Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (Ga 3,14-21) - Ánh sáng thật

Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (Ga 3,14-21) - Ánh sáng thật

Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (Ga 3,14-21) - Ánh sáng thật

“Ánh sáng đã đến thế gian,
nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng,
vì các việc họ làm đều xấu xa”. (Ga 3,19)

 

BÀI ĐỌC I: 2 Sb 36, 14-16. 19-23

“Cơn thịnh nộ và lòng từ bi của Chúa được tỏ bày qua sự lưu đày và giải phóng của dân tộc”.

Trích sách Sử Biên Niên quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giêrusalem.

Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, đã luôn luôn đêm ngày sai sứ giả đến với họ, vì Người thương xót dân Người và đền thờ của Người. Nhưng họ nhạo báng các sứ giả Chúa, coi thường lời Chúa, và nhạo báng các tiên tri, đến nỗi, sau hết, cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân Người, và vô phương cứu chữa. Quân thù đã đốt đền thờ Chúa, phá huỷ tường thành Giêrusalem, phóng hoả tất cả các lâu đài và thiêu huỷ mọi đồ vật quý giá. Nếu có ai thoát khỏi lưỡi gươm, thì bị dẫn về Babylon để làm nô lệ nhà vua và con cái vua, cho đến thời vua nước Ba-tư thống trị; như thế ứng nghiệm lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia mà phán, cho đến khi đất nước được mừng ngày Sabbat; vì trong tất cả những ngày xáo trộn, họ sẽ không giữ được ngày Sabbat trọn bảy mươi năm trường.

Năm thứ nhất triều đại Cyrô, vua xứ Ba-tư, để lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia phán trước được thực hiện, thì Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư, nhà vua ra lệnh truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: "Đây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa ? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên". 

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6

Đáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).

Xướng:

1) Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ đến núi Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi. - Đáp.

2) Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: "Hãy vui mừng; hãy hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion!". - Đáp.

3) Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người ? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét. - Đáp.

4) Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi. Nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả. - Đáp.

 

BÀI ĐỌC II: Ep 2, 4-10

“Anh em chết bởi tội và được cứu rỗi bởi ân sủng”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Đức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi; Người đã cho chúng ta được cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Đức Giêsu Kitô, để tỏ cho hậu thế được thấy sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô ? Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Điều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải do việc làm, để không ai được tự phụ. Vì chúng ta là thụ tạo của Người, đã được tạo thành trong Đức Giêsu Kitô, để làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu, hầu chúng ta đem ra thực hành.

Đó là lời Chúa.

 

Tin mừng: Ga 3,14-21

14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.

19 Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. 20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.

21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

 

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B:

WHĐ (06.03.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

Số 389, 457-458, 846, 1019, 1507: Đức Kitô là Đấng Cứu Độ

Số 679: Đức Kitô là Chúa của sự sống vĩnh cửu

Số 55: Thiên Chúa muốn ban cho con người sự sống vĩnh cửu

Số 710: Cuộc lưu đày của Israel mang bóng dáng Cuộc Khổ Nạn

Bài Ðọc I: 2Sb 36, 14-16. 19-23

Bài Ðọc II: Ep 2, 4-10

Phúc Âm: Ga 3, 14-21

Số 389, 457-458, 846, 1019, 1507: Đức Kitô là Đấng Cứu Độ

389. Giáo lý về tội tổ tông, có thể nói được, là “mặt trái” của Tin Mừng này: Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của tất cả mọi người, mọi người đều cần ơn cứu độ, và ơn cứu độ được ban cho mọi người nhờ Đức Kitô. Hội Thánh, người có cảm thức về Đức Kitô[1], biết rằng không thể công kích mạc khải về tội tổ tông mà không xúc phạm đến mầu nhiệm Đức Kitô.

457. Ngôi Lời đã làm người để cứu độ chúng ta, bằng cách giao hòa chúng ta với Thiên Chúa: Thiên Chúa “đã yêu thương chúng ta và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10). “Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến làm Đấng cứu độ thế gian” (1 Ga 4,14). “Chúa Giêsu đã xuất hiện để xoá bỏ tội lỗi” (1 Ga 3,5):

“Bản tính chúng ta vì bệnh tật nên cần được chữa lành, vì sa ngã nên cần được nâng dậy, vì đã chết nên cần được phục sinh. Chúng ta đã đánh mất việc thông phần vào sự thiện, nên cần được dẫn trở về sự thiện. Chúng ta bị vây hãm trong bóng tối, nên cần đến ánh sáng. Chúng ta bị tù đầy nên mong người cứu chuộc; bị thua trận, nen cần người trợ giúp, bị áp bức dưới ách nô lệ nên chờ người giải phóng. Đó lại là những lý do nhỏ bé và không xứng đáng để làm cho Thiên Chúa động lòng hay sao? Những lý do ấy không đủ để Thiên Chúa xuống viếng thăm bản tính nhân loại, trong lúc nhân loại đang ở trong tình trạng khốn cùng và bất hạnh hay sao?”[2]

458. Ngôi Lời đã làm người để chúng ta nhận biết tình yêu của Thiên Chúa: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9). “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

846. Phải hiểu thế nào về lời khẳng định thường được các Giáo phụ nhắc lại này? Theo nghĩa tích cực, khẳng định này có nghĩa là toàn bộ ơn cứu độ xuất phát từ Đức Kitô là Đầu nhờ Hội Thánh là Thân Thể của Người:

“Dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền, Công đồng dạy rằng: Hội Thánh lữ hành này là cần thiết để được cứu độ. Quả vậy, chỉ một mình Đức Kitô là trung gian và là con đường của ơn cứu độ, Người hiện diện giữa chúng ta trong Thân Thể Người là Hội Thánh; qua việc minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và Phép Rửa, chính Người đã đồng thời xác nhận sự cần thiết của Hội Thánh, mà người ta bước vào đó nhờ Phép Rửa như qua một cái cửa. Vì vậy, những ai không phải là không biết rằng Hội Thánh Công giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập, hoặc không muốn kiên trì sống trong Hội Thánh này, thì không thể được cứu độ”[3].

1019. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã tự nguyện chịu chết vì chúng ta trong sự suy phục thánh ý Thiên Chúa, Cha của Người, một cách trọn vẹn và tự nguyện. Bằng cái chết của Người, Người đã chiến thắng sự chết, và như vậy mở ra cho tất cả mọi người khả năng được cứu độ.

1507. Chúa phục sinh đã lặp lại sư vụ này (“Nhân danh Thầy... họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe”: Mc 16,17-18) và xác nhận sứ vụ đó qua các dấu chỉ Hội Thánh thực hiện trong khi kêu cầu Danh Người[4]. Các dấu chỉ này biểu lộ cách đặc biệt Chúa Giêsu thật sự là “Thiên Chúa cứu độ”[5].

 

Số 679: Đức Kitô là Chúa của sự sống vĩnh cửu

679. Đức Kitô là Chúa của sự sống vĩnh cửu. Thẩm quyền đầy đủ để xét xử một cách vĩnh viễn về các công việc và các tâm hồn của mọi người là thuộc về Người, với tư cách là Đấng Cứu Chuộc trần gian. Người “đã đạt được” quyền này nhờ thập giá của Người. Chúa Cha cũng “đã ban cho Người Con mọi quyền xét xử” (Ga 5,22)[6]. Nhưng Chúa Con không đến để xét xử, mà để cứu độ[7], và để ban sự sống Người có nơi chính mình[8]. Qua việc từ chối ân sủng khi còn sống ở đời này, mỗi người tự xét xử chính mình[9], lãnh nhận tuỳ theo các công việc của mình[10], và cũng có thể tự kết án mình muôn đời khi từ chối Thần Khí tình yêu[11].

 

Số 55: Thiên Chúa muốn ban cho con người sự sống vĩnh cửu

55. Mạc khải này không bị tội nguyên tổ làm gián đoạn. Quả vậy, “sau khi tổ tông sa ngã, bằng việc hứa ban ơn cứu chuộc, Ngài đã nâng họ dậy hướng tới niềm hy vọng cứu độ. Ngài đã không ngừng săn sóc nhân loại, để ban sự sống đời đời cho tất cả những ai tìm kiếm ơn cứu độ bằng cách kiên tâm làm việc lành”[12].

“Và khi con người đã mất tình nghĩa với Cha vì bất phục tùng, Cha đã không bỏ mặc con người dưới quyền lực sự chết.... Nhiều lần Cha đã giao ước với loài người”[13].

 

Số 710: Cuộc lưu đày của Israel mang bóng dáng Cuộc Khổ Nạn

710. Việc quên lãng Lề luật và bất trung với Giao Ước dẫn đến cái chết: cuộc lưu đày có vẻ là sự thất bại của các Lời hứa, mà thật ra là sự trung tín bí nhiệm của Thiên Chúa, Đấng cứu độ, và là khởi đầu của cuộc phục hồi như đã hứa, nhưng theo Thần Khí. Dân Thiên Chúa cần phải trải qua cuộc thanh tẩy này[14]; cuộc lưu đày mang bóng dáng cây thập giá trong kế hoạch của Thiên Chúa, và số sót những người nghèo trở về từ cuộc lưu đày, là một trong những hình ảnh rõ ràng nhất của Hội Thánh.

 

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha vào Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B:

Đức Phanxicô:

14.03.2021 – Ba danh xưng của Chúa Giêsu

11.03.2018 – Hân hoan vì được Thiên Chúa yêu thương cứu rỗi

15.03.2015 – Tình yêu của Thiên Chúa nhưng không và vô hạn

Đức Bênêđictô XVI:

18.03.2012 – Thái độ của mỗi người trước ơn cứu độ của Chúa

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Bài Tin mừng hôm nay mạc khải cho chúng ta tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Tình yêu ấy sẽ không bao giờ phai nhạt dù cho cuộc đời có đổi thay. Tình yêu của Thiên Chúa vẫn như mưa tưới gội trên mọi người: cả người lành cũng như kẻ ác. Ngài không áp đặt con người phải theo Ngài. Trái lại, Ngài cho họ được quyền tự do lựa chọn hạnh phúc cho chính mình. Vì thế, kẻ tin theo Chúa, đặt tin tưởng vào Chúa thì đã được cứu. Còn kẻ không tin, thì tự họ, họ đã tìm đến cõi diệt vong.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, từ muôn thuở Chúa đã yêu thương và muốn cứu chuộc chúng con. Nhưng Chúa không thể cứu được con nếu chúng con không muốn. Xin cho chúng con biết dùng tự do của mình để chọn con đường dẫn đến phúc trường sinh. Con đường đó chính là Ðức Giêsu. Tin vào Ðức Giêsu chắc chắn chúng con sẽ được hạnh phúc muôn đời. Amen.

Ghi nhớ: “Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

NGƯỜI THỢ SĂN TRÊN TRỜI

Một trong bài thơ nổi tiếng nhất bằng Anh ngữ tựa đề: “Người Thợ Săn trên trời”, sáng tác của Francis Thonpson, ông cố chạy trốn Chúa. Ong so sánh Chúa với một thợ săn, vâng một con chó săn theo đuổi một linh hồn. Đây là câu chuyện đời tư của Thompson. Khi còn là cậu con trai, ông có ý định làm linh mục. Nhưng vì ông lười biếng. Cha ông ghi tên gởi ông vào trường thuốc. Ong làm quen với thói hút ma túy, nó hủy hoại tinh thần và thể xác ông. Ông đi ăn xin, chui rúc trong một xóm ổ chuột, kiếm sống qua ngày bằng đánh giày, bán quẹt và giữ ngựa. Nhờ lòng tốt của cô gái nghèo, Thopson gặp ông bà Wilfred Meynell. Họ thấy ông có tài, có lòng tốt thầm kín, họ giúp ông bắt gặp tình thương của Chúa. Ong cố gắng chạy trốn Chúa làm sao, Chúa săn đuổi ông thế nào, làm sao Thiên Chúa đã chộp bắt được ông. Đó là chủ đề của bài thơ gây cấn đó. Bằng chứng hiển nhiên của tình thương Chúa cho chúng ta được diễn tả trong bài Tin Mừng hôm nay: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban tặng Người Con Một, để những ai tin vào Ngài sẽ không bị diệt vong, nhưng được sống đời đời”. Cha trên trời chứng tỏ tình thương cho mỗi người chúng ta bằng cách sai Người con yêu quí của Người để đổi lại chúng ta. Như ông Thopson linh hồn chạy trốn Chúa. Như người thợ săn rượt đuổi theo con thỏ. Thiên Chúa tìm kiến từng linh hồn. Khác với người thợ săn, Chúa muốn cứu linh hồn đó chứ không hủy bỏ. Làm sao chúng ta có thể có một quan niệm về mức độ vô biên của người thợ săn trên trời thương chúng ta ? Trong bức thơ gởi cho giaó đoàn Ephesô, thánh Phaolô gợi ý chúng ta suy nghĩ đến “Chiều rộng, chiều dài, chiều cao, và chiều sâu của tình yêu Chúa” đối với chúng ta. Tình yêu thương chúng ta thì rộng rãi, nó trải rộng tới mọi người; tới dân ngoại, tới người tội lỗi, tới cả những người chống đối Người, Thiên Chúa muốn mọi người chia sẻ sự tốt lành của Người. Tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta thì dài “Ta yêu Người bằng tình yêu vĩnh cửu (Jer 21,3)” Trước khi có thế giới, Thiên Chúa đã yêu bạn. tình yêu Thiên Chúa trải qua đời này tới đời kia. Tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta thì cao: nó từ ngai tòa Đấng tối cao trên trời cao thẳm mà tới. Chiều cao của tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ trong tặng vật của Người cho chúng ta. Có gì cao siêu hơn được chia sẻ chính sự sống của Chúa qua các bí tích. Tình yêu nào cao hơn việc ban Người Con tốt lành, thánh thiện của Người cho chúng ta khi rước lễ. Tình yêu Thiên Chúa thì thẳm sâu: Thiên Chúa tự hạ mình từ thiên đàng cao vời xuống chuồng bò thấp hèn ở Bet-lem, tới căn nhà tồi tàn và rừng hoang, tới con người rốt hèn, tới những sỉ nhục của thập giá và chiều sâu của nấm mồ. Một lần nữa, như Francis Thopson, như các vị thánh, chúng ta nhận thấy rằng: Thiên Chúa săn tìm linh hồn chúng ta khắp thế giới, vậy chúng ta hãy trở về với tình yêu đó. Chúng ta hãy cố gắng “tiến triển trong tình yêu” như chúng ta cầu nguyện trong kinh nguyện Thánh Thể II . Trong mùa chay, chúng ta hãy nhớ Đấng tình thương đã ban cho chúng ta sự sống. Ước chi người thợ săn trên trời bắt được mỗi chúng ta. Xin Chúa chúc lành bạn.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

A. DẪN NHẬP

Chúa nhật 4 mùa chay có thể được gọi là Chúa nhật màu hồng, vì Giáo hội hé mở cho chúng ta những lý do khiến chúng ta vui mừng. Phụng vụ mời gọi chúng ta hãy vui lên: “Anh em hãy vui lên với thành Giêrusalem, anh chị em là những người đang mang tang chế”. Phụng vụ khuyến khích chúng ta hãy vui lên, chúng ta muốn vui lắm, nhưng nhiều khi không vui được, vì còn gặp nhiều nỗi buồn phiền lo lắng, kể cả thất vọng nữa. Thực ra chẳng bao giờ chúng ta hết lo, hết khổ dưới hình thức này hay hình thức khác. Nhưng làm sao vui lên được ?

Thì đây, thánh Gioan đã đưa ra lý do căn bản về niềm vui: Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta tới mức độ sai Con Một Ngài xuống thế cứu vớt nhân loại. Vậy muốn tham dự ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, còn cần phải tin vào Ngài! Đức tin thật cần thiết vì: “Ai tin thì sẽ được sống đời đời” (Ga 3,16).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: 2 Sb 36,14-16. 19-23

Tác giả sách Biên niên điểm lại những giai đoạn lịch sử dân Israel trước, trong và cuối thời lưu đày. Nếu Thiên Chúa ngoảnh mặt đi mà cho quân đội Babylon đến phá huỷ Đền thờ Giêrusalem và bắt dân ưu tuyển đi lưu đày, chính là dân đã phản bội, đã bỏ Ngài trước. Dân Israel bị phạt vì tội bất trung, nhưng lại được tha thứ vì biết sám hối. Qua các biến cố trong lịch sử của họ, tác giả luôn tìm được những lý do để trông cậy, mà một trong những lý do quan trọng là Chúa trung thành bởi vì chính Ngài là Tình Thương.

+ Bài đọc 2: Ep 2,4-10

Thánh Phaolô nhắc lại cho tín hữu Êphêsô biết là mọi người được cứu độ nhờ ân sủng khi Ngài nói: “Chính là bởi ân sủng mà chúng ta được cứu độ nhờ đức tin”. Chúng ta được cứu độ nhờ ân sủng miễn là có lòng tin. Đó là giáo thuyết thánh Phaolô dạy chúng ta về ơn cứu độ “nhưng không” mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Ơn cứu độ được ban “nhưng không”, chứ không do một điều gì trong con người chúng ta có quyền đòi hỏi. Vì thế, thánh Phaolô xác quyết rằng: “Tất cả là hồng ân”.

+ Bài Tin mừng: Ga 3,14-21

Ông Nicôđêmô là một người biệt phái đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Đây là đoạn nối tiếp câu chuyện giữa Chúa và ông. Trong buổi nói chuyện này, ông được hiểu thêm về ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho loài người qua Đức Giêsu Kitô. Qua đó, ông biết được rằng tin vào Đức Kitô, chính là nhận biết Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến, là người Con đã được Chúa Cha ban cho thế gian vì yêu thương, ngõ hầu thế gian được cứu độ.

Nói khác đi, là nhìn nhận ơn cứu độ con người đến từ trời cao, do mối liên hệ cha con, tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Nhưng ta chỉ biết một sự thật như vậy khi “sống sự thật” ấy, khi thực sự dấn bước vào một cuộc sống được soi sáng không ngừng bởi phận làm con.

Theo ý nghĩa đó, không tin vào Đức Kitô, đó là tự kết án chính mình, vì tự tách rời khỏi nguồn sống và tất nhiên đi vào con đường những việc làm xấu xa.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Lòng Chúa yêu thương tha thứ

I. THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ

1. Tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại

Con người được Thiên Chúa yêu thương. Đây là một chân lý mà không ai chối cãi được. Chân lý gây xúc động sâu xa nhất mà Giáo hội rao giảng là chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương từ trước muôn đời. Kitô giáo được xây dựng trên một niềm xác tín rằng tình yêu Thiên Chúa đã hạ cố đến thế gian đau khổ bệnh tật qua con người Đức Kitô. Đối với mọi tín hữu, đây là lời cốt tuỷ của Tin mừng. Không có đoạn văn nào trong Kinh thánh nói rõ điều này hơn là lời Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một Mình, ngõ hầu những ai tin vào Ngài sẽ không phải chết nhưng sẽ được sống đời đời” (Ga 3,15).

Thiên Chúa yêu thương từng người chúng ta cứ như là không còn ai khác để cho Ngài yêu thương. Ngài như người cha luôn mong muốn cùng gia đình đồng hành suốt cuộc đời, và không thể an lòng cho đến khi con cái đi đây đó, ai nấy đều an toàn trở về mái ấm gia đình.

2. Nhưng dân Chúa lại phản bội

Bài đọc thứ nhất cho chúng ta biết dân Do thái đã bất tuân lề luật và phụ bạc đối với tình yêu Thiên Chúa như thế nào. Họ đã phá vỡ giao ước và kéo theo sự sụp đổ hoang tàn của Đền thờ và thành thánh. Chúa đâu có muốn trách phạt họ, Ngài muốn cho họ sống trung thành với Ngài như con cái đối với người cha, nhưng họ cứ đi sâu vào đàng tội, bỏ Chúa mà đi theo tà thần dân ngoại, bất đắc dĩ Ngài phải phạt để cho họ tỉnh ngộ. Cho đến lúc mà Thiên Chúa không còn dung thứ được nữa, Ngài liền cho phép quân thù đến tấn công họ. Quân Babylon đến xâm chiếm đất nước của họ, giết chết hàng ngàn, hàng vạn người. Quân thù phá huỷ thành thánh, đốt phá Đền thờ và cưỡng ép dân còn sống sót đi lưu đày bên Babylon.

3. Các tiên tri nhắc nhở dân chúng

Tuy nhiên vừa khi họ bị sát phạt, thì các tiên tri của Chúa liền xuống giọng. Các tiên tri bảo họ: đó là hình phạt của Thiên Chúa yêu thương và nhân hậu. Nhiều tiên tri đã lên tiếng kêu gọi thống hối và sửa đổi cách sống, nhưng đã hoài công, chẳng ai màng tới. Chưa hết, ngay trong những giây phút đen tối nhất của cuộc lưu đày, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi dân Ngài, nhưng tiếp tục kêu gọi họ quay về với lề luật, với Thiên Chúa.

Lịch sử dân Do thái thật là một kho lưu trữ nhắc nhở cho chúng ta hãy biết những gì sẽ xảy ra, mỗi khi chúng ta phũ phàng từ chối tình yêu Thiên Chúa. Lịch sử ấy cũng đem lại cho chúng ta niềm an ủi rằng chúng ta phải đối diện với sự lựa chọn: đón nhận hay từ chối lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta đã tự đặt mình vào một tình thế nguy hiểm là sống xa lìa với Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn kính trọng tự do cá nhân của chúng ta và sẽ không áp đặt ép uổng tình yêu của Ngài, đi ngược với những ước vọng chúng ta. Chúng ta có thể từ chối lòng thương yêu cũng như quà tặng tình nghĩa của Chúa. Chúng ta có thể quay lưng lại với tình yêu của Chúa, mà ôm lấy bóng tối của tội lỗi và tự mình vĩnh viễn tách xa khỏi Ngài.

4. Dân hối cải, Chúa thứ tha

Tuy vậy, Chúa không nỡ bỏ rơi dân Ngài. Chúa dùng vua của dân ngoại là Cyrô, vua Ba tư, để cứu thoát dân Ngài và đưa họ trở về quê cha đất tổ. Như vậy ta thấy những hình phạt của Chúa, không phải nhằm báo thù, trách phạt, mà là cách thế để luyện lọc, thanh tẩy và chữa trị họ, khiến họ trở nên tùy thuộc vào Chúa.

Trong bài Tin mừng hôm nay có nhắc đến chuyện con rắn đồng. Sau khi xuất Ai cập, bốn mươi năm ròng rã trong hoang địa, dân Israel gặp mọi thử thách. Họ oán trách Chúa đã để họ lầm than. Một lần cơn thịnh nộ của Chúa đã để cho rắn độc cắn chết nhiều người. Dân Chúa quá sức khiếp sợ. Họ nhìn nhận tội lỗi của mình, và Chúa đã đoái thương nỗi khốn khổ của họ. Ngài dạy ông Maisen hãy làm một con rắn bằng đồng, treo lên một cái sào để bất cứ ai bị rắn cắn, nếu nhìn lên con rắn đồng, sẽ được khỏi. Như vậy, khi con rắn đồng được giương lên, thì ngay chính lúc đó, lòng tha thứ của Thiên Chúa lại tỏa sáng và trao ban. Từ nay Thiên Chúa sẽ cứu sống dân, những kẻ đã từng oán trách Ngài.

II. TÌNH YÊU THIÊN CHÚA NƠI ĐỨC KITÔ

1. Sự sóng đôi giữa Cựu ước và Tân ước

Thiên Chúa yêu thương con người, nhưng con người không nhìn ra. Chính vì thế Thiên Chúa đã biểu lộ một cách cụ thể tình yêu của Ngài cho nhân loại nơi Đức Giêsu Kitô, Con yêu của Ngài, như lời thánh Gioan đã nói: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban chính Con Một Ngài, để tất cả những ai tin vào Con Ngài sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). và Ngài còn nói tiếp: “Thiên Chúa đã không sai Con Ngài đến để luận phạt mà là để cứu độ” (Ga 3,17).

Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại qua Đức Kitô đã được ám chỉ trong Cựu ước. Ta có thể nói Cựu ước là hình ảnh của Tân ước. Cựu ước là hình ảnh, Tân ước là thực tại. Chính vì thế, ta thấy có sự sóng đôi giữa Cựu ước và Tân ước. Những nhân vật chính yếu và những biến cố then chốt trong Cựu ước đều là hình bóng của những nhân vật chính yếu và những biến cố then chốt trong Tân ước.

Chẳng hạn, họ chứng tỏ cho thấy Isaac, con trai tổ phụ Abraham là hình bóng của Đức Giêsu như thế nào:

          . Isaac con trai độc nhất, Đức Giêsu cũng thế.

          . Isaac được cha mình rất mực yêu dấu, Đức Giêsu cũng thế.

          . Isaac bị dâng làm hy lễ, Đức Giêsu cũng thế.

          . Isaac bị hiến tế trên một ngọn đồi, Đức Giêsu cũng thế.

          . Isaac vác củi dùng vào việc hy tế, Đức Giêsu cũng thế.

Thánh Phaolô cũng so sánh tương tự như thế giữa Cựu ước và Tân ước. Chẳng hạn, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Ngài đã so sánh giữa Adong và Đức Giêsu. Ngài viết: “Con người đầu tiên là Adong, đã được dựng nên là một người sống động, nhưng Adong sau cùng (Đức Giêsu) là Thánh Linh ban sự sống... Adong thứ nhất được dựng nên bằng đất, từ đất mà sinh ra, còn Adong thứ hai (Đức Giêsu) từ trời mà sinh ra. Người thuộc về đất thế nào, thì những người thuộc về đất cũng thể ấy. Người thuộc về trời thế nào thì những kẻ thuộc về trời cũng thể ấy. Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh của người thuộc về trời”(1 Cr 15,45-49) (Mark Link, Giảng lễ CN, năm B, tr 88).

2. Thập giá, dấu tích của tình yêu

Chính khi nhìn vào thập giá, chứng kiến hình ảnh Đức Kitô chịu khổ hình treo trên thập giá, thấm đẫm bao nhiêu là quyền lực của sự dữ nơi tội lỗi, chúng ta mới bắt đầu nhận ra tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta cao cả biết bao. Tất cả mọi độc ác hận thù ghen ghét bất công của cuộc đời đều đổ dồn vào cây khổ giá, sừng sững giữa trời và đất, trên ngọn đồi Canvê. Một trong những chi tiết đầy ngỡ ngàng nhất về cuộc thương khó và tử nạn của Đức Giêsu chính là Thập giá nay trở nên bằng chứng tột cùng cho tình yêu Thiên Chúa. Thập giá sừng sững trên đồi cao, xưa kia là dấu chỉ của tủi nhục, nay trở nên chiếc cầu ân sủng thần kỳ có sức chữa lành cả thế giới. Cây chết chóc nay trở nên cây sự sống, cây thất bại nay trở thành cây chiến thắng.

3. Truyện con rắn đồng

Con rắn đồng là biểu trưng cho Đức Giêsu bị treo trên thánh giá. Sách Dân số 21,4-9 kể rằng: Dân Do thái đi từ núi Horeb về phía Biển Đỏ đi vòng quanh xứ Eđom. Quãng đường dài này đã làm cho dân chúng kêu trách Đức Chúa và ông Maisen: “Tại sao đem chúng tôi ra khỏi Ai cập để rồi cho chúng tôi chết trong rừng ? Không có bánh, không có nước, chúng tôi đã chán món ăn khốn nạn này lắm rồi”. Bấy giờ Đức Chúa cho một thứ rắn lửa từ trong rừng bò ra cắn dân chúng, nhiều người phải chết.

Dân chúng chạy đến ông Maisen, thưa với ông: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi đã nói phạm đến Đức Giavê và đến ông, xin ông cầu với Đức Giavê cho chúng tôi để Ngài đuổi lũ rắn này xa khỏi chúng tôi đi”. Ông Maisen cầu cho dân. Chúa bảo Maisen:”Hãy làm một con rắn và treo trên ngọn sào, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn vào đó thì được sống”. Maisen làm một con rắn bằng đồng và treo lên ngọn sào. Hễ ai bị rắn cắn nhìn vào rắn đó đều được khỏi.

Rắn lửa nói đây không phải nó đỏ như lửa, nhưng vết thương nó gây ra cho người ta rát như bỏng lửa. Tại miền nam xứ Palestine có rất nhiều thứ rắn và rắn có nọc.

Không phải tự con rắn treo lên có sức chữa người ta, nhưng cái sức chữa đó do Đấng truyền lệnh đã ban cho.

Sau này, những con rắn đồng đã trở thành vật dị đoan cho dân Do thái: Họ đốt hương trước rắn đồng. Vì thế, trong cuộc cách mạng tôn giáo Ezechias truyền đập nát con rắn đồng (4 Sb 18,4).

Việc treo rắn đồng là tượng trưng cho việc Chúa chịu treo sau này. Ai tin vào Chúa chịu treo trên Thánh giá sẽ được cứu rỗi (Đ/ô Trần Văn Khả, Phúc âm Chúa nhật, năm B, tr 270).

III. HÃY TIN NHẬN ĐỨC GIÊSU LÀ CỨU CHÚA

1. Ngài đã cứu chuộc bằng máu Ngài

Thiên Chúa có thể cứu chuộc nhân loại bằng bất cứ cách nào, nhưng Ngài lại muốn Con của Ngài phải đổ máu ra trên thập giá để cứu chuộc. Máu ấy có thể rửa sạch mọi tội lỗi của nhân loại, làm linh hồn con người được trở nên trong trắng, xứng đáng được làm con Chúa và làm đền thờ của Ngài. Chúng ta không thể hiểu được việc này, vì đây là một mầu nhiệm lớn, mầu nhiệm “Ngôi Hai cứu chuộc”. Vì thế, suy niệm về ơn cứu độ này, tác giả thư Do Thái đã khẳng định: “Không có đổ máu ra thì không có ơn tha thứ” (Dt 9,22).

Truyện: Máu của Telmachus

Ngày đại hội năm 444 sau kỷ nguyên, làn sóng người từ khắp nơi kéo về Rôma. Rôma tưng bừng với vẻ của một ngày hội.

Hoàng đế Honorius cho tổ chức các trận giác đấu mừng ngày giải phóng dân Goths. Giữa đám đông lũ lượt đi đi lại lại, một ông già trong bộ y phục đơn giản của một vị tu trì Đông phương trầm lặng bước đi. Tên ông là Telmachus. Nhà tu trì này chỉ chăm lo chuyên khảo Thánh kinh và cầu nguyện. Cái trò chơi đẫm máu bỉ ổi này đã chấm dứt ở miền Đông nơi phát xuất ra ông. Nhưng nó vẫn còn đang tiếp diễn ở Rôma, đất nghìn năm muôn thuở, mặc dầu đã có ba vị hoàng đế tìm cách chấm dứt. Telmachus đăm chiêu, vì ông đang suy nghĩ phải làm gì để chấm dứt trò chơi này.

Những tay giác đấu gồm đủ mọi hạng người: có khi là những phạm nhân đã bị án tử, có khi là Kitô hữu, thường hơn là tù binh, đôi khi có người vì tham tiền, ham danh tình nguyện...

Trận đấu đầu tiên ghi lại trong lịch sử diễn ra năm 264 trước kỷ nguyên với 3 cặp đấu. Con số mỗi ngày một tăng. Quốc Hội phải hạn chế chỉ cho Julius Cesar được có 320 cặp để chiến đấu trong một trận. Dưới triều Augustô, có lúc tới 10.000 người tham dự trận đấu.

Hôm nay ngày tổ chức giác đấu, 85.000 chỗ ngồi trong đại thao trường Colosseum chật ních không còn chỗ trống.

Cái ung nhọt này không còn cơ cứu chữa. Nhân vật duy nhất đã dám lên tiếng chỉ trích là nhà hiền triết Sénèque. Ngoài ra còn có 3 vị hoàng đế chống lại trò chơi này, nhưng không dám thi hành vì sợ sự phản ứng mạnh phía quần chúng.

Đến giờ, những tay giác đấu xếp thành hàng dài chậm chạp diễn quanh đấu trường. Tới chân khán đài danh dự, chỗ vua ngồi, họ la to: Kẻ hạ thần là những người sắp chết xin kính chào bệ hạ.

Khán giả quanh đấu trường chọn tay giác đấu nào họ ưa thích rồi la hét kích thích họ xung trận.

Khi hai tay giác đấu đang sát phạt đến hồi gay cấn nhất, bỗng một người ăn mặc đơn giản xông vào giữa hai đấu thủ gạt họ ra. Đám đông khán giả giận dữ la hét vang dội. Một số bực tức quá chạy ra tận đấu trường xé ông ra hàng trăm mảnh vì làm cho họ cụt hứng. Con người đó chính là Telmachus.

Kinh hoàng trước sự việc xảy ra, Honorius chính thức tuyên bố bãi bỏ trò chơi bỉ ổi đã giết hại không biết bao nhiêu sinh linh ở Rôma cũng như ở các nơi khác.

Kể từ đó lịch sử không còn nói những trận đấu gươm tại Rôma nữa. Không đổ máu không có ơn cứu rỗi. Nhờ dòng máu Telmachus làm tắt dòng máu nhiều kẻ khác (Op, cit, tr 271-273).

2. Ai tin thì sẽ được sống

Thánh Gioan nói: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Ngài, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3, 20). Tin đối với Gioan là nhìn nhận Đức Giêsu là Con và là sứ giả của Chúa Cha, là đến với Đức Giêsu và gặp Ngài, là biết Ngài và cùng với Ngài biết Chúa Cha. Đức tin còn là hồng ân và một sự lôi cuốn của Chúa Cha.

Người tin bước vào một cuộc sống mới. Đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa, là một ân huệ Đấng Messia mang lại. Tin là từ bỏ bóng tối của tội lỗi, của gian tà, của ma quỷ. Phải, chính trong đêm tối của tối tăm mà con người nhận ra tình thương của Thiên Chúa, miễn là đừng khép kín lòng lại: “Sự sáng đã đến trong thế gian, mà người ta đã yêu mến tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm họ đều xấu”(Ga 3,19). Hãy tin vào Đức Giêsu thì sẽ được tha thứ và được hưởng nhờ ơn cứu độ,

                   Truyện: Tượng Thánh giá ban phép lành

Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha có một tượng Thánh giá rất đặc biệt: Chúa Giêsu chỉ chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế như đang ban phép lành.

Chuyện kể rằng: một lần, tại nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh ta, vị Linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều. Nhưng chứng nào vẫn tật đó, ra khỏi toà giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã. Rất nhiều lần như thế. Cuối cùng vị linh mục đành răn đe: “Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh”. Hối nhân ra khỏi toà giải tội mà lòng trĩu nặng và đau khổ.

Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và xưng cũng cùng những tội nặng y như những lần trước. Vị linh mục dứt khoát: “Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không tha”. Thật lạ lùng. Ngay lập tức, vị linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên. Từ cây Thánh giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu được rút ra khỏi lỗ đinh và ban phép lành cho hối nhân. Vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói với chính mình: “Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con”.

Kể từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu không gắn vào Thánh giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, như không ngừng mời gọi: “Hãy trở về với Ta, các ngươi sẽ được tha thứ”.

Thiên Chúa đã không dạy bài học tha thứ suông, nhưng đã dạy bài học tha thứ bằng chính mạng sống của Con yêu dấu Ngài là Đức Giêsu. Nếu ngày xưa, con rắn đồng trong sa mạc được giương lên, thì hôm nay chính Chúa Giêsu được giương lên. Mãi mãi chúng ta biết ơn Chúa Giêsu và khắc sâu lời Ngài: “Như Maisen đã giương cao con rắn ở sa mạc thế nào, Con Người cũng sẽ giương cao như vậy”.

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

ĐẾN CÙNG ÁNH SÁNG

Trong Tin Mừng theo thánh Gioan,

Đức Giêsu nhiều lần nhận mình là ánh sáng (Ga 8,12; 9,5; 12,46).

Ngài là ánh sáng đã đến trong thế gian (Ga 1,9).

Tiếc thay, thế gian lại yêu bóng tối và ghét ánh sáng.

Bóng tối dễ làm người ta bị vấp, vì không thấy đường đi.

Nhưng nhiều người vẫn thích bóng tối hơn,

vì bóng tối che giấu những âm mưu của họ.

Sau khi được Thầy Giêsu đãi miếng bánh trong bữa ăn,

Giuđa liền đi ra, lúc đó trời đã tối (Ga 13,30).

Sau khi Đức Giêsu bị bắt vào buổi tối ở Vườn Dầu,

Ngài đã bị các thượng tế vội vã đem ra xét xử suốt đêm đó.

Mãi đến sáng họ mới chuyển Ngài cho Philatô (Ga 18,28).

Trong cuộc Khổ Nạn, có vẻ bóng tối thắng thế.

Thật ra thì bóng tối không thắng được ánh sáng (Ga 1,5).

“Tên thủ lãnh thế gian không làm gì được Thầy” (Ga 14.30).

Sự phục sinh của Đức Giêsu là chiến thắng của ánh sáng.

Không phải chỉ từ khi làm người, Ngôi Lời mới là ánh sáng.

Ngài là ánh sáng từ vĩnh cửu, chiếu soi cả nhân loại (Ga 1,4.9).

Khi đối diện với Đức Giêsu, con người đứng trước một lựa chọn:

tin hay không tin, đón nhận hay từ chối ánh sáng.

Có những người không tin Đức Giêsu

không phải vì đức tin nghịch với lý trí, nhưng vì lối sống của họ.

Ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng,

vì họ sợ điều ác của họ bị phơi bày (Ga 3,20).

Ai làm theo sự thật thì đến cùng ánh sáng,

vì họ muốn việc họ làm được thấy là đúng ý Chúa (Ga 3,21).

Đến với Giêsu là đến với ánh sáng.

Ai có cuộc sống càng gần với sự thật, sự thiện,

thì càng dễ đón nhận ánh sáng và tin vào Giêsu.

Mặt khác, ai càng tin vào và bước theo Giêsu,

thì càng không ở lại, không đi trong bóng tối (Ga 8,12; 12,46).

Như thế để được sự sống đời đời, cần tin vào Đức Giêsu.

Nhưng đó không phải là một đức tin trên lý thuyết suông,

mà là một đức tin luôn làm cho đời mình được tỏa sáng.

Tin vào Đấng là ánh sáng đòi chúng ta phải từ khước bóng tối,

bóng tối sự dữ, bóng tối dối trá, bóng tối của ý định gian tà.

Vào ngày tận thế, người chết sẽ ra khỏi mồ.

“Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống,

ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,29).

Mặt khác, muốn làm cho nhiều người tin Đức Giêsu,

chúng ta phải xây dựng một thế giới tốt lành, huynh đệ.

Một thế giới càng ít điều xấu xa, đen tối, ám muội,

thì càng dễ đón nhận và tin vào Giêsu.

Lời Chúa hôm nay mời chúng ta đến với ánh sáng,

dứt khoát từ bỏ bóng tối, dù bóng tối cho ta sự an toàn.

Hơn nữa, Lời Chúa còn mời chúng ta ngước nhìn lên.

Người Do-thái xưa đã ngước nhìn lên con rắn đồng treo ở cột,

để được chữa lành khỏi cái chết vì rắn cắn.

Ngày nay, chúng ta được mời ngước nhìn lên Người Con Một

đang được giương cao trên thập giá.

Chẳng ai yêu Người Con ấy bằng Thiên Chúa Cha.

Nhưng Cha lại tặng chính Người Con mình yêu dấu

cho thế gian tội lỗi, đang thù nghịch và chống đối mình.

Phải yêu thế gian này biết chừng nào, Cha mới làm như vậy.

Đơn giản là Cha muốn cứu loài người khỏi họa diệt vong.

Người Con Một là bàn tay Cha đưa ra cho nhân loại.

Ai nắm lấy bàn tay ấy với lòng tin thì được sống.

Mùa Chay đã gần hết, lời mời trở nên khẩn trương hơn.

Chỉ mong chúng ta được sức sống hơn nhờ nhìn lên…

và được ngời sáng hơn nhờ đến cùng ánh sáng.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giê su,

ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,

còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.

Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối

nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,

con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.

Con an tâm ở lại trong bóng mờ,

vì thấy đó chưa phải là một tội.

Nhưng con cũng áy náy,

vì biết rằng bóng mờ là nơi

ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.

Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,

vì con vẫn muốn giữ lại

một điều gì đó rất quý đối với con.

Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc

để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.

Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con

để con được thuộc trọn về Chúa.

Xin kéo con ra khỏi thái độ lấp lửng nước đôi,

để dứt khoát đặt Chúa trên mọi sự.

Ước gì con có đủ can đảm để dám nhìn thẳng vào

những bóng mờ trong đời con.

Và ước gì con được trở nên trong suốt

nhờ để cho ánh sáng Chúa

tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi con. Amen

 

5. Suy niệm (song ngữ)

4th Sunday of Lent
Reading I: 2 Chronicles 36:14-17,19-23
Reading II: Ephesians 2:4-10

Chúa Nhật 4 Mùa Chay
Bài Đọc I: 2 Sử Biên Niên 36,14-17.19-23
Bài Đọc II: Êphêxô 2,4-10

Gospel
John 3:14-21

14 And as Moses lifted up the serpent in the wilderness, so must the Son of man be lifted up,
15 that whoever believes in him may have eternal life."
16 For God so loved the world that he gave his only Son, that whoever believes in him should not perish but have eternal life.
17 For God sent the Son into the world, not to condemn the world, but that the world might be saved through him.
18 He who believes in him is not condemned; he who does not believe is condemned already, because he has not believed in the name of the only Son of God.
19 And this is the judgment, that the light has come into the world, and men loved darkness rather than light, because their deeds were evil.
20 For every one who does evil hates the light, and does not come to the light, lest his deeds should be exposed.
21 But he who does what is true comes to the light, that it may be clearly seen that his deeds have been wrought in God.

Phúc Âm

Gioan 3,14-21

14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, con người cũng sẽ được giương cao như vậy,
15 để ai tin vào người thì được sống muôn đời.
16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.
17 Quả vậy Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ
18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.
19 Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.
20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.
21 Nhưng kẻ sống theo sự thật , thì đến cùng ánh sáng, đẻ thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.

Interesting Details - Chi Tiết Hay

- Verses 14 to 21 constitute the second part of the conversation between Jesus and Nicodemus when he came to seek out Jesus during the night. In the first part of the conversation (3:1-13), Jesus told Nicodemus that man has to be reborn through the Spirit to enter eternal life.

+ Câu 14 đến 21 là phần nhì của cuộc đối thoại giũa Đức Giêsu và Nicôđêmô khi ông đến tìm Đức Giêsu giữa đêm khuya. Trong phần trước (3:1-13), Đức Giêsu giảng cho Nicôđêmô là con người phải được sinh lại bởi Thần Khí để đạt đến đời sống vĩnh cữu.

- (v.14) The reference of the bronze serpent is from the book of Numbers 21:4. As the bronze serpent was the symbol of salvation for the Israelites who believed in God, the crucifixion of Jesus on the cross is the sign of God's salvation for all mankind.

+ (c.14) Chuyện con rắn đồng là từ sách Dân số 21:4. Như xưa con rắn đồng là đấu hiệu cứu độ cho những người Do thái biết tin vào Thiên Chúa, cuộc tử nạn của Đức Giêsu trên thập giá là dấu chỉ cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại.

- (v.14) "Lifted up" implies both being lifted off the earth (being crucified on the cross), and being lifted onto the glory of God (the resurrection).

+ (c.14) "Được giương cao" bao gồm hai ý nghĩa: (1) nâng lên khỏi mặt đất (khổ nạn trên thập giá), và (2) nâng lên trong vinh quang của Thiên Chúa (sự sống lại từ cõi chết).

- (v.16) God's love is the single principle of his salvation for the world, and humankind in particular. It is of this Love that God gifted the world with His Son so that He would come, not to condemn, but to lead mankind to eternal life.

+ (c.16) Tình yêu là căn bản của công trình cứu độ cho thế giới nói chung , cho nhân loại nói riêng. Bởi vì Tình yêu này, Thiên Chúa đã ban cho thế giới Con Một của Ngài đến, không phải để lên án, nhưng dẫn nhân loại đến đời sống vĩnh cữu.

- (v.18) Mankind must participate actively to obtain salvation by following the path of the cross laid down by Jesus. By his own action of believing in God and His salvation, mankind will determine his own salvation or condemnation.

+ (c.18) Nhân loại phải tham gia một cách cựu thể để đạt được ơn cứu độ bằng cách đi theo con đường thập giá Đức Giêsu đã dọn trước. Qua việc tin tưởng vào Thiên Chúa và ơn cứu độ của Ngài, nhân loại sẽ quyết định sự cứu rỗi hay sự kết án.

- (v.21) With the theme of darkness versus light, John repeated the same theme in the prologue (1:4) that Jesus is the light of the human race. People who are not willing to come to the light which is Jesus, they do not see the evil of their own disbelief.

+ (c.21) Qua cùng một đề tài bóng tối và ánh sáng trong lời tựa (1:4), Thánh Gioan đã nhắc lại Đức Giêsu là ánh sáng thế gian. Những ai không muốn tới gần ánh sáng, là Chúa Giêsu, họ sẽ không nhận thấy được sự nguy hại của sự bất tín.

- Faith is a question of "works" rather than "deeds." "Works" is a personal response in faith through which the believer enters into a communion with God through Jesus. Rejecting Jesus is to alienate oneself from a life-giving communion with Jesus.

+ Đức tin là một vấn đề của "hành động" hơn là "thành quả". "Hành động" là sự đáp lại trong đức tin mà người tín hữu kết hợp được với Thiên Chúa qua Đức Giêsu.

One Main Point - Một Điểm Chính

Because of His love for mankind, God gifted the world with His only Son, Jesus. Because of His love for mankind, Jesus laid down the path for salvation with His own blood and life for man to follow to obtain eternal life. Love and faith in God are the keys to eternal life.

Vì tình yêu của Ngài cho nhân loại. Thiên Chúa đã ban cho thế giới Con Một của Ngài là Đức Giêsu. Vì tình yêu cho nhân loại, và với chính mạng sống và máu của Ngài, Chúa Giêsu đã đem đến cho nhân loại con đường cứu độ để đạt đến đời sống vĩnh cữu. Tình yêu và tín thác vào Thiên Chúa là chìa khóa để đạt đến đời sống vĩnh cữu.

Reflections - Suy Niệm

1. Let us reexamine our attitude and mentality during our life of the past month. Let us be honest to ourselves and reflect the priority we have given to Christ and His will. Is Christ the "light" in our life, or is He just one of the "lights", such as the "light" of arrogance, the "light" of acquired wealth, the "light" of power, the "light" of hatred, etc.. Are we ready to bet our life on the "light" of Christ ?.

1. Chúng ta hãy xét lại thái độ và tâm tánh của chúng ta trong cuộc sống trong tháng vừa qua. Hãy trung thực với chính mình và suy niệm về ưu tiên chúng ta dành cho Thiên Chúa và thánh ý Ngài. Chúa Kitô là "ánh sáng" trong cuộc sống của tôi, hay Ngài chỉ là một trong những "ánh sáng" khác, chẳng hạn như là "ánh sáng" của tự kiêu, "ánh sáng" của giàu sang tiền của, "ánh sáng" của quyền thế, "ánh sáng" của căm hờn, vân vân...Tôi có sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình vì "ánh sáng" của Chúa Kitô chưa ?

2. Let us reflect on the true motives that keep us from embracing the "light" of Christ in our life. Does it make us loving someone that we want to hate ? Does it make us realize that we have our own priority ? Or is that because we are afraid that it will make clear the evil of our ways ?

2. Chúng ta hãy suy niệm xem những gì là nguyên do ngăn cản tôi đón nhận "ánh sáng" của Chúa Kitô vào cuộc sống ? Có phải là vì tôi phải thương những người tôi muốn căm hờn ? Có phải vì tôi nhận ra là tôi có những ưu tiên của riêng tôi ? Hay là vì tôi sợ "ánh sáng" đ'o sẽ cho tôi thấy rõ ác tâm của mình ?

3. "God so loved the world that He gave His only Son" is a declaration of God's love to humankind. The agony of rejection is rather a common human experience. Contemplate over the agony that God has to bear over the way we use our freedom - a gift from God - to reject His love and His desire to restore goodness in mankind.

3. "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một" là tuyên ngôn của tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại. Đau khổ khi bị chối từ là tâm trạng thông thường mà con người chúng ta không ai tránh khỏi. Hãy dùng kinh nghiệm bản thân và chiêm niệm nỗi đau xót của Thiên Chúa phải gánh lấy khi thấy chúng ta dùng sự tự do - một món quà Thiên Chúa ban - để từ chối tình yêu của Ngài và lòng khát khao của Ngài muốn đem lại thiên tâm trong lòng nhân loại.

4. Salvation is belief in God accompanied by works done in God. "Belief in Jesus" and "works done in God" must go together. Let us reflect on the occasions when we lost our faith in God, and ask ourselves how often our works were done in God.

4. Ơn cứu độ là sự tín thác vào Thiên Chúa cùng với hành động theo thánh ý Chúa. "Tín thác vào Chúa Giêsu" và "hành động theo thánh ý Thiên Chúa" phải đi đôi với nhau. Hãy suy niệm những khi chúng ta mất lòng tin nơi Thiên Chúa, và tự hỏi tôi có thường xuyên hành động theo thánh ý Chúa không ?

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top