Diễn văn của ĐTC trước các cấp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Nam Sudan
Trong bài diễn văn trước các cấp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Nam Sudan, Đức Thánh Cha kêu gọi các vị lãnh đạo của Nam Sudan hãy là những nguồn nước mát tưới cho đất nước khô cằn vì bạo lực và xung đột. Ngài kêu gọi đừng đổ máu, dừng bạo lực, thôi phá huỷ và nhất là chống nạn tham nhũng.
CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐTC PHANXICÔ TẠI NAM SUDAN
Diễn văn nói với các cấp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn
Juba, Dinh tổng thống, 03/02/2023
Kính thưa ngài Tổng thống,
Kính thưa các vị Phó Tổng thống,
Kính thưa các thành viên chính phủ và ngoại giao đoàn,
các chính quyền dân sự và tôn giáo,
Kính thưa quý vị đại diện xã hội dân sự và thế giới văn hoá,
Kính thưa quý vị,
Tôi rất vui mừng khi được đến đất nước này, miền đất mà tôi mang trong tim mình. Xin cảm ơn ngài Tổng thống vì những lời chào mừng mà ngài đã dành cho tôi. Tôi thân ái chào từng người trong quý vị và, qua quý vị, tôi chào tất cả những người nam nữ của đất nước trẻ trung và thân yêu này. Tôi đến như một người hành hương hòa giải, với ước mơ được đồng hành với quý vị trên con đường dẫn đến hòa bình, một con đường cong vẹo nhưng không thể trì hoãn được nữa. Tôi không đến đây một mình, bởi vì trong hòa bình, cũng như trong cuộc sống, chúng ta bước đi cùng nhau. Vì vậy, tôi đến với quý vị cùng với hai hiền huynh là Tổng Giám mục Canterbury và Vị điều hành Đại Hội đồng của Giáo hội Scotland, những người mà tôi cảm ơn vì những gì họ vừa nói với chúng ta. Cùng nhau, dang rộng đôi tay, chúng tôi giới thiệu mình với quý vị và với dân tộc này nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Hoàng tử Hòa bình.
Thật vậy, chúng tôi đã bắt đầu cuộc hành hương đại kết vì hòa bình này sau khi nghe thấy tiếng kêu của cả một dân tộc, những người, với phẩm giá cao cả, than khóc vì bạo lực mà họ phải gánh chịu, vì tình trạng thiếu an ninh kéo dài, vì sự nghèo đói tấn công họ và những thảm họa thiên nhiên hoành hành. Nhiều năm chiến tranh và xung đột dường như không biết hồi kết và thậm chí gần đây, cả đến hôm qua, đã có những xung đột gay gắt, trong khi các tiến trình hòa giải dường như bị tê liệt và những lời hứa hòa bình vẫn chưa được thực hiện. Ước gì sự đau khổ dai dẳng này không trở nên vô ích; ước gì sự kiên nhẫn và hy sinh của người dân Nam Sudan, của những người trẻ tuổi, khiêm tốn và can đảm này, chất vấn mọi người và giống như những hạt giống được gieo trong lòng đất trổ sinh thành các cây, cho phép hòa bình nở hoa và kết trái.
Trái cây và thảm thực vật ở đây thật phong phú, nhờ con sông lớn chảy qua đất nước. Điều mà nhà sử học cổ đại Herodotus đã nói về Ai Cập, đó là “món quà của sông Nile”, cũng áp dụng cho Nam Sudan. Thực sự, như ở đây quý vị thường nói, đây là một “vùng đất trù phú.” Do đó, tôi muốn mượn hình ảnh của con sông lớn chảy qua đất nước mới mẻ nhưng có một lịch sử lâu đời này. Trong nhiều thế kỷ, các nhà thám hiểm đã mạo hiểm đến khu vực, đi ngược dòng sông Nile Trắng để tìm kiếm những nguồn mạch của con sông dài nhất thế giới. Chính từ việc tìm kiếm cội nguồn cuộc sống chung của chúng ta mà tôi muốn bắt đầu cuộc hành trình của mình với quý vị. Bởi vì mảnh đất này, nơi có rất nhiều của cải dưới lòng đất nhưng trên hết là trong trái tim và khối óc của những cư dân của nó, cần được tưới mát trở lại bằng những dòng suối tươi mới và đầy sức sống.
Quý vị, những nhà lãnh đạo ưu tú, chính là những nguồn suối này: những nguồn suối tưới mát sự chung sống, những người cha, người mẹ của đất nước non trẻ này. Quý vị được kêu gọi tái tạo đời sống xã hội, như những nguồn thịnh vượng và hòa bình trong lành, bởi vì người dân Nam Sudan cần điều này: cần những người cha chứ không cần những ông chủ; cần những bước phát triển ổn định chứ không cần sự sa sút không ngừng. Những năm tháng sau khi đất nước khai sinh, đánh dấu bằng một tuổi thơ đầy thương tích, phải dành chỗ cho sự phát triển hòa bình. Các nhà chức trách thân mến, “những người con” của quý vị và chính lịch sử sẽ nhớ đến quý vị nếu quý vị đã làm điều tốt cho người dân nước này, những người đã được uỷ thác cho quý vị phục vụ họ. Các thế hệ mai sau sẽ tôn vinh hay xóa tên quý vị dựa trên những gì quý vị làm bây giờ bởi lẽ, như dòng sông rời nguồn để bắt đầu dòng chảy của nó, thì dòng lịch sử cũng sẽ bỏ lại phía sau những kẻ thù của hòa bình và sẽ vinh danh những người kiến tạo hòa bình thật sự: thật vậy, như Kinh Thánh dạy, “người yêu chuộng hòa bình sẽ được con dòng cháu giống” (x. Tv 37,37).
Ngược lại, bạo lực đảo ngược tiến trình lịch sử. Cũng chính sử gia Herodotus đã nói về những biến động liên thế hệ và lưu ý rằng trong chiến tranh, sẽ không còn những người con chôn cất cha mình nữa mà là những người cha chôn cất con cái của họ (xem Lịch sử, I, 87). Để vùng đất này không bị biến thành một nghĩa trang, mà trở lại là một khu vườn tươi tốt, tôi hết lòng cầu xin quý vị hãy chấp nhận một lời đơn giản: không phải của tôi, mà là của Chúa Kitô. Chúa đã tuyên bố điều đó ngay trong vườn Ghếtsêmani, khi thấy một trong những môn đệ rút gươm ra, Người nói: “Đủ rồi!” (Lc 22,51). Thưa ngài Tổng thống, thưa quý Phó Tổng thống, nhân danh Thiên Chúa, Thiên Chúa mà chúng ta đã cùng nhau cầu nguyện tại Rôma, Thiên Chúa có lòng hiền lành và khiêm nhường (x. Mt 11,29), Đấng mà rất nhiều người dân của đất nước thân yêu này tin tưởng, đã đến lúc phải nói: đủ rồi, không có “nếu” và “nhưng”: đừng đổ máu nữa, đừng xung đột nữa, bạo lực và buộc tội lẫn nhau chống lại những người phạm tội đã đủ rồi, đừng khiến người dân phải đói khát hòa bình nữa. Phá hủy đã đủ rồi, đã đến lúc xây dựng! Hãy bỏ lại đàng sau thời gian chiến tranh và để thời gian hòa bình bừng lên!
Chúng ta hãy suy nghĩ lần nữa về cội nguồn của dòng sông, về dòng nước tượng trưng cho sự sống. Nguồn gốc của đất nước và hành trình mà người dân Nam Sudan đã thực hiện vào ngày 9 tháng 7 năm 2011, gợi nhớ một từ ngữ khác: Repubblica (Cộng hòa). Nhưng res publica, là một nước Cộng hoà có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là thừa nhận quốc gia của quý vị là một thực tại “chung”, của tất cả mọi người; tức là khẳng định Quốc gia là của tất cả mọi người; và do đó, bất cứ ai, ở trong đất nước đó, nắm giữ những trách nhiệm lớn hơn, chủ trì và điều hành nó, chỉ có thể đặt mình phục vụ lợi ích chung. Đây là mục đích của quyền lực: phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, luôn có cám dỗ sử dụng quyền lực cho lợi ích của chính mình. Do đó, “được gọi” là Cộng hòa thôi thì chưa đủ mà còn “là” cộng hoà, bắt đầu từ những thiện ích chính yếu: nguồn tài nguyên dồi dào mà Chúa đã ban cho miền đất này không để dành riêng cho một số ít người, mà là gia sản của tất cả mọi người, và các kế hoạch phục hồi kinh tế phải tương ứng với các dự án để phân phối của cải một cách công bằng.
Sự phát triển của một nền dân chủ lành mạnh là nền tảng cho sự tồn tại của một nền Cộng hòa. Nó bảo vệ sự phân biệt đúng đắn về các quyền lực theo cách thức để, ví dụ, những ai thực thi công lý đều có thể thực hành nó mà không bị can thiệp bởi người lập pháp hoặc điều hành. Hơn nữa, dân chủ cũng giả định việc tôn trọng các quyền con người, được bảo vệ bởi luật pháp và việc áp dụng luật, và đặc biệt là quyền tự do bày tỏ ý kiến của mình. Thật vậy, cần phải nhớ rằng không có công lý thì không có hòa bình (x. Thánh Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ XXXV, 1/1/2002), nhưng nếu không có tự do thì cũng không có công lý. Do đó, mọi công dân nên được tạo điều kiện để tận dụng tối đa món quà độc đáo và không thể lặp lại của cuộc đời mình, đồng thời được cung cấp những phương tiện phù hợp để làm điều đó, như Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã viết: “mọi người đều có quyền sống, quyền toàn vẹn về thể chất và quyền có các phương tiện cần thiết và đầy đủ cho một mức sống xứng đáng” (Thánh Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in terris, 6).
Sông Nile, sau khi đổ ra từ các nguồn và chảy qua một số khu vực dốc không bằng phẳng tạo ra thác nước và ghềnh, chảy vào đồng bằng phía nam Sudan, ngay gần Juba, trở nên có thể điều hướng được, rồi đi vào các khu vực đầm lầy hơn. Tương tự như vậy, tôi hy vọng rằng con đường dẫn đến hòa bình của Cộng hòa không diễn ra theo những bước thăng trầm, nhưng bắt đầu từ thủ đô này, sẽ đi theo một lộ trình có thể điều hướng và không bị sa lầy bởi quán tính. Các bạn thân mến, đã đến lúc chuyển từ lời nói sang hành động. Đã đến lúc phải lật sang trang: đã đến lúc dấn thân thực hiện một sự biến đổi khẩn cấp và cần thiết. Tiến trình hòa bình và hòa giải đòi hỏi một bước nhảy vọt mới. Chúng ta hãy hiểu nhau và thực hiện Thỏa thuận hòa bình, cũng như Lộ trình! Trong một thế giới đầy chia rẽ và xung đột, đất nước này tổ chức một cuộc hành hương đại kết vì hòa bình, một điều hiếm có; nó là một sự thay đổi đường hướng, một cơ hội để Nam Sudan bắt đầu chèo thuyền trở lại trong vùng nước lặng, nối lại đối thoại, không có sự giả hình và chủ nghĩa cơ hội. Ước gì đây là cơ hội để mọi người làm sống lại niềm hy vọng: ước gì mỗi người dân hiểu rằng không còn thời gian để mình bị cuốn theo dòng nước không lành mạnh của hận thù, của chủ nghĩa bộ tộc, chủ nghĩa vùng miền và khác biệt sắc tộc; đã đến lúc cùng nhau chèo thuyền hướng tới tương lai!
Dòng chảy của con sông lớn cũng có thể giúp chúng ta, gợi cho chúng ta một phương thức để tiến bước. Dọc theo hành trình của mình, sông Nile hợp lưu với một dòng sông khác ở Hồ No, tạo thành cái được gọi là sông Nile Trắng. Dòng nước thật trong của nó phát sinh từ một cuộc gặp gỡ. Đây là cách thức: tôn trọng nhau, tìm hiểu nhau, đối thoại. Bởi vì, nếu đằng sau mọi bạo lực là sự tức giận và oán giận, và đằng sau mọi tức giận và oán thù là ký ức chưa lành về những vết thương, sự sỉ nhục và sai trái, thì cách duy nhất để thoát khỏi điều này là gặp gỡ: đón nhận người khác như anh em và dành chỗ cho họ, ngay cả khi nó có nghĩa là lùi lại phía sau. Thái độ này, cần thiết cho các tiến trình hòa bình, cũng không thể thiếu cho sự phát triển gắn kết của xã hội. Và để chuyển từ tình trạng đối đầu khó chịu sang văn minh gặp gỡ, vai trò mà những người trẻ có thể và muốn đảm nhận là rất quyết định. Do đó, phải dành cho họ không gian tự do để gặp gỡ và thảo luận. Chớ gì họ không sợ hãi nắm lấy tương lai thuộc về họ! Xin cho những người phụ nữ, những người mẹ biết sự sống được tạo ra và bảo vệ như thế nào, cũng được tham gia nhiều hơn vào các tiến trình chính trị và ra quyết định. Các phụ nữ cần được tôn trọng, vì ai bạo hành phụ nữ là xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng đã nhận lấy thân thể từ một người phụ nữ.
Chúa Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, đã dạy chúng ta rằng chúng ta càng trở nên bé nhỏ, dành chỗ cho người khác và đón nhận mọi người lân cận như anh chị em, thì chúng ta càng trở nên vĩ đại hơn trước mắt Chúa. Lịch sử non trẻ của đất nước này, bị chia cắt bởi các xung đột sắc tộc, cần khám phá lại mầu nhiệm của sự gặp gỡ, ân sủng của tập thể. Chúng ta cần nhìn vượt trên các nhóm và sự khác biệt để bước đi như một dân tộc duy nhất, trong đó, như đã xảy ra với sông Nile, các nhánh khác nhau mang lại sự phong phú. Hơn một thế kỷ trước, chính bên con sông này, những nhà truyền giáo đầu tiên đã bước lên bờ và theo thời gian, sự hiện diện của họ đã được tiếp nối bởi sự hiện diện của nhiều nhà hoạt động nhân đạo. Tôi muốn cảm ơn tất cả họ vì công việc quý giá mà họ làm. Tuy nhiên, tôi cũng đang nghĩ đến những nhà truyền giáo, thật buồn, đã gặp phải sự chết trong khi gieo mầm sự sống. Chúng ta đừng quên họ và đừng quên đảm bảo cho họ và những người làm công tác nhân đạo sự an toàn cần thiết, và đảm bảo những việc làm tốt của họ được hỗ trợ cần thiết, để dòng sông thiện ích tiếp tục chảy.
Tuy nhiên, một dòng sông lớn đôi khi có thể tràn bờ và gây ra thảm họa. Thật không may, đây là kinh nghiệm của nhiều nạn nhân lũ lụt ở nước này. Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi đối với họ và kêu gọi để họ không bị thiếu sự trợ giúp thích hợp. Thảm họa thiên nhiên kể về một thiên nhiên bị thương và tan nát, từ nguồn sống có thể biến thành mối đe dọa chết chóc. Chúng ta cần quan tâm đến nó, với cái nhìn hướng tới tương lai, hướng tới các thế hệ tương lai. Tôi đặc biệt nghĩ đến sự cần thiết phải chống lại nạn phá rừng do lòng tham lợi nhuận gây ra.
Để ngăn chặn lũ lụt của một dòng sông, cần phải giữ cho lòng sông sạch sẽ. Để các ẩn dụ sang một bên, việc tẩy sạch mà quá trình đời sống xã hội cần là cuộc chiến chống tham nhũng. Sự phân phối các nguồn quỹ không công bằng, những kế hoạch bí mật để làm giàu, những thỏa thuận bảo trợ, sự thiếu minh bạch: tất cả những điều này làm ô nhiễm lòng sông của xã hội loài người, khiến cho những nơi cần nhất lại thiếu các nguồn lực. Trước hết, cần phải chống lại sự nghèo đói, là mảnh đất màu mỡ mà hận thù, chia rẽ và bạo lực bén rễ trong đó. Nhu cầu cấp bách của một quốc gia văn minh là quan tâm đến công dân của mình, đặc biệt là những người yếu đuối và thiệt thòi nhất. Ở đây, tôi đặc biệt nghĩ đến hàng triệu người tản cư đang sống ở đây: biết bao nhiêu người đã phải rời bỏ nhà cửa của họ, và giờ đây thấy mình bị đẩy ra bên lề cuộc sống do hậu quả của các cuộc xung đột và di tản bắt buộc!
Để vùng nước của sự sống không biến thành nguy cơ chết chóc, điều cần thiết là phải trang bị cho dòng sông những bờ kè đầy đủ. Điều này cũng đúng đối với sự chung sống của con người. Trước hết, cần phải kiểm soát dòng vũ khí mà bất chấp lệnh cấm, vẫn tiếp tục đến nhiều quốc gia trong khu vực và đến cả Nam Sudan: ở đây cần nhiều thứ, nhưng chắc chắn không phải là cần thêm những công cụ giết người khác. Các bờ kè khác rất cần thiết để đảm bảo quá trình của đời sống xã hội. Ở đây tôi muốn đề cập đến việc phát triển các chính sách y tế đầy đủ, nhu cầu về cơ sở hạ tầng quan trọng và đặc biệt là mục tiêu quan trọng của việc xóa mù chữ và giáo dục, là cách duy nhất để các trẻ em của đất nước này nắm lấy tương lai của họ trong tay của chính họ. Giống như tất cả trẻ em của Lục địa này và trên thế giới, các em có quyền lớn lên và cầm trên tay những cuốn vở và đồ chơi, chứ không phải dụng cụ lao động và vũ khí.
Cuối cùng, sông Nile Trắng rời Nam Sudan, đi qua các quốc gia khác, hợp với sông Nile Xanh rồi đổ ra biển. Những dòng sông không có biên giới; chúng kết nối các lãnh thổ khác nhau. Tương tự như vậy, để đạt được sự phát triển phù hợp, hơn bao giờ hết, điều cần thiết là phải thúc đẩy các mối quan hệ tích cực với các quốc gia khác, bắt đầu từ những quốc gia trong khu vực. Ở đây, tôi cũng nghĩ đến sự đóng góp quý báu của cộng đồng quốc tế đối với đất nước này, và tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với những nỗ lực nhằm thúc đẩy hòa giải và phát triển. Tôi tin rằng, để những đóng góp đó có kết quả, thì sự hiểu biết thực sự về các quá trình và vấn đề xã hội là điều cần thiết. Phân tích và báo cáo về chúng từ xa thôi thì không đủ; cần phải tham gia trực tiếp, với sự kiên nhẫn và quyết tâm, và nói chung, chống lại cám dỗ áp đặt các mô hình được thiết lập sẵn và xa lạ với thực tế địa phương. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nói ba mươi năm trước tại Sudan: “Các giải pháp của Châu Phi phải được tìm ra cho các vấn đề của Châu Phi” (Diễn văn tại nghi lễ tiếp đón, 10/2/1993).
Thưa ngài Tổng thống, thưa các nhà chức trách đáng kính, khi lần theo dòng chảy của sông Nile, tôi muốn đi dọc theo hành trình của đất nước này, ngay cả khi nó còn non trẻ. Tôi nhận ra rằng một số điều tôi đã phải nói có vẻ thẳng thắng và trực tiếp, nhưng xin vui lòng biết rằng điều này chỉ xuất phát từ tình cảm và sự quan tâm mà tôi dành cho cuộc sống của đất nước của quý vị, cùng với những người anh em mà tôi đã cùng họ đến đây, như một người hành hương của hòa bình. Chúng tôi muốn gửi đến quý vị những lời cầu nguyện chân thành và sự hỗ trợ của chúng tôi để Nam Sudan có thể trải nghiệm sự hòa giải và thay đổi hướng đi. Cầu mong con đường sống còn của đất nước không còn bị lũ lụt bạo lực lấn át, không còn bị sa lầy trong đầm lầy tham nhũng và bị ngăn chặn bởi sự tràn ngập của nghèo đói. Xin Chúa Trời, Đấng yêu thương mảnh đất này, ban cho nó một mùa bình an và thịnh vượng mới. Xin Chúa phù hộ cho Cộng hòa Nam Sudan!
Nguồn: vaticannews.va/vi
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha: Giáo hội Công giáo sẵn sàng chấp nhận mọi ngày Lễ Phục Sinh chung
-
Phỏng vấn Đức Hồng y Koovakad, người vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn -
Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Hồng y Koovakad làm Bộ trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn -
Các Giám mục Hoa Kỳ nói về một số sắc lệnh đặc biệt đáng lo ngại của Tổng thống Trump -
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 59: Dịu dàng chia sẻ niềm hy vọng -
Năm Thánh cho giới Truyền thông: Giải trừ vũ khí truyền thông, chia sẻ niềm hy vọng -
ĐHY Koch: Công đồng Nicaea, sau 1700 năm, vẫn còn vang vọng (số 3) -
Khai mạc sự kiện dành cho giới Truyền Thông trong Năm Thánh 2025 -
ĐHY Koch: Công đồng Nicaea, sau 1700 năm, vẫn còn vang vọng (số 2) -
ĐHY Koch: Công đồng Nicaea, sau 1700 năm, vẫn còn vang vọng (số 1)
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô