ĐHY: Tìm hiểu giáo huấn của Giáo Hội về tương quan giữa Giáo Hội và đời sống chính trị

ĐHY: Tìm hiểu giáo huấn của Giáo Hội về tương quan giữa Giáo Hội và đời sống chính trị

Những ý tưởng sau đây, trích từ bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đọc ngày Chúa nhật 13.5.2007, khai mạc Đại hội V Liên Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh, trước sự hiện diện của 176 Giám mục châu Mỹ Latinh, cùng nhiều đại diện của HĐGM Hoa Kỳ và Canada, và một số đông linh mục, tu sĩ, giáo dân dự Đại Hội, đề cập đến mối tương quan giữa Giáo Hội nói chung, giữa hàng giáo phẩm và giáo sĩ nói riêng, với đời sống chính trị.

Phần chữ nghiêng, là những suy nghĩ có liên quan đến những vấn đề được đề cập. Những suy nghĩ căn cứ vào giáo huấn xã hội của Giáo Hội cùng những kết luận thực hành trong đời sống của Giáo Hội.

1. Nhiệm vụ và quyền hành chính trị không thuộc thẩm quyền trực tiếp của Giáo Hội cùng hàng giáo phẩm và giáo sĩ trong Giáo Hội. Điều thiết yếu theo truyền thống kitô giáo là tôn trọng một thế giới lành mạnh, bao hàm sự tôn trọng tính đa nguyên của các quan điểm chính trị...

Từ đó, Giáo Hội mong muốn thiết lập bang giao với hết mọi chế độ chính trị, và không loại trừ chế độ nào.


2. Nhiệm vụ và thẩm quyền của Giáo Hội cùng hàng giáo phẩm và giáo sĩ là phổ biến giáo huấn xã hội của Giáo Hội, soi dẫn lương tri con người, vượt trên bối cảnh chính trị, có điều kiện tự do lựa chọn các chuẩn mực nhân bản, các giá trị luân lý, đưa vào đời sống con người, gia đình, xã hội...

Giáo huấn xã hội của Giáo Hội triển khai Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, là nguồn ánh sáng chân lý về con người cùng giá trị của sự sống, nhân phẩm, nhân quyền, chân lý về gia đình và cộng đồng xã hội, chân lý về các mối quan hệ xã hội cùng bang giao giữa các dân tộc. Và ánh sáng chân lý đó soi đường dẫn lối cho Giáo Hội đối thoại và hợp tác với mọi người xây đắp một trật tự xã hội mới nhân bản hơn cho mọi dân tộc trong thế giới toàn cầu hoá hôm nay.

3. Sứ vụ nền tảng của Giáo Hội là giáo dục con người, đặc biệt là giáo dân, sống các đức tính nhân bản, luân lý, đạo đức, đồng thời huấn luyện lương tâm con người có được tự do lựa chọn, tự do đưa ánh sáng chân lý và tình thương, công lý và hoà bình vào trong đời sống văn hoá và xã hội, kinh tế và chính trị...

Nói cách khác, sứ vụ nền tảng của Giáo Hội là Phúc Âm hoá đời sống nhân loại cùng các thực tại trần thế, là đưa những giá trị Tin Mừng vào trong mọi thực tại trần thế. Giáo Hội thi hành sứ vụ đó, không phải qua con đường đối đầu, loại trừ, song qua con đường đối thoại trong chân lý cùng hợp tác phục vụ cho công ích, cho sự sống toàn diện cùng sự phát triển vững bền của con người cùng cộng đồng nhân loại.

4. Khi tự biến mình thành một chủ thể chính trị, tự đồng hoá mình với một lập trường, hay một phe nhóm chính trị, Giáo Hội cùng hàng giáo phẩm và giáo sĩ sẽ mất đi thẩm quyền về đạo đức, đánh mất đi khả năng hoàn thành nhiệm vụ giáo dục con người tự do lựa chọn, làm suy giảm khả năng đưa những giá trị nhân bản, giá trị Tin Mừng vào trong đời sống văn hoá và xã hội, kinh tế và chính trị...

Giáo Hội mong muốn người kitô hữu phải là công giáo tốt đồng thời là công dân tốt, điều đó không có nghĩa là Giáo Hội mong muốn người kitô hữu phải theo chế độ nầy, chống chế độ kia, song Giáo Hội muốn xác định người kitô hữu có bổn phận trở nên người công giáo tốt và công dân tốt trong mọi chế độ chính trị, bằng cách sống tình huynh đệ hiệp thông, ý thức tinh thần trách nhiệm liên đới, chung sức với mọi người thành tâm thiện chí là anh em đồng bào, đồng loại của mình, nỗ lực vun đắp một trật tự xã hội mới nhân bản hơn, hướng đến một tương lai chan hoà ánh sáng chân lý và tình thương, công lý và hoà bình cho đất nước cùng gia đình nhân loại hôm nay.

Toà Tổng Giám mục TGP. TPHCM, ngày Quốc Tế Lao Động, 1.5.2011
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y, Tổng Giám mục

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top