Đôi điều về chữ Thiên trong Đạo Cao Đài - Hội luận LT (22.4.2014)

Đôi điều về chữ Thiên trong Đạo Cao Đài - Hội luận LT (22.4.2014)

Thiên là từ Hán Việt để diễn đạt TRỜI của chúng ta.

Từ lâu Đức Cao Đài dạy:

“Thầy mong con biết Thầy, hiểu Đạo,

Cho thế gian cải tạo thanh bình…”.

Trong buổi Hội luận liên tôn về chữ "Thiên" (22.4.2014) tại Nhà Truyền thống Giáo phận, giáo sĩ Huệ Ý, TTK Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, đã trình bày niềm tin của đạo Cao Đài về Thượng Đế. Dưới đây là nội dung bài thuyết trình:

Biết Thầy, hiểu Đạo là lễ phẫm trân trọng chúng ta kính dâng lên Đức Chí Tôn. Trong giới hạn của kiến giải và khuôn khổ của thời gian, đạo đệ xin trình bày đôi điều về CHỮ THIÊN TRONG ĐẠO CAO ĐÀI.

1. NHẤT THỂ - TAM CỰC

Muốn hiểu và chứng được Đức Thượng Đế con người cần có đức tin:

“Lòng con tin Đấng Cao Đài,

Đạo đời Trời sẽ an bài cho con.”

Mỗi sự vật được nhìn dưới ba góc cạnh: thể, tướng, dụng. Thể là cốt lõi bất biến; Tướng là hiện trạng của sự vật, thích nghi vào mỗi hoàn cảnh hay điều kiện; Dụng là công năng của vật vào mỗi hiện tướng.

VỀ BẢN THỂ

  • Vô Cực là Đức Thượng Đế chưa thị hiện. Vì căn trí chúng sanh vô lượng, Đức Vô Cực được nhân cách hóa là Đức Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu và Lễ Triều Thiên Vô Cực vào Rằm tháng Tám/Âm lịch mỗi năm. (Minh Lý Thánh Hội  là ngày 17/7 âm lịch mỗi năm)
  • 1.2 Thái Cực là Đức Thượng Đế thị hiện, từ MỘT mà PHÂN vạn thù (nhứt bổn tán vạn thù), con đường phân tánh giáng sanh. Lễ Đức Chí Tôn vào Mùng Chín tháng Giêng âm lịch mỗi năm.
  • 1.3 Hoàng Cực là từ vạn thù quay trở về MỘT (Vạn thù quy nhất bổn bằng tu luyện), là con đường phản bổn hoàn nguyên. Từ ngoài trở lại tâm. Khi trở lại tâm được, quy nhất bổn được là trở nên Hoàng Cực. Một cách hình tượng: đi thi và vinh quy bái tổ trở về.

Đức Chí Tôn dạy: “Các con khá biết rằng Thầy hằng nói: Thầy là các con, các con tức là Thầy. Có Thầy mới có các con, mà có các con rồi mới có chư Tiên, Phật, Thánh, Thần ; thì người là Tiểu Thiên Địa.” (Đại Thừa Chơn Giáo, 1956, trang 19.)

Đức Chí Giai đoạn đi ra là :

“Có Thầy mới có các con …”

  • Đồ hình: Vòng tròn duy nhất = tượng trưng Vô Cực
  • Đồ hình: Vòng tròn có tâm điểm = tượng trưng Thái Cực; từ tâm đi ra = Nhất bổn tán vạn thù.

 Thánh giáo Cao Đài dạy Trời và người đồng một bản thể:

“Con là một thiêng liêng tại thế,

  Cùng với Thầy đồng thể linh quang.

  Khóa chìa con đã sẳn sàng,

  Khi vào cõi tục, khi sang Thiên đình.”

Trời là ánh sáng lớn (Đại Linh Quang), người là ánh sáng nhỏ (tiểu linh quang). Khi đạt được vô ngã thì ánh sáng nhỏ sẽ hiệp được với ánh sáng lớn, khi đó, con người sẽ “cùng Trời đồng nhứt, cùng Đạo ứng thông”.

Con đường tán vạn thù rồi quy nhất bổn:

Từ MỘT (Thái Cực), Thiên tánh phân ra thành tánh linh trong mỗi vạn thù:

- Tánh linh ngũ trong khoáng sản.

- Tánh linh thức trong thực vật (giai đoạn tiến hóa: đầu quay xuống, chân đưa lên).

- Tánh linh hoạt động trong động vật (giai đoạn tiến hóa: đầu chân ngang nhau).

- Đến người, đầu đội Trời, chân đạp đất, tánh linh giác ngộ tu hành.

Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:

Đường phản bổn không ngoài Đại Đạo,

Nẻo về Nguyên do lão chủ ông;

Chủ ông là cái Tấm Lòng,

Lòng người Giác Ngộ cộng thông đất trời.

Muốn được vậy cấp thời tu tỉnh,

  Muốn quay về chấn chỉnh sửa đang;

Tâm trần vướng mắc rộn ràng,

Rút gươm thần huệ đoạn phăng cho rồi.[1]

Đức Chí Tôn dạy: Điểm linh quang nào muốn tạo Phật tác Tiên cũng phải đầu thai vào thế giới hữu hình vật chất. Dầu cho một vị Đại La Thiên Đế giáng trần đây không tu luyện cũng khó mong trở lại.” (Đại Thừa Chơn Giáo, 1956, trang 19.)

Giai đoạn trở về là:

“… Có con, con mới tu thành Phật, Tiên.” [2]

Thánh giáo Cao Đài dạy:

“Tu là học để làm Trời,

Có đâu kiếp kiếp làm người thế gian.”

Trời đây không phải là Đức Thái Cực, mà là Hoàng Cực (Chư Phật, Tiên, Thánh, Thần.)

Vô Cực, Thái Cực, Hoàng Cực là nhứt như (là một, không khác nhau) ba là một, một là ba.

2. VỀ CHỨC TRÁCH

Thiên, Đức Thượng Đế trong Đạo Cao Đài, Ngài vừa là VUA (Quân), vừa là Thầy (Sư), vừa là Cha (Phụ).

Ngài là VUA (CAI TRỊ):

Trước bửu điện kiền thiềng đảnh lễ,

Vọng Hoàng THIÊN, Chúa Tể vạn linh;

  Háo sanh Tạo Hóa chi tình,

Xót thương con trẻ chứng minh lời nguyền.” [3]

Ngài là THẦY (DẠY DỖ):

“Con cúi xin phụng thừa Thiên lịnh,

Dưới chơn THẦY phán định phát ban;

Dầu trong mọi cảnh khó khăn,

Nguyện lòng đem hết sở năng thực hành.” [4]

HỌC ĐẠI THỪA HÀNH THIÊN ĐẠO:

Nhơn đạo là lấy lòng người tiếp xử giữa người với người nên có thân, sơ... Người Thiên ân học theo lòng Trời để tiếp xử giữa người với người - với người tốt lấy tốt đối xử, với người chưa tốt cũng lấy tốt đối xử - nên tất cả đều trở nên tốt. Muốn đến được chỗ ấy môn đệ Đức Cao Đài phải học Đại Thừa hành Thiên Đạo.

Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy: “Chư hiền đệ muội ngày nay được hưởng thời đại ân xá và đang trỗi bước Đại Thừa thực hành Thiên Đạo, dầu ở cấp nào, cũng phải tự mình khắc kỷ, tu công, nghiêm minh giới luật. Trễ một giờ là mất một năm tiến hóa. Nếu làm một nhơn sanh nơi cõi thế mà không tiến hóa được thì thật uổng phí một kiếp nhơn sanh.” [5]

Ngài là CHA (GIÁO-DƯỠNG):

“Thọ Quy Điều trước đài con dại,

Dưới Đạo Kỳ cúi lạy Trời CHA;

Hộ con tạo thế nhơn hòa,

Trời Nam xây dựng bửu tòa vạn linh.” [6]

Đức Chí Tôn ban ân cho chúng ta bất cứ lúc nào và ở đâu: lần lượt đi từ thấp lên cao:

  1. Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên. (mẫu giáo, tiểu học) [7]
  2. Dọn mình tu niệm hưởng ân Thiên. (trung học, đại học) [8]
  3. Hoằng dương Đại Đạo hưởng ân Thiên. (thầy giáo) [9]
  4. Dâng trình kết quả hưởng ân Thiên.[10] (hàng trách nhiệm hướng đạo, lãnh đạo…)

Điều kiện để nhận ân Thiên là sự thánh khiết.

Đức Chí Tôn dạy “Các con Thiên ân phải kiểm điểm mình để thân tâm trong sạch trọn vẹn, trong sạch là THẦY, có trong sạch ắt có THẦY, THẦY ở nơi trong sạch mà làm tiêu biểu cho khối chơn như. Con trong sạch rồi thì lúc nào cũng có THẦY, mà con lem lấm nhơ bẩn thì xua đuổi THẦY cho xa con. Lúc ấy hồn con bị quỷ vương cướp mất, nó lại lấy thân con làm tay chơn nô lệ; thế là con đã chết rồi mà bị còn trong ganh ghét.” [11]

Làm sao gặp Ngài? Tìm Đức Cao Đài không khó, cũng không dễ, Ngài ngự trong tâm thanh tịnh của mỗi chúng ta:

“Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi,

Chẳng cần hạ giới vọng cao ngôi;

Sang hèn trối mặc tâm là quý,

Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi.” [12]

Hoặc:

“Cao Đài chẳng khá ở ngoài tâm,

Triều kiến như lai diệt mộng trầm…” [13]


3. ĐỨC THƯỢNG ĐẾ THỜI TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Đức Thượng Đế dùng huyền diệu Tiên gia khai Tam Kỳ Phổ Độ với tá danh Cao Đài, chọn dân tộc Việt Nam làm tiền phong để đón nhận sứ mạng quyền pháp.

Đức Thượng Đế dạy: “Thế vận tuần hoàn, thiên cơ dĩ định, Thầy khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại Việt Nam là nơi các con cái của Thầy đang gặp gỡ nhau trên phương diện đạo lý, cũng là hoằng dương chánh pháp cho Tam Giáo Đạo trung hưng, hầu cứu rỗi nhơn sanh trong kỳ hạ ngươn mạt kiếp.”[14]

  • Cao Đài là tá danh (tên tạm mượn mà thôi). “Cao Đài không là Cao Đài mới thật là Cao Đài.”
  • Phổ Độ: phổ: rộng khắp; độ: cứu chúng sanh.
  • Tam Kỳ: lần thứ ba.
  • Đại Đạo: phương tu để con người quay về hiệp nhất với Đức Thượng Đế, trở nên Hoàng Cực.

“Đại Đạo vốn không lời diễn tả,

Phải do tâm hành giả tham cầu;

Hỏi rằng biệt quyết là đâu,

Khí, thần, tánh, mạng đạo mầu âm dương.”

  • Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, trong nội dung không nhằm thể hiện danh xưng của bất cứ một đạo giáo nào. Mục đích, tôn chỉ, lập trường Đại Đạo là công thức hòa hiệp các đạo giáo để hình thành “thực thể Đạo cứu thế Kỳ Ba”.

Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:

1.  Sở vật thực tại rất to tát trước thời tạo thiên lập địa là ngôi Vô Cực Diêu Trì, và điểm quyền pháp được chứa đựng làm ngôi Thái Cực, là Thầy.http://saigonline.com/nth/images/tnhan_05.jpg

2.  Các tôn giáo hiện có chỉ là các cấu tử chớ chưa phải là Đạo, là Tôn Giáo Cứu Thế. Quyền pháp là Thầy, là Đạo. Nhắc lại Đạo chớ không là tôn giáo .

3.  Đại Từ Phụ dựng Cao Đài nơi vùng Đông Nam Á này để làm quyền pháp. Chính sứ mạng quyền pháp nầy thúc đẩy mọi sở vật thực tại tôn giáo kết thành thực thể Đạo Cứu Thế trong Tam Kỳ Phổ Độ

4.  Từ xưa các tôn giáo được tạo lên để giải quyết tâm linh, nhưng Tam Kỳ Phổ Độ Thầy phải trao cho chư hiền, cho dân tộc nầy một quyền pháp đạo để lập thành quyền pháp đạo thực thể thuần chánh để cứu thế.

5.  Quyền pháp đạo thực thể cứu thế phải có trách nhiệm trên toàn thể nhơn loại. Không phải chỉ giải quyết vấn đề tâm linh, chính là giải quyết toàn diện cá thể con người.”[15]

Mỗi giáo đạo đều có hai phần: phần ngoại dung là tôn giáo với những dị biệt; phần nội dung là Đại Đạo, tương đồng giữa các tôn giáo.

Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy “Giáo lý Đạo Trời (xin hiểu là phần Đại Đạo trong các tôn giáo) cốt đem lại những gì hạnh phúc cho vạn loại, cho tất cả mọi từng lớp chúng sanh, không riêng cho lớp người nào, cho phe phái nào. Nếu có riêng là riêng cho cho những người dục vọng bại hoại lương tri. Còn sự phổ thông giáo lý Đại Đạo cũng không dành riêng cho lớp người nào. Ai cũng có thể làm được, miễn là hiểu được đường lối mục đích và chủ trương cao cả của nó.

Việc làm này không luận là lớn tuổi, nhỏ tuổi, không luận là Hội Thánh hay Tòa Thánh, cũng không là có Đạo nhiều năm hay người mới vào, ít tuổi Đạo. Nó đã đến, đang đến và sẽ đến với những ai am tường Thiên ý, học hỏi Đạo lý, tận tụy phổ thông và say sưa truyền bá.” [16]

KẾT LUẬN

  1. Nhất thể tam cực: Vô Cực – Thái Cực – Hoàng Cực. Chúng ta tin và chứng Vô Cực là Đức Thượng Đế chưa thị hiện. Thái Cực là Đức Thượng Đế thị hiện, từ đó nhất bổn tán vạn thù. Từ vạn thù quy nhứt bổn được là Hoàng Cực.
  2. Thiên chức: Đức Thượng Đế Cao Đài, Ngài là Vua (dịch sử thiên cơ), Ngài là Thầy (dạy chúng ta học đại thừa hành thiên đạo), Ngài là Cha luôn ban ân thiên, khi chúng ta thánh khiết sẽ nhận được.
  3. Đức Thượng Đế thời Tam Kỳ Phổ Độ:
  4. Ngài Tá danh Cao Đài (Cao Đài không là Cao Đài mới thật là Cao Đài) để dạy dỗ và tận độ chúng ta.
  5. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ: không phải là danh xưng của bất cứ đạo giáo nào nhưng là thực hiện sứ mạng quyền pháp – các tôn giáo hòa hiệp để hình thành thực thể đạo cứu thế kỳ ba.

Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo

--------------------------------------------

[1] CQPTGL 04-6 Tân Dậu.

[2] Kết hợp hai câu thơ lục và bát:

“Có Thầy mới có các con …

Có con, con mới tu thành Phật, Tiên”.

[3] Bài Nguyện Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.

[4] Bài Nguyện Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.

[5] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 9 giờ đêm 01-01 Quí Hợi.

[6] Bài Nguyện Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.

[7] Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,

Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.

Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,

Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.”

[8] “Dọn mình trong sạch đón ân Thiên,

Thiên Đạo ráng lo gấp phổ truyền;

Cho cả chúng sanh nơi thánh thiện,

Là ngày các trẻ đạt ngôi Tiên.”

[9] “Tuyết Tiên nối hạnh học trò tiên,

 Hành đạo chí tâm đáng nữ hiền;

 Hiệp sức Diệu Thê cùng Chí Tín,

 Hoằng dương Đại Đạo hưởng ân thiên.”

[10]Phúc trình đệ nhứt khá khen hiền,

 Có ý thức rồi có trợ duyên;

 Cần rán thực hành lời nguyện hứa,

 Dâng trình kết quả hưởng ân Thiên.”[10]

[11] Thánh Truyền Trung Hưng

[12] Đức Chí Tôn dạy Ngài Nguyễn Ngọc Thơ.

[13] Đức Tiền Bối Cao Triều Phát dạy Thanh Thiếu Niên.

[14] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo “Thánh Dụ Quy Điều”.

[15] Nam Thành Thánh Thất, Ngọ Thời, 01.01.Kỷ Dậu (17.02.1969).

[16] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 15-7 Đinh Mùi (20-8-1967), tr. 8.

 

Top