ĐGH Phanxicô sẽ thăm mục vụ Phi Luật Tân và Sri Lanka vào năm 2015

ĐGH Phanxicô sẽ thăm mục vụ Phi Luật Tân và Sri Lanka vào năm 2015

WGPSG -- Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí trên chuyến bay từ Thánh địa trở về Rôma hôm thứ Hai, ngày 26.05.2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho biết ngài sẽ thăm mục vụ Phi Luật Tân vào tháng 1 năm 2015. Ngài cũng nói thêm rằng ngài sẽ viếng thăm Sri Lanka.

Hãng tin AP cho hay Đức Giáo Hoàng sẽ thăm Phi Luật Tân trong 2 ngày nhưng ngài không cho biết thêm chi tiết về chuyến thăm này.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng Catholic News Service, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle đã nói về mục đích chuyến thăm Phi Luật Tân của Đức Giáo hoàng như sau: “Tôi nghĩ rằng một trong những mục đích của cuộc thăm viếng của Đức Thánh Cha là để đến gần với những anh chị em đang chịu nhiều đau khổ bởi bão tố và động đất.”

Đức Giáo hoàng Phanxicô từ lâu đã muốn đến thăm Phi Luật Tân, đất nước có đông người Công giáo nhất Á Châu. Ngài đã từng gửi một thông điệp tiếng Anh đầu tiên trong triều Giáo hoàng của ngài bằng video đến toàn thể các tín hữu Phi Luật Tân tháng 10 năm 2013.

“Xin anh chị em đừng cảm thấy mệt mỏi khi mang lòng thương xót của Chúa Cha đến với những người nghèo, bệnh tật, bị bỏ rơi, giới trẻ và các gia đình”, ĐGH Phanxicô nói trong đoạn video gửi đến Hội nghị Tân Phúc Âm hóa tại Đại học Santo Tomas.

Ngày 22-2-2014 vừa qua, lễ kính Tòa Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã nhóm Công nghị đầu tiên để tấn phong 19 Hồng y mới, trong đó có ĐHY Orlando Quevedo người Philippines thuộc dòng Thừa sai Hiến Sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Phi Luật Tân  là một đảo quốc có chủ quyền tại Đông Nam Á, có diện tích 300.000 km2, là quốc gia rộng lớn thứ 64 trên thế giới, bao gồm 7.107 hòn đảo được phân loại phổ biến thành ba vùng địa lý lớn: Luzon, Visayas và Mindanao. Thủ đô của Phi Luật Tân là Manila, còn thành phố đông dân nhất là Quezon. Với dân số ít nhất là 99 triệu, Phi Luật Tân là quốc gia đông dân thứ bảy tại châu Á và đứng thứ 12 trên thế giới. Trên 90% dân số là tín hữu Kitô giáo: khoảng 80% thuộc Giáo hội Công giáo La Mã và 10% thuộc các giáo phái Tin Lành.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top