ĐGH Bênêđictô XVI là một trong những vị Giáo hoàng uyên bác nhất lịch sử

ĐGH Bênêđictô XVI là một trong những vị Giáo hoàng uyên bác nhất lịch sử

ROME (CNA) - Tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls, cựu phát ngôn viên Vatican trong suốt 22 năm, đã nói rằng Giáo hội Công giáo hiện đang có một trong những vị Giáo hoàng uyên bác nhất lịch sử.

Tiến sĩ Navarro-Valls từng làm việc 2 năm với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, và 20 năm với Đức Gioan Phaolô II.

Trả lời phỏng vấn tờ El Mundo, Navarro-Valls cho biết ông xem Đức Bênêđictô XVI là vị Giáo hoàng với kiến thức cá nhân rộng lớn và lỗi lạc nhất trong lịch sử của Giáo hội. Nhận thức và quan niệm của Đức Giáo Hoàng bao quát tuyệt vời đến nỗi những người ngoài Công giáo và những người không tin vào Thiên Chúa cũng nhận ra điều đó.

Cựu phát ngôn viên Tòa Thánh tin rằng Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI không phải là một người lạnh lùng. Một điểm độc đáo của Đức Bênêdictô XVI là sự tin tưởng của ngài về bản ngã của con người, khả năng tìm kiếm sự thật của họ. Và một trong những vấn đề lớn nhất ngài phải đối mặt là chủ nghĩa tương đối, như chính ngài đã mô tả về điều này một vài ngày trước khi được bầu làm Giáo hoàng.

Khi được hỏi thêm về những gì ông cảm nhận dưới thời Đức Gioan Phaolô II như ông đã ghi lại trong quyển ghi chép dày 600 trang liên quan đến vị tiền nhiệm của Đức Bênêdictô XVI, Tiến sĩ Navarro-Valls cho biết một năm rưỡi trước, có một nhà xuất bản Hoa Kỳ đã đề nghị ông mức nhuận bút 1,5 triệu Mỹ kim để viết quyển sách đó. Nhưng ông lại dằn vặt khi cho rằng điều ông nên làm là đặt qua một bên tất cả những thứ đó và dành ra một năm rưỡi ngồi trong phòng viết quyển sách này thay vì lãng phí thời gian cho những đề nghị như vậy. Đối với ông, viết quyển sách kể về những năm tháng làm việc với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là một trách nhiệm luân lý đòi buộc, vì Đức Gioan Phaolô II tuy được yêu mến nhiều nhưng không phải ai cũng biết rõ về ngài, và ông nghĩ mình nên viết để mọi người có thể có cái nhìn cận cảnh hơn về cuộc đời của vị Giáo hoàng.

Theo tiến sĩ Navarro-Valls, tính cách và con người của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chưa được biết đến đầy đủ. Ví dụ như ngài rất có óc hài hước, thậm chí khi phải đối mặt với những vấn đề khó khăn nhất ngài vẫn giữ được sự lạc quan.

Còn về Đức Bênêđictô XVI, rõ ràng ngài là một người lỗi lạc hiếm thấy, ngài từng giữ chức chủ tịch Ủy ban Thần học Quốc tế trước khi lên ngôi Giáo Hoàng. Vào năm 2006, khi bị người Hồi giáo chỉ trích về lời phát biểu của ngài tại đại học Regenburgs mà họ cho là xúc phạm tiên tri Mohammad và các cuộc thánh chiến của họ, khi Đức Giáo Hoàng đã trích dẫn một phát biểu của vua Byzantine Manuel II Paleologos từ thể kỷ XII, bài phát biểu được chuẩn bị trước kỹ càng, những gì ngài nói hoàn toàn không vô tình hay nhất thời. Nhưng thậm chí khi được Đức Giáo Hoàng nói ra, những lời ấy cao siêu đến mức một người uyên bác thông thường phải được nghe lại vài lần mới nắm ý trọn vẹn. Từ đó, cũng dễ hiểu tại sao người Hồi giáo dù có cầm trong tay nguyên văn bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng không bị cắt xén, vẫn có thể hiểu lầm ý của ngài khi bị tác động thêm bởi các báo đài. Chính vì nó uyên bác khiến người Hồi giáo khó hiểu, nếu không muốn nói là không hiểu, nên các phương tiện truyền thông dễ dàng ru ngủ họ bằng các luận điệu khích bác Giáo Hội và cách riêng là tấn công trực tiếp vào Đức Giáo Hoàng.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng có xin lỗi thế giới Hồi giáo. Nhưng chúng ta cũng phải lưu ý rằng: ngài không xin lỗi về nội dung đã nói sai, nhưng xin lỗi vì nội dung đó đã làm người Hồi giáo tức giận. Ngài chưa bao giờ nói rút lại lời nói của ngài cả.

Điều này giống như khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói về vấn đề bao cao su trên máy bay tông du tới Phi Châu. Nó khoa bảng và khó hiểu, trừu tượng và dễ bị diễn dịch sai, nên ngay sau đó thế giới hàn lâm lại được một phen tranh luận khi cánh truyền thông cố tình diễn sai lạc ý nói của Đức Giáo Hoàng. Đến nỗi sau đó một khoa học gia uy tín của đại học lừng danh Havard đã phải lên tiếng rằng: "Là một nhà khoa học, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy sự gần gũi lạ kỳ giữa những gì Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói trên chuyến bay khi tông du đến Cameroon vào tháng 3-2009, phát biểu đó của Đức Giáo Hoàng cũng là kết quả của hầu hết các nghiên cứu khoa học gần đây."

Đó chỉ là vài câu chuyện nhỏ liên quan đến tri thức của Đức Bênêđictô XVI - một trong những vị Giáo hoàng uyên bác nhất lịch sử Giáo hội.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top