Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho tham dự viên Đại hội và Hội nghị của Hiệp hội Phụ huynh Châu Âu
WHĐ (15.11.2023) – Sáng hôm 11.11 tại Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên Đại hội và Hội nghị của Hiệp hội Phụ huynh Châu Âu (The European Parents’ Association - EPA), được tổ chức tại Roma từ ngày mồng 10 - 11.11.2023. Sau đây là nội dung bài Diễn văn của Đức Thánh Cha:
DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN ĐẠI HỘI VÀ HỘI NGHỊ CỦA HIỆP HỘI PHỤ HUYNH CHÂU ÂU
Dinh Tông Tòa
Thứ Bảy, ngày 11 tháng 11 năm 2023
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Tôi rất vui được gặp anh chị em nhân dịp Đại hội và tôi cầu chúc hội nghị mang lại những thành quả tốt đẹp nhất. Nhân dịp này, cho phép tôi chia sẻ với anh chị em một vài suy tư về ơn gọi và sứ mạng của bậc cha mẹ.
Trở thành cha mẹ là một trong những niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời, mang lại nguồn năng lượng, động lực và nhiệt huyết mới cho các cặp vợ chồng, nhưng ngay lập tức, họ thấy mình phải đối diện với trách nhiệm giáo dục mà họ được chuẩn bị rất ít. Chẳng hạn, chúng ta có thể nghĩ đến việc cần thiết phải chăm sóc bằng tình yêu thương và giúp trẻ trưởng thành, tự lập; động viên trẻ với những thói quen lành mạnh và lối sống tốt, nhạy cảm với cá tính và năng khiếu cá nhân, mà không áp đặt những kỳ vọng của người lớn lên trẻ. Đồng thời, giúp trẻ thích nghi với việc học tập, phát triển cách tiếp cận tích cực về cảm xúc và tính dục, bảo vệ trẻ khỏi các mối đe dọa như bắt nạt, rượu, hút thuốc, nội dung khiêu dâm, trò chơi điện tử bạo lực, cờ bạc, ma túy, v.v.
Đây là lý do tại sao mạng lưới hỗ trợ dành cho phụ huynh, chẳng hạn như Hiệp hội của anh chị em, rất quan trọng. Bằng việc tạo điều kiện cho bậc cha mẹ chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp các khóa đào tạo, những mạng lưới như vậy giúp phụ huynh có sự chuẩn bị tốt hơn, và trên hết, không cảm thấy cô đơn hoặc nản chí.
Sứ mạng giáo dục của cha mẹ chắc chắn không được bối cảnh văn hóa ngày nay ưa chuộng, ít nhất là ở châu Âu, vốn bị đánh dấu bởi chủ nghĩa chủ quan đạo đức (ethical subjectivism), và chủ nghĩa duy vật thực tiễn (practical materialism). Phẩm giá của con người, tuy luôn được khẳng định, nhưng đôi khi lại không thực sự được tôn trọng. Các bậc cha mẹ sớm nhận ra rằng con cái mình đang hòa vào môi trường văn hóa này. Những gì trẻ hấp thụ từ các phương tiện truyền thông thì thường trái ngược với những gì mà cách đây vài thập niên vẫn được coi là “chuẩn mực”, nhưng giờ đây không còn như vậy nữa. Do đó, bậc cha mẹ thấy mình phải không ngừng cho con cái thấy sự tốt lành và hợp lý của những lựa chọn và giá trị mà chúng không còn được coi là đương nhiên, chẳng hạn như tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình, hoặc lựa chọn đón nhận con cái như một món quà từ Thiên Chúa. Điều này không hề dễ dàng, vì đây là những giá trị chỉ có thể được truyền tải bằng chứng tá cuộc sống!
Đối diện với những khó khăn có thể gây nản lòng này, cần có sự hỗ trợ và khuyến khích nhau, để khơi dậy “niềm say mê” đối với sứ mạng giáo dục nơi bậc cha mẹ. Nuôi dạy con cái là dạy chúng ý nghĩa của việc trở thành một con người trọn vẹn. Nền văn hóa xung quanh chúng ta có thể thay đổi, nhưng nhu cầu của tâm hồn con người vẫn giữ một cốt lõi bất di bất dịch, và luôn được nhìn nhận là đúng, ngay cả trong cuộc sống của trẻ em. Đây luôn luôn phải là điểm khởi đầu của chúng ta. Chính Thiên Chúa đã gieo vào trong bản tính chúng ta những nhu cầu không thể cưỡng lại được về tình yêu, sự thật và vẻ đẹp, về sự cởi mở với người khác trong các mối tương quan lành mạnh, và sự mở ra với chính Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Những khát vọng sâu thẳm này của con người là những đồng minh mạnh mẽ của mọi nhà giáo dục. Nếu được giúp đỡ để nhận ra và nhạy cảm với những điều đó, trẻ em sẽ không gặp khó khăn gì trong việc nhìn thấy những điều tốt đẹp và giá trị nơi gương sáng của cha mẹ.
Nhiệm vụ giáo dục có thể được coi là thành công khi trẻ em nhận thức được vẻ đẹp của sự hiện hữu của chúng trên thế giới này, ngày càng tự tin và nhiệt tình với viễn cảnh dấn thân vào cuộc phiêu lưu của cuộc sống, tin chắc rằng chúng cũng có một sứ mạng phải thực hiện, một sứ mạng sẽ mang lại cho chúng sự viên mãn và hạnh phúc tuyệt vời.
Các bạn thân mến, tất cả những điều này bao hàm việc nhận thức sâu xa hơn về tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Khi khám phá ra rằng tình yêu hiền phụ của Thiên Chúa là cội nguồn của sự hiện hữu của chúng ta thì chúng ta cũng nhận thức một cách rõ ràng rằng sự sống là điều một cao quý, việc được sinh ra là một điều tuyệt vời, và tình yêu thương là một điều tốt lành. Mọi người đều có thể nói: “Chính Thiên Chúa đã biến tôi thành một món quà tốt đẹp, và chính tôi cũng là một món quà cho những người thân yêu của tôi và cho thế giới”. Sự chắc chắn này giúp chúng ta không sống một cuộc đời bị định hình bởi khuynh hướng hạ thấp phẩm giá trong việc “tích trữ” của cải vật chất, thường xuyên lo lắng bảo vệ bản thân, không dấn thân, không để tay mình bị lấm lem. Luôn có những “cái bẫy” như vậy… nhưng, cuộc sống hứa hẹn với tất cả sự phong phú và vẻ đẹp của nó khi nó được trao tặng một cách quảng đại, và như Chúa Giêsu đã dạy, khi chúng ta “từ bỏ mình” vì người khác và nhờ đó chúng ta thực sự tìm thấy chính mình. Cuộc sống mở ra sự phong phú tròn đầy của nó khi chúng ta cho đi, khi chúng ta trao tặng chính mình. Đây là sứ mạng giáo dục cao cả của bậc cha mẹ: đào tạo những con người tự do và quảng đại, biết nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, và trao tặng cho người khác cách quảng đại những gì mình đã nhận được như một ân ban. Đây không phải là điều dễ dàng để truyền thụ, nhưng chúng ta hãy gọi đây là “việc truyền thụ sự cho đi cách nhưng không”.
Và đây cũng chính là cội rễ của một xã hội lành mạnh. Vì vậy, điều quan trọng là vai trò nền tảng của cha mẹ trong trật tự xã hội phải được nhìn nhận ở mọi cấp độ. Việc nuôi dạy con cái thể hiện sự đóng góp thực sự cho xã hội, bởi vì nó có nghĩa là đào tạo người trẻ về những mối tương quan lành mạnh và tôn trọng với người khác, sẵn sàng hợp tác vì mục tiêu chung, hình thành nơi người trẻ tinh thần trách nhiệm, cảm thức về nghĩa vụ, và về giá trị của sự hy sinh vì công ích. Đây quả là một công việc tốt đẹp biết bao! Đây là những giá trị làm cho người trẻ trở thành những công dân đáng tin, trung thành, có khả năng đóng góp cho nơi làm việc, cho trách nhiệm dân sự, và cho tình liên đới xã hội. Thiếu điều này, trẻ em lớn lên như những “hòn đảo”, xa cách với người khác, không có tầm nhìn chung, và quen coi ham muốn của bản thân là giá trị tuyệt đối. Như thế, trẻ thường trở nên khó bảo, nhưng điều này thường xảy ra khi chính cha mẹ cũng là những người khó bảo. Kết quả là xã hội “suy thoái”, ngày càng trở nên nghèo nàn, yếu kém, và vô nhân đạo.
Do đó, cần phải bảo vệ quyền của bậc cha mẹ trong việc được tự do nuôi dạy và giáo dục con cái mà không bị ép buộc trong bất kỳ lĩnh vực nào, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, khi phải chấp nhận các chương trình giáo dục trái ngược với niềm tin và giá trị của họ. Thực ra, đây là một thách đố rất lớn hiện nay.
Giáo hội là một người mẹ, người đồng hành cùng bậc cha mẹ và các gia đình để hỗ trợ họ trong nhiệm vụ giáo dục. Chúng ta là Giáo hội. Trong những năm gần đây, chúng ta đang nỗ lực thúc đẩy “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” để củng cố cam kết chung của tất cả các tổ chức liên quan đến giới trẻ. Đồng thời, chúng ta cũng đang thúc đẩy “Hiệp ước về Gia đình” với các tác nhân văn hóa, học thuật, thể chế và mục vụ, nhằm tập trung vào gia đình và các mối tương quan khác nhau trong gia đình: giữa người nam và người nữ, giữa cha mẹ và con cái, và giữa anh chị em với nhau. Mục đích là để khắc phục một số “rạn nứt” hiện đang làm suy yếu tiến trình giáo dục: sự rạn nứt giữa giáo dục và tính siêu việt, sự rạn nứt trong các mối tương quan giữa các cá nhân, và sự rạn nứt khiến xã hội xa cách gia đình, tạo ra sự bất bình đẳng và những hình thức nghèo đói mới.
Các bạn thân mến, tôi khuyến khích các bạn hãy tiến bước với niềm hy vọng trong sự dấn thân, và lòng can đảm – điều mà ngày nay chúng ta rất cần – không ngừng tìm thấy nguồn cảm hứng và sự hỗ trợ từ chứng tá Tin Mừng nơi bậc cha mẹ thánh thiện là Đức Maria và Thánh Giuse. Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em, và, đến lượt anh chị em: xin hãy cầu nguyện cho Đức giáo hoàng. Tôi cần điều này! Cảm ơn anh chị em.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (11. 11. 2023)
bài liên quan mới nhất
- Tạp chí mới “Quảng trường Thánh Phêrô”. Mỗi tháng một câu trả lời của Đức Thánh Cha cho tín hữu
-
Tại sao Thánh Mátthêu dùng thuật ngữ “Nước Thiên Chúa”? -
Gặp gỡ Thường niên Ủy ban Kinh Thánh - Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Bảy sự kiện Kinh Thánh tiên báo về Thánh Thể -
Kinh Thánh thiếu nhi đã có trong 194 ngôn ngữ -
Cuộc họp thường niên Ủy Ban Kinh Thánh - Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 20/04/2024 -
Câu khởi đầu và kết thúc Thánh Kinh -
“Noli me tangere”: Câu này có ý nghĩa gì? -
Kinh thánh trọn bộ được dịch ra 743 ngôn ngữ -
Ánh sáng cho dân lần bước trong tăm tối
bài liên quan đọc nhiều
- Suy niệm Chúa nhật Truyền giáo
-
Giao ước mới trong máu Đức Giêsu Kitô -
Đọc Lời Chúa cá nhân -
Kinh Thánh: Tìm Hiểu Thánh Vịnh 51 (50) -
Làm thế nào để đọc Thánh Kinh? -
Tiếng Cười Trong Kinh Thánh -
Ủy ban Kinh Thánh: Cuộc họp Ủy Ban Kinh Thánh mở rộng ngày 17-10-2020 -
Kinh Thánh trọn bộ đã được dịch ra 733 ngôn ngữ -
Hòa Bình theo Kinh Thánh -
10 suy niệm Kinh thánh để xưng tội tốt hơn