Cùng Mẹ “Xin Vâng”

Cùng Mẹ “Xin Vâng”

WGPSG -- Trong số các lễ nhớ Đức Maria, ngoài lễ Đức Mẹ Lộ Đức và lễ Đức Bà Camêlô, còn có lễ Đức Mẹ Mân Côi, do Đức Giáo hoàng Gregorio XIII thành lập năm 1573. Nhưng để biết nguồn gốc của lễ này, trước hết, phải tìm hiểu lịch sử Kinh Mân Côi “Rosario”. Từ Rosario phát xuất từ chữ Latinh “Rosarium”, có nghĩa là vườn hồng, khóm hồng, tràng hoa hồng, hoặc chuỗi hoa hồng, và cũng còn gọi là Kinh Mân Côi.

Sở dĩ gọi là “chuỗi hoa hồng” hay “tràng hoa hồng” vì nó bao gồm nhiều hạt. Mỗi hạt là một kinh Kính Mừng. Khi đọc nó giống như một đóa hồng tín hữu dâng kính Mẹ Thiên Chúa. Rồi nó cũng được gọi là Kinh Mân Côi, vì Mân là tên của một loại ngọc, Côi là một thứ ngọc tốt, ngọc quý lạ. Kinh Mân Côi là “Kinh Ngọc”, là “chuỗi ngọc Mân và ngọc quý lạ”. Mỗi một kinh Kính Mừng dâng lên Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đầy ơn phước, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, là ngọc Mân, ngọc đẹp quý lạ tín hữu dâng lên Đức Trinh Nữ Maria.

Lễ Đức Mẹ Mân Côi, trước kia, người ta ít lưu tâm, nhưng từ khi Đức Mẹ ban ơn lạ lùng cho Đạo Binh Thánh Giá chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Lépante vào năm 1571, Đức Thánh Cha Piô V đã cho phổ biến lễ này một cách rộng rãi trong Hội Thánh toàn cầu. Đức Thánh Cha Lêô XIII đã giải thích tầm quan trọng của lễ Mân Côi trong nhiều thông điệp của Ngài. Đến nay, người Kitô hữu trên toàn thế giới đã mừng lễ này cách rất sốt sắng, và kính đặc biệt đối với lễ Mân Côi.

Mẹ Maria với hai tiếng “xin vâng” đã góp tay vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu và hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa. Thánh lễ Mân Côi cũng nối kết những biến cố lớn trong cuộc đời Chúa Giêsu: “Nhập Thể, Khổ Nạn và Phục Sinh”.

Trong thư gửi giáo đoàn Galát, Thánh Phaolô gợi lại niềm tin vào Đấng Cứu Độ trần gian như chúng ta nghe: “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Áp-ba, Cha ơi!’. Vậy, anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa”. Thánh Phaolô khẳng định lại ơn cứu độ đến tự nơi Chúa Giêsu, để rồi những ai tin vào Ngài thì không còn sống nô lệ cho tội lỗi nữa mà là được cứu thoát.

Đấng Cứu Độ trần gian mà Thánh Phaolô nhắc cũng đã được các ngôn sứ trong Cựu Ước nói đến. Đặc biệt, ngôn sứ Gioan Tẩy Giả đã loan báo nhưng rồi mấy ai đón nhận. Không ai đón nhận bởi vì họ không tin Đấng Cứu Độ đến trần gian qua người phụ nữ nhỏ bé. Họ nghĩ rằng Đấng Cứu Độ trần gian đó đến trong uy quyền, trong vinh quang, và sẽ làm cho dân tộc của họ được vinh quang. Nhưng, Chúa đến khác với suy nghĩ của họ.

Trong niềm tin sâu thẳm của lòng mình, Mẹ Maria đã đón nhận Đấng Cứu độ trần gian. Trang Tin Mừng quá quen thuộc, chúng ta nghe thánh Luca thuật lại lời “xin vâng” đón nhận Đấng Cứu Độ trần gian vào trong đời mình. Mẹ tin và hoàn toàn bỏ ngỏ đời mình cho Thánh ý Chúa.

Ngày hôm nay, lời “xin vâng” được mở ra, được bỏ ngỏ với biết bao nhiêu biến cố bi thương trong đời của Mẹ. Phải nói rằng quá sức chịu đựng của một cô gái như Mẹ. Không còn gì nhục nhã cho bằng khi phải đón nhận, khi phải đồng hành, khi cùng với con chịu đau khổ trên hành trình thương khó và bi thương nhất là cái chết trên thập giá.

Nhưng, niềm tin ấy của Mẹ không chỉ dừng lại trên đỉnh đồi Canvê mà còn tiếp tục sau khi chôn con yêu của mình. Sách Công vụ Tông đồ cũng vừa kể lại niềm tin của Mẹ khi các tông đồ bấn loạn, người đi về nhà, kẻ chán nản vì Thầy mình đã chết. Không chỉ đơn thuần là Thầy mà là người mà cả cuộc đời mình tín thác, mình trao phó, thậm chí bỏ cả vợ cả con, cả gia đình để theo mà nay đã chết nên chẳng còn gì để mất cả. Các môn đệ tán loạn, nhưng may mắn thay, Mẹ đã giữ vững niềm tin ấy để quy tụ các môn đệ cùng quay trở lại nơi các ông trú ngụ để cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau giữ vững niềm tin vào Đấng Cứu Độ trần gian.

Niềm tin đó chính Mẹ đã giữ, giữ từ ngày “xin vâng” lời sứ thần cho đến khi Chúa Giêsu ra đi.

Tràng chuỗi Mân Côi mà ngày nay đoàn con cùng suy niệm chính là cùng nhau suy niệm niềm tin của Mẹ vào cuộc đời của Đấng Cứu Thế.
Mừng Mẹ Mân Côi là mừng niềm tin của Mẹ vào cuộc đời của Đấng Cứu Thế.

Không phải mừng lễ Mẹ như là mừng một biến cố, ghi dấu một kỷ niệm, nhưng một lần nữa, ta cùng nhau chiêm ngưỡng niềm tin của Mẹ. Và, cũng không phải chỉ để chiêm ngưỡng mà còn để cùng nhau sống niềm tin vào Đấng Cứu Độ trần gian như Mẹ đã sống.

Cách riêng, Năm Đức Tin là cơ hội để chúng ta soi chiếu niềm tin của chúng ta vào Đấng Cứu Độ trần gian như thế nào? Dĩ nhiên, niềm tin ấy cũng như cơn sóng xô của cuộc đời. Niềm tin ấy cũng có lúc mãnh liệt, cũng có lúc cảm thấy mệt nhoài với những đau khổ trong đời. Thế nhưng, nhìn đi nhìn lại, nhìn tới nhìn lui thì những đau khổ mà ta phải chịu đó cũng chẳng thấm vào đâu so với tất cả những nỗi đau của Mẹ Maria. Và, Mẹ Maria cũng đau chưa bằng chính Chúa Giêsu con của Mẹ phải chấp nhận đau khổ đến hiến mạng sống của mình để đem lại ơn cứu độ cho con người. Chúa Giêsu, trong tất cả nỗi đau của mình, Ngài đã vâng lời Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập giá.

Ngày mỗi ngày, khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng đi với Mẹ Maria hành trình cuộc đời của Chúa Giêsu từ nhập thể, nhập thế và chết trên cây thánh giá. Nhìn như vậy, chiêm ngắm như vậy, suy niệm như vậy để cùng Mẹ dâng lên Chúa mọi đau thương thử thách của cuộc đời.

Dĩ nhiên với bản tính mỏng dòn non yếu và phận người tội lỗi, chúng ta khó có thể đi theo Chúa trên con đường thập giá. Nhưng, khi đồng hành với Mẹ, có Mẹ trong cuộc đời, chúng ta sẽ cảm thấy thập giá đời của ta nó nhẹ nhàng và thanh thản hơn.

Hãy cùng với Mẹ Maria và thưa với Chúa hai tiếng “xin vâng” như Mẹ để tất cả mọi khổ đau của đời ta nên nhẹ nhàng. Hãy cùng “xin vâng” như Mẹ để niềm tin của chúng ta ngày mỗi ngày trao phó cuộc đời của chúng ta càng thêm mạnh đủ để chúng ta bắt chước như Mẹ, mở toang cuộc đời của ta cho Chúa vào để Chúa hành động trong ta.

Top