Cuộc diệt chủng Do Thái và kiểu suy tư về Thiên Chúa

Cuộc diệt chủng Do Thái và kiểu suy tư về Thiên Chúa

Phỏng vấn Linh Mục Michael McGarry, người Mỹ, tân Bề trên tổng quyền dòng thánh Phaolô, về tương quan giữa cuộc diệt chủng Do Thái và kiểu suy tư về Thiên Chúa

27 tháng Giêng là “Ngày Shoah” tưởng niệm cuộc diệt chủng Do Thái, xảy ra thời Đệ Nhị Thế Chiến, trong đó Đức quốc xã đã sát hại 6 triệu người Do Thái. Ngày 27 tháng Giêng đã được chọn làm ngày tưởng niệm vì chính trong ngày này hồi năm 1945 cổng sắt trại tập trung Auschwitz bên Ba Lan đã bị xe tăng của Liên Xô phá sập.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Michael McGarry, người Mỹ, 61 tuổi, tân Bề trên tổng quyền Dòng Thánh Phaolô, về tương quan giữa cuộc diệt chủng Do Thái và kiểu suy tư về Thiên Chúa. Từ hơn 10 năm nay cha McGarry là giám đốc Trung Tâm Đại Kết Tantur do các cha Dòng Thánh Phaolô quản trị. Trung tâm này đã được thành lập sau chuyến viếng thăm Thánh Địa của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI hồi năm 1964 và nằm trên đường từ Giêrusalem đi Bếtlêhem. Mục đích của trung tâm là cống hiến cho các tín hữu công giáo, tin lành và chính thống cơ hội gặp gỡ hiểu biết nhau và đối chiếu với gốc rễ Do Thái, cũng như duy trì tương quan với các tín hữu hồi. Cha McGarry đã dành trọn cuộc đời để nghiên cứu các tương quan giữa Do Thái giáo và Kitô giáo. Cuốn sách nổi tiếng nhất cha xuất bản hồi năm 1977 có tựa đề ”Kitô học sau Auschwitz. Một cuốn sách thám hiểm”. Cách đây vài tháng cha đã được tổng tu nghị các cha Dòng Thánh Phaolô bầu làm Bề trên tổng quyền, và vào tháng 4 tới đây cha sẽ rời Trung Tâm Đại Kết Tantur để về Hoa Kỳ làm việc.

Hỏi: Thưa cha McGarry, tín hữu Kitô đã hiểu đức tin của mình ra sao dưới ánh sáng của biến cố diệt chủng Do Thái xảy ra thời Đệ Nhị Thế Chiến?

Đáp: Không có nhiếu tín hữu Kitô có đức tin được thay đổi dưới ánh sáng cuộc diệt chủng Do Thái. Nhưng sau khi khước từ những gì đã xảy ra tại Âu châu trong tiền bán thế kỷ XX, nhiều Kitô hữu đã đưa ra các câu hỏi như: Làm sao lại đã có thể xảy điều đó? Đâu đã là vai trò của Giáo Hội? Nếu Giáo Hội không có lỗi, thì chắc chắn đã có những người được rửa tội giữa những người có trách nhiệm, và những người đã bất động đứng nhìn thảm cảnh diệt chủng xảy ra, cũng như giữa các nạn nhân. Thiên Chúa ở đâu trong tất cả những chuyện đó? Làm sao lại xảy ra là có nhiều tín hữu Kitô tham dự vào việc cố ý loại trừ dân tộc Do Thái, là dân được Thiên Chúa tuyển chọn, như thế? Có phải vì các tín hữu này đã không có tinh thần Kitô đủ và không trung thành với các giáo huấn của Chúa Giêsu?

Dĩ nhiên, đây là một phần của câu trả lời, nhưng nhiều người bắt đầu nghi ngờ nó là câu trả lời hời hợt bề ngoài. Họ đã bắt đầu tìm hiểu thái độ của các Kitô hữu bài Do Thái dọc dài các thế kỷ cũng như giáo lý Kitô chống Do Thái và kinh hoàng đi đến kết luận rằng: Kitô giáo đã không làm nảy sinh ra cuộc diệt chủng Do Thái, nhưng cũng đã không có khả năng ngăn chặn nó. Ngoài ra nhiều tín hữu Kitô đã đưa ra các câu hỏi về chính họ, về đức tin của họ, về Thiên Chúa, giống như người Do Thái đã đặt câu hỏi Thiên Chúa ở đâu? Sau biến cố Auschwitz phải tin vào loại Thiên Chúa nào? Chúng ta có thể khác nhau ra sao? Có lẽ Thiên Chúa không muốn một thế giới không có người Do Thái, và vì thế tín hữu Kitô có bổn phận trợ giúp người Do Thái tiếp tục sống như người Do Thái. Đây là các đề tài mới và các câu hỏi mới đối với Kitô hữu, cả khi cho tới nay chỉ có một ít thần học gia đặt vấn nạn loại này.

Hỏi: Cuốn sách của cha tựa đề ”Kitô học sau Auschwitz” khơi đậy một suy tư đặc biệt: sau biến cố Auschwitz, trong một nghĩa nào đó, Đức Giêsu cũng ”khác”, có đúng thế không?

Đáp: Dĩ nhiên là Đức Giêsu không ”khác” sau biến cố Auschwitz. Đúng hơn là sau kinh nghiệm gây chấn thương đó, chúng ta đã nhìn các sự vật một cách khác. Chúng ta nhìn mẹ mình sống sót sau một tai nạn xe hơi như thế nào? Chúng ta nghĩ gì về Thiên Chúa sau khi vừa mới thoát chết trong một tai ương? Một người yêu đứa con trai làm sao, sau khi bị lạc mất con 48 giờ đồng hồ? Kinh nghiệm, biến cố làm nảy sinh ra một kiểu nhìn mới đối với một thực tại cũ. Cũng thế, khi một tín hữu Kitô đối chiếu với một biến cố quái dị và không thể đo lường được như cuộc diệt chủng Do Thái, thì có thể diễm tả việc hiểu biết đức tin sâu xa của mình ra sao? Đối với nhiều người, sau cuộc gặp gỡ với trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã, đã nảy sinh ra một nền Kitô học mới.

Hỏi: Thưa cha, trong 50 năm qua đã có việc tái khám phá ra ”Do Thái tính” của Đức Giêsu: tiến trình này gắn liền với cuộc diệt chủng Do Thái như thế nào?

Đáp: Các nghiên cứu kinh thánh đã từ từ hướng tới một kiểu đọc hiểu lịch sử nhiều hơn là kiểu đọc hiểu tu đức. Và các học giả cũng ngày càng suy tư nhiều hơn về ý nghĩa của sự kiện Đức Giêsu sinh ra là người Do Thái, tuân giữ luật lệ Do Thái và đã chết như người Do Thái. Thật ra vào đầu thế kỷ XX đã có một vài khuynh hướng thần học Đức tìm biến Đức Giêsu thành người thuộc giống ”Ariano”. Đây là điều khủng khiếp, vì nó diễn tả việc một vài người sử dụng Đức Giêsu cho các mục đích chủng tộc và bài Do Thái. Nó đặt để tín hữu trước thách đố và cơ may tái gặp gỡ Đức Giêsu như là một người Do Thái trong một môi trường địa trung hải, môi trường trung đông. Đây là một cơ hội phong phú.

Hỏi: Đây là một tiến trình cũng liên quan tới thế giới Do Thái, có phải thế không thưa cha?

Đáp: Vâng. Song song một vài học giả Do Thái cũng chiếm hữu trở lại Đức Giêsu không phải theo kiểu của các Kitô hữu, nhưng một Đức Giêsu như bậc thầy khôn ngoan và gợi hứng bên trong lịch sử Do Thái. Ngoài ra cũng có một vài kiểu trình bầy Đức Giêsu như là tín hữu Kitô đầu tiên, đối nghịch với môi trường Do Thái. Một lần nữa các nghiên cứu kinh thánh đưa ra ánh sáng các tranh luận giữa người Do Thái với nhau, được suy tư bởi các Phúc Âm và được Tân Ước kể lại. Ngày nay có nhiều người quên rằng đó chính là các thảo luận giữa người Do Thái với nhau. Học giả Do Thái David Flusser qua đời cách đây mấy năm, đã thường lập đi lập lại rằng đa số những gì Đức Giêsu đã dậy dỗ đều có thể tìm thấy trong giáo lý của Do Thái giáo thuộc thế kỷ thứ I. Điều này gây ngạc nhiên cho những người coi Đức Giêsu là Kitô hữu đầu tiên, và là người đầu tiên đã dậy yêu thương tha nhân và Thiên Chúa. Nhưng chúng là các nguyên tắc nền tảng của Do thái giáo. Đa số những gì là nền tảng của Kitô giáo cũng là nền tảng trong Do thái giáo hay đã được trình bầy trong Do thái giáo. Và chắc chắn là cũng có những điều chỉ riêng biệt thuộc Kitô giáo mà thôi.

Hỏi: Cuộc diệt chủng Do Thái Shoah có thay đổi sự hiểu biết Do Thái về Đức Giêsu không thưa cha?

Đáp: Tôi thấy là không. Đúng hơn đó là sự tự do mà nhiều người Do Thái tìm thấy trong vài xã hội Kitô và tại Israel hiện nay, cho phép họ suy tư trở lại liên quan tới Đức Giêsu, với cái nhìn Do Thái có thể soi sáng vấn đề. Nhưng tôi không nghĩ là cuộc diệt chủng Do Thái Shoah thay đổi việc hiểu biết Do Thái về Đức Giêsu.

Hỏi: Cuộc diệt chủng Do Thái đã bước vào trong suy tư về cơ may và kiểu loan báo đức tin Kitô cho người Do Thái như thế nào? Còn có thể làm điều đó hay không, và nếu có, thì với các điều kiện nào thưa cha McGarry?

Đáp: Bên Tây Phương nhiều tín hữu Kitô nghĩ rằng chúng ta không được chiêu dụ tín đồ sau biến cố diệt chủng Do Thái. Một vài người khác coi đây là một vấn đề của sự khiêm tốn và có giáo dục. Với nhiều người khác nữa thì suy tư nảy sinh trong và sau cuộc diệt chủng Do Thái đã đưa tới một sự hiểu biết sâu xa hơn của chứng tá Kitô, thừa nhận rằng Thiên Chúa đã không bao giờ ngừng yêu người Do Thái, thừa nhận rằng Thiên Chúa đã ký kết một giao ước với dân tộc Do Thái và giao ước đó đã không bao giờ bị thu hồi. Cần phải có rất nhiều thời giờ để thảo luận đề tài này cho thấu đáo, nhưng nhiều tín hữu Kitô đã đi tới kết luận rằng trong giao ước với dân Do Thái, Thiên Chúa cứu rỗi họ qua Chúa Kitô, nhưng trong Do Thái tính của họ.

Hỏi: Thưa cha, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã thường bị cộng đoàn Do Thái chỉ trích nhân dịp ngài viếng thăm trại tập trung đức quốc xã Auschwitz và viếng thăm Israel, vì Đức Thánh Cha đã không công khai xin lỗi dân tộc Do thái về cuộc diệt chủng. Đây có phải là điều hữu hiệu cho sự hiểu biết giữa tín hữu Do Thái và Kitô, dưới ánh sáng của những gì xảy ra trong thế kỷ vừa qua hay không?

Đáp: Nếu vì thế, thì Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã không bao giờ xin lỗi dân tộc Do Thái. Năm 1999 Ủy ban thần học quốc tế đã công bố một tài liệu - nói thật ra ít được đọc - về đề tài tha thứ tựa đề ”Ký ức và hòa giải: Giáo Hội và các lỗi lầm qúa khứ” ấn hành vào tháng 3 năm 2000. Tài liệu kết luận rằng chỉ có người phạm lỗi mới xin tha thứ, và chỉ có nạn nhân mới có quyền tha thứ, chứ không phải là dòng dõi của nạn nhân. Hồi đó Đức Hồng Y Jospeh Ratzinger là Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin chắc chắn đã có vai trò nền tảng trong việc duyệt xét tài liệu này. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã không phải là một người có trách nhiệm đối với cuộc diệt chủng Do Thái, vì thế ngài không thể xin lỗi về việc này. Nhưng Giáo Hội - tất cả mọi thành phần Giáo Hội - cảm thấy một sự cắn rứt sâu xa đối với điều mà một vài thành phần của Giáo Hội tại âu châu đã hay đã không làm trong các năm kinh khủng từ 1933 tới 1945. Vì thế khó mà trả lời cho câu hỏi về việc đặt vấn đề hữu hiệu đối với sự hiểu biết nhau giữa các tín hữu Do Thái và Kitô, bởi vì không thể giả thiết trước rằng xin lỗi về một điều gì mà người ta đã không làm là kiểu hữu hiệu nhất giúp đi tới một sự hiểu biết nhau hơn. Trái lại đối thoại, tôn trọng, sám hối về những điều kinh khủng mà các Kitô hữu đã và đã không làm trong các năm đó, và nhất là dấn thân để cho các điều ấy đừng bao giờ xảy ra nữa cho người Do Thái cũng như cho bất cứ ai khác, là các con đường đưa tới một tương quan hiểu biết nhau và chấp nhận nhau.

(Jesus, Gennaio 2010, trang 77-80)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top