bosco tại một trong những trường của ngài? Điều này sẽ dễ dàng chấp nhận và như vậy Don Bosco sẽ được ở với các con của ngài.

Sau đó, khi gặp ông Bộ trưởng, các ngài trình bày lời thỉnh cầu. Ông Bộ trưởng cũng đã cho biết, theo luật, vì vấn đề vệ sinh và sức khỏe, việc an táng không được tiến hành trong thành phố. Nhưng đối với Don Bosco, có thể chấp nhận luật trừ; tuy nhiên, không được an táng ngài ở Valdocco, vì trong thành phố cho nên có thể an táng ngài tại một trong các trường của ngài ở ngoài thành phố. Trường Valsalice được đề nghị và được chấp thuận. Tuy nhiên, khi về lại Torino, ngày 02/02/1888, các ngài xin ông Chủ tịch thành phố ký vào giấy phép cho Don Bosco được an táng ở Valsalice, nhưng ông Chủ tịch từ chối. Sau đó các ngài lại phải đi Roma một lần nữa để xin ông Bộ trưởng can thiệp. Và nhờ sự can thiệp của ông Bộ trưởng, Don Bosco đã được chấp thuận cho an táng ở Valsalice.

- Vào lúc 21g00 ngày 01/02/1888: Học sinh Valdocco tụ tập tiễn biệt Don Bosco, các tu sĩ Salêdiêng canh thức cầu nguyện bên cạnh quan tài Don Bosco suốt đêm.

- Ngày 04/02/1888: Giấy phép an táng Don Bosco ở Valsalice được gửi đến Valdocco vào lúc 16g00. Sau đó, vào lúc 17g, quan tài Don Bosco bắt đầu được rước từ Valdocco và đến Valsalice lúc 18g00, thi thể ngài được an táng ở Valsalice chiều ngày 06/02/1888, ngay ở cầu thang lên lầu.

Nhân dịp Don Bosco được phong Chân phước, mộ của ngài được khai quật ngày 16/5/1929. Và ngày 17/5/1929, hài cốt của ngài được Đức Hồng y Gamba, Tổng Giám mục Torino long trọng xác nhận: Không có gì lạ thường, xác vẫn đầy đủ trọn vẹn.

Don Bosco được Đức Giáo Hoàng Piô XI phong Chân phước ngày 02/6/1929 tại Vatican (thời kỳ Chân phước Philip Rinaldi làm Bề trên Cả).

Ngày 09/6/1929, thánh quan Don Bosco được long trọng rước về Valdocco và đặt trong Đền thờ Đức Mẹ Phù Hộ để dân chúng kính viếng. Bài hát Don Bosco Ritorna (Don Bosco trở về) được sáng tác để nói lên việc Don Bosco về lại Valdocco trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người. Tác giả bài hát cũng nhắc đến một biến cố khác: Biến cố Don Bosco cùng với Mẹ Magarita từ Becchi về Valdocco, nhưng lúc đó chỉ có hai người.

Và Don Bosco được chính Đức Giáo Hoàng Piô XI phong Thánh ngày 01/4/1934 tại Vatican (Đại lễ Phục Sinh, kết thúc Năm Thánh Cứu Độ).

Thánh quan Don Bosco là một hòm kính bên trong có chứa “Tượng thi thể” Don Bosco được làm bằng fiberglass trong tư thế nằm an nghỉ đúng với kích thước tượng thi thể Don Bosco hiện đang đặt tại Đền Thờ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu ở Torino – Italia. Bên trong tượng thi thể có hộp đựng xương Thánh Don Bosco, đây là xương bàn tay phải của Thánh Gioan Bosco, bàn tay mà chính Don Bosco đã từng làm nhiều phép lạ cũng như đã từng ban phép lành cho dân chúng và cho các con cái của ngài khi ngài còn sống.

Ngoài ra, thánh quan còn có lồng kiếng để bảo vệ tượng Don Bosco để dân chúng có thể dễ dàng nhìn thấy khi kính viếng ngài. Hai bên hông thánh quan có dòng chữ: DA MIHI ANIMAS, CETERA TOLLE (Xin cho con các Linh hồn, còn những sự khác, xin Chúa cứ lấy đi). Còn ở đầu và cuối thánh quan, có hình các bạn trẻ và bản đồ thế giới Salêdiêng. Ở hai trụ Thánh Quan có số 1815 (năm sinh của Don Bosco) và 2015 (năm kỷ niệm 200 năm Sinh nhật Don Bosco). Ở giữa có vòng cung, như chiếc cầu nối hai thời điểm với nhau.

 Thánh quan nặng 820kg. Lồng kính dài 2m53, rộng 1m08 và cao 1m32.

Thánh quan Don Bosco sẽ đi thăm hơn 130 quốc gia, từ ngày 25/4/2009, nhân dịp kỷ niệm 150 năm Thành lập Dòng Salêdiêng, cho đến ngày 16/8/2015, kỷ niệm 200 năm Sinh nhật của ngài.

Ngày 16/01/2011, thánh quan Don Bosco sẽ đến Xuân Hiệp, Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh. Xin xem chương trình đón thánh quan Don Bosco trên trang web tgpsaigon.net: tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110101/8318

Ngày 01/02/2011, chuyển về Roma để bảo trì, chấm dứt thời gian thăm viếng vùng Đông Á.

Chương trình chi tiết cho cuộc hành hương kính viếng Thánh Quan Don Bosco tại những cơ sở của Tỉnh Dòng Don Bosco Việt Nam cũng như những hình ảnh về thánh quan Don Bosco đã được đăng trên website với địa chỉ: www.thanhquan.donboscoviet.org, Hoặc: www.donboscoviet.org.vn.

Top