Chúa nhật 23 Thường niên năm A (Mt 18,15-20)

Chúa nhật 23 Thường niên năm A (Mt 18,15-20)

Chúa nhật 23 Thường niên năm A (Mt 18,15-20)

“Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh.
Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại”. (Mt 18,17)

BÀI ĐỌC I: Ed 33, 7-9

“Nếu ngươi không chịu nói cho kẻ gian ác, thì Ta đòi máu nó bởi tay ngươi”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Đây Chúa phán: “Hỡi con người, Ta đã làm cho ngươi trở nên người lính canh nhà Israel: vậy khi nghe lời miệng Ta nói, ngươi hãy loan báo cho chúng thay Ta. Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: ‘Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết’; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Đáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng” (x. c. 8).

Xướng:

1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người! - Đáp.

2) Hãy tiến liên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Đáp.

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 13, 8-10

“Yêu thương là chu toàn cả lề luật”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật. Đó là: “Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham”, và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: “Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình”. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mt 18, 15-20

15 “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. 16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. 18 “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. 19 “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. 20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”


Bài giảng của linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân

 

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 23 Thường niên năm A

WHĐ -- Ban Biên tập WHĐ xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014

Số 2055: Mười Điều Răn tóm lại trong một giới răn là yêu thương

2055. Khi người ta đặt cho Người câu hỏi: “Điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (Mt 22,36), Chúa Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi: đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Lề Luật và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,37-40)[1]. Mười Điều Răn phải được giải thích dưới ánh sáng của điều răn, tuy hai nhưng là một, là đức mến, đó là sự viên mãn của Lề Luật:

“Các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại, yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13, 9-10).

 

Số 1443-1445: Việc giao hoà với Hội Thánh

1443. Trong đời sống công khai của Người, Chúa Giêsu không những đã tha tội, mà còn biểu lộ hiệu quả của việc tha tội này: Người đã đưa các tội nhân được tha thứ về lại với cộng đoàn dân Thiên Chúa, cộng đoàn mà tội lỗi đã khiến họ phải xa lìa, hay thậm chí khiến họ bị loại trừ. Một dấu chỉ tỏ tường của việc này là, Chúa Giêsu đã đón nhận các tội nhân vào bàn tiệc của Người, hơn nữa, chính Người ngồi đồng bàn với họ, cử chỉ này, một cách hùng hồn, vừa diễn tả ơn tha thứ của Thiên Chúa[2] và đồng thời, vừa nói lên sự trở về giữa lòng dân Thiên Chúa[3].

1444. Khi Chúa ban cho các Tông Đồ được tham dự vào quyền riêng của Người là quyền tha tội, Người cũng ban cho họ quyền giao hoà các tội nhân với Hội Thánh. Chiều kích giáo hội của nhiệm vụ này của các Tông Đồ được diễn tả cách đặc biệt trong những lời long trọng Đức Kitô nói với ông Phêrô: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,19). “Nhiệm vụ cầm buộc và tháo cởi, đã được ban cho thánh Phêrô, cũng được ban cho tập thể các Tông Đồ, kết hợp với vị thủ lãnh của mình (x. Mt 18,18; 28,16-20)”[4].

1445. Các thuật ngữ cầm buộc  tháo cởi có nghĩa là: ai bị anh em loại ra khỏi sự hiệp thông với anh em, thì người ấy cũng bị loại ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa; ai được anh em đón nhận lại vào sự hiệp thông với anh em, thì Thiên Chúa cũng đón nhận lại người ấy vào sự hiệp thông với Ngài. Việc giao hoà với Hội Thánh không thể tách biệt khỏi sự giao hoà với Thiên Chúa.

 

Số 2842-2845: "Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con"

2842. Từ “như” ở đây không phải là trường hợp duy nhất trong giáo huấn của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48); “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36); “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Chúng ta không thể tuân giữ điều răn của Chúa, nếu chỉ bắt chước mẫu gương của Chúa theo dáng vẻ bên ngoài. Vấn đề ở đây là phải tham dự một cách sống động và “tận đáy lòng” vào sự thánh thiện, vào lòng thương xót, vào tình yêu của Thiên Chúa chúng ta. Chỉ có Thần Khí, “nhờ Ngài mà chúng ta sống” (Gl 5,25), mới có thể làm cho chúng ta có được những tâm tình như Đức Kitô Giêsu đã có[5]. Lúc đó hai việc tha thứ có thể trở nên một, nghĩa là, “biết tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,32).

2843. Như thế, những lời Chúa dạy về tha thứ, nghĩa là về thứ tình yêu “yêu đến tận cùng của tình yêu”[6] là một thực tại sống động. Dụ ngôn về người đầy tớ không biết thương xót, kết thúc giáo huấn của Chúa về cộng đoàn giáo hội[7], được kết thúc bằng lời này: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Thật vậy, ở đó, ở “tận đáy lòng”, mà mọi sự bị cầm buộc hay được tháo cởi. Việc không cảm thấy hay quên đi sự xúc phạm không tuỳ thuộc khả năng chúng ta; nhưng một khi trái tim biết tự hiến cho Chúa Thánh Thần sẽ biết biến đổi thương đau thành lòng thương xót, và thanh luyện ký ức bằng cách biến đổi sự xúc phạm thành lời chuyển cầu.

2844. Kinh nguyện Kitô giáo đi đến chỗ tha thứ cho kẻ thù[8]. Lời cầu nguyện biến đổi người môn đệ bằng cách làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Thầy của mình. Tha thứ là một tột đỉnh của kinh nguyện Kitô giáo; chỉ trái tim nào hoà điệu với lòng trắc ẩn của Chúa mới có thể đón nhận hồng ân cầu nguyện. Tha thứ còn minh chứng rằng, trong thế giới này, tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Các vị tử đạo, trong quá khứ cũng như hiện tại, đều làm chứng cho Chúa Giêsu về điều này. Tha thứ là điều kiện căn bản cho sự hòa giải giữa con cái Thiên Chúa với Cha của họ[9] và giữa con người với nhau[10].

2845. Việc tha thứ tự bản chất mang tính thần linh này không có giới hạn cũng như mức độ[11]. Nếu đề cập đến “những xúc phạm” (là “tội” theo Lc 11,4 hoặc “nợ” theo Mt 6,12), thì thật sự mọi người chúng ta luôn luôn là những kẻ mắc nợ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8). Sự hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh là nguồn mạch và quy luật chân lý của bất cứ tương quan nào[12]. Chúng ta phải sống sự hiệp thông đó trong cầu nguyện, đặc biệt là trong bí tích Thánh Thể[13]:

“Thiên Chúa không nhận tế phẩm của những kẻ gây bất hoà, và Ngài truyền họ hãy rời bỏ bàn thờ, và đi làm hoà với anh em trước đã, ngõ hầu có thể giao hoà với Thiên Chúa bằng những lời nài xin an bình. Hy lễ đẹp lòng Chúa hơn cả là sự bình an của chúng ta, sự hoà thuận, tình đoàn kết của đoàn dân trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[14].

 

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật 23 Thường niên năm A:

Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 23 Thường niên năm A.

 

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Việc sửa lỗi đặt nền tảng trên đức ái, nhằm cứu vãn và xây dựng hơn là để trừng phạt. Vì thế, Chúa muốn phương thức phải được sử dụng nhằm đưa tội nhân trở về với Thiên Chúa. Ðó chính là tình yêu đích thực, là sự hiệp thông mà Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết bao dung với anh chị em khi họ có lỗi với chúng con. Xin cho chúng con biết dùng tình thương để cảm hóa. trong ý thức: mỗi người chúng con đều là tội nhân, xin cho chúng con biết cảm thông và yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con, để giúp anh chị em chúng con sống tốt hơn. Còn khi chúng con trót lỗi lầm, xin cho chúng con can đảm chạy đến với Chúa, đến với anh em để xin ơn tha thứ. Amen.

Ghi nhớ: “Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.

 

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Chúa Giêsu dạy hai điều về nếp sống cộng đoàn:

1. Khi có người trong cộng đoàn lỗi phạm, hãy sửa dạy cách kiên nhẫn qua nhiều giai đoạn: gặp riêng, nhờ một ít người nữa cùng mình đi thuyết phục, trình kẻ có thẩm quyền. Khi tất cả mọi cố gắng đều vô ích thì mới kể người đó không là thành phần của cộng đoàn nữa.

2. Cộng đoàn cần tụ họp cầu nguyện chung với nhau, “vì đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa những người ấy”.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Để mất một phần tử của cộng đoàn là một nỗi đau rất lớn. Bởi đó Chúa Giêsu dạy chúng ta phải kiên nhẫn giúp những phần tử lỗi lầm hoán cải. Nhiều khi cách giải quyết của chúng ta không theo đủ những bước Chúa dạy nên mới đánh mất những người anh chị em.

2. Chúa dạy những người trong cộng đoàn phải “hiệp lời cầu xin”. Hiệp lời cầu xin là cầu xin chung với nhau, cầu xin những điều chung của cộng đoàn. Chúa nói khi chúng ta hiệp lời cầu xin thì có Chúa ở giữa. Như thế những lúc cầu nguyện chung là những giây phút rất êm đềm hạnh phúc.

3. Tôi rất vui khi một anh sinh viên đến kể: “Chúa nhựt vừa rồi khi giảng Cha đã bảo thỉnh thoảng nên đọc kinh lần chuỗi chung với nhau. Xưa nay mỗi tối con đọc kinh riêng một mình. Thằng em con thì rất nguội lạnh ít khi đọc. Tối Chúa nhựt ấy con rủ nó cùng con lần chuỗi. Hai anh em chỉ lần có hai chục thôi. Nhưng chúng con thấy rất sốt sắng. Hôm sau chúng con rủ thêm mấy thằng bạn nhà bên cạnh nữa.” Tôi không ngờ một lời khuyên nhỏ như thế mà lại sinh một kết quả to lớn như thế. Nhưng không phải, không phải nhờ lời khuyên của tôi, mà nhờ Thiên Chúa ở giữa những bạn trẻ ấy: “vì đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa những người ấy”.

4. Ngày kia một vị Giám mục đến thăm mục vụ một làng nọ. Dân chúng bày tỏ sự bất mãn của họ đối với một vị ẩn sĩ trên núi vì ông hiện đang chung sống với một phụ nữ. Sau khi nghe những lời kết án, vị Giám mục quyết định cùng dân làng leo lên núi. Thấy đám đông đến nơi mình ở, vị ẩn sĩ hoảng sợ bảo người phụ nữ trốn vào một chiếc thùng rỗng. Vị Giám mục là người thứ nhất bước vào trong lều. Ngài đưa mắt nhìn quanh và hiểu ngay sự kiện. Ngài bình thản đến ngồi trên chiếc thùng gỗ ấy và bảo dân làng vào lục soát. Nhưng không tìm thấy ai, dân làng đành ra về. Chờ cho mọi người đi hết, vị Giám mục nhìn sâu vào đôi mắt nhà ẩn sĩ và nói “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ linh hồn mình” (“Mỗi ngày một tin vui”)

5. Đã có bao nhiêu cuộc họp mặt, bao nhiêu khối óc họp lại nhân danh công lý hòa bình, nhân danh quyền lợi tập thể, thậm chí nhân danh Đấng Tạo Hóa, để làm những điều đồi bại.

Nhân danh – đó là mỹ từ vẫn thường bị lạm dụng để che đậy, biện hộ cho các tôi ích kỷ, những ý đồ xấu xa, những mục đích đen tối.

Tôi cũng từng nhân danh Chúa để chỉ trích, lên án người này người kia. Nhân danh công tác nhà thờ để trốn tránh bổn phận và trách nhiệm bản thân.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhân danh Chúa để sống trong sự thật, trong yêu thương. Xin cho tất cả những thao tác, nỗ lực và công việc của con chỉ nhằm vinh danh Chúa. (Hosanna)

6. ”Thầy bảo thật anh em: Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.” (Mt 18,19)

Tôi không thể ngờ được, người bạn thân nhất của tôi lại có thể hiểu lầm tôi. Thật khó có thể trở lại làm bạn như cũ ! Và tôi cùng nó đến nhà thờ... Vị chủ tế nói: “Chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện cho hai người luôn gắn bó bên nhau...”

Quay qua nó tôi nói:

- Bạn hãy cùng tôi cầu nguyện cho chúng ta và cho mọi người !

Bây giờ tôi và nó càng thắm thiết hơn xưa.

Lạy Cha, xin cho chúng con biết đồng tâm nhất trí với nhau trong kinh nguyện, để Cha chúc phúc và nâng đỡ chúng con hôm nay và mãi mãi. (Hosanna)

7. “Khi nào hai ba người họp nhau nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy với họ” (Mt 18,20)

George Anderson là tuyên uý trại giam New York’s Riker’s Island. Một đêm, ông đang cầu nguyện với một nhóm tù nhân theo câu chuyện “Người Samaria nhân hậu” thì có một tù nhân bị bệnh thần kinh tên là Richard lần đầu tiên đến tham dự. Căn phòng rất lạnh. Richard quấn 2 chiếc mền. Người bạn tù trước mặt Richard thì run lập cập. Tới lúc mọi người im lặng cầu nguyện thì đột ngột Richard đứng lên bước về phía người đang run, và lấy chiếc mền quấn cho anh ta.

Hành động trong im lặng này của Richard đã làm chứng không chỉ cho những lời Chúa Giêsu dạy chùng ta yêu thương nhau, mà còn cho sự hiện diện của Ngài giữa chúng ta khi chúng ta họp nhau lại trong danh Ngài. (Mark Link, Vision 2000).

 

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

VIỆC SỬA LỖI TRONG CỘNG ĐOÀN

A. DẪN NHẬP                                                  +++

    Có ai trong chúng ta dám cho mình là người thập toàn không? Những người có lương tri chắc không ai dám khẳng định như thế, vì đặc tính này chỉ dành riêng cho Thiên Chúa là Đấng thánh thiện tuyệt đối. Ý thức về thân phận thực tế của con người, Elbert Hubbard đã phát biểu rất xác đáng: “Người nào cũng là kẻ chí ngu ít ra trong năm phút mỗi ngày. Bậc thánh hiền là kẻ cố gắng và thành công trong sự không để cái ngu của mình vượt qua thời hạn ấy”. Như vậy, sai lỗi và lầm lỗi là một thực trạng của con người trong xã hội, trong cộng đoàn. Và nếu đã sai lỗi thì cần phải được sửa lỗi để trở nên tốt hơn.

   Thực ra, sửa lỗi cho nhau là một trách nhiệm của mỗi người trong cộng đoàn, chứ không phải là một công việc tùy ý hay chỉ dành cho những ai có thẩm quyền. Bởi vì lỗi lầm của cá nhân ảnh hưởng tai hại đến đời sống chung và gây sứt mẻ tình đoàn kết giữa các thành phần. Hơn nữa, một cộng đoàn không bao giờ gồm toàn những người tốt lành thánh thiện cả, trái lại, vẫn còn những phần tử bất hảo, cố chấp, lầm lạc. Vậy phải đối xử thế nào đối với những người có lỗi?

    Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói lên nhu cầu phải sửa lỗi cho nhau theo ba bước: từ sửa lỗi giữa hai người, tới việc cần có 2, 3 người làm chứng, và sau cùng đưa người ấy ra trước mặt Hội thánh. Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người ta phải giữ tinh thần bác ái huynh đệ, mục đích giúp người có lỗi ý thức về sai lầm của mình mà sửa đổi. Thái độ trong khi sửa lỗi là luôn phải yêu thương, kính trọng và cầu nguyện cho họ.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+  Bài đọc 1: Ez 33,7-9

    Ezéchiel được chọn làm tiên tri. Vai trò của tiên tri là phải tuyên sấm Lời Chúa. Tiên tri có trách nhiệm mang đến cho loài người sứ điệp của Chúa và để báo cho con người sự nguy hiểm, nếu họ không tuân lệnh Chúa. Nếu tiên tri nói với kẻ gian ác mà nó không nghe, thì nó phải chịu trách nhiệm về tội của nó. Còn nếu tiên tri không chịu vạch tội và kẻ gian ác phải chết, thì tiên tri phải chịu trách nhiệm về cái chết đó. Như vậy, tiên tri được coi như người lính gác phải luôn thức tỉnh, để nhắc nhở kẻ có tội để họ khỏi phải hư đi.

+  Bài đọc 2: Rm 43,8-10

    Thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma nhắc lại lời Chúa Giêsu trả lời cho người biệt phái muốn biết điều răn nào trọng nhất: điều răn thứ nhất và quan trọng nhất là mến Chúa trên hết và điều răn thứ hai cũng giống như vậy là thương yêu anh em như chính mình. Tất cả những giới răn chỉ gồm lại trong một điều: thương yêu người anh em. Thánh Phaolô tóm tắt lại: Yêu thương là chu toàn cả lề luật.

+  Bài Tin mừng: Mt 18,15-20

    Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến mối tương quan giữa mọi người trong cộng đoàn. Một trong những mối tương quan đó là sửa lỗi cho nhau. Khi một người phạm lỗi thì đều liên quan đến cộng đoàn. Vì vậy, với tinh thần anh em trong cộng đoàn ta phải sửa lỗi cho họ trong tinh thần yêu thương và kính trọng. Diễn tiến việc sửa lỗi này là tiệm tiến, phải đi từ kín đáo đến công khai:

  - Riêng ngươi với nó: giữa hai người.

  - Đem theo một hay hai người làm chứng.

  - Kể nó như người ngoại hay thu thuế.

    Tuy nhiên, thánh Mátthêu ghi tiếp sau đoạn này (Mt 18,21-35) là có lỗi giữa hai cá nhân với nhau. Trong trường hợp này thì giải pháp hay nhất là tha thứ.

    Mục đích của việc sửa lỗi này không phải nhằm lên án người có tội mà là thức tỉnh họ, giúp họ trở về với cộng đoàn. Cả hai trường hợp cần có sự cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ, nhất là việc cầu nguyện chung trong cộng đoàn.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Hãy sửa lỗi cho nhau

I. MỌI NGƯỜI ĐỀU SAI LỖI

1. Lời khẳng định

    Người ta thường nói: “Nhân vô thập toàn”: Không ai dám bảo mình là không có lỗi, không có những sai phạm trong đời sống thường ngày. Thánh nhân cũng phải nhận là người có lỗi. Chính vì vậy mà ông Elbert Hubbard đã nói: “Người nào cũng là kẻ chí ngu ít ra trong năm phút mỗi ngày. Bậc thánh nhân là kẻ cố gắng và thành công trong sự không để cái ngu của mình vượt qua thời hạn ấy”.

    Thánh Gioan tông đồ khẳng định: “Ai nói mình không có tội, đó là kẻ nói dối và sự thật không ở trong họ” (Ga 1Ga 1,10). Thánh Phaolô tông đồ cũng nói tương tự: “Tôi ăn ở như một người ngu, còn sự lầm lạc của tôi thì vô kể” (Ep 4,11).

2. Từ chối nhận lỗi

    Tuy biết mình có nhiều lỗi lầm nhưng không mấy khi thành thật nhận lỗi, bởi vì tính tự ái dâng cao khiến người ta chối bỏ lầm lỗi của mình, nhất là khi người ta nhắc đến những lỗi lầm ấy. Đây chính là chứng bệnh gia truyền, từ đời Nguyên tổ. Ông bà Nguyên tổ đã phản bội Chúa. Nhưng khi Ngài ngự đến hỏi ông, thì ông nói:

  - Lỗi là do bà ấy.

    Hỏi bà, bà nói:

  - Lỗi là do con rắn ấy.

    Ông cũng như bà, bà cũng như ông, không ai chịu nhận trách nhiệm cả.

    Phải chi ngay lúc bấy giờ, hai ông bà biết uốn đầu gối xuống đất, có lẽ Thiên Chúa chưa hất đổ vườn địa đàng đi và nhân loại sẽ được thoát cảnh lầm than điêu đứng!

                                                Truyện: Không nhận lỗi

    Dale Carnegie nổi tiếng về những sách học làm người, đã viết: “Tôi đã phải phấn đấu gần một phần ba thế kỷ mới thấy được ánh sáng chân lý này: dù người ta có lỗi nặng đến đâu, thì trong 100 lần tới 99 lần người ta tự cho mình là vô tội”.

    Ông đã kể trường hợp về ba tên đầu đảng bọn cướp nổi tiếng nhất nước Mỹ: Crowley, Capone và Schultz:

    Crowley giết người như ngóe mà vẫn nói: “Dưới lớp áo này, trái tim ta đập chán ngán, nhưng thương người không muốn làm hại ai”.

    Capone đã tự tuyên bố: “Ta dùng những năm tươi đẹp nhất trong đời để mua vui cho thiên hạ. Vậy mà phần thưởng chỉ là bị chửi, bị săn bắt như thú dữ”.

    Schultz đã tự mãn khoe mình với ký giả: “Ta là ân nhân của thiên hạ” (Dale Carnegie, Đắc nhân tâm, tr 33-3).

II. NHU CẦU PHẢI SỬA LỖI

    Trước hết sự sửa lỗi cho nhau là một trách nhiệm của mỗi người trong cộng đoàn, chứ không phải là công việc tùy ý hay chỉ dành cho những ai có thẩm quyền. Bởi vì lầm lỗi của cá nhân ảnh hưởng tai hại đến đời sống chung và gây sứt mẻ tình đoàn kết liên đới giữa các thành phần. Hơn nữa, một cộng đoàn không bao giờ gồm toàn những người tốt lành thánh thiện cả, trái lại vẫn còn những phần tử bất hảo cố chấp, lầm lạc.

    Trong cách sửa lỗi người ta hay nói: “Yêu con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi” (Tục ngữ). Chúng ta nghĩ thế nào trong việc sửa lỗi theo câu tục ngữ này?

 * Cho roi: nghĩa là dùng hình phạt theo pháp luật.

    Trước những lỗi phạm, những tội ác, có nhiều hình phạt khác nhau như: phạt tiền, phạt lao động, cải tạo, khổ sai, bắt tù, tra tấn, tịch thu của cải, lưu đày biệt xứ hoặc tử hình như pháp luật vẫn làm.

  * Cho ngọt: nghĩa là dùng những biện pháp êm nhẹ, dụ dỗ, dẫn bảo, khen thưởng, ca tụng ngọt ngào hay nuông chiều buông thả như chủ trương của nhà giáo dục người Pháp, ông Jean Jacques Rousseau.

    Cả hai cách giáo dục đó: một đàng thái quá vì hạ nhục phẩm giá con người, một đàng bất cập vì buông xuôi theo khả năng dục vọng biến thành thứ vô giáo dục và nguy hơn nữa tăng bốc tính kiêu ngạo (Lm. Vũ Khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, năm A, tr 154-155)

    Việc sửa lỗi cho anh em là cần thiết nhưng lại là một vấn đề rất khó khăn và tế nhị:

  - Tế nhị về phía người được sửa lỗi.

  - Khó khăn về phía người sửa lỗi, muốn giúp người khác nên hoàn thiện.

    Người ta thường nói: “Thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng” (Tục ngữ). Không ai muốn người khác nhắc đến lỗi lầm của mình, nhưng dù sao cũng phải uống thuốc đắng cho đã tật, cho mình biết sửa lỗi lầm của mình. Kinh nghiệm cho hay: người đứng ra sửa lỗi rất ngại ngùng, một đàng vì người có lỗi không muốn nghe, một đàng chính người sửa lỗi người khác cũng cảm thấy e ngại, vì nhớ đến lời Chúa phán: “Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt anh đã”.

    Nhưng dù sao, Lời Chúa hôm nay xác định cách rõ ràng: sửa lỗi anh em là hành vi tích cực của đức bác ái, vì sửa lỗi anh em là để cho anh em được nên hoàn thiện hơn. Đối với người có trách nhiệm hay bề trên, thì sửa lỗi bề dưới còn là một điều cần thiết và là bổn phận nữa.

    Chúa khuyên chúng ta phải sửa lỗi cho nhau, vì đó là điều cần thiết cho đời sống cộng đoàn, nhưng chúng ta phải đề phòng, tránh thái quá cũng như bất cập. Trong việc sửa lỗi đó, chúng ta có hai thái độ trái ngược nhau:

 * Giây mình vào hết mọi công việc của người khác, tự phong mình làm cảnh sát, kiểm soát mọi công việc của người ta, làm cho người ta mất tự do.

 * Không quan tâm đến ai cả, một mình mình biết, một mình mình hay, sống chết mặc bay. Đây là thái độ lãnh đạm đối với mọi người, thái độ này cũng hàm chứa tính ích kỷ.

III. PHẢI SỬA LỖI NHƯ THẾ NÀO?

    Theo bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn việc sửa lỗi anh em phải trở thành một cuộc vận động tiệm tiến gồm có ba bước:

 * Bước 1: Giữa ngươi với nó (Mt 18,15). Bước một là nói chuyện riêng, kín đáo giữa một người anh em với một người anh em, mà anh có quyền mong đợi sự giúp đỡ ngược lại trong trường hợp chính anh ta lầm lỗi. Đó không phải là hạ nhục người tội lỗi, nhưng là giúp anh nhìn ra lỗi lầm.

    Một cuộc hòa giải thực sự luôn luôn đòi có một tiếp xúc cá nhân bằng cách nào đó. Giáo hội luôn ý thức về tầm quan trọng của tiếp xúc này. Chính vì thế, ở mọi thời, dù phép cáo giải có mặc hình thức nào đi nữa, vẫn luôn luôn dành chỗ cho một đối thoại cá nhân.

 * Bước 2: Nếu bước 1 không đem lại kết quả mong đợi, sẽ sang bước 2. Trong bước 2 này sẽ có 2 hoặc 3 nhân chứng, theo đề nghị của sách Đệ nhị luật (St 19,1) như đã được thực hành, dưới sự chứng giám của Phaolô, trong cộng đoàn tín hữu tại Côrintô (2Cr 13,1).

    Sự hiện diện của các nhân chứng bảo đảm cho tính khách quan, đồng thời đưa vào đó một yếu tố cộng đoàn, dù luôn luôn kín đáo.

 * Bước 3: Nếu vẫn không có kết quả, ta còn một phương thế cuối cùng: đưa ra trước Giáo hội: trình bầy sự việc trước cộng đoàn Giáo hội.

    Nếu tội nhân từ chối nghe Giáo hội, thì, theo như bài Tin mừng, “Ta hãy coi họ như người ngoại và người thu thuế”. Một công thức dứt khoát không phải là một khinh miệt hoặc kết án: Đức Giêsu đã trở nên “bạn bè với những người thu thuế” kia mà. Công thức ấy chỉ tuyên bố rằng: người tội lỗi tự loại mình ra khỏi cộng đoàn và Giáo hội chỉ chứng nhận sự tách lìa này, và sẵn sàng đón nhận lại người mà một ngày nào đó, hy vọng thế, sẽ được ơn thánh thay đổi, giải phóng (Fiches dominicales, năm A, tr 281-282).

IV. THÁI ĐỘ KHI SỬA LỖI

    Ông Henry Ford nói: “Đừng chỉ lo tìm lỗi lầm nhưng hãy tìm cách chữa trị”. Nói cách khác, sửa lỗi là một việc rất tế nhị và rất khó, làm sao cho người được sửa lỗi dễ dàng đón nhận sự sửa lỗi ấy? Chúng ta tạm đưa ra ba thái độ căn bản này:

1. Yêu thương

    Hãy bày tỏ lòng thương yêu họ. Hãy nghĩ rằng đây là một cách giúp đỡ anh em nên tốt hơn: đừng lên án, chỉ trích gay gắt, nhưng luôn tế nhị, dịu dàng. Tán dương ưu điểm của họ, và cho họ thấy việc sửa đổi lỗi lầm cũng dễ dàng thôi.

Truyện: Đức Giám mục đi kinh lý

    Trong quyển sách về truyền thống của các vị ẩn tu có thuật lại câu chuyện sau đây: Một hôm, khi Đức Giám mục A-mo-la đến thăm mục vụ một làng nọ, dân chúng đã bày tỏ với ngài lòng bất mãn tột độ của họ đối với một vị ẩn tu trên núi, vì ông ta đem theo một phụ nữ để chung sống. Vị ẩn tu này đã không ngớt là đối tượng để dân làng đàm tiếu, chỉ trích và lên án: “Hôm nay ngài đã đến đây thì ngài phải giải quyết dứt khoát tình trạng bê bối này gây nhiều gương xấu của vị ẩn sĩ trên núi kia”. Sau khi nghe những lời kết án gay gắt của dân làng, Đức Giám mục quyết định leo lên núi. Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt theo sau. Vị ẩn tu thấy đám đông kéo đến túp lều của mình thì hoảng sợ và bảo người phụ nữ chui vào trốn trong một chiếc thùng rỗng.

    Đức Giám mục là người đầu tiên đến túp lều và cũng là người đầu tiên bước chân vào. Ngài đưa mắt nhìn chung quanh và hiểu ngay tình hình. Ngài ung dung đi thẳng đến chiếc thùng gỗ và ngồi trên đó để nghỉ chân, rồi bình thản gọi dân làng vào và bảo: “Vào đây, anh chị em hãy vào và lục soát túp lều để tìm người phụ nữ”. Họ lăng xăng lục lọi, nhưng không tìm đâu ra bóng dáng người đàn bà. Khi ấy, Đức Giám mục mới nói: “Bây giờ anh chị em phải quỳ xuống xin lỗi Thiên Chúa, vì đã nói xấu vị ẩn tu này vô cớ”. Nhưng sau đó, khi mọi người đã kéo nhau xuống núi, Đức Giám mục tiến lại gần vị ẩn tu, nắm chặt hai bàn tay của ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào đôi mắt của ông và chậm rãi nói: “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy”.

2. Kính trọng

    Hãy kính trọng cách chân tình, luôn giữ thể diện cho họ, đừng chà đạp lòng tự ái của họ. Vì chính chúng ta cũng không hoàn hảo, cũng tội lỗi yếu đuối như bao người khác, nên khiêm tốn nhận mình cũng lỗi lầm. Hãy đặt câu hỏi cho họ, và kiên nhẫn lắng nghe, khích lệ họ sửa lỗi. Người đời xưa có những cách sửa lỗi rất tế nhị và sâu sắc.

                                                Truyện: Án Tử căn ngăn vua

    Vua Cảnh Công nước Tề, có một con ngựa quí, giao cho một người chăn nuôi. Con ngựa tự nhiên một hôm lăn ra chết. Vua giận lắm, cho là giết ngựa, sai quân cầm dao để phanh thây người nuôi ngựa. Án Tử ngồi chầu, thấy thế ngăn lại, hỏi nhà vua:

  - Vua Nghiêu, vua Thuấn xưa phanh người thì bắt đầu từ đâu trước?

    Cảnh Công ngơ ngác nhìn nói:

  - Thôi hãy buông ra, đem giam xuống ngục để rồi trị tội.

    Án Tử nói rằng:

  - Tên phạm này chưa biết rõ tội mà phải chịu chết, thì vẫn tưởng là oan. Tôi xin vì vua kể rõ tội nó, rồi hãy bỏ ngục.

    Vua nói:

  - Phải.

    Án Tử kể tội rằng: “Nhà ngươi có ba tội đáng chết. Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết là tội đáng chết. Lại để chết con ngựa rất quí của vua, là hai tội đáng chết. Để vua mang tiếng, vì một con ngựa mà giết chết một mạng người, làm cho trăm họ nghe thấy ai cũng oán vua, các nước nghe thấy ai cũng khinh vua, ngươi làm chết một con ngựa, mà để đến nỗi dân gian đem lòng oán giận, nước ngoài có bụng dòm ngó (ngấp nghé xem nguời ta hở cơ là làm hại), là ba tội đáng chết, ngươi đã biết chưa? Bây giờ hãy tạm giam ngươi vào ngục...”.

    Cảnh Công nghe nói ngậm ngùi than rằng:

  - Thôi, tha cho nó! Kẻo để ta mang tiếng bất nhân (Ng. Văn Ngọc, Cổ học tinh hoa, tập 1, tr 28-29).

3. Cầu nguyện

    Lời cầu nguyện của riêng một người đã là tốt rồi, song lời cầu nguyện của hai người hay nhiều người chung lại càng tốt và hiệu nghiệm hơn vì họ cùng hiệp lời cầu xin.

    Tụ họp nhân danh Chúa không phải là tụ họp theo ý riêng mình, hoặc tụ họp theo tinh thần thế tục. Nhưng tụ họp theo tinh thần khiêm tốn như trẻ nhỏ (Mt 18,4-5) tự nhận biết mình hèn yếu và đặt niềm tin cậy nơi Chúa. Không phải tụ họp thành những cộng đoàn biệt lập, nhưng là trong sự hiệp thông với Giáo hội. Giáo hội là cộng đồng cầu nguyện. Nếu tội lỗi làm chia rẽ thì sự cầu nguyện nối kết và hiệp nhất chúng ta lại với nhau. Vì thế, cả những lúc có sự bất bình không đồng ý kiến, nếu có “hai ba người tụ họp với nhau nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”. Chúa ở đó như gạch nối niềm tin.

    Không phải chỉ khi cầu nguyện, mà cả những khi họp mặt nhân danh Chúa thì Chúa cũng hứa sẽ hiện diện để khuyến khích sự hoà giải giữa anh em trong cộng đồng Giáo hội. Ở đây muốn nhấn mạnh về khuyến khích mọi cố gắng sửa lỗi và hoà giải giữa anh em trong lòng Giáo hội. Vì được như vậy thì chắc chắn Chúa sẽ hiện diện để giúp đỡ.

    Lạy Chúa, biết nhìn nhận mình sai là một điều rất khó, nhất là nhìn nhận với lòng thành thật, không tìm cách chữa mình, không tìm cách để vứt đi trách nhiệm của việc đã làm, cũng không tìm cách để đổ lỗi cho người này người khác, cũng không vịn lẽ để chứng minh cho kẻ khác rằng: sự vật đã sai lệch và thế gian được dựng nên cách không đàng hoàng.

    Ôi! Lạy Chúa, xin chữa chúng con khỏi run sợ khi phạm lỗi, dẫu lỗi ấy do hiểu lầm, tính sai, hoặc do yếu đuối cũng vậy.

    Để thực hành điều ấy, con cần phải sống nên người mạnh mẽ, chứ không như một thằng bé mặt mày úp mở trong một sự sợ hãi nữa (L. Terphagnon).

 

Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Mt 18,15-20
NGƯỜI ANH EM CỦA ANH

 

Sống với nhau trong cộng đoàn Hội Thánh

thế nào cũng có chuyện này chuyện kia xảy ra.

Có những đụng chạm nhỏ có thể bỏ qua dễ dàng.

Đức Giêsu đòi Phêrô phải tha đến bảy mươi lần bảy (Mt 18,22).

Nhưng cũng có những lỗi, những tội gây tai hại rất lớn

cho một cá nhân, và từ đó ảnh hưởng xấu đến cả cộng đoàn.

Khi đó Đức Giêsu không khuyên các kitô hữu sống dĩ hòa vi quý,

cố chịu đựng cho qua, coi như không có chuyện gì.

Ngài khuyên chúng ta nên thẳng thắn góp ý xây dựng,

chẳng những vì lợi ích của người bị hại, và của cộng đoàn,

mà còn vì lợi ích của chính người phạm tội nữa.

 

Chúng ta không có quyền để cho người anh em của mình đi lạc.

Bỏ chín mươi chín con chiên để tìm con chiên lạc và đưa nó về:

đó là bổn phận của người mục tử, và của cả chúng ta (Mt 18,12).

Đức Chúa đã long trọng phán với ngôn sứ Êdêkien:

“Nếu ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ đường xấu,

…Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33,8).

Chúa Cha không muốn cho ai trong cộng đoàn phải hư mất.

Ngài quý từng con người, dù đó là một người bé mọn (Mt 18,14).

Như thế sửa lỗi cho người anh em là cùng làm việc với Thiên Chúa,

để giữ lại người anh em này cho cộng đoàn.

Sửa lỗi chỉ để thể hiện một điều, đó là tình yêu.

Tình yêu huynh đệ phải chi phối toàn bộ tiến trình sửa lỗi.

 

Câu đầu tiên của đoạn Tin Mừng này dùng từ “anh em” hai lần.

Điều đó cho thấy người phạm tội nặng vẫn là anh em của tôi.

Đó không phải là kẻ thù, nhưng là người tôi không muốn mất.

Chính vì thế tôi phải kiên nhẫn bước vào một hành trình,

để giúp người anh em nhận lỗi, hoán cải và trở về nẻo chính.

Tôi phải đi nhiều bước trong hành trình này.

Từng bước một, bước nọ sau bước kia,

không vội vã dùng ngay những biện pháp mạnh mẽ.

Luôn luôn đợi chờ, luôn luôn hy vọng.

Luôn tạo cơ hội để có những cuộc gặp gỡ thân tình

và nâng niu những điểm sáng mong manh.

“Không bẻ gãy cây lau bị giập; không dập tắt tim đèn leo lét.”

 

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu mời chúng ta đi ba bước.

Bước một là gặp gỡ riêng tư với người anh em phạm lỗi.

Sự kín đáo cho thấy danh dự của người này được tôn trọng.

Nếu không thành công, ta mới qua bước hai.

Cuộc gặp gỡ lần này đông hơn vì có thêm một hai người nữa.

Hy vọng người phạm lỗi gặp được cái nhìn khách quan hơn.

Nhưng nếu người ấy vẫn khăng khăng không nghe,

lúc đó mới đưa ra trước cả cộng đoàn Hội Thánh địa phương.

Từ chối lắng nghe tiếng nói của Hội Thánh

là tự tách lìa, không còn coi mình thuộc về cộng đoàn nữa.

Lúc đó cộng đoàn sẽ coi người ấy như người ngoài, như dân ngoại.

 

Cộng đoàn Hội Thánh chẳng hề muốn mất một người anh em,

nhưng nếu người ấy cứ không nghe thì đành phải chịu (cc. 16.17).

Không nghe là khép lại với con người, cũng là khép lại với Thiên Chúa.

Bởi đó quyết định cầm buộc của Hội Thánh dưới đất

cũng là quyết định của Thiên Chúa trên trời (Mt 18,18).

Chỉ mong Hội Thánh làm mọi quyết định trong bầu khí cầu nguyện,

bình tâm phân định để tìm ý Chúa với rất nhiều tình yêu (Mt 18,20).

 

CẦU NGUYỆN

 

Lạy Chúa Giêsu,

xin thương nhìn đến Hội Thánh

là đàn chiên của Chúa.

Xin ban cho Hội Thánh

sự hiệp nhất và yêu thương,

để làm chứng cho Chúa

giữa một thế giới đầy chia rẽ.

 

Xin cho Hội Thánh

không ngừng lớn lên như hạt lúa.

Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,

đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

Ước gì Hội Thánh trở nên men

được vùi sâu trong khối bột loài người

để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp

để chim trời muôn phương rue nhau đến làm tổ.

Xin cho Hội Thánh

trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,

nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

 

Cuối cùng xin cho chúng con

biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,

nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

 

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,

nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

 

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Nhân gian có câu: “Nhân vô thập toàn”, nghĩa là con người không có ai hoàn hảo. Trong kiếp nhân sinh, ai cũng có những thiếu sót và lầm lỗi, mà tôi và bạn đã có những kinh nghiệm từ chính bản thân mình trong cuộc sống. Nhưng mỗi người theo thánh ý của Chúa Giêsu, được mời gọi vượt lên trên, chữa lành những khiếm khuyết, bất toàn, lầm lỗi để trở “nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Vì thế, mỗi người phải luôn sửa lỗi và cần được sửa lỗi.

Suy niệm

Chúa Giêsu trong Tin Mừng (Mt 18,15-17) dạy cho chúng ta bài học sửa trị trong tình huynh đệ xuất phát từ đức ái tuyệt hảo mà Đức Chúa Giêsu đã dạy: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,31).

Việc sửa lỗi cho nhau dựa trên tình yêu và lời của Chúa: “Anh em phải tha thứ cho nhau đến bảy mươi lần bảy”, nghĩa là cảm thông mãi mãi và tha thứ không ngừng…

 Chúa Giêsu đã đưa ra tiến trình sư phạm tiệm tiến:

  • Một mình với người anh em có lỗi: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi”. Tế nhị kín đáo, gìn giữ danh dự cho anh em là bổn phận của đức ái Kitô.
  • Nhưng nếu sự tế nhị của ta dành cho anh em bị khinh thường, chúng ta dùng biện pháp mạnh hơn bằng việc nhờ sự đóng góp, sửa chữa nơi những anh em khác có uy tín như Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: “Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân”. Nếu lòng nhân ái của chúng ta một lần nữa bị chà đạp, thì chúng ta nại đến Giáo hội can thiệp: “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh”.
  • Nhưng nếu tất cả biện pháp đều thất bại thì: “Không nên lấy của thánh mà đem cho chó” hoặc “đem ngọc ném cho heo giẫm lên” (Mt 7,6), do sự cố chấp không muốn trở về chính lộ của người lỗi lầm. Đức Giêsu dứt khoát khép lại lộ trình sửa chữa: “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”, vì họ tự cắt đứt nguồn tình yêu bao dung đến từ Thiên Chúa qua anh em, tự tách mình ra khỏi cộng đoàn yêu thương, cộng đoàn tiến về sự hoàn thiện như Cha trên trời.

Tiến trình sửa sai huynh đệ mang tinh thần bao dung thương xót của tình yêu, nhưng công minh, thẳng thắn với kẻ cố chấp từ chối lòng nhân ái, bao dung của anh em. Trước bài học sửa sai huynh đệ mà Chúa dạy, chúng ta cùng rút tỉa cho cuộc sống mình:

  • Trong tư cách là người phạm lỗi: “Đừng nói: Tôi tự nhiên như vậy. Sửa sao được”, đó là những khuyết điểm con phải “nên người”, “nên con Chúa”. Những tính ấy bất xứng với con” (ĐHY FX. Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng). Chân thành đón nhận và sửa chữa theo những chỉ bảo của anh em, của các vị trách nhiệm cộng đoàn để sự khiếm khuyết của mình được lấp đầy bằng tình yêu của Thiên Chúa qua anh em. Nếu không đón nhận sự chân thành sửa chữa từ anh em, chúng ta sẽ đối diện với cái họa: Họa vì chối bỏ tình thương của Thiên Chúa, họa do mình tự tách biệt, cách đứt nguồn suối ân sủng trong Giáo hội.
  • Trong bổn phận trách nhiệm giúp anh em sửa lỗi, tôi và bạn luôn mang tình yêu, mặc lấy lòng bao dung, đó là tiếng nói cảnh tỉnh giúp người anh em nhận ra lầm lỗi để sửa chữa, đó là nâng đỡ tình bác ái: “cuộc sống huynh đệ thử thách và nâng đỡ tình bác ái, cây trên rừng che đỡ nhau lúc gió bão” (Đường Hy Vọng).

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết mở lòng trước những lời chỉ dạy của anh em… Xin cho con được lòng đầy bao dung yêu thương, cất tiếng nói chân lý để bổ khuyết những thiếu sót, sửa chữa những lầm lỗi trong tha nhân.

Ý lực sống

“Anh em hãy mặc lấy áo của sự thành thật, thông cảm, nhân hậu... khiêm nhượng, hiền lành, kiên nhẫn. Chịu đựng lẫn nhau, tha thứ cho nhau... Trên hết mọi sự, anh em hãy mặc lấy tình yêu” (Cl 3,12-14).

 

Top