Chúa nhật 34 Thường niên năm A - Chúa Kitô Vua (Mt 25,31-46)
“Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn;
Ta khát, các ngươi đã cho uống;
Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước”.
(Mt 25,35)
BÀI ĐỌC I: Ed 34, 11-12. 15-17
“Phần các ngươi là những đoàn chiên của Ta, Ta xét xử giữa chiên với chiên”.
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Đây Chúa là Thiên Chúa phán: “Này chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán, và trong ngày mây mù đen tối.
“Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính.
“Còn các ngươi, hỡi chiên của Ta, Chúa là Thiên Chúa phán thế này: Này Ta sẽ phân xử giữa con này với con khác, giữa cừu đực với dê đực”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 22, 1-2a. 2b-3. 5. 6
Đáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
Xướng:
1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. - Đáp.
2) Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - Đáp.
3) Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu tôi thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu tôi đầy tràn chan chứa. - Đáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 15, 20-26. 28
“Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Đức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Đức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực.
Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết. Khi mọi sự đã suy phục Người, bấy giờ chính Con cũng sẽ suy phục Đấng đã bắt mọi sự suy phục mình, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Mt 25, 31-46
31 “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người.
32 Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. 33 Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.
34 Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.
35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”
37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; 38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc ? 39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu ?”
40 Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
41 Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. 42 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; 43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.”
44 Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu ?”
45 Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”
46 Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”
Bài giảng của Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân
Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 34 Thường niên năm A:
WHĐ (24.11.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 440, 446-451, 668-672, 783, 786, 908, 2105, 2628: Chúa Kitô là Chúa và là Vua
Số 678-679, 1001, 1038-1041: Chúa Kitô là thẩm phán
Số 2816-2821: "Nước Cha trị đến"
Bài Ðọc I: Ed 34, 11-12. 15-17
Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 20-26. 28
Số 440, 446-451, 668-672, 783, 786, 908, 2105, 2628: Chúa Kitô là Chúa và là Vua
440. Khi thánh Phêrô tuyên xưng Người là Đấng Messia, Chúa Giêsu chấp nhận lời tuyên xưng đức tin đó, nhưng Người loan báo ngay cuộc khổ nạn đã gần đến của “Con Người”[1]. Người tỏ cho thấy ý nghĩa đích thực của vương quyền Messia của Người, vừa trong căn tính siêu việt của Con Người, “Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13)[2], vừa trong sứ vụ cứu chuộc của Người với tư cách là Người Tôi trung đau khổ: “Con Người đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28)[3]. Do đó ý nghĩa đích thực của vương quyền Người chỉ được biểu lộ cách tột đỉnh trên Thập Giá.[4] Chỉ sau khi Người sống lại, thánh Phêrô mới có thể công bố vương quyền Messia của Người trước mặt dân Thiên Chúa: “Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Chúa Giêsu mà anh em đã treo trên Thập Giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,36).
446. Trong bản dịch các sách Cựu ước ra tiếng Hy lạp, YHWH, danh không thể xưng mà Thiên Chúa dùng để tự mạc khải cho ông Môisen[5], được dịch là Kyrios (“Chúa”). Từ đó, tước hiệu “Chúa” trở thành danh xưng thông dụng nhất để nói lên chính thần tính của Thiên Chúa Israel. Tân Ước dùng tước hiệu “Chúa”, theo nghĩa mạnh như trên, cho Chúa Cha, và đồng thời, và đây là điều mới mẻ, cũng dùng cho Chúa Giêsu, qua đó nhìn nhận Người chính là Thiên Chúa[6].
447. Chính Chúa Giêsu nhận tước hiệu ấy cho mình một cách mặc nhiên khi tranh luận với các người Pharisêu về ý nghĩa thánh vịnh 110[7], nhưng khi nói chuyện với các Tông Đồ thì Người nhận một cách minh nhiên[8]. Trong suốt cuộc đời công khai của Người, những cử chỉ thống trị của Chúa Giêsu trên thiên nhiên, trên bệnh tật, trên ma quỷ, trên sự chết và tội lỗi, chứng tỏ Người có quyền tối thượng của Thiên Chúa.
448. Trong các sách Tin Mừng, khi thưa chuyện với Chúa Giêsu, người ta rất thường gọi Người là “Chúa”. Tước hiệu này cho thấy lòng tôn kính và tin tưởng của những người đến với Chúa Giêsu và mong đợi Người cứu giúp và chữa lành[9]. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, khi thưa như vậy, người ta nhìn nhận mầu nhiệm thần linh của Chúa Giêsu[10]. Khi gặp gỡ Chúa Giêsu Phục sinh, việc gọi tước hiệu ấy trở thành việc thờ lạy: “Lạy Chúa của con! lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28). Lúc đó, việc gọi Người như vậy còn mang ý nghĩa kính yêu và thân ái, là điểm riêng của truyền thống Kitô giáo: “Chúa đó!” (Ga 21,7).
449. Khi dành cho Chúa Giêsu tước hiệu thần linh là “Chúa”, những lời tuyên xưng đức tin tiên khởi của Hội Thánh xác quyết ngay từ đầu[11] rằng quyền năng, danh dự và vinh quang thuộc về Chúa Cha cũng thuộc về Chúa Giêsu[12], bởi vì Người “vốn dĩ là Thiên Chúa” (Pl 2,6), và bởi vì Chúa Cha đã làm tỏ hiện quyền chủ tể này của Chúa Giêsu khi cho Người sống lại từ cõi chết và tôn dương Người trong vinh quang của Ngài[13].
450. Ngay từ đầu lịch sử Kitô giáo, việc xác quyết quyền chủ tể của Chúa Giêsu trên trần gian và trên lịch sử[14] cũng có nghĩa là nhìn nhận rằng, con người không được để cho tự do cá nhân của mình suy phục một cách tuyệt đối bất cứ quyền bính trần thế nào, nhưng chỉ suy phục một mình Thiên Chúa là Cha và Chúa Giêsu Kitô: Hoàng đế Cêsar không phải là “Chúa”[15]. Hội Thánh “tin rằng mình gặp được chìa khóa, trung tâm và cứu cánh của toàn thể lịch sử nhân loại nơi Chúa và Thầy của mình”[16].
451. Kinh nguyện Kitô giáo được ghi dấu bằng tước hiệu “Chúa”, dù là lời mời gọi cầu nguyện “Chúa ở cùng anh chị em”, dù là câu kết thúc lời nguyện: “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”, hay cả trong tiếng kêu đầy tin tưởng và hy vọng “Maran atha” (“Chúa đến!”) hoặc “Marana tha” (“Lạy Chúa, xin ngự đến!”) (l Cr l6,22). “Amen. Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20).
668. “Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rm 14,9). Việc Đức Kitô lên trời cho thấy nhân tính của Người cũng được tham dự vào quyền năng và uy quyền của chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là Chúa: Người nắm mọi quyền bính trên trời dưới đất. Người “vượt trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được” vì Chúa Cha “đã đặt tất cả dưới chân Người” (Ep 1,20-22). Đức Kitô là Chúa của tất cả vũ trụ[17] và của lịch sử. Nơi Người, lịch sử của con người, kể cả toàn bộ công trình tạo dựng, tìm gặp được “nơi quy tụ” của mình[18], tột đỉnh siêu việt của mình.
669. Là Chúa, Đức Kitô cũng là Đầu Hội Thánh, Thân Thể của Người[19]. Được đưa lên trời và được tôn vinh sau khi chu toàn sứ vụ, Đức Kitô vẫn hiện diện nơi trần thế trong Hội Thánh của Người. Công trình cứu chuộc là nguồn mạch của quyền bính mà Đức Kitô thực thi trong Hội Thánh bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần[20]. “Nước của Đức Kitô đã hiện diện một cách mầu nhiệm”[21] trong Hội Thánh, là “hạt giống và điểm khởi đầu của Nước Trời nơi trần thế”[22].
670. Khởi từ cuộc Thăng Thiên, kế hoạch của Thiên Chúa bước vào giai đoạn hoàn thành. Chúng ta đang sống trong “giờ cuối cùng” (1 Ga 2,18)[23]. “Quả vậy, những thời đại cuối cùng đã đến với chúng ta và sự canh tân trần gian đã được thiết lập một cách không thể đảo ngược, và trong thời đại này sự canh tân đó đã được tiền dự một cách hiện thực nào đó: thật vậy, Hội Thánh nơi trần gian được ghi dấu bằng sự thánh thiện thật, tuy còn bất toàn”[24]. Nước Đức Kitô đã biểu lộ sự hiện diện của mình nhờ những dấu chỉ kỳ diệu[25] đi kèm theo việc loan báo Nước đó nhờ Hội Thánh[26].
... cho tới khi mọi sự quy phục Người
671. Tuy nhiên, Nước Đức Kitô, đang hiện diện trong Hội Thánh của Người, chưa phải là tuyệt đối với “quyền năng và vinh quang” (Lc 21,27)[27] do việc Vua ngự đến trần gian. Nước này còn bị các thế lực sự dữ tấn công[28], mặc dù chúng đã bị đánh bại tận gốc rễ do cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Cho tới khi mọi sự quy phục Người[29], “cho tới khi có trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị, Hội Thánh lữ hành, trong các bí tích và các định chế của mình, vốn là những điều thuộc thời đại nay, vẫn mang hình dáng của thời đại chóng qua này và chính Hội Thánh đang sống giữa các thụ tạo còn đang rên siết và quằn quại như sắp sinh nở và mong đợi cuộc tỏ hiện của các con cái Thiên Chúa”[30]. Vì vậy, các Kitô hữu cầu nguyện, nhất là trong bí tích Thánh Thể[31], để Đức Kitô mau lại đến[32], bằng cách thưa với Người: “Lạy Chúa, xin ngự đến !” (Kh 22,20)[33].
672. Đức Kitô, trước cuộc Thăng Thiên của Người, đã khẳng định rằng chưa đến giờ Người thiết lập Nước của Đấng Messia một cách vinh hiển mà Israel mong đợi[34], Nước đó phải mang lại cho mọi người, theo lời các tiên tri[35], một trật tự vĩnh viễn của công lý, của tình yêu, và của hoà bình. Thời gian hiện tại, theo Chúa, là thời gian của Thần Khí và của việc làm chứng[36], nhưng cũng là thời gian được ghi dấu bằng nỗi khó khăn hiện tại[37] và bằng sự thử thách của sự dữ[38], thời gian này không buông tha Hội Thánh[39], và khởi đầu cuộc chiến của những ngày sau cùng[40]. Đây là thời gian của sự mong đợi và tỉnh thức[41].
783. Chúa Cha đã dùng Thánh Thần xức dầu và thiết đặt Chúa Giêsu Kitô làm “Tư tế, Tiên tri và Vương đế”. Toàn thể dân Thiên Chúa tham dự vào ba chức năng này của Đức Kitô và lãnh trách nhiệm về sứ vụ và về sự phục vụ, xuất phát từ ba chức năng đó[42].
786. Cuối cùng, dân Thiên Chúa được tham dự vào chức năng vương đế của Đức Kitô. Đức Kitô thực thi quyền vương đế của Người khi Người lôi kéo mọi người đến với mình qua cái Chết và sự Sống lại của Người[43]. Đức Kitô, là Vua và là Chúa của vũ trụ, đã trở nên tôi tớ mọi người, vì “Người đến không phải để được người ta phục vu, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28). Đối với Kitô hữu, “cai trị là phục vụ” Đức Kitô[44]; Hội Thánh đặc biệt “nhận ra trong những người nghèo khó và đau khổ hình ảnh của Đấng Sáng Lập nghèo khó và đau khổ của mình”[45]. Dân Thiên Chúa thực hiện “phẩm giá vương đế” của mình khi sống theo ơn gọi phục vụ cùng với Đức Kitô.
“Quả thật, tất cả những người được tái sinh trong Đức Kitô, dau thánh giá làm cho họ trở thành Vua, việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần thánh hiến họ làm tư tế, để, ngoại trừ sự phục vụ đặc biệt của thừa tác vụ của chúng tôi, tất cả các Kitô hữu có tinh thần và có lý trí đều nhận ra mình thuộc dòng dõi vương đế và có chức vụ tư tế. Thật vậy, có gì mang tính vương đế đối với một tâm hồn cho bằng hướng dẫn thân xác mình quy phục Thiên Chúa? Và có gì mang tính tư tế cho bằng dâng lên Chúa một lương tâm trong sạch và dâng những lễ vật tinh tuyền của lòng đạo hạnh trên bàn thờ của trái tim?”[46]
908. Đức Kitô, nhờ việc Người vâng phục cho đến chết[47], đã truyền thông cho các môn đệ của Người hồng ân là sự tự do vương đế để “bằng sự từ bỏ mình và bằng đời sống thánh thiện, họ có thể chiến thắng vương quốc của tội lỗi nơi chính bản thân họ”[48].
“Bất cứ ai chế ngự được thân xác mình và làm chủ bản thân một cách năng động thích hợp, không để linh hồn mình bị khích động bởi các đam mê, thì, vì kiềm chế tốt bản thân bằng một loại quyền năng vương đế, người đó được gọi là vua, người đó biết cai trị bản thân và là thẩm phán của mình, không bị lôi cuốn vào tội lỗi mà thành nô lệ”[49].
2105. Bổn phận phải dành cho Thiên Chúa sự tôn thờ đích thực liên quan đến con người xét theo cá nhân cũng như xã hội. Đây là “đạo lý truyền thống công giáo về bổn phận luân lý của con người và của xã hội đối với tôn giáo thật và Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô”[50]. Khi không ngừng loan báo Tin Mừng cho con người, Hội Thánh cố gắng làm sao để con người “có thể làm cho tinh thần Kitô giáo thấm nhuần vào các tâm trí, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống”[51]. Bổn phận xã hội của các Kitô hữu là tôn trọng và khơi dậy nơi mỗi người tình yêu đối với chân lý và điều thiện hảo. Bổn phận này buộc họ phải truyền bá nền phượng tự của tôn giáo duy nhất và chân thật, đang tồn tại trong Hội Thánh công giáo và tông truyền[52]. Kitô hữu được mời gọi trở thành ánh sáng thế gian[53]. Nhờ đó, Hội Thánh bày tỏ vương quyền của Đức Kitô trên vạn vật, đặc biệt là trên các xã hội loài người[54].
2628. Thờ lạy là thái độ đầu tiên của con người nhìn nhận mình là thụ tạo trước Đấng Tạo Hoá của mình. Thờ lạy là tán dương sự cao cả của Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta[55] và sự toàn năng của Đấng cứu độ, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự dữ. Thờ lạy là phủ phục tinh thần trước “Đức Vua vinh quang”[56], và là lặng thinh kính cẩn trước Thiên Chúa, Đấng “luôn luôn cao cả hơn”[57]. Việc thờ lạy Thiên Chúa muôn trùng chí thánh và đáng mến vô cùng làm cho lòng ta khiêm tốn và đem lại sự bảo đảm cho những lời cầu khẩn của chúng ta.
Số 678-679, 1001, 1038-1041: Chúa Kitô là thẩm phán
678. Chúa Giêsu, sau các Tiên tri[58] và ông Gioan Tẩy Giả[59], trong lời rao giảng của mình, đã loan báo cuộc Phán Xét vào ngày tận thế. Lúc đó những cách sống của mỗi người[60] và sự kín nhiệm trong các tâm hồn[61] được đưa ra ánh sáng. Lúc đó tội cứng lòng tin, tức là tội coi thường ân sủng do Thiên Chúa ban, sẽ bị kết án[62]. Cách đối xử với đồng loại sẽ biểu lộ là người ta đã đón nhận hay đã từ chối ân sủng và tình yêu Thiên Chúa[63]. Chúa Giêsu sẽ phán trong ngày tận thế: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
679. Đức Kitô là Chúa của sự sống vĩnh cửu. Thẩm quyền đầy đủ để xét xử một cách vĩnh viễn về các công việc và các tâm hồn của mọi người là thuộc về Người, với tư cách là Đấng Cứu Chuộc trần gian. Người “đã đạt được” quyền này nhờ thập giá của Người. Chúa Cha cũng “đã ban cho Người Con mọi quyền xét xử” (Ga 5,22)[64]. Nhưng Chúa Con không đến để xét xử, mà để cứu độ[65], và để ban sự sống Người có nơi chính mình[66]. Qua việc từ chối ân sủng khi còn sống ở đời này, mỗi người tự xét xử chính mình[67], lãnh nhận tuỳ theo các công việc của mình[68], và cũng có thể tự kết án mình muôn đời khi từ chối Thần Khí tình yêu[69].
1001. Khi nào phục sinh? Một cách vĩnh viễn, “trong ngày sau hết” (Ga 6,39-40.44.54; 11,24); “ngày tận thế”[70]. Quả vậy, sự phục sinh của những người chết được gắn liền với cuộc Quang lâm của Đức Kitô:
“Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng Tổng lãnh Thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên” (l Tx 4,16).
1038. Việc phục sinh của tất cả mọi người đã chết, “người lành và kẻ dữ” (Cv 24,15), đi trước cuộc Phán Xét cuối cùng. Đó sẽ là “giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng … Con Người và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28-29). Lúc đó Đức Kitô sẽ đến “trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu…. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người; và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê, Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái…. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,31.32.46).
1039. Đối diện với Đức Kitô, Đấng là Chân lý, chân lý về mối tương quan của từng người với Thiên Chúa sẽ được biểu lộ một cách vĩnh viễn[71]. Việc Phán Xét cuối cùng sẽ mạc khải, đến tận những hậu quả cuối cùng của nó, điều thiện hảo mà mỗi người đã làm, hoặc đã bỏ không làm, trong suốt đời sống trần thế của họ:
“Bất cứ điều gì những kẻ dữ làm, đều bị ghi lại, mà họ không biết, khi ‘Thiên Chúa ta ngự đến, Ngài không nín lặng’ (Tv 50,3)…. Rồi Ngài quay sang những kẻ ở bên trái và nói: Ta đã đặt những người nghèo khó bé mọn của Ta trên trần thế cho các ngươi. Ta như là Đầu, Ta đang ngự bên hữu Chúa Cha trên trời, nhưng các chi thể của Ta nơi trần thế phải đau khổ, túng thiếu. Nếu các ngươi cho các chi thể của Ta bất cứ cái gì, thì cái đó đã lên tới Đầu. Các ngươi phải biết rằng, Ta đã đặt những người nghèo khó bé mọn của Ta cho các ngươi khi còn ở trần thế, Ta đặt ho làm những người phục vụ các ngươi để đem các việc làm của các ngươi vào kho tàng của Ta. Và các ngươi đã chẳng đặt gì vào tay họ, vì vậy các ngươi chẳng gặp được gì ở nơi Ta”[72].
1040. Cuộc Phán Xét cuối cùng sẽ diễn ra khi Đức Kitô trở lại một cách vinh quang. Chỉ có Chúa Cha mới biết ngày giờ; chỉ một mình Ngài quyết định việc Ngự đến của Đức Kitô. Lúc đó, qua Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Chúa Cha sẽ công bố phán quyết chung thẩm của Ngài về toàn thể lịch sử. Chúng ta sẽ nhận biết ý nghĩa tối hậu của toàn bộ công trình tạo dựng và của toàn bộ Nhiệm cục cứu độ và chúng ta sẽ hiểu những đường lối kỳ diệu qua đó sự quan phòng của Thiên Chúa đã dẫn đưa mọi sự đến mục đích tối hậu của chúng. Cuộc Phán Xét cuối cùng sẽ mạc khải đức công chính của Thiên Chúa chiến thắng mọi sự bất chính mà các thụ tạo của Ngài đã lỗi phạm, và tình yêu của Ngài mạnh hơn sự chết[73].
1041. Sứ điệp của việc Phán Xét cuối cùng là kêu gọi hối cải, trong khi Thiên Chúa còn cho người ta “thời gian thuận tiện” và “ngày cứu độ” (2 Cr 6,2). Sứ điệp này gợi lên sự kính sợ thánh thiện đối với Thiên Chúa. Nó thúc đẩy người ta đến sự công chính của Nước Trời. Sứ điệp này loan báo “ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi” (Tt 2,13), tức là ngày trở lại của Chúa, Đấng sẽ đến “để được tôn vinh giữa các thần thánh của Người và được ngưỡng mộ giữa mọi kẻ đã tin” (2 Tx 1,10).
Số 2816-2821: "Nước Cha trị đến"
2816. Trong Tân Ước, cùng một từ Basileia có thể dịch là “vương quyền” (danh từ trừu tượng), “nước” (danh từ cụ thể) hay “vương triều” (danh từ chỉ việc cai trị). Nước Thiên Chúa đang ở trước chúng ta. Nước đó đã gần đến trong Ngôi Lời nhập thể, đã được loan báo trong toàn bộ Tin Mừng, và đã đến trong sự chết và sống lại của Đức Kitô. Nước Thiên Chúa đến từ bữa Tiệc Ly và trong bí tích Thánh Thể, Nước đó đang ở giữa chúng ta. Nước đó sẽ đến trong vinh quang, khi Đức Kitô trao nó lại cho Cha Người:
“Có thể nói, Nước Thiên Chúa là chính Đức Kitô, Đấng chúng ta hằng ngày khát khao Người đến, và chúng ta mong mỏi việc Người ngự đến mau mau được tỏ hiện cho chúng ta. Đàng khác, cũng như Người là sự phục sinh bởi vì chúng ta được sống lại trong Người, thì cũng vậy, Người có thể được hiểu là Nước Thiên Chúa bởi vì chúng ta sẽ được hiển trị trong Người”[74].
2817. Lời cầu xin này là lời “Marana tha”, là tiếng kêu cầu của Thần Khí và Hiền Thê: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến”:
“Giả như lời cầu xin này không đòi buộc phải van xin Nước Chúa mau đến đi nữa, thì chúng ta cũng bị thúc giục kêu gào điều đó vì muốn ôm lấy niềm hy vọng của chúng ta. Linh hồn các vị tử đạo nằm dưới bàn thờ lớn tiếng kêu lên Chúa: ‘Lạy Chúa, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn, không xét xử và không bắt những người sống trên mặt đất phải đền nợ máu chúng con?’ (Kh 6,10). Chắc chắn các ngài sẽ được xét xử công bằng vào ngày tận thế. Lạy Chúa, nguyện Nước Chúa mau đến”[75].
2818. Trong Kinh Lạy Cha, vấn đề chủ yếu là việc Nước Thiên Chúa đến cách chung cuộc lúc Đức Kitô trở lại[76]. Nhưng ước muốn này không làm cho Hội Thánh xao lãng sứ mạng của mình ở trần gian, trái lại càng thúc giục Hội Thánh dấn thân hơn nữa. Vì từ ngày lễ Ngũ Tuần, cuộc Ngự đến của Nước Thiên Chúa là công trình của Thần Khí Chúa, Đấng kiện toàn công trình của Đức Kitô nơi trần gian và hoàn tất công việc thánh hóa[77].
2819. “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14,17). Thời cuối cùng, mà chúng ta đang sống, là thời kỳ tuôn đổ Chúa Thánh Thần. Kể từ đó, cuộc chiến đấu quyết định giữa “xác thịt” và Thần Khí đã khởi đầu[78]:
“Chỉ tâm hồn thanh sạch mới có thể tin tưởng nói lên: ‘Nguyện Nước Cha trị đến’. Quả thật, ai nghe lời thánh Phaolô dạy: ‘Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa’ (Rm 6,12), và biết giữ hành động, tư tưởng và lời nói của mình trong sạch, người đó mới có thể thưa với Thiên Chúa: ‘Nguyện Nước Cha trị đến’”[79].
2820. Trong sự phân định theo Thần Khí, các Kitô hữu phải biết phân biệt giữa sự thăng tiến của Nước Thiên Chúa với sự tiến bộ của văn hóa và xã hội họ đang sống. Sự phân biệt này không phải là tách biệt. Ơn gọi của con người vào sự sống muôn đời không bãi bỏ nhưng củng cố nhiệm vụ của họ là phải sử dụng các năng lực và phương tiện do Đấng Tạo Hóa ban, để phục vụ công lý và hòa bình trên trần gian[80].
2821. Lời cầu xin này được nâng đỡ và đoái nhận trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu[81], vốn hiện diện và hữu hiệu trong bí tích Thánh Thể; lời cầu nguyện này mang lại hoa trái trong đời sống mới theo các mối phúc[82].
Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật 34 Thường niên năm A:
Đức Phanxicô:
22.11.2020 – Lựa chọn lớn trong cuộc đời (bài giảng)
22.11.2020 – Vào Nước Chúa qua cửa khiêm nhường phục vụ (huấn dụ)
26.11.2017 – Tình yêu mến là tiêu chuẩn của Nước Trời
23.11.2014 – Thánh là người noi gương bác ái của Chúa Kitô (bài giảng)
Đức Bênêđictô XVI:
20.11.2011 – Thái độ đối với người bé nhỏ là thái độ đối với Vua Kitô (bài giảng)
23.11.2008 – Vương quyền đích thực của Chúa Kitô
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Gấp sách Tin mừng lại, nhưng khung cảnh ngày cánh chung vẫn còn đọng lại trong ta. Ở đó, mọi sự thật được phơi bày, mọi giáo thuyết được sáng tỏ, moi giá trị được phân minh... Và không phải nói nhiều, chúng ta vẫn có thể tự chọn trong hai tháng giá trị đối lập nơi bản văn này. Chúng ta sẽ chọn cho mình thang giá trị nào, một lối sống nào cho kết quả của ngày cánh chung đời ta ?
Cầu nguyện: Lạy Cha, trong những ngày cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội cho chúng con nhìn lại những giá trị của thời cánh chung. Ðặc biệt hôm nay, Giáo Hội nhắc nhớ chúng con về Vương Quyền của Ðức Giêsu Kitô, cũng như mối tương quan giữa hành vi của chúng con với Vương Quyền ấy. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng chỉ có Nước của Cha là bền vững và đem lại hạnh phúc trường cửu cho chúng con. Xin cho chúng con biết chuẩn bị ngay từ đời này những gì cần thiết, để xứng đáng được vào Vương Quyền vĩnh cửu của Cha.
Xin Cha ban cho chúng con nhờ Ðức Giêsu Kitô Con Cha, Chúa chúng con. Amen.
Ghi nhớ: “Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người, và sẽ phân chia họ ra”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Bài Tin mừng hôm nay mô tả Chúa Giêsu là một vị vua đang xét xử toàn thể loài người vào ngày cánh chung: Ngài phân chia loài người thành hai hạng tốt và xấu; và tiêu chuẩn để biết tốt xấu là có thực thi bác ái cách cụ thể đối với những người anh em bé mọn của mình hay không. Vua Giêsu tự đồng hóa Ngài với những người bé mọn đang đói khát, trần truồng, tù đày, bệnh tật, đau khổ.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Có người nói chơi rằng thế giới này là thế “gian” chứ đâu phải thế “ngay” cho nên đầy dẫy sự gian dối, lọc lừa. Ai gian dối thì thuộc về nước thế gian, kẻ yêu chuộng chân lý mới thuộc về Nước của Chúa. Yêu chuộng chân lý là sống thật với Chúa, với lương tâm mình và với mọi người.
2. “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này chỉ để làm chứng về Chân lý”: noi gương Chúa Giêsu, tôi cũng phải cố gắng làm chứng cho chân lý giữa thế giới đầy gian trá này.
3. Một giáo viên tâm lý trắc nghiệm về sự thông minh của nhóm học sinh 8 tuổi. Thầy lấy ra một bản đồ về địa lý thế giới, cắt làm nhiều mảnh nhỏ và đưa cho một cậu bé.
Cậu bé xem xét những mảnh giấy cách kỹ lưỡng, rồi nhanh chóng ráp lại bản đồ mà không một chút sai sót.
- Tuyệt vời! Làm thế nào em ráp nhanh và chính xác như vậy ?
- Ồ, có một hình người rất lớn ở mặt sau. Chỉ cần ráp các mảnh lại theo đúng hình người đó thì thế giới sẽ xuất hiện.
Đức Kitô chính là khuôn mẫu mà cả thế giới phải theo. (Góp nhặt)
4. Hai người trẻ đang dùng ca nô đi du lịch ở một miền hoang vắng. Họ bỗng khám phá một túp lều nhỏ. Bước vào trong họ thấy một quyển Thánh Kinh đang mở và một tờ giấy ghi những dòng chữ như sau:
“Chủ lều thân mến. Túp lều của bạn đã cứu mạng tôi. Tôi đang bị bệnh rất nặng và cần chỗ trú ẩn thì may mắn gặp được túp lều này. Ơn này rất trọng, tôi không thể trả bằng tiền được mà chỉ xin Chúa chúc lành cho bạn. Xin bạn hãy đọc Mt 25,31tt.” (Mt 25,31tt chính là bài dụ ngôn của Lễ hôm nay).
Một trong hai người trẻ ấy nói: “Trước đây tôi cũng thường đọc đoạn Tin Mừng này. Nhưng hôm nay tôi thấy nó có một ý nghĩa hết sức đặc biệt” (Mark Link, Vision 2000).
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
A. DẪN NHẬP
Hôm nay là ngày Chúa nhật cuối năm phụng vụ, Giáo hội hướng lòng chúng ta về ngày chung thẩm, ngày mà mọi người sẽ qua đi và vũ trụ sẽ ra tro. Ngày đó không ai biết được nhưng chỉ biết một điều là ngày ấy Chúa Giêsu sẽ xuất hiện lần thứ hai với dáng vẻ uy nghi của một vị Vua Thẩm phán, có các thiên thần hầu cận, để phán xét kẻ sống và kẻ chết như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin kính.
Ngài sẽ phán xét thế nào ? Ngài sẽ phán xét theo tiêu chuẩn Ngài đã đề ra trong bài Tin mừng hôm nay: Tình yêu đối với tha nhân. Ngài đã đồng hoá Ngài với tha nhân trong nhiều dụ ngôn. Những ai thể hiện tình yêu ấy đối với Ngài qua tha nhân thì sẽ được thưởng, còn ai không yêu thương Ngài qua tha nhân thì sẽ bị phạt, đúng như quan niệm của dân gian: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”: việc lành việc dữ sau cùng đều có thưởng phạt.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Ez 34,11-12.15-17
Lịch sử đen tối của dân Israel đã cho thấy Thiên Chúa đã đặt một số người làm mục tử để chăm sóc Israel là đoàn chiên của Chúa. Nhưng những người này chểnh mảng với nhiệm vụ chăn dắt mà chỉ lo tìm lợi riêng, do đó, họ đã dẫn chiên đến một tai hoạ lớn: dân Israel bị bắt cầm tù rải rác khắp đế quốc Babylon. Họ đã bị xa cách nhau, phải tiếp xúc với dân ngoại đạo, họ đã thấy cô đơn và bị bỏ rơi.
Vì thế, qua miệng tiên tri Ezéchiel, Thiên Chúa cho họ biết rằng chính Thiên Chúa sẽ đi tìm họ, tập họp họ lại và lấy lại đoàn chiên khỏi tay những mục tử xấu ấy và chính Ngài sẽ chăm sóc họ như mục tử chăm sóc đoàn chiên mình.
+ Bài đọc 2: 1Cr 15,20.26a-28
Thánh Phaolô đưa ra cho tín hữu một so sánh: Adong cũ đã làm hỏng con người và làm cho con người phải chết. Chúa Kitô là Adong mới đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, giải thoát con người và ban cho con người sự sống mới. Do đó, Chúa Giêsu trở nên thủ lãnh nhân loại để đưa con người vào Nước trời.
Và đến ngày cách chung, Chúa Giêsu Kitô Vua đã chiến thắng mọi kẻ thù và nắm quyền trên mọi loài mọi vật, sẽ trao lại cho Thiên Chúa Cha tất cả vương quyền và Ngài sẽ cho tất cả những ai tin Ngài được sống lại và cùng hưởng vinh quang với Ngài.
+ Bài Tin mừng: Mt 25,31-46
Dụ ngôn mà thánh Mátthêu mô tả bằng hình ảnh có tính cách khải huyền về ngày phán xét sẽ diễn ra trong ngày sau cùng. Khi đó, Đức Giêsu sẽ xuất hiện như một vị Vua thẩm phán đầy uy quyền, có các thiên thần hầu cận. Ngài sẽ tách biệt người lành kẻ dữ ra hai bên, như người mục tử tách chiên ra khỏi dê để xét xử công minh.
Tiêu chuẩn của cuộc xét xử là luật yêu thương. Ngài đã đồng hoá Ngài với tha nhân: những ai thể hiện tình yêu cụ thể với những người khốn khổ bé mọn tức là thể hiện tình yêu đối với Ngài và sẽ được trọng thưởng. Ngược lại, những ai không thể hiện tình yêu đó đối với tha nhân tức là không yêu thương Ngài thì sẽ bị trừng phạt.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Đức Kitô Vua Thẩm phán
I. BỐI CẢNH NGÀY LỄ
Hôm nay là Chúa nhật cuối năm Phụng vụ, Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu Vua để nhắc nhở cho mọi người hãy suy tôn, phục vụ và theo Ngài, đồng thời phải chuẩn bị tâm hồn chờ đợi Chúa đến trong ngày tận thế với tư cách là vị Vua Thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết.
Đức Giáo hoàng Piô XI đã thiết lập lễ này vào ngày 11.12.1925 trong bầu khí tạ ơn và hân hoan của Năm thánh 1925. Ngài thiết lập lễ này vì vào những thập niên đầu thế kỷ 20, thế giới phải đối diện với trào lưu tục hoá và các chủ thuyết khác. Về phía Giáo hội, qua việc mừng kính tước hiệu là Vua của Chúa Kitô, Giáo hội khẳng định niềm tin trước sau như một của mình là tuyên xưng vương quyền của Chúa Kitô trên mọi con người, mọi gia đình, mọi xã hội và trật tự nhân loại.
Ngoài ra, để điều chỉnh một số lệch lạc trong đời sống đạo nơi một số con cái, Giáo hội là Mẹ nhắc nhở cho mọi người rằng: Chúa Kitô không chỉ là người Anh hay người Bạn đồng hành mà Ngài còn là “Vua trên các vua, Chúa trên các chúa. Ngài là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời”.
II. MỘT NƯỚC CẦN CÓ VUA
Người ta thường nói: “Kim chỉ phải có đầu”, trong một tập thể không thể có cảnh “cá mè một lứa” được, nhất là trong một nước. Hầu hết các dân tộc thời xưa đều mơ ước và tin rằng vua của họ là con Trời, vì chỉ có con Trời mới là toàn năng công minh, thấu suốt mọi sự, mới giúp dân, ban ơn cho dân muôn phần tốt đẹp. Họ thường gọi Vua là Thiên tử, Trời có mắt, đèn Trời soi sáng, xin Trời phù hộ.
Bên phương Đông, Đức Khổng Tử đã thấy rõ vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ, vua Văn làm vua theo mệnh Trời, cho nên vương quốc thời cổ đại của các ngài thật là tốt đẹp và lý tưởng.
Kinh thư viết: “Thiên hựu hạ dân, tác chi quân, tác chi sư”: Trời giúp dân, đặt vua cai trị, đặt thầy dạy dỗ (Thái hệ thượng 7). Nhận biết Trời đặt mình làm vua, các ông hết lòng hết sức vâng theo mệnh Trời để giúp dân. Vua Vũ Vương viết: “Duy kỳ khắc tướng Thượng Đế, sủng tuy tứ phương”: Chỉ vì phục vụ Thượng Đế, giúp nhân dân bốn phương.
Bên Tây phương, Ba tư, Ai cập, Hy lạp hay La mã đều coi vua là con Thần Trời. Dân Do thái khi chưa có vua, họ đòi tiên tri Samuel: “Thế nào cũng phải có vua cho chúng tôi” (1Sm 8,19). Và ai được chọn làm vua đều được thánh hiến bằng xức dầu tấn phong, trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa. Thiên Chúa nói với tiên tri Nathanael: “Hãy đi nói với Đavít: Ta là cha nó, nó sẽ là con Ta”(2Sm 7,5.14 và Tv 2,7). Nếu vua trung thành thực hiện sự công chính trong vương quốc và bảo đảm thịnh vượng cho toàn dân, Thiên Chúa sẽ bảo vệ vua khỏi tay quân thù” (Tv 20,21 và 45,4-8), (Lm. Vũ Khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, năm A, tr 192).
Truyện: Nữ hoàng Elizabeth lên ngôi
Năm 1952, lễ đăng quang của nữ hoàng Anh Elizabeth là một nghi thức long trọng nhất của thế kỷ 20. Ba triệu người đứng chật các đường phố Luân Đôn. Từ các thuộc địa Anh, các đoàn đại biểu trong sắc phục địa phương cũng có mặt. Nữ hoàng ngự giá trên chiếc xe ngựa bằng vàng. Hơn 10 sư đoàn trong quân đội hoàng gia diễn hành. Năm trăm chiếc khu trục cơ nhào lộn trên không.
Vua chúa và các nhà lãnh đạo hầu hết đều có mặt mang theo tặng vật cho vị tân nữ hoàng. Nhưng có lẽ quà tặng cao quý nhất mà thế giới tặng cho nữ hoàng là ngọn cờ nước Anh lần đầu tiên được một người Tân Tây Lan cắm trên đỉnh Everest ở độ cao 8.846 mét vào chính ngày áp lễ đăng quang.
III. ĐỨC GIÊSU XƯNG MÌNH LÀ VUA
1. Nơi Đức Giêsu xưng vương
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng hồ hởi muốn tôn Ngài làm vua, nhưng Ngài đã lẩn tránh, vì Ngài không muốn cho dân chúng hiểu Ngài làm vua theo kiểu thế gian. Ngài chỉ nhận mình là Vua khi đứng trước toà án Philatô, với dáng vẻ tang thương tiều tuỵ, Ngài khẳng định Ngài là Vua: “Ông nói phải, Tôi là Vua”. Chính Philatô cho Ngài ngồi ở Gabata, ghế dành cho quan tòa. Như vậy, vô tình Philatô công nhận Ngài là Vua và Ngài sẽ xét xử dân Do thái.
Ngoài ra, ông còn truyền viết tấm bảng treo trên đầu Chúa Giêsu với hàng chữ I.N.R.I (Jesus Nazareth Rex Judaeorum) có nghĩa là Giêsu Nazareth vua dân Do thái, tức là công nhận Đức Giêsu là Vua. Ngai vàng của Ngài là cây thập giá. Từ trên cao, Chúa nhìn xuống thần dân, giang hai tay ra để ôm lấy dân Ngài. Và diễn từ nhận chức của Ngài là: “Xin tha cho họ” và cao điểm là: “Mọi sự đã hoàn tất”.
2. Vương quốc của Ngài
Vương quốc của Ngài không có tính cách chính trị. Vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian như các vua chúa ở trần gian. Vương quốc mà Ngài lập ra không có lãnh thổ hay tài nguyên, vì vương quốc ngài là vương quốc thiêng liêng nên vô biên giới và vĩnh cửu, nước không thuộc thời gian nhưng thuộc thời cánh chung: “Nước Người sẽ không bao giờ cùng” (Kinh Tin Kính).
IV. ĐỨC GIÊSU LÀ VUA MỤC TỬ
Đức Giêsu là Vua không theo nghĩa như các vua trần gian, nhưng Ngài xưng mình là Vua Mục tử nhân lành. Ngài tụ họp những con chiên bị phân tán, tìm con chiên lạc, băng bó chiên bị thương tích, chữa lành chiên bị đau ốm, chăn dắt chăm sóc đoàn chiên theo đường công chính (Bài đọc I). Chính Đức Giêsu đã tuyên bố: “Ta là mục tử nhân lành, Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta” (Ga 10,10). Ngài còn nói thêm: “Ta đến để cho chiên Ta được sống và được sống dồi dào. Chính Ta là mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì chiên”.
Ở Nước trời, Đức Giêsu là Vua đích thực muôn đời, vì Ngài đã hạ mình xuống làm tôi trung vâng lời Chúa Cha hiến mình chịu chết trên thập giá để cứu chuộc muôn dân, đưa muôn dân về với Thiên Chúa Cha trong nước vĩnh phúc hằng sống. Thánh Phaolô đã phải ca tụng: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài, và ban cho cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để trên trời dưới đất và hỏa ngục phải bái quỳ khi nghe danh thánh Giêsu” (Pl 2,6).
Nếu Đức Kitô là Vua Mục tử thì vương quốc của Ngài là vương quốc tình thương. Đặc điểm của công dân trong nước này là những con người bất hạnh, khổ đau. Chính Đức Kitô, vị Vua Mục tử, đã tự đồng hoá mình với những kẻ bé mọn nghèo khổ: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Tiêu chuẩn để xác định một người thuộc vương quốc của Ngài là chính những hành động của tình thương.
V. ĐỨC GIÊSU LÀ VUA THẨM PHÁN
1. Ngài đã khẳng định vậy
Trong kinh Tin kính chúng ta vẫn tuyên xưng: “Và Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Lòng tin của Hội thánh đã được xây dựng trên lời Chúa: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái”(Mt 25,31).
Ngai uy linh có nghĩa là ngai vinh quang, người Do thái quan niệm ngai vinh quang chỉ dành cho Thiên Chúa, các ngai khác dành cho các Tông đồ (Mt 19,28). Khi nói Chúa ngự lên ngai uy linh là một cách mạc khải Chúa Giêsu là Thiên Chúa.
2. Ngài phán xét như thế nào ?
a) Dựa trên tình thương
Sự phán xét của Ngài không tuỳ thuộc vào kiến thức của chúng ta có, sự may mắn hay tiếng tăm của chúng ta đạt được, nhưng tuỳ theo vào sự giúp đỡ mà chúng ta đã làm cho người khác. Cha Mark Link nói: “Khi Chúa đến, Ngài không cân đo trí khôn chúng ta thông minh thế nào. Nhưng Ngài sẽ cân đo trái tim của chúng ta yêu thương ra sao”.
Những điều Chúa nêu ra là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, tiếp đón khách lạ, an ủi người bệnh, thăm viếng kẻ bị tù... Đó là những việc mà ai cũng có thể làm, đó là những sự giúp đỡ đơn giản cho mọi người cần đến mà chúng ta vẫn gặp hằng ngày. Không có ví dụ nào mở ra con đường đi tới vinh quang cho những người tầm thường nhất bằng ví dụ này.
Người Á đông chúng ta tuy không biết Thiên Chúa, nhưng có một quan niệm rất chính xác và cao sâu về Ông Trời: Ông Trời là chủ tể của mọi loài, không ai sống ngoài tầm kiểm soát của Ông Trời, sống theo ý Trời thì có phúc, làm ngược ý Trời thì bị phạt. Hai câu phản ảnh rõ nhất quan niệm trên là “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu”: Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt được. Và còn một câu khác nữa cũng nói lên quan niệm ấy: “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong: Người sống theo Trời thì còn, người nghịch với Trời thì mất.
Dù là dân đen hay vua chúa, dù nghèo hay giàu, dù trẻ hay già... cuối cùng rồi thì ai cũng chết và trình diện trước mặt Chúa, Vua Trời. Khi đó Vua Trời sẽ xét xử cuộc sống mỗi người dựa trên Luật Yêu thương. Người nào sống yêu thương là “thuận thiên” và sẽ được “tồn” trong hạnh phúc vĩnh hằng. Kẻ sống mà không yêu thương là kẻ “nghịch thiên” và sẽ bị “vong” vĩnh viễn trong cõi trầm luân. (Lm. Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm A, tr 564)
b) Giúp đỡ không tính toán
Tất cả những người giúp đỡ không nghĩ rằng: họ đã giúp đỡ Chúa Giêsu và tích trữ công đức đời đời cho mình. Họ giúp vì không thể không giúp, đó là bản chất tự nhiên không tính toán, phát xuất từ lòng yêu thương thật. Trái lại những người không muốn giúp đỡ người khác thường tỏ ra: “Nếu chúng tôi biết là anh thì chúng tôi đã sẵn lòng giúp”. Cũng có những người ra tay giúp đỡ nếu họ được người ta khen ngợi, cám ơn và công bố ra cho nhiều người biết, như thế không phải là họ giúp đỡ ai, mà chỉ để chiều theo lòng tự ái tự tôn của họ. Giúp đỡ như vậy không phải là rộng lượng, nhưng là ích kỷ trá hình. Sự giúp đỡ đẹp lòng Chúa phải là sự giúp đỡ không vì mục đích nào ngoài sự giúp đỡ vì tình thương.
Truyện: Thánh Martinô thành Tours
Ông là một quân nhân La mã và một Kitô hữu. Một ngày mùa đông lạnh lẽo, khi ông đi vào một thành phố, có người hành khất chặn ông lại xin bố thí, Martinô không có tiền, nhưng ông thấy người hành khất xanh xao và run rẩy vì lạnh, Martinô đã cho những gì ông có: ông cởi chiếc áo nhà binh đã sờn rách và xé một nửa cho người hành khất. Tối hôm ấy ông nằm mơ thấy thiên đàng có các thiên sứ đang bao quanh Chúa Giêsu và Ngài đang mặc nửa chiếc áo lạnh nhà binh của ông. Một thiên sứ hỏi Chúa Giêsu: “Tại sao Ngài mặc chiếc áo sờn rách đó ? Ai đã cho Ngài áo đó ?” Chúa Giêsu trả lời: “Martinô, tôi tớ của Ta đã cho Ta”.
c) Cho đi thì sẽ được
Tất cả những gì chúng ta làm cho tha nhân là làm cho Chúa, mà những gì chúng ta làm cho Chúa thì không thể mất được. Những gì chúng ta làm cho tha nhân, dù nhỏ mọn như một chén nước lã thì cũng có phúc trước mặt Chúa. Trái lại, những gì chúng ta không làm cho tha nhân tức là không làm cho Chúa, mà đã không làm cho Chúa là một điều có lỗi. Do đó, Chúa sẽ xét xử chúng ta theo nguyên tắc: “Hữu công tắc thưởng, hữu tội tắc trừng”: có công thì được thưởng, có tội thì phải phạt. Được thưởng hay bị phạt là do chúng ta định đoạt lấy, không ai có thể làm thay cho chúng ta được…
Truyện: Cho đi thì sẽ được lại
Một ngày mùa đông lạnh giá, Lady Grey, một phụ nữ quí tộc người Anh, rất giàu có, đã cải trang làm một người hành khất đi ăn xin từng nhà trong thành phố Luân Đôn. Đến một số nhà, bà bị xua đuổi một cách tàn nhẫn. Một vài nơi khác, bà chỉ được bố thí cho những thứ thừa thãi vất đi. Điều lạ là tất cả những người ấy là những gia đình giàu có. Thế rồi bà tìm đến một căn nhà lụp xụp nghèo nàn. Tại một túp lều xiêu vẹo, bà được một ông lão tàn tật ân cần mời vào sưởi ấm bên bếp lửa và cùng chia nhau một khúc bánh mì đen.
Hôm sau chính người nữ quý tộc ấy sai các gia nhân đến tận nhà mời những người mà bà đã đến ăn xin tối hôm trước tới dự một bữa tiệc tại dinh thự của bà. Tất cả khách được hướng dẫn vào một phòng chiêu đãi sang trọng và mỗi người được đặt chỗ ngồi riêng dọn sẵn. Bấy giờ ai nấy thấy trước mặt mình là những món ăn y như những thứ mà họ đã đem bố thí cho “bà ăn mày”: chỗ thì củ khoai thối, chỗ thì miếng bánh mốc không ăn được, có nơi là một cốc nước lã bẩn thỉu, lại có nơi chỉ là chiếc đĩa trống không. Duy chỉ có chiếc đĩa trước mặt ông lão tàn tật đầy ắp những món ăn ngon lành sang trọng. Mọi người chưa hết ngạc nhiên thì bà quý tộc xuất hiện và tuyên bố: “Hôm qua tôi đích thân đi ăn xin từng nhà để hiểu biết hơn về lòng nhân ái của quý vị. Hôm nay tôi chỉ đáp lễ bằng cách dọn ra mời quý vị những thứ mà quý vị đã cho tôi. Tôi tin rằng quý vị cũng sẽ được tiếp đãi như vậy trong bữa tiệc mai sau trước mặt Thiên Chúa là Đấng bây giờ đang đứng trước nhà quý vị, để trông chờ tấm lòng nhân ái của quí vị” (Quê Ngọc, Dấu ấn tình yêu, năm A, tr 139).
Nghe xong câu truyện trên đây, nhất là qua bài Tin mừng của Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, chúng ta thấy cả hai đều quy về một mục đích là nêu cao và làm sáng tỏ một vấn đề hết sức hệ trọng trong đời sống đạo đức: đó là yêu thương giúp đỡ tha nhân, đặc biệt với những kẻ hẩm hiu cùng khốn là yêu thương chính Chúa và Chúa chỉ căn cứ vào đó mà đối đãi lại với chúng ta.
Nếu Thiên Chúa là Tình yêu và yêu thương là chính bản tính của Ngài, thì đạo của Ngài hẳn phải là đạo yêu thương. Vì thế, Chúa dạy chúng ta phải sống yêu thương và Chúa coi những việc chúng ta làm cho người khác là chúng ta làm cho chính Ngài.
Rồi trước khi chấm dứt cuộc đời rao giảng Tin mừng ở trần gian, Chúa còn quả quyết: “Ta bảo thật, những gì các ngươi làm cho một trong những người bé nhỏ của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta”. Như vậy, Chúa Giêsu tiếp tục nhập thể nơi người anh chị em, và Ngài tiếp tục nhập thể nơi mỗi người Kitô hữu hôm nay. Ngài cần đến đôi tay chúng ta để phục vụ. Ngài cần đến môi miệng chúng ta để nói lời an ủi khuyến khích. Ngài cần đến trí hiểu và con tim chúng ta để sống tình liên đới yêu thương. Ngài cần đến đôi chân chúng ta để đến với mọi người.
Laudetur Christus Rex in saecula saeculorum.
Ngợi khen Chúa Kitô Vua đến muôn thuở muôn đời.
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
LÀM CHO CHÍNH TA VẬY
Một số vị vua thời xưa, vì muốn biết đời sống thực tế của dân
nên đã vi hành, nghĩa là cải trang làm thường dân,
bí mật ra khỏi cung vua, không cho ai biết.
Vua cố tình che giấu thân phận thật sự của mình,
vì muốn mắt thấy tai nghe những gì đang diễn ra trong nước,
nhờ đó vua biết được dân tình, và lãnh đạo sao cho hợp ý dân.
Vi hành thường là hành vi của một vị minh quân.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta hình ảnh một vị vua.
Đây không phải là một vị vua trần thế,
mà là Vua Giêsu trong ngày Ngài trở lại
ngự trên ngai vinh hiển, bừng tỏa ánh vinh quang,
có tất cả thiên sứ của Ngài theo sau hầu cận.
Muôn dân thiên hạ đông vô kể được tập hợp trước nhan Ngài.
Vua Giêsu sẽ là Đấng tuyên bố về số phận đời đời của họ.
Ngài tách biệt mọi người thành hai nhóm, đứng hai bên tả hữu.
Nhóm bên hữu được gọi là “những kẻ được Cha Ta chúc phúc.”
Nhóm này được mời đến thừa hưởng Nước Trời.
Còn nhóm bên tả là “những kẻ bị nguyền rủa.”
Họ sẽ phải chịu cực hình muôn kiếp với Satan.
Bởi đâu có sự khác biệt kinh khủng này nơi hai nhóm ?
Vua Giêsu lấy tiêu chuẩn nào để phân loại đôi bên ?
Biết được tiêu chuẩn này, chúng ta hy vọng được ơn cứu độ.
Có sáu việc bác ái được Vua Giêsu kể tới bốn lần:
Cho người đói ăn, người khát uống, người trần trụi áo che thân,
tiếp khách lỡ đường, thăm nom bệnh nhân, đến với tù nhân.
Một người được thưởng hay bị luận phạt
tùy theo người ấy làm hay không làm những việc ấy cho tha nhân.
Tha nhân ở đây là những kẻ thiếu thốn cả hồn lẫn xác.
Họ không chỉ cần cơm áo mà còn cần một mái nhà,
cần được an ủi, đỡ nâng, cần được lắng nghe, thăm hỏi.
Bất cứ ai dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm về mình,
đối xử với người khác như một phần của chính mình,
người ấy đã giữ được điều răn thứ hai mà Đức Giêsu nói đến.
Nhưng nét độc đáo và lý thú của bài Tin Mừng hôm nay
lại nằm ở chỗ Đức Giêsu đưa ra một khẳng định bất ngờ.
Đó là: những kẻ đói khát, rách rưới, vô gia cư, yếu đau,
thậm chí cả những kẻ bị giam cầm tù tội,
đều là hiện thân của chính Ngài, là sự hiện diện của Ngài.
Ai giúp họ là giúp Ngài, ai từ chối họ là từ chối Ngài.
Mà ai từ chối Ngài sẽ bị Cha Ngài không nhận vào Vương quốc.
Chúng ta thường quen với hình ảnh một Thiên Chúa oai phong,
một Thiên Chúa giàu sang, luôn là Đấng ban phát dư dật.
Chúng ta không quen với hình ảnh một Thiên Chúa ngửa tay xin,
Một Thiên Chúa xấu xí vì túng nghèo, vì bệnh tật, vì vấp váp.
Vua Giêsu nhận mình chính là đấng Emmanuel lạ lùng.
Ngài chẳng những ở với chúng ta,
mà còn ở nơi những anh chị em bất hạnh, thiếu may mắn.
Như thế Ngài vẫn ở quanh ta, ở gần ta đến nỗi ta có thế chạm được.
Lúc nào ta cũng có thể tiếp xúc với Ngài: nuôi sống Ngài qua ngày,
cho Ngài trú ngụ trong nhà mình, thăm ngài ở nhà tù, nhà thương.
Ngài không chỉ là Đấng ban ơn trong nhà thờ,
mà còn là Đấng đang xin ta trợ giúp ngoài nhà thờ.
Vào ngày tận thế, hy vọng chúng ta không bị sững sờ mà nói:
“Lạy Chúa, có bao giờ con thấy Chúa đói khát, lỡ đường, bệnh tật…”
Vua Giêsu quyền năng đã đồng hóa mình với những người yếu,
mà Ngài gọi là “những anh em bé mọn nhất này của Ta đây.”
Ngài không vi hành, giả trang thường dân như các vị vua ngày xưa.
vì Ngài hiện diện thật sự nơi từng người bị xã hội coi thường.
Chúng ta phải có khả năng thấy được sự hiện diện khó nghèo ấy.
Chúng ta sẽ bị xét xử không phải vì đã làm điều xấu xa,
Nhưng vì tội thiếu sót, không làm điều tốt có thể làm cho tha nhân.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa,
Xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hàng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,
công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta.”
Thánh Têrêsa Calcutta
5. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Hôm đó là thứ Hai 17/11/2008, chúng tôi được các anh chị em công tác xã hội mời đi thăm các em mồ côi ở trung tâm nhân đạo Quê Hương tọa lạc ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Chúng tôi đến trung tâm vào lúc 16h15, và được gặp chị H.T.H tiếp đón, chị là người sáng lập và là giám đốc của trung tâm. Chị xuất thân từ một trẻ mồ côi, bụi đời, cuộc đời trải dài bao tủi nhục khốn khó. Chính trong kinh nghiệm đau thương đó, đã nuôi dưỡng tấm lòng nhân ái của chị.
Trung tâm có 300 em mồ côi. Khi chị hướng dẫn chúng tôi vào thăm các em, các em ùa vào rối rít gọi chị là mẹ, còn chị bế em này, nâng em kia, tay lau sàn nhà cho sạch vì có vài em vừa làm vương vãi đất trên sàn.
Ban đầu là người xuất thân không có niềm tin tôn giáo, chị đã đến với lòng từ bi của Đức Phật. Nhưng tiếng gọi từ tình yêu của Thiên Chúa vang dội trong tâm trí chị và chị đã bước theo tiếng gọi tình yêu đó khi tìm hiểu và được rửa tội trong đức tin Kitô giáo.
Chị dấn thân trong tình yêu nơi các trẻ em bị bỏ rơi như chị đã viết bài cảm nhận vào chính ngày chúng tôi viếng thăm trung tâm: “Với riêng Quê Hương (chị nói với mình), những cánh chim hy vọng đã dẫn lối đưa những đứa con thiếu tình thương và niềm tin yêu đuối trở về ngôi nhà thiêng liêng đầy lòng nhân hậu của Thiên Chúa toàn năng”.
Suy niệm
Đấng phán xét đến trong uy quyền như “Con Người”, nhân vật huyền bí của các sách Khải Huyền của Do Thái (như trong Đaniel 7) ngự đến thi hành phán xét “các dân thiên hạ”, việc đặc quyền này chỉ thuộc về Thiên Chúa. Việc phán xét còn được mang hình ảnh như “mục tử” mà ngôn sứ Êdêkien loan báo: Người đến thi hành việc phân lựa, Người sẽ tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên với dê (x. Ed 34,17), như Chúa Giêsu nhấn mạnh: Chiên thì đặt bên phải, dê thì đặt bên trái.
Vua ngự đến, triệu tập tất cả trong cuộc gặp gỡ tối hậu. Ngài sẽ xét xử và đưa các công dân xứng đáng vào vương quốc Cánh Chung. Chỉ những ai tin vào Đức Giêsu thì sẽ được cứu độ (x. Cv 16,31; Rm 10,9; 10,13), và người ta được nên công chính là nhờ đức tin (x. Rm 1,17; 3,22.26.30; 9,30; 10,4) chứ không phải nhờ việc làm (x. Rm 3,28; 9,32; Gl 2,16; 3,11). Ai tin, yêu và giữ lời của Ngài thì được cứu: Đó là chu toàn Luật Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu đã nhấn mạnh trong giới răn trọng nhất: Giới răn yêu thương. Đức Vua Kitô đến xét xử theo lòng nhân ái của mọi người. Ngài đến phân rẽ nhân loại thành hai: Bên tả bao gồm những người sống không yêu thương, còn bên hữu là những người sống trọn bác ái yêu thương (x. Mt. 25,31-46).
Chính trong yêu thương Vua Kitô trở nên như những kẻ bần cùng, thực sự chịu đau khổ như mọi người phải chịu, Ngài trở nên một với họ. Chính vì lẽ đó, Ngài hé mở bí nhiệm tình yêu này: “Ta đói... khát... ốm đau... là khách lạ”, cho nên ai tiếp đón hay không tiếp đón anh em cùng khổ là tiếp đón hay không tiếp đón chính Ngài.
Hôm nay, trên dương thế con người cũng đang hướng về vương quốc Tình Yêu, nước Trời, nơi mà Vua Kitô sẽ đến, chúng ta mang tâm tình của Bossuet: “Chúng ta hãy bắt đầu kể từ cuộc sống này với những gì mà chúng ta làm trong sự vĩnh cửu. Hãy bắt đầu cởi bỏ những ham muốn bất xứng và sống theo phần thánh thiêng bất diệt thuộc về Thiên Chúa đang hiện diện trong chúng ta”. Thánh thiêng trong chúng ta là nếp sống yêu thương, sẻ chia. Thánh thiêng là sống trên trần thế, chúng ta luôn tâm niệm như Chateaubriand, thi sĩ nổi tiếng người Pháp:
“Ôi lạy Chúa, trên trần gian các dân tộc xâu xé, các vua chúa sụp đổ, chỉ có mình Ngài mới trường tồn bất biến. Không một thế lực nào có thể lật đổ ngai tòa của Ngài”.
Ý lực sống
“Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm” (Rm 2,6; Kh 2,23).
6. Suy niệm (song ngữ)
Solemnity of Christ the King
Reading I: Ezekiel 34:11-12,15-17
Reading II: 1 Corinthians 15:20-26,28
Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ
Bài Đọc I: Êdêkien 34,11-12.15-17
Bài Đọc II: 1 Côrintô 15,20-26.28
Gospel: Matthew 25:31-46
31 “When the Son of man comes in his glory, and all the angels with him, then he will sit on his glorious throne.
32 Before him will be gathered all the nations, and he will separate them one from another as a shepherd separates the sheep from the goats,
33 and he will place the sheep at his right hand, but the goats at the left.
34 Then the King will say to those at his right hand, 'Come, O blessed of my Father, inherit the kingdom prepared for you from the foundation of the world;
35 for I was hungry and you gave me food, I was thirsty and you gave me drink, I was a stranger and you welcomed me,
36 I was naked and you clothed me, I was sick and you visited me, I was in prison and you came to me.'
37 Then the righteous will answer him, 'Lord, when did we see thee hungry and feed thee, or thirsty and give thee drink ?
38 And when did we see thee a stranger and welcome thee, or naked and clothe thee ?
39 And when did we see thee sick or in prison and visit thee ?'
40 And the King will answer them, 'Truly, I say to you, as you did it to one of the least of these my brethren, you did it to me.'
41 Then he will say to those at his left hand, 'Depart from me, you cursed, into the eternal fire prepared for the devil and his angels;
42 for I was hungry and you gave me no food, I was thirsty and you gave me no drink,
43 I was a stranger and you did not welcome me, naked and you did not clothe me, sick and in prison and you did not visit me.'
44 Then they also will answer, 'Lord, when did we see thee hungry or thirsty or a stranger or naked or sick or in prison, and did not minister to thee ?'
45 Then he will answer them, 'Truly, I say to you, as you did it not to one of the least of these, you did it not to me.'
46 And they will go away into eternal punishment, but the righteous into eternal life.”
Phúc âm: Matthêu 25,31-46
31 Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người.
32 Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.
33 Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.
34 Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho cá ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.
35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;
36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm”
37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống;
38 có bao giờ thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc
39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu ?
40 Để đáp lại, Đức Vua sẽ bảo họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”
41 Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỵ và các sứ thần của nó.
42 Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống;
43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom”.
44 Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu ?
45 Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”.
46 Thế là họ sẽ ra đi, bọn này để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính, để hưởng sự sống muôn đời”.
Interesting details
- This eschatological discourse (chaps 24-25) is one of the five major Jesus' speeches that Matthew has presented in his gospel. This discourse concerns the events surrounding the future coming of the Kingdom of God (eschatology is from the Greek word Eschaton which means the end). The other four major discourses are: the Sermon of the Mount (chaps 5-7), the missionary discourse (chap 10), the parables discourse (chap 13), and the sermon on the congregation (chap 18).
- This periscope is often called the parable of the sheep and goats. The judgment is presented in a direct and straightforward way.
- The story of the sheep and goats is taken from the Palestinian life. During the day, the two animals are all mixed up. However at night the shepherd has to separate them because the goats need shelter from the cold while the sheep can stay outside all night. A good shepherd knows exactly which part of his flock are sheeps and which are goats, the separation process can imply a judgment act.
- “All the nations” (v.32) and “the least brothers of mine” (vv.40,45) are usually interpreted as all humanity and all people in distress of some kind, respectively. However with Matthew and his community, the interpretation of the story may be different. Matthew usually uses “all the nations” or “nations” to refer to people other than Israel (Collegeville Bible Commentary) and “brothers” to refer to the disciples (Fuller).
- The three basic human needs are food, shelter, and freedom. Jesus identifies himself with the hungry, the thirsty, the sick, and the imprisoned ones.
Chi tiết hay
- Bài giảng về ngày cánh chung là một trong năm bài giảng lớn của Chúa Giêsu trong Phúc Âm thánh Mát-thêu. Bài này nói lên sự quang lâm của Đức Kitô trong ngày sau hết. Bốn bài khác là bài giảng trên núi (chương 5-7), bài giảng về sứ mệnh truyền giáo, bài giảng bằng dụ ngôn, và bài giảng về Giáo Hội.
- Bài này thường được gọi là dụ ngôn chiên và dê. Đây là sự mô tả trung thực, rõ ràng, và mạnh mẻ về một biến cố tương lai sẽ xẩy ra, ngày phán xét chung.
- Hình ảnh chiên và dê được rút tỉa từ đời sống Pa-lét-tin. Ban ngày, chiên và dê được nuôi chung. Ban đêm, người chăn tách biệt chiên và dê ra, vì dê cần được trú ẩn trong nhà để tránh bị lạnh. Còn chiên, trái lại, có thể ở ngoài trời suốt đêm. Sự tách biệt này ngụ ý về sự phán xét.
- “Tất cả mọi quốc gia dân tộc” (c.32) ý nói toàn nhân loại. “Người anh em bé nhỏ nhất của ta” (cc.40-45) ý nói những người nghèo khổ và khốn khó. Tuy nhiên, Mát-thêu và cộng đoàn của ngài có thể dùng lối diển dịch khác hơn. Ngài thường dùng từ ngữ “dân tộc” để chỉ Do Thái và dân nước này (theo Collegeville Bible Commentary) và “người anh em” để chỉ các tông đồ (theo Fuller).
- Ba nhu cầu căn bản của đời sống con người là thực phẩm, gia cư, và sự tự do (cc.35-36). Chúa Giêsu tự đồng hóa mình với người nghèo đói, đau ốm, và tù đày.
One main point
On the judgment day, Christ will reign as the King who will judge all humanity according to the acts of kindness done to the poor and the suffering.
Một điểm chính
Trong ngày chung thẩm, Đức Kitô sẽ phán xét tất cả nhân loại chiếu theo hành động bác ái của họ đối với mọi người.
Reflections
- If today is the judgment day, what does Jesus say to me ? What are my reactions to His judgment ?
- How am I aware of Christ's presence in others ?
- How sensitive am I to other people's need ? What are the common excuses do I use to keep me from seeing the needs of others and helping others ?
- Reflect on Christ's words in today's gospel and think of a process that will help me to serve Christ in others.
- What are your plans for your faith to work through love ?
Suy niệm
- Nếu hôm nay là ngày phán xét, Chúa sẽ nói với tôi như thế nào ?
- Tôi nhận biết Chúa ở người anh em như thế nào ?
- Tôi nhạy cảm thế nào trước nhu cầu của tha nhân ?
- Hãy nghĩ về lời Chúa hôm nay và nghĩ ra một cách hữu hiệu để giúp đỡ tha nhân.
- Lời khuyên quan trọng nhất của đạo Công Giáo là yêu thương. Tôi dự trù làm gì để chứng tỏ đức tin phải được thể hiện qua tình thương ?
bài liên quan mới nhất
- Thứ Năm tuần 24 Thường niên năm II - Sức mạnh của tình yêu (Lc 7,36-50)
-
Thứ Tư tuần 24 Thường niên năm II (Lc 7,31-35) -
Thứ Ba tuần 24 Thường niên năm II (Lc 7,11-17) -
Thứ Hai tuần 24 Thường niên năm II (Lc 7, 1-10) -
Chúa nhật 24 Thường niên năm B - Đức Kitô là ai đối với tôi? (Mc 8,27-35) -
Ngày 14/09: Suy tôn Thánh giá, lễ kính (Ga 3,13-17) -
Thứ Sáu tuần 23 Thường niên năm II (Lc 6,39-42) -
Thứ Năm tuần 23 Thường niên năm II - Yêu thương không tính toán (Lc 6,27-38) -
Thứ Tư tuần 23 Thường niên năm II (Lc 6,20-26) -
Thứ Ba tuần 23 Thường niên năm II (Lc 6,12-19)
bài liên quan đọc nhiều
- Mùng 2 Tết: Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ (Mt 15,1-6)
-
Thứ Năm Tuần Thánh (Ga 13,1-15) -
Thứ Sáu Tuần Thánh - Thương khó (Ga 18,1-19,42) -
Thứ Tư Lễ Tro - Giữ chay và kiêng thịt (Mt 6,1-6.16-18) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Chúa nhật 2 Phục sinh - Bình an cho anh em (Ga 20,19-31) -
Mùng 1 Tết: Cầu bình an trong năm mới (Mt 6,25-34) -
Thứ Ba tuần 5 Phục sinh - Bình an Chúa ban (Ga 14,27-31a) -
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27)