Đôi nét giới thiệu các Dòng Tu

Đôi nét giới thiệu các Dòng Tu

ĐÔI NÉT GIỚI THIỆU CÁC DÒNG TU
NHỮNG PHƯƠNG THỨC HIỆN DIỆN VÀ DÂNG HIẾN

Đời tu dưới mọi hình thức đều lấy việc "Theo chân Chúa Kitô" như Tin Mừng đề nghị làm quy luật tối thượng. Thế nhưng việc họa lại chân dung đấng Cứu Thế trong những hoàn cảnh đặc thù và những giai đoạn riêng biệt, đã làm nảy sinh rất nhiều những hình thức cộng đoàn tu trì.

Quả thật, tu cũng có nhiều lối ví như muôn cánh hoa trăm hương nghìn sắc, đua nở trong vườn hoa Hội Thánh. Trong tập “Dấu Ấn 350 năm”, tại Việt Nam hiện có 124 đơn vị tu trì, gồm 21 đan viện, 23 tỉnh dòng hoặc miền dòng thuộc Tòa Thánh, 50 dòng giáo phận, 29 tu hội và tu đoàn… (1)

I. THEO HƯỚNG NHÌN THẦN HỌC

Đức Kitô đã đến trong trần gian, Ngài đã sống hòa nhập với môi trường mình đang sống. Hoạt động của Ngài, tuy chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng lại đa dạng. Ngài hiện diện, chia sẻ, Ngài cầu nguyện và rao giảng, Ngài thăm viếng và chữa lành, Ngài huấn luyện và chúc phúc... Cuối cùng, trên Thập Giá, Ngài đã biểu lộ Tình Yêu của Thiên Chúa Cha, muốn phục sinh toàn nhân loại trong ơn cứu độ, muốn đảm nhiệm tất cả những khó khăn vất vả và những ước mơ hy vọng của con người. Sứ mạng của Ngài là khai mở "năm hồng ân Thiên Chúa" (Lc 4,17-19), và kêu gọi những tâm hồn thiện chí mạnh dạn nối tiếp vào con đường Ngài đã đi (Mt 19,12; Mc 10,21).

Theo hướng nhìn thần học, sự xuất hiện một Dòng Tu thường bắt đầu từ một "Hứng Khởi Nền Tảng" của vị sáng lập, trong từng hoàn cảnh lịch sử, để chọn lựa một tính chất hoặc phần vụ riêng biệt cho tập thể của mình, nhưng luôn mưu ích cho giáo hội (PC 2b). Nên tuy cũng là việc hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa và tha nhân, nhưng lại được thể hiện bằng muôn ngàn cách thế hiện diện, mong họa lại một đôi nét riêng biệt trong toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu.

Giáo hội vẫn coi thành quả đó do ơn thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Linh (LG 43) nhằm góp phần giúp giáo hội chu toàn sứ mạng xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô. Hội Thánh, chính là những "Đoàn Sủng", như đã được thánh Phaolô đề cập trong thơ I Côrintô : “Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin ; kẻ thì được … ban những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri ; kẻ thì được ơn phân định thần khí ; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người (I Cr 12, 8-11).

Tiếp đến, để xác định rõ hướng đi của mình, mỗi Dòng Tu đều có một Quy Chế hay bản Hiến Luật riêng. Bản văn ấy sẽ trình bày về mục đích, tinh thần, bản chất, hoạt động mà mình chọn, cùng với những quy định về tổ chức và đào tạo. Khi Hiến Luật ấy được thẩm quyền giáo hội châu phê và công bố (Giám mục với Dòng giáo phận, Đức Thánh Cha với Dòng quốc tế), một Dòng Tu được chính thức thành lập.

Nếu theo quy định của Giáo Luật, tu sĩ là người tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm : khiết tịnh, vâng lời và khó nghèo (GL 57,3-2) thì hơn thế nữa, họ phải trung thành với đoàn sủng của Dòng Tu mình chọn và có trách nhiệm trước những nhu cầu cụ thể của con người thời đại. Chính vì thế, các Dòng Tu luôn phải canh tân Hiến Luật của mình theo ba hướng : trở về Tin Mừng là nguồn phát sinh nếp sống Kitô hữu, trung thành với đoàn sủng của Dòng và thích ứng với hoàn cảnh mới của thời đại (PC 2).

Nhờ sự mạnh dạn canh tân này, người tu sĩ qua các thời đại, không ngừng khám phá ra những cách thế để đóng góp muôn ngàn bàn tay, khối óc và con tim, chung phần với tất cả mọi công dân trên trái đất. Đời tu, đặc biệt dưới ánh sáng của công đồng Vaticano II, không coi mình là bậc sống riêng biệt, mà chỉ là đi sâu hơn vào hiến lễ của bí tích thanh tẩy (PC 5), vào ơn gọi "vì Chúa dấn thân phục vụ".

II. ĐỜI TU QUA DÒNG LỊCH SỬ

Người tu, dù sống dâng hiến, vẫn không xa lạ với "người đời". Họ vẫn là những con người "mang nặng nơi con tim, những gì thực sự là của con người" (GS 1). Cho nên đời tu cũng hòa nhập và chịu tác động qua lại với môi sinh, mà đặc biệt là những biến động trong lịch sử loài người. Vì thế, nếu xét đời tu như là một hiện tượng xã hội, ta có thể khái quát những chặng đường lịch sử, trên đó, đời tu xuất hiện qua những phương thế hiện diện góp phần tô thắm cho cuộc đời.

2.1 Từ ẩn tu đến đan viện Trung Cổ

Nếu từ ngày Giáo Hội sơ khai đã đề cao những người sống độc thân vì Nước Trời theo gương và giáo huấn của Đức Kitô và thánh Phaolô (Mt 19,12; I cr.7,25t), thì phong trào tu trì chỉ thực sự phát triển vào khoảng năm 313, khi chiếu chỉ Milan của vua Constantin cho Giáo Hội được tự do. Khi đó Kitô giáo vượt qua cơn gian nan, từ các hầm mộ khải hoàn tiến vào điện Panthéon. Một đàng, giáo hội khoác thêm tấm áo bào lộng lẫy, đàng khác, quá nhiều người nhập đạo mà không được chuẩn bị kỹ lưỡng. Sự sa sút về đời sống đạo đức đó thúc đẩy ngày càng nhiều tín hữu xa lánh vòng cương tỏa của trần gian để vào ẩn tu trong rừng hoặc sa mạc.

Những vị ẩn sĩ như thánh Antôn, khởi từ ước vọng sống hoàn thiện, đã làm cuộc mạo hiểm của niềm tin, vì ra đi mà không đoán được tương lai sẽ thế nào. Nhưng dần dà, số lượng ẩn sĩ gia tăng đã nối kết họ thành những tập thể ẩn tu, hoặc quy tụ quanh một ẩn sĩ nỗi tiếng, hoặc chấp nhận một kỷ luật tập thể mới theo thánh Pacôme hay thánh Basiliô.

Thế nhưng, ngay từ giai đoạn này, việc "cách ly xã hội" của những ẩn sĩ, với thời gian, lại giống như một cuộc hành trình để hiệp thông với xã hội một cách khác hơn : họ đã nối kết với nhau thành xã hội mới của nước trời, họ đón tiếp mỗi ngày các khách hành hương đến xin lời chỉ giáo, và nếu cần (như thánh Antôn) họ trở về thành phố một thời gian để giúp đỡ anh em mình.

Với thánh Biển Đức, đời tu biến chuyển sang một giai đoạn mới. Trong hoàn cảnh Roma sụp đỗ, man dân xâm lăng, văn hóa suy đồi... các đan viện từ nay được coi như trụ điểm để có thể tái tạo lại xã hội. Bằng lời khấn "vĩnh cư", người đan sĩ chọn đan viện làm quê hương để gắn bó với nhau suốt đời. Dần dần họ đưa ra một khuôn mẫu cấu tạo xã hội tương lai đang thành hình. Mỗi đan viện đều trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa và xã hội. Đan viện là trường học, là nơi cứu tế xã hội, là trung tâm quy tụ các tín hữu. Nhiều thành phố mới được hình thành quanh đan viện. Nhiều đan sĩ với uy tín của mình, lãnh nhận những chức vụ trong xã hội và trong giáo hội. Ảnh hưởng của các vị mạnh đến nỗi trở thành Kitô hữu lý tưởng. Người giáo dân đạo đức là người mô phỏng gần giống với đời tu đan sĩ: ăn chay, đánh tội và xa lánh trần gian.

Với tổ chức của Cluny (910) và Xitô (1098), Dòng Tu quốc tế xuất hiện, với một nhà Mẹ chỉ huy nhiều đan viện. Cao điểm của Cluny là 1450 đan viện (năm 1100) và của Xitô là 700 đan viện (năm 1200). Nhiều đan sĩ được chọn làm đặc sứ Tòa Thánh, với ơn miễn trừ, hoạt động do chỉ thị của giáo hoàng chứ không phải của giám mục, đã trở thành một lực lượng linh hoạt để phục vụ các công tác chung trong Giáo Hội.

2.2 Đến Dòng Tu Tông Đồ

Thế kỷ XII, xã hội Âu Châu có những biến động mạnh, với sự xuất hiện của những thành thị phồn thịnh và các trường đại học. Tiền bạc chiếm địa vị quan trọng và thần học được tranh luận theo đường lối mới. Chính lúc đó, ta thấy xuất hiện những Dòng Tu lấy thành thị làm trung tâm hoạt động. Đó là các Dòng hành khất : Phanxicô (1209), Đaminh (1216), Cát-Minh và Ẩn sĩ Augustin.

Đối lại lòng ham mê tiền bạc, tu sĩ các Dòng này chủ trương sống nghèo. Các vị di động (du thuyết) trong những khung cảnh xã hội mới và dần dần nắm giữ vai trò quan trọng trong nhiều đại học. Bên cạnh quy chế miễn trừ, các Dòng tu mới với tổ chức tập quyền, đã phục vụ rất đắc lực cho giáo hội phổ thế, giữa lúc các quốc gia Âu Châu đang thành hình, các vị là cố vấn cho các triều đình và góp phần không nhỏ cho mối liên hệ liên quốc gia. Các vị này là những sứ giả hòa bình và đã ảnh hưởng rất lớn trong việc soạn thảo các luật lệ tại mỗi miền, tất cả đều phải dựa trên luân lý Kitô giáo.

Bước vào thời Phục Hưng, giáo hội phải đối diện với những vấn đề mới và đa dạng hơn. Đồng thời cánh đồng truyền giáo cũng được mở rộng theo bước chân của các nhà thám hiểm. Các Dòng Hành Khất cũng nhanh chóng có mặt trên miền đất mới, nhưng sự xuất hiện của Dòng Tên (1534) mới thực sự phản ánh tâm tư của con người thời đại. "Tất cả cho Vinh Danh Chúa hơn". Dòng tu mới này đã phản ảnh quyết tâm của nhân loại thời Phục Hưng, nhấn mạnh đến ý chí phục vụ bằng bất cứ phương thế tiến bộ nào, đặc biệt là các ngành khoa học. Ngoài ra, theo quyết định của công đồng Trento về việc mở chủng viện, đây cũng là lúc xuất hiện các tu hội chuyên đào tạo chủng sinh như Xuân Bích.

2.3 Và các Dòng Tu chuyên biệt

Trước một xã hội ngày càng phát triển và phân công chuyên biệt hơn, các Dòng tu chuyên biệt cũng dần dần góp phần phục vụ cho con người. Chẳng hạn như các Dòng : Gioan Thiên Chúa phục vụ tại các bệnh viện (1537), Dòng Đức Bà (1597), Dòng Lasan (1680), Dòng Salêdiêng (1874) ưu tiên cho công tác giáo dục.... Hướng chuyên biệt phục vụ xã hội được đẩy lên cao độ với thánh Vinh sơn Phaolô. Bằng đức tin dũng cảm và lòng yêu tha nhân vô bờ, thánh nhân cùng với thánh nữ Louise Marillac sáng lập hình thức tu hành mới cho các "Nữ Tử Bác Ái" (1633): "Lấy đường phố làm tu viện và người nghèo là đối tượng phục vụ".

Và đó cũng là chủ trương của linh mục L.Clauvet khi lập Dòng Phaolô thành Chartres năm 1694, chuyên việc bác ái. Đang khi Dòng Chúa Cứu Thế (1732) lại hướng hẳn đến giảng tĩnh tâm và những người nghèo ở vùng nông thôn, và nhiều Dòng tu khác đứng ra đảm nhiệm, đào sâu ý nghĩa và cổ võ một việc tôn kính trong giáo hội như : Dòng Thánh Tâm, Dòng Mến Thánh Giá (1670), Dòng Thánh Thể (1856), Dòng Trái Tim Đức Mẹ... Sự hiện diện của mỗi dòng tu này trở thành lời nhắc nhở người Kitô hữu về một "nhu cầu tâm linh" mà họ không được quên lãng.

Hướng chuyên biệt hóa các dòng tu còn được thể hiện bằng một thể thức khác, đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều các dòng tu giáo phận. Vì nếu văn minh thế giới phải tôn trọng văn hóa địa phương, thì chính những Dòng tu địa phương, sẽ tìm ra những cách thế hoạt động hữu hiệu nhất. Công tác của Dòng tu này giới hạn theo không gian, thì bù lại, họ đảm nhiệm bất cứ công tác tôn giáo, xã hội, giáo dục ... mà tha nhân cần đến.

Cuối cùng, trong giai đoạn gần đây, ta thấy sự xuất hiện của những tu hội đời. Trong môi trường xã hội hậu tục hóa, khi thế giới "đời" ngày càng tìm cách thoát ly khỏi ảnh hưởng của đạo, các anh chị em tu hội sống chìm ngay giữa lòng đời. Tuy vẫn tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm, anh chị em không có tu phục riêng, không xây tu viện lớn, đôi khi cũng chẳng cần làm việc tông đổ trực tiếp nào, vì chủ trương "sống chứng tá" như men trong bột hiện diện chan hòa trong mọi môi trường của cõi nhân sinh...  

III. TỔNG KẾT

Nhìn lại quá trình xuất hiện và chuyển biến của các phương thức hiện diện trên, không ai có thể phủ nhận tác động của xã hội vào đời tu. Đời tu thoát thai là ẩn sĩ, lớn lên thành đan sĩ, bước vào cuộc đời làm người tông đồ phục vụ, và dần dần đảm nhiệm mọi nỗi âu lo, thao thức, nỗ lực của con người đương thời. Từ lũy cấm đến chan hòa giữa lòng đời. Từ trường học Thiên Chúa để đến với anh em, chuyển qua việc tìm Chúa giữa tha nhân.

Dĩ nhiên, sự xuất hiện những dạng thức tu trì mới không làm giảm giá phương thức hiện diện cũ, nhưng ngược lại, làm nó thêm phong phú hơn lên. Như người đan sĩ, nếu không có hoàn cảnh dấn thân hoạt động tông đồ trực tiếp, thì cánh cửa đan viện cũng được mở rộng thêm ra, và ngay trong lời nguyện mỗi ngày của họ, cũng chất chứa biết bao nỗi trăn trở, ưu tư của con người thời đại.

Những chuyển hóa trên không phải do ngẫu nhiên. Nhưng vì yêu cầu của xã hội đòi hỏi, hay nói cách khác, khi Thiên Chúa vẫy gọi trong cuộc đời thực tế, đời tu phải đáp trả bằng chuyển hóa. Đời tu dấn thân vào xã hội trần thế, góp phần tác động vào xã hội, nhưng đồng thời cũng nhờ xã hội mà tăng tiến và thanh luyện. Do đó, người tu không được quyền "xa lạ với con người và vô tích sự giữa lòng trần thế" (LG 46), trái lại phải luôn can đảm duyệt lại phương thức hiện diện của mình nữa.

Chính vì thế, nếu mỗi Dòng Tu phải trung thành với đoàn sủng của Dòng mình khi tự canh tân, thì đàng khác, họ vẫn có trách nhiệm tham gia vào mọi sinh hoạt, sáng kiến và đề nghị của Giáo Hội đương thời (PC 2c), vẫn có trách nhiệm với môi trường cụ thể mà mình tiếp xúc (PC 2d).

Và cuối cùng, dù các Dòng Tu đa dạng thế nào đi nữa, tất cả sẽ gặp nhau trong thái độ "dâng và hiến" chính mình, theo gương Đức Giêsu : theo đuổi đức ái hoàn hảo trên hành trình phục vụ con người và xây dựng nước trời. 

----------
Các tài liệu công đồng Vatican II sử dụng trong bài gồm :
+ Sắc lệnh về Đời tu Paefectae Caritatis, Đức Ái Hoàn Hảo, PC.
+ Hiến chế Lumen Gentium, Ánh Sáng Muôn Dân, LG
+ Hiến chế Gaudium et Spes, Vui Mừng và Hy Vọng, GS

1) Dấu ấn 350 Giáo hội CGVN, Nxb Phương Đông 2010, trang 32

Top