Đi tìm câu kết cho một dụ ngôn

Đi tìm câu kết cho một dụ ngôn

Tác giả Luca thật “cắc cớ” trong cách kết thúc câu chuyện về “Người cha nhân hậu” (Lc 15,11-32). Nếu dùng ngôn ngữ của các bạn trẻ hôm nay để phê bình văn chương thì phần kết của dụ ngôn “hơi bị đột ngột”. Luca đã kết thúc câu chuyện bằng câu nói của người cha: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, vì em con đây đã chết mà nay đã sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (c. 31-32). Độc giả đang say sưa đọc, bị thu hút vào những diễn biến rất hấp dẫn thì bỗng ngắt cái rụp, rõ chán! Thế sau đó thì sao nhỉ?

Cách kết thúc của Luca không giống như những câu chuyện cổ tích, là những câu chuyện thường rất “có hậu” như: rồi họ sum vầy gia đình, sống hạnh phúc, con cháu quây quần, đến ba bốn đời…

Đây không phải là lần duy nhất Luca “cắc cớ” như thế. Sau này, ở chương 24, khi thuật lại việc hai môn đệ trên đường đi Emmau vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, ông cũng chỉ nhắc đến danh tính của một trong hai người đồng hành tên là Clêôpát, còn người kia tên là gì? Chịu! Tác giả để cho mọi người “tùy nghi suy đoán”.

Trong một lớp giáo lý dành cho người lớn, vị linh mục hỏi các học viên: “Theo các bạn thì người con cả phản ứng thế nào sau khi nghe câu nói của người cha?”. Mọi người đều ngơ ngác. Ừ nhỉ, chẳng bao giờ để ý xem kết cục sẽ thế nào.

Lời Chúa giống như những đoạn đường băng (pistes) giúp cho chiếc phi cơ cất cánh và bay đến những chân trời khác nhau. Khi gấp sách lại, độc giả được mời gọi tiếp tục dòng suy tư để tìm ra những gì Chúa muốn nói với mình. Từ những điều vừa đọc, chúng ta suy chiêm (suy niệm và chiêm ngắm) để có thể tưởng tượng ra những hồi, những cảnh như các giai đoạn khác nhau của một vở kịch. Người viết bài này thử đưa ra một vài phần kết cho dụ ngôn “Người cha nhân hậu” để mời quý độc giả cùng suy tư.

– Kết thứ nhất: “Nghe lời cha nói, người con cả cảm động, quỳ sụp xuống dưới chân cha mình, thú nhận mình đã quá ích kỷ. Sự ghen tương đã làm cho đôi mắt anh trở nên mù tối. Nỗi hận thù đã làm trái tim anh giá băng. Anh đã không cảm động trước tình phụ tử, anh đã chẳng lưu tâm tới nghĩa đệ huynh. Thế rồi, hai cha con cùng đi vào nhà, trong tiếng nhạc tưng bừng, trước bàn tiệc thịnh soạn đã dọn sẵn. Hàng xóm thân quen nghe biết đến chia vui đầy nhà. Nhìn thấy em mình, người anh ôm chầm lấy, mừng mừng tủi tủi, nói nói cười cười, thầm nhủ từ nay no đói có nhau, chẳng bao giờ lìa xa nhau nữa. Người anh gọi vợ con mình ra giới thiệu với em. Họ quên hết những chuyện xưa, gia đình bình an đầm ấm trở lại. Người cha thật hạnh phúc, vì ông thấy các con làm hòa với nhau. Ông thấy mình trẻ lại, rạng rỡ hạnh phúc, sáng ngời niềm vui. Mọi người ai vào việc nấy. Sớm chiều quanh nhà vang tiếng chim ca hát. Bốn mùa trong vườn muôn hoa sắc khoe tươi…”.

– Kết thứ hai: “Nghe lời cha nói, người con cả vui vẻ cùng cha mình bước vào phòng tiệc. Anh nhận ra em mình, mặc dù xa cách lâu ngày, giọng nói và dáng vẻ chú mày vẫn thế, nhìn là nhận ra ngay. Anh em kể cho nhau những kỷ niệm vui buồn của thời đã qua. Rồi mọi việc cũng êm xuôi. Mỗi người bắt tay vào công việc của mình. Người cha an lòng vì hai con đã làm hòa với nhau. Nhưng những khó khăn của cơm áo gạo tiền lại không để cho mọi người sống trong bình an như thế. Thời gạo châu củi quế ngày càng khó khăn. “Giá kể không có thêm một miệng ăn thì…”, người chị dâu đã đánh tiếng xa gần với tiếng chì tiếng bấc. Những ánh mắt lạnh lùng của người anh chạm đến mặc cảm của người em đã một thời lầm lỡ đi hoang. Thế rồi, một buổi sáng tinh sương, khi người cha thức dậy, không thấy thằng con thứ đâu. Nó đi rồi! mảnh giấy để lại, lay lắt trên bàn thay lời muốn nói: “Con không thể ở lại, vì sự có mặt của con gây phiền phức cho gia đình”. Người cha đau buồn. Lòng ông ứ lại, không nói lên lời. Một bên là con cả, một bên là con thứ, như hai cánh tay, ông chẳng nỡ chặt cánh tay nào. Lần này chắc ông mất con mãi mãi…”.

– Kết thứ ba: “Nghe lời cha nói, người con cả vui mừng cùng cha bước vào phòng tiệc. Nhận ra em mình, anh vui mừng ôm chầm lấy. Cảm thương vì khúc ruột đệ huynh trở nên thân tàn ma dại. Xót xa vì cùng dòng máu đào lâm cảnh tang thương. Anh gọi vợ con đến giới thiệu từng người. Các cháu chẳng khó nhận ra chú vì giống cha mình như đúc. Mọi chuyện êm xuôi. Ai vào việc nấy. Người cha nhìn các con các cháu mà mừng như chính mình đã chết được sống lại. Ông dự tính cuối năm sẽ lo cưới vợ cho cậu con trai. “Mình già rồi, có vợ có chồng nó nương tựa lẫn nhau. Nếu chúng nó yên bề gia thất, mình có nhắm mắt cũng yên tâm” – ông nghĩ thế. Nhưng người con thứ, đã quen với thói hoang đàng, nay về nhà giống như đang ở biển lớn bước vào ao tù. Hắn đã quen với những thứ ăn chơi xa xỉ, nay khó mà quên được những tà áo, bóng hồng. Mặc dù lúc chăn heo chỉ mong có ai cho cám heo ăn cũng tốt, nay về nhà, cha và anh chăm sóc cho hồi phục lại nhớ những thú vui xưa. Hắn muốn tự do! Hắn muốn ra đi, khám phá những chân trời mới. Người cha can cũng không được. Anh cả nói cũng chẳng nghe. Thế rồi, một buổi sáng tinh sương, hắn lại lên đường. Cánh tay già yếu của người cha giơ lên nhưng không thể ngăn cản. Lời nói của anh mạnh mẽ là thế mà cũng chẳng có sức thuyết phục. Người cha đưa đôi mắt đăm chiêu đau khổ dõi theo con mình đang dứt khoát ra đi, mãi đến khi đứa con đáng thương chỉ còn là một cái chấm nhỏ rồi mất hút, ông còn tần ngần đứng mãi không về. Lần này chắc ông mất con mãi mãi…”.

Ba cách kết thúc câu chuyện trên đây, cách nào đúng? Câu trả lời ở nơi mỗi người chúng ta. Đó là lý do tại sao Luca đột ngột kết thúc câu chuyện của mình, để rồi bị phê phán là “cắc cớ”. Tác giả muốn mỗi người chúng ta, khi đã được ông đưa vào “đường băng” rồi, thì tự mình tìm lấy giáo huấn cho riêng mình. Nói cách khác, mỗi độc giả hãy tự đi tìm câu kết cho dụ ngôn được kể. Phần kết ấy không được viết bằng giấy mực, mà là viết bằng chính cuộc đời. Trong ba cách kết chuyện trên đây, chắc chắn ai cũng thích nhất cách kết chuyện thứ nhất, nhưng tiếc rằng, dạng kết chuyện kiểu này trong cuộc đời lại… hơi hiếm.

– Có thể khi thực thi sám hối, tôi được Chúa nhắc bảo: mọi người đều là anh chị em với tôi. Dù khác biệt về ngôn ngữ, chủng tộc hay điều kiện xã hội, chúng tôi đều có cùng một Cha trên trời. Tôi lắng nghe lời Chúa, thấy rõ chẳng có ai là kẻ thù. Tôi quảng đại thứ tha, vì chính mình cũng đã có lần lầm lỗi. Tôi cần tha thứ cho anh em, như tôi cần được anh em tha thứ cho tôi. Thế là, cuộc sống trở nên êm xuôi, nhà nhà vang lên tiếng cười. Lời Chúa sinh hoa kết trái trong tôi. Tôi đã sống một Mùa Chay đầy ý nghĩa. Tình Chúa tình người chan chứa an vui, trần gian biến thành địa đàng.

– Có thể tôi giống như người con cả, khi nghe cha mình nói đã nhận ra lầm lỗi và sám hối ăn năn. Tôi thấy mình từ trước đến nay vẫn tự cho mình là người công chính. Tôi thường nhìn người khác với cái nhìn coi thường, kết án họ là “phường tội lỗi”. Nhờ Lời Chúa tác động, tôi được mở con mắt tâm hồn để nhìn anh chị em mình với cái nhìn thiện cảm hơn. Tôi cố gắng bù đắp lại những thiếu sót của tôi trong cách đối xử với mọi người xung quanh. Tuy vậy, sự cố gắng ấy không được lâu bền. Lòng ích kỷ đang âm ỉ trong con người của tôi lại có dịp trỗi dậy, khi những khó khăn mọi bề ập đến. Tôi tiếc vì đã đối xử tốt với mọi người. Tôi thấy mình chỉ “ôm rơm rặm bụng”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Một sự kiện nào đó xảy ra, như giọt nước làm tràn ly, bùng nổ sự ích kỷ đang ẩn náu trong con người tôi. Kết quả là những anh chị em mới “trở lại” cùng Chúa rơi vào thất vọng. Họ ra đi mà không một lời từ biệt. Họ chẳng còn tin tôi, cũng chẳng còn tin Chúa. Cuộc ra đi chắc không có ngày về!

– Có thể tôi là người đang sống trong tội lỗi. Những lời kêu gọi sám hối của Mùa Chay đã lay động lòng tôi. Tôi cảm động, trỗi dậy trở về với Chúa. Tôi thấy mình được Chúa giang rộng vòng tay để đón tôi trở về. Tôi được Giáo Hội nâng đỡ để từng bước hòa nhập với cộng đoàn đức tin. Nhưng xem ra đời sống đức tin có phần tẻ nhạt, toàn là những ràng buộc khắt khe. Tôi đã có thời quen sống tự do buông thả. Những lúc đơn côi tôi lại nghĩ về thời “anh hùng hảo hán” đã qua. Lại còn những thằng bạn đã có thời cùng tôi uống máu ăn thề quyết cùng sinh cùng tử, nay chúng luôn lôi kéo và tôn tôi làm “đại ca”. Khói thuốc lá làm tôi nhớ đến những giây phút làm bạn với “nàng tiên nâu”. Những tiếng cười vô tình làm tôi nhớ đến những cô gái hư hỏng. Ngựa quen đường cũ, tôi đã quên thiện chí ban đầu. Cũng là trỗi dậy, nhưng lần này để ra đi tiếp nối kiếp sống trụy lạc, vẫn biết rằng đón chờ tôi trước mắt là những cơn giông tố phũ phàng. Tôi như con ngựa bất kham. Bạn bè thân thương không thể ngăn cản. Cha mẹ, anh em cũng đành bó tay. Tôi ra đi không hẹn ngày về…

Một lưu ý quan trọng là hình ảnh của người cha trong dụ ngôn. Ông thương đứa con bỏ nhà ra đi cũng như đứa con đang còn ở lại. Ông thương đứa con sám hối cũng như đứa con cứng lòng ích kỷ. Ông tôn trọng của các con, chia gia tài cho chúng mặc dù đau thắt ruột. Chúng ta đều hiểu ý của tác giả Luca muốn diễn tả Thiên Chúa qua hình ảnh người cha. Dù con người phản bội, Chúa vẫn trung tín. Dù con người tội lỗi, Chúa vẫn yêu thương. Chúa vừa là người Cha, Ngài cũng là người Mẹ. Là Cha, Chúa bao dung tha thứ và kiên nhẫn đợi chờ; là Mẹ, Chúa ấp ủ chở che với lòng yêu thương từ mẫu. “Đức Chúa phán: Có phụ nữ nào quên được con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15).

Trước lời phản đối của người con cả, người cha không trách móc. Ông chỉ nghĩ đến niềm vui vì thấy con trở về. Ông cũng điều chỉnh quan niệm của người con cả về người em đã đi hoang trở về: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, vì em con đây đã chết mà nay đã sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

Để tôn trọng dòng chảy suy tư của quý độc giả do ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn, người viết xin phép không thêm phần kết luận, mà để bài viết này vẫn dở dang…

Hải Phòng ngày 5-3-2012

Top