Cuộc Khổ Nạn trong Tin Mừng theo Thánh Gioan
CUỘC KHỔ NẠN TRONG TIN MỪNG THEO THÁNH GIOAN
WHĐ (25.03.2024) – Tin Mừng Thánh Gioan được gọi là Tin Mừng “biệt lập” vì việc miêu tả Chúa Giêsu trong đó được thực hiện theo một cách khác biệt so với Tin Mừng Mátthêu, Máccô và Luca. Đối với Thánh Gioan, Chúa Giêsu là sự mặc khải về tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” mà cái chết của Ngài là một hành vi tình yêu của người bạn, một dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa hoàn toàn ôm lấy nhân loại và là cuộc chiến thắng cuối cùng trên sự dữ.
Trình thuật thương khó của Thánh Gioan được đọc hàng năm như là tâm điểm của phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh. Sự miêu tả của Ngài về cuộc khổ nạn, với sự pha trộn cao tay giữa đau khổ và chiến thắng, rất phù hợp với tinh thần của Tam Nhật Vượt Qua.
Vụ bắt giữ
Gioan 18:1-11
1 Sau khi nói những lời đó, Đức Giê-su đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kít-rôn. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với các môn đệ đi vào. 2 Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng biết nơi này, vì Người thường tụ họp ở đó với các môn đệ. 3 Vậy, Giu-đa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pha-ri-sêu ; họ mang theo đèn đuốc và khí giới. 4 Đức Giê-su biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi : "Các anh tìm ai ?" 5 Họ đáp : "Tìm Giê-su Na-da-rét." Người nói : "Chính tôi đây." Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ. 6 Khi Người vừa nói : "Chính tôi đây", thì họ lùi lại và ngã xuống đất. 7 Người lại hỏi một lần nữa : "Các anh tìm ai ?" Họ đáp : "Tìm Giê-su Na-da-rét." 8 Đức Giê-su nói : "Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi." 9 Thế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã nói: "Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai."
10 Ông Si-môn Phê-rô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Man-khô. 11 Đức Giê-su nói với ông Phê-rô : "Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống ?"
Cảnh mở đầu câu chuyện của Gioan tạo nên tâm trạng cho toàn bộ câu chuyện khổ nạn. Ở một mức độ nào đó, đó là câu chuyện về nỗi kinh hoàng – sự phản bội của một người bạn, vụ bắt giữ một người vô tội bằng bạo lực vào ban đêm, sự lạm dụng quyền lực của chính quyền vũ trang. Đây là một cảnh tượng rùng rợn – rất quen thuộc và rất thời sự đối với những Kitô hữu ở nhiều nơi trên thế giới.
Nhưng cảnh tượng này còn có một cấp độ khác – Chúa Giêsu tự do quyết định đặt mình trước kẻ thù; quyền lực áp đảo từ con người thánh thiêng của Ngài lật nhào những quyền lực của bóng tối xuống đất; Chúa Giêsu nắm quyền chỉ huy ngay cả lúc bị bắt.
Toàn bộ câu chuyện khổ nạn của Gioan cũng như vậy: bi kịch của cái chết dữ dội bị lấn át bởi sức mạnh của tình yêu cứu chuộc. Đối với Thánh Gioan, Chúa Giêsu là Ngôi Lời đã trở nên người phàm, được sai đến để mạc khải tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa dành cho thế gian. Nghịch lý thay, lời tuyên bố thuyết phục nhất về tình yêu đó lại là cái chết của Chúa Giêsu. Khi hiến mạng sống “vì bạn hữu của mình” (15:13) – hành động cao quý nhất của con người – Chúa Giêsu mạc khải tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho thế gian. Từ góc độ đức tin, cái chết của Chúa Giêsu là Lời đem lại sự sống.
Cuộc khổ nạn của Gioan bắt đầu một cách đột ngột so với các Tin Mừng Nhất Lãm. Không có đề cập nào đến âm mưu chống lại Chúa Giêsu, không có việc xức dầu tại Bêtania và không có tường thuật về bữa ăn tối cuối cùng, Chúa Giêsu cũng không có lời cầu nguyện thống khổ của mình trong Vườn Giếtsimani trước thời điểm bị bắt. Ở một mức độ nào đó, Gioan đã đề cập đến những sự kiện này hoặc những sự kiện tương tự trước đó trong Tin Mừng của ngài. Sau khi Chúa Giêsu kết thúc diễn từ ly biệt dài với các môn đệ (chương 13-17), Ngài dẫn họ băng qua thung lũng Kítrôn đến một khu vườn và vở kịch cuộc khổ nạn sẽ bắt đầu: “Sau khi nói những lời đó, Chúa Giêsu đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kítrôn. Ở đó, có một thửa vườn, Ngài cùng với các môn đệ đi vào” (18:1).
Trình thuật của Gioan không hề chùn bước trước thực tế khủng khiếp về cái chết. Lần đầu tiên thực tế khủng khiếp này xuất hiện dưới cái lốt của Giuđa, môn đệ phản bội Chúa Giêsu. Theo quan điểm của Gioan, “Satan” – hiện thân của cái ác – xúi giục Giuđa phản bội Chúa Giêsu: “Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt, ý định nộp Chúa Giêsu” (13:2). Đồng minh với Giuđa là binh lính La Mã (chỉ Gioan đề cập đến điều này) và lính canh được các thầy tư tế và người Pharisêu sai đi: “Vậy, Giuđa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pharisêu” (18:3). Toàn bộ quyền lực được dàn trận để chống lại Chúa Giêsu: người Do Thái và dân ngoại; tôn giáo và thế tục.
Nhưng đội quân áp bức và thậm chí quyền lực ma quỷ này không làm cho Chúa Giêsu trở thành một nạn nhân bất lực. Trước đó trong Tin Mừng, Chúa Giêsu của Gioan đã tuyên bố về quyền tự do của mình trước cái chết: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (10:17-18).
Chúa Giêsu đối đầu với các thế lực bằng danh thánh của Người: “Ta là” – danh thánh mà Chúa Giêsu Ngôi Lời mạc khải cho thế gian. Đối mặt với điều này, sức mạnh của cái chết sẽ héo mòn và ngã xuống đất – không phải một lần mà là hai lần: “Khi Ngài vừa nói: "Chính tôi đây", thì họ lùi lại và ngã xuống đất” (18:6). Chính Chúa Giêsu, chứ không phải cái chết, đang ra lệnh ở đây. Ngài ngăn giữ Phêrô khỏi bất cứ hành vi bạo lực nào nhân danh Ngài.
Chúa Giêsu sẽ tự nguyện và sẵn lòng “uống chén” cuộc khổ nạn vì khi làm như vậy Ngài hoàn thành sứ mệnh mặc khải tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế gian.
Trong sân của Thượng tế
Gioan 18:12-27
12 Bấy giờ toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Do-thái bắt Đức Giê-su và trói Người lại. 13 Trước tiên, họ điệu Đức Giê-su đến ông Kha-nan là nhạc phụ ông Cai-pha. Ông Cai-pha làm thượng tế năm đó. 14 Chính ông này đã đề nghị với người Do-thái là nên để một người chết thay cho dân thì hơn.
15 Ông Si-môn Phê-rô và một môn đệ khác đi theo Đức Giê-su. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế, nên cùng với Đức Giê-su vào sân trong của tư dinh vị thượng tế. 16 Còn ông Phê-rô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phê-rô vào. 17 Người tớ gái giữ cổng nói với ông Phê-rô : "Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của người ấy sao ?" Ông liền đáp : "Đâu phải." 18 Vì trời lạnh, các đầy tớ và thuộc hạ đốt than và đứng sưởi ở đó ; ông Phê-rô cũng đứng sưởi với họ. 19 Vị thượng tế tra hỏi Đức Giê-su về các môn đệ và giáo huấn của Người. 20 Đức Giê-su trả lời : "Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do-thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. 21 Sao ông lại hỏi tôi ? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì." 22 Đức Giê-su vừa dứt lời, thì một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Người mà nói : "Anh trả lời vị thượng tế như thế ư ?" 23 Đức Giê-su đáp : "Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào ; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi ?" 24 Ông Kha-nan cho giải Người đến thượng tế Cai-pha, Người vẫn bị trói.
25 Còn ông Si-môn Phê-rô thì vẫn đứng sưởi ở đó. Người ta nói với ông : "Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của ông ấy sao ?" Ông liền chối : "Đâu phải." 26 Một trong các đầy tớ của vị thượng tế, có họ với người bị ông Phê-rô chém đứt tai, lên tiếng hỏi : "Tôi đã chẳng thấy bác ở trong vườn với ông ấy sao ?" 27 Một lần nữa ông Phê-rô lại chối, và ngay lúc ấy gà liền gáy.
Khung cảnh bây giờ thay đổi, chuyển từ Khu vườn băng qua thung lũng Kítrôn đến sân của Thầy thượng tế. Trong phiên bản câu chuyện của Gioan, Chúa Giêsu trước tiên được đưa đến Anna, cha vợ của thầy thượng tế Caipha đang nắm quyền. Có lẽ Anna, người đã bị người La Mã phế truất, vẫn là một nhân vật quyền lực. Chúa Giêsu sẽ bị các nhà chức trách tôn giáo thẩm vấn để chuẩn bị cho phiên tòa chính thức trước Philatô.
Nhưng đối với Gioan, chủ đề xuyên suốt sâu xa hơn của cảnh tượng này vẫn là một trong những sự tương phản: giữa Chúa Giêsu và những kẻ chống đối Ngài cũng như giữa Chúa Giêsu và Phêrô.
Như trong cảnh bị bắt, Chúa Giêsu đã mạnh dạn đối đầu với những kẻ chống đối mình. Bằng những lời gợi nhớ đến chương 8 của Tin Mừng của mình, Thánh Gioan trình bày Chúa Giêsu như hiện thân của “sự thật” – sự thật tối hậu về tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian. Chúa Giêsu đã công khai công bố sự thật này bằng lời nói và hành động của mình: “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút” (18:20). Trong thần học của Gioan, sự thật vốn có tính chất “công khai”. Những người nói lên sự thật hoặc tìm cách khám phá nó thì không ngại bước ra ánh sáng: “Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (3:19-21) nhưng những người xây dựng cuộc sống trên sự giả dối hoặc trốn tránh sự thật thì thích sống trong bóng tối và hoạt động bí mật hơn. Vì thế, Giuđa và nhóm vũ trang của hắn đã đến bắt Chúa Giêsu trong bóng tối (trớ trêu thay, lại mang theo đèn và đuốc… 18:3). Và vì thế, Vị Thượng tế không nhận ra Sự thật về Thiên Chúa vốn đang đứng trước mặt ông bị trói tay như một tù nhân.
Gioan cũng kể câu chuyện về sự chối bỏ của Phêrô. Ở đây, có sự tương phản giữa lời chứng công khai can đảm mà Chúa Giêsu đưa ra trước những kẻ bắt giữ Ngài và sự yếu đuối của người môn đệ chối bỏ tư cách môn đệ của mình khi phải đối mặt với câu hỏi của một nữ tỳ. Phêrô đã mạnh dạn khẳng định rằng ông sẽ hy sinh mạng sống mình vì Chúa Giêsu và nhấn mạnh rằng ông sẽ theo Chúa Giêsu bất cứ nơi nào Ngài đi: “Ông Simôn Phêrô nói với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy? " Chúa Giêsu trả lời: "Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo." Ông Phêrô thưa: "Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” (13:36-37). Nhưng ông đã đánh giá thấp sức mạnh của bóng tối và cái giá phải trả của việc làm môn đệ. Trong cơn khủng hoảng của Cuộc Khổ Nạn, ông thất bại.
Nhưng Tin Mừng không bỏ rơi Phêrô. Ông sẽ chứng kiến ngôi mộ trống và suy ngẫm về ý nghĩa của nó: “Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Chúa Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” (20:6-7) và cuối cùng, trong câu chuyện tuyệt vời về bữa sáng bên bờ hồ: “Người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: "Chúa đó!" Vừa nghe nói "Chúa đó!", ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển” (21:7). Chúa Kitô Phục Sinh sẽ chữa lành tình trạng môn đệ bị tan vỡ của Phêrô bằng ba lần tuyên xưng tình yêu và giao phó cho ông sứ mệnh phục vụ cộng đoàn.
Gioan cũng giới thiệu một yếu tố mới vào câu chuyện này. Phêrô có thể vào sân vì “một môn đệ khác” được Thầy Thượng tế biết đến: “Ông Simon Phêrô và một môn đệ khác đi theo Chúa Giêsu. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế, nên cùng với Chúa Giêsu vào sân trong của tư dinh vị thượng tế” (18:15). Đây rất có thể là “người môn đệ yêu dấu” – nhân vật bí ẩn trong Tin Mừng Gioan, người tiêu biểu cho tư cách môn đệ đích thực. Ông cùng với Mẹ Chúa Giêsu sẽ là những nhân chứng cho cái chết của Chúa Giêsu (19:26,35-36).
Cảm giác tương phản và mỉa mai của Gioan tiếp tục tăng thêm ý nghĩa sâu sắc cho câu chuyện khổ nạn: sự thật và sự giả dối, sức mạnh và sự yếu đuối được bộc lộ trong thời điểm đau khổ khủng hoảng.
Chúa Giêsu trước Philatô
Gioan 18:28-40
28 Vậy, người Do-thái điệu Đức Giê-su từ nhà ông Cai-pha đến dinh tổng trấn. Lúc đó trời vừa sáng. Nhưng họ không vào dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được. 29 Vì thế, tổng trấn Phi-la-tô ra ngoài gặp họ và hỏi : "Các người tố cáo ông này về tội gì ?" 30 Họ đáp : "Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan." 31 Ông Phi-la-tô bảo họ : "Các người cứ đem ông ta đi mà xét xử theo luật của các người." Người Do-thái đáp : "Chúng tôi không có quyền xử tử ai cả." 32 Thế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã nói, khi ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.
33 Ông Phi-la-tô trở vào dinh, cho gọi Đức Giê-su và nói với Người : "Ông có phải là vua dân Do-thái không ?" 34 Đức Giê-su đáp : "Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi ?" 35 Ông Phi-la-tô trả lời : "Tôi là người Do-thái sao ? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì ?" 36 Đức Giê-su trả lời : "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này." 37 Ông Phi-la-tô liền hỏi : "Vậy ông là vua sao ?" Đức Giê-su đáp : "Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi." 38 Ông Phi-la-tô nói với Người : "Sự thật là gì ?"
Nói thế rồi, ông lại ra gặp người Do-thái và bảo họ : "Phần ta, ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy. 39 Theo tục lệ của các người, vào dịp lễ Vượt Qua, ta thường tha một người nào đó cho các người. Vậy các người có muốn ta tha vua dân Do-thái cho các người không ?" 40 Họ lại la lên rằng : "Đừng tha nó, nhưng xin tha Ba-ra-ba !" Mà Ba-ra-ba là một tên cướp.
Việc xét xử Chúa Giêsu do quan tổng trấn La Mã Phongxiô Philatô thực hiện chiếm ưu thế trong câu chuyện khổ nạn của Gioan. Vị thánh sử tổ chức phiên tòa thành một loạt các họa tiết, được dàn dựng xen kẽ bên trong và bên ngoài dinh tổng trấn trước sự chứng kiếncủa toàn bộ đám đông. Các cảnh tượng ngày càng căng thẳng, bắt đầu với cuộc thảo luận có vẻ buồn chán và khó chịu của Philatô với các nhà lãnh đạo tôn giáo, qua việc ông ta ngày càng tỏ ra không hiểu nổi tù nhân của mình và lên đến cao trào với nỗ lực giải thoát Chúa Giêsu nhưng bị đám đông bác bỏ.
Gioan một lần nữa đưa sự mỉa mai vào câu chuyện của mình. Trong cảnh đầu tiên, các nhà lãnh đạo tôn giáo quan tâm đến việc duy trì sự thanh sạch về mặt nghi lễ nhưng họ lại tham gia vào việc giao Con Thiên Chúa cho người La Mã. Họ lo lắng chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua: “Vậy, người Do thái điệu Chúa Giêsu từ nhà ông Caipha đến dinh tổng trấn. Lúc đó trời vừa sáng. Nhưng họ không vào dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được” (18:28) nhưng Chiên Con Vượt Qua đích thực sắp bị sát tế. Cuộc tranh cãi của họ với quan tổng trấn La Mã về các quyền hợp pháp trớ trêu thay lại dẫn đến việc Chúa Giêsu bị đóng đinh – chính cái chết mà Chúa Giêsu của Gioan đã tiên đoán Ngài sẽ trải qua, bị “giương cao lên” vì sự sống của thế gian: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Ngài thì được sống muôn đời” (3:14-15). “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (12:32).
Một biểu tượng mạnh mẽ của toàn bộ phiên tòa là vương quyền, một chủ đề nổi lên khi Philatô bắt đầu thẩm vấn Chúa Giêsu (18:33-38). Philatô đại diện cho sức mạnh chính trị được biểu tượng bằng vương miện của hoàng đế. Nhưng quyền tối thượng của Chúa Giêsu không “thuộc về thế gian này”, nghĩa là quyền tối thượng đó đại diện cho một loại quyền năng rất khác – quyền năng mang lại sự sống. Như lời mở đầu của Tin Mừng đã được công bố dưới dạng thơ ca:
“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành
ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (1:1-18).
Chúa Giêsu đến thế gian để công bố sự thật tối hậu về tình yêu của Thiên Chúa – những ai nghe tiếng Chúa Giêsu đều biết sự thật của Thiên Chúa và sống sự thật đó trong cuộc sống của họ: “Ai thuộc về Thiên Chúa, thì nghe lời Thiên Chúa nói; còn các ông, các ông không chịu nghe, vì các ông không thuộc về Thiên Chúa” (8:47). Sự thật về tình yêu của Thiên Chúa – chứ không phải sức mạnh áp bức, tàn bạo – là nguồn sức mạnh của Chúa Giêsu. Philatô, giống như các nhà lãnh đạo tôn giáo, không có khả năng nhận ra sự thật này: “Ông Philatô liền hỏi: "Vậy ông là vua sao?" Chúa Giêsu đáp: "Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi." Ông Philatô nói với Ngài: "Sự thật là gì?” (18:37).
Mặc dù không thể hiểu được Chúa Giêsu, Philatô vẫn tin rằng Ngài vô tội và ông đi ra ngoài để thông báo cho những người lãnh đạo về quyết định của mình. Để xoa dịu họ, ông đề nghị thả Chúa Giêsu như một cử chỉ nhân dịp Lễ Vượt Qua: “Theo tục lệ của các người, vào dịp lễ Vượt Qua, ta thường tha một người nào đó cho các người. Vậy các người có muốn ta tha vua dân Do thái cho các người không?” (18:39). Nhưng thay vào đó, “người Do Thái” lại yêu cầu thả Baraba. Tin Mừng chỉ lưu ý rằng Baraba là một “người có ý làm cách mạng” (18:40). Sự trớ trêu của Gioan có còn xảy ra nữa không? Có phải tác giả Tin Mừng muốn nói với người đọc rằng đám đông mù quáng trước sự thật: cuộc cách mạng sâu sắc nhất là cuộc cách mạng do chính Chúa Giêsu khởi xướng? [Lưu ý rằng ở điểm này, Gioan đã khéo léo chuyển từ việc xác định những đối thủ của Chúa Giêsu là những nhà lãnh đạo tôn giáo sang gọi họ chung chung là “người Do Thái” – độc giả Kitô hữu phải cẩn thận để không đưa ra kết luận rằng tất cả người Do Thái đều có tội cách nào đó vì cái chết của Chúa Giêsu. Đây không thể là quan điểm của Gioan: Mẹ Maria, Người Môn đệ Yêu dấu, và chính Chúa Giêsu đều là người Do Thái!]
Chúa Giêsu Vị Vua Bị Đóng Đinh
Gioan 19:1-16
1 Bấy giờ ông Phi-la-tô truyền đem Đức Giê-su đi và đánh đòn Người. 2 Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. 3 Họ đến gần và nói : "Kính chào Vua dân Do-thái !", rồi vả vào mặt Người.
4 Ông Phi-la-tô lại ra ngoài và nói với người Do-thái : "Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy." 5 Vậy, Đức Giê-su bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Phi-la-tô nói với họ : "Đây là người !" 6 Khi vừa thấy Đức Giê-su, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng : "Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá !" Ông Phi-la-tô bảo họ : "Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy." 7 Người Do-thái đáp lại : "Chúng tôi có Lề Luật ; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa."
8 Nghe lời đó, ông Phi-la-tô càng sợ hơn nữa. 9 Ông lại trở vào dinh và nói với Đức Giê-su : "Ông từ đâu mà đến ?" Nhưng Đức Giê-su không trả lời. 10 Ông Phi-la-tô mới nói với Người : "Ông không trả lời tôi ư ? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao ?" 11 Đức Giê-su đáp lại : "Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn."
12 Từ đó, ông Phi-la-tô tìm cách tha Người. Nhưng dân Do-thái kêu lên rằng : "Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xê-da." 13 Khi nghe thấy thế, ông Phi-la-tô truyền dẫn Đức Giê-su ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên toà, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Híp-ri là Gáp-ba-tha. 14 Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Phi-la-tô nói với người Do-thái : "Đây là vua các người !" 15 Họ liền hô lớn : "Đem đi! Đem nó đi ! Đóng đinh nó vào thập giá !" Ông Phi-la-tô nói với họ : "Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao ?" Các thượng tế đáp : "Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da." 16 Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ điệu Đức Giê-su đi.
Chủ đề xuyên suốt về Vương quyền càng mãnh liệt ở những cảnh kết thúc. Khi đám đông chọn thả Baraba, Philatô đã cho đánh đòn Chúa Giêsu: “Bấy giờ ông Philatô truyền đem Chúa Giêsu đi và đánh đòn Ngài” (19:1). Bọn lính thực hiện một trò chơi nhại lại lễ đăng quang một cách tàn nhẫn: sau khi bị đánh, Chúa Giêsu được đội mão gai, mặc áo tím và đưa ra lời tôn kính chế nhạo: “Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Ngài, và khoác cho Ngài một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: "Kính chào Vua dân Dothái!” (19:2-3). Sự chế nhạo được nhấn mạnh hơn nữa bằng bạo lực khi những người lính “vả vào mặt Ngài.”
Tất cả những điều này chuẩn bị cho cảnh tượng kỳ quái xảy ra sau đó khi Philatô dẫn tù nhân bị đánh đập, mặc bộ đồ giả nhà vua của mình ra trước đám đông. Philatô hy vọng điều này sẽ dập tắt mong muốn của họ triệt hạ Chúa Giêsu.
Đối với Philatô và các nhân vật trong vở kịch, đây hoàn toàn là một sự sỉ nhục đối với kẻ giả danh nhà vua này. Chúa Giêsu là một gã hề, không có quyền lực, không có ai theo, khoác lên mình những biểu tượng giả tạo của vị vua. Nhưng đối với người đọc Tin Mừng còn có một sự thật khác. Chúa Giêsu thực sự là “vua”; Ngài là Người Con vương quyền của Thiên Chúa. Điều đang bị chế nhạo ở đây không phải là Chúa Giêsu mà là bất cứ thứ vương miện nào có quyền lực dựa trên bạo lực và sự giả dối. Philatô trình bày Chúa Giêsu như một “con người” đáng thương nhưng con mắt đức tin biết rằng con người này là Ngôi Lời nhập thể, “Con Người” từ trời xuống để mạc khải tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian.
Một lần nữa sự mỉa mai xuyên qua câu chuyện của Thánh Gioan: Chúa Giêsu phải chết, những người chống đối Ngài hét lên, “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa” (19:7). Tin Mừng Thánh Gioan đã công bố rằng Chúa Giêsu sẽ chết chính vì Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng hiến mạng sống mình cho thế gian.
Đau lòng trước sự từ chối của đám đông đối với Chúa Giêsu và vẫn đang tìm cách thả người tù bí nhiệm này, Philatô lại thẩm vấn Chúa Giêsu: “Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao? Chúa Giêsu đáp lại: ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài” (19:10-11). Việc Philatô tuyên bố về quyền lực của mình bị gạt sang một bên: quyền lực duy nhất là quyền lực mà Thiên Chúa ban cho.
Khi Philatô một lần nữa thay mặt Chúa Giêsu nài xin đám đông, thì họ đe dọa buộc tội ông bất trung với Xêda: “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xêda. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xêda” (19:12). Một lần nữa sự mỉa mai lại xuất hiện trong câu nói: “Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xêda” – độc giả Tin Mừng Gioan cũng có thể nói như vậy. Chúa Giêsu là một vị vua và bản chất vương quyền của Ngài hoàn toàn trái ngược với thứ quyền lực bị lạm dụng cướp đi mạng sống của những người vô tội.
Cảnh tượng kết thúc với đám đông đòi đóng đinh Chúa Giêsu. Tính biểu tượng rất mạnh mẽ. Philatô dẫn Chúa Giêsu ra ngoài và ngồi trên ghế xét xử. “Đây là vua các người!” ông nói để chế nhạo đám đông, nhưng họ trả lời: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xêda”. Từ nhãn quan của Tin Mừng theo Thánh Gioan, Philatô đã đúng và đám đông ở Giêrusalem không thể đưa ra sự lựa chọn nào khủng khiếp hơn.
Việc giương cao Con Người lên
Gioan 19:17-30
17 Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha ; 18 tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa. 19 Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá ; bảng đó có ghi : "Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái." 20 Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giê-su bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng : Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp. 21 Các thượng tế của người Do-thái nói với ông Phi-la-tô : "Xin ngài đừng viết : ' Vua dân Do-thái ', nhưng viết : ' Tên này đã nói : Ta là Vua dân Do-thái '." 22 Ông Phi-la-tô trả lời: "Ta viết sao, cứ để vậy !"
23 Đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần ; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. 24 Vậy họ nói với nhau : "Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được." Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh : Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm.
25 Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. 26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : "Thưa Bà, đây là con của Bà." 27 Rồi Người nói với môn đệ : "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
28 Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói : "Tôi khát !" 29 Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. 30 Nhắp xong, Đức Giê-su nói : "Thế là đã hoàn tất !" Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
Đỉnh điểm của cuộc khổ nạn xảy ra trên đồi Golgotha, nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh. Việc Thánh Gioan nhấn mạnh đến sự khởi đầu chiến thắng của Chúa Giêsu ngay cả trong thời điểm đen tối nhất của cuộc khổ nạn vẫn tiếp tục. Không nói đến ông Simon người Xirênê bị bắt vác thập giá giúp Chúa; Chúa Giêsu của Thánh Gioan tự mình đảm nhận việc đó.
Thời điểm bị đóng đinh là thời điểm lên ngôi: Chúa Giêsu bị đóng đinh, được vây quanh bởi hai người tháp tùng lạ lùng, đó là hai người cũng chết theo cách tương tự. Trên cây thánh giá được khắc bằng tiếng Do Thái, tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp là danh hiệu: “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái”. Mặc dù các thượng tế phản đối, Philatô vẫn cương quyết – đây sẽ là danh hiệu của Chúa Giêsu bị đóng đinh.
Sử dụng biểu tượng đầy ảnh hưởng về con rắn bằng đồng trong câu chuyện Môsê trong Dân Số 14:21 “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” (Gioan 3:14), Tin Mừng theo Gioan trình bày việc đóng đinh như một “sự giương cao” – chứ không chỉ là việc treo thân xác bị đóng đinh của Chúa Giêsu trong đau khổ của cái chết, nhưng qua cái chết đó, việc “giương cao” là một sự tôn vinh khải hoàn khi Ngôi Lời Nhập Thể hoàn thành sứ mệnh yêu thương của mình và trở về cùng Chúa Cha: “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Ngài đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (13:1).
Gioan lấp đầy khung cảnh cao trào này bằng những biểu tượng mạnh mẽ khác. Chiếc áo choàng không đường may của Chúa Giêsu không bị rách: “Lính tráng lấy áo xống của Ngài chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: "Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được." Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn” (19:23-24). Điều này gợi nhớ đến chiếc áo của vị thượng tế? hay gợi lên sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu đến để tạo lập? Bên bờ vực cái chết, Chúa Giêsu “khát”, gợi nhớ lại những lời Ngài đã nói với Phêrô trong vườn: “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (18:11).
Một hành động cuối cùng khác liên quan đến Mẹ của Chúa Giêsu và người môn đệ yêu dấu của Ngài: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Chúa Giêsu nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Ngài nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (19:25-27). Ý nghĩa chính xác của sự việc này rất khó xác định. Phải chăng điều đó có nghĩa là người môn đệ Chúa yêu bây giờ là thành viên trong gia đình hoặc cộng đoàn của Chúa Giêsu? Phải chăng Mẹ của Chúa Giêsu tượng trưng cho Do Thái giáo và giờ đây Mẹ “sinh ra” một cộng đoàn mới được tượng trưng bởi người môn đệ của Chúa Giêsu, đồng thời, cộng đoàn Kitô hữu phải tôn trọng dòng dõi của mình nơi Do Thái giáo? Hay Mẹ Chúa Giêsu đại diện cho đức tin vĩ đại của Israel mà nỗi đau đớn khi sinh con giờ đây đã nên trọn vẹn trong cộng đoàn đức tin vốn bắt đầu bằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu (xem hình ảnh này được sử dụng trong diễn từ ly biệt của Chúa Giêsu, 16:21-22).
Tin Mừng Thánh Gioan thường trêu ngươi người đọc và không bó buộc người ta phải rút ra lớp ý nghĩa nào từ bản văn.
Thánh Gioan mô tả cái chết của Chúa Giêsu bằng những nét ngắn gọn và táo bạo. Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu là: “Mọi việc đã hoàn tất” (19:30). Những lời đó vang lên tinh thần của Gioan. Động từ Hy Lạp được sử dụng ở đây, teleo, có nghĩa là “hoàn thành”, “đạt được mục tiêu đã định”, Chúa Giêsu đã bắt đầu làm theo ý muốn của Chúa Cha, yêu thương những người thuộc về Ngài “cho đến cùng” (13:1, từ cùng một gốc, telos, được sử dụng). Gục đầu xuống một cách nhẹ nhàng và điềm tĩnh, Chúa Giêsu Ngôi Lời nhập thể, trao sự sống của mình cho Thiên Chúa. Có một cảm giác gì đó thanh thản và một sự mạnh mẽ tuyệt vời khi Chúa Giêsu đối mặt với cái chết, theo cách nhìn của Gioan. Cái chết của Ngài không phải là diễn kịch (Gioan sẽ làm rõ điều này khi một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài liền sau đó) nhưng nỗi kinh hoàng về cái chết đã được tình yêu xoa dịu.
Lời chứng
Gioan 19: 31-42
31 Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. 32 Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. 33 Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. 34 Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. 35 Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực ; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. 36 Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh : Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. 37 Lại có lời Kinh Thánh khác : Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
38 Sau đó, ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống. Ông Giô-xếp này là một môn đệ theo Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận. Vậy, ông Giô-xếp đến hạ thi hài Người xuống. 39 Ông Ni-cô-đê-mô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. 40 Các ông lãnh thi hài Đức Giê-su, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái. 41 Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. 42 Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó.
Câu chuyện khổ nạn của Thánh Gioan kết thúc bằng hai hành vi tàn bạo theo trình tự đóng đinh. Hai hành vi này được Tin Mừng Gioan đem lại một ý nghĩa hoàn toàn mới.
Những kẻ hành quyết đến đánh gãy chân những người bị đóng đinh để đẩy nhanh cái chết trước khi đêm Sabát bắt đầu. Nhưng họ không đánh gãy chân Chúa Giêsu; họ đã vô tình làm cho những lời Kinh Thánh liên quan đến Chiên Con Vượt Qua ứng nghiệm: “Chỉ được ăn chiên trong nhà mà thôi ; không được mang thịt ra khỏi nhà. Các ngươi không được làm gãy một chiếc xương nào của nó” (Xuất hành 12:46). Trong lời chứng của Thánh Gioan Tẩy Giả trước đó trong Tin Mừng, Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” đến để gánh tội trần gian: “Ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (1:29-36).
Để chắc chắn rằng Chúa Giêsu đã chết, một trong những người lính đâm ngọn giáo vào cạnh sườn Ngài. Máu và nước chảy ra từ thân xác Chúa Giêsu. Một lần nữa, hành động tàn bạo lại mang một ý nghĩa mới dưới góc nhìn của Tin Mừng Gioan. Tin Mừng trích dẫn Dacaria: “Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu” (12:10), một văn bản không thể nào quên nói về việc dân thành Giêrusalem ăn năn và nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa khi họ nhìn vào “Đấng mà họ đã đâm thâu”. Nước và máu có ý nghĩa phong phú trong Tin Mừng Thánh Gioan. Trong chương 7, Chúa Giêsu dùng biểu tượng nước để ám chỉ Thánh Thần sẽ đến thế gian qua cái chết ban sự sống của Ngài: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Ngài, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống." Chúa Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Ngài sẽ lãnh nhận” (7:37-39). Và trong diễn từ về bánh sự sống, Chúa Giêsu đã nói về máu của Ngài ban sự sống cho những ai cùng dự phần vào đó: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (6:53 -56).
Tất cả những dấu hiệu này khẳng định quyền năng cứu chuộc của cái chết của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Gioan và vì lý do này tác giả Tin Mừng nhấn mạnh đến lời chứng dứt khoát của “nhân chứng” đứng gần thập giá: “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (19:35) – có lẽ là Người Môn Đệ Chúa Giêsu vốn là mối liên kết chính yếu giữa cộng đoàn đầu tiên của Chúa Giêsu và giáo hội do Gioan thành lập.
Đoạn cuối kết thúc khi thi thể bị đóng đinh của Chúa Giêsu được đưa xuống khỏi thập tự giá để chôn cất. Những ảnh hưởng của sứ mệnh của Chúa Giêsu đã rõ ràng. Giuse người Arimathia, người chỉ làm môn đệ bí mật vì sợ hãi, bây giờ đã can đảm đến nhận xác. Cùng tham gia với Giuse có Nicôđêmô, một người Pharisêu, lần đầu tiên đến với Chúa Giêsu “vào ban đêm” (3:1) và khi đó đức tin của ông còn bấp bênh (7:50-52). Ông mang theo một lượng lớn hương liệu – đủ cho một nghi thức chôn cất long trọng như của một vị vua!
Cả hai người đều gạt bỏ nỗi sợ hãi và công khai bày tỏ lòng tôn kính đối với Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Những người ở trong bóng tối nay đã bước ra ánh sáng. Lời yêu thương của Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết.
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19