Chúa nhật 11 Thường niên năm B - Sự lớn mạnh của nước trời (Mc 4,26-34)
“Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện
một người vãi hạt giống xuống đất”. (Mc 4, 26)
Bài Ðọc I: Ed 17, 22-24
“Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp”.Trích sách ngôn sứ Êdêkien.
Ðức Chúa là Chúa Thượng phán như sau:
Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi. Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en.
Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành. Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Ðức Chúa.
Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi.
ĐÁP CA: Tv 91, 2-3. 13-14. 15-16
Đáp: Lạy Chúa, thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa (x. c. 2a).
Xướng:
1) Thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa, và đàn ca danh Ngài, ôi Đấng Tối Cao, hầu loan truyền tình thương Ngài vào buổi sớm, và lòng trung tín Ngài vào lúc ban đêm. - Đáp.
2) Người hiền đức như cây chà là nở hoa tươi tốt, vươn mình lên như cây hương bá đất Liban. Họ được vun trồng trong nhà Chúa, trong hành lang nhà Thiên Chúa chúng tôi họ nở bông. - Đáp.
3) Ngay trong tuổi già họ còn sinh trái, họ đầy nhựa sống và họ sống xanh tươi, để họ loan truyền Chúa nhường bao công chính, Chúa là Đá Tảng của tôi, nơi Chúa chẳng có gian tà! - Đáp.
Bài Ðọc II: 2Cr 5, 6-10
“Dù còn ở trong thân xác, hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Chúa”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Thưa anh em, chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa... Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa. Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người. Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Ðức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.
Tin mừng: Mc 4,26-34
26 Người nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất.
27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.
28 Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt.
29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.”
30 Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?
31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất.
32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”
33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe.
34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 11 Thường niên năm B
WHĐ (13.06.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 11 Thường Niên năm B.
Số 543-546: Loan báo Nước Thiên Chúa
Số 2653-2654, 2660, 2716: Nước Thiên Chúa phát triển nhờ việc nghe Lời Chúa
Số 543-546: Loan báo Nước Thiên Chúa
Số 543. Mọi người đều được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa. Nước này của Đấng Messia trước tiên được loan báo cho con cái Israel[1], nhưng hướng đến việc đón nhận mọi người thuộc mọi dân tộc[2]. Để vào Nước Thiên Chúa, cần phải đón nhận lời của Chúa Giêsu:
“Lời Chúa được ví như hạt giống gieo trong ruộng: ai nghe Lời Chúa với đức tin và gia nhập đàn chiên nhỏ của Đức Kitô, thì đã đón nhận chính Nước Người; rồi do sức của nó, hạt giống nẩy mầm và lớn lên cho tới mùa gặt”[3].
Số 544. Nước Thiên Chúa thuộc về những người nghèo hèn và bé mọn, nghĩa là, những người đón nhận Nước ấy với tâm hồn khiêm tốn. Đức Kitô được sai đến để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,l8)[4]. Người tuyên bố rằng họ có phúc, “vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3); Chúa Cha đã thương mạc khải cho những kẻ “bé mọn” này điều Người giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết[5]. Chúa Giêsu, từ máng cỏ cho tới thập giá, đã chia sẻ kiếp sống của những kẻ nghèo hèn; Người đã từng chịu đói[6], chịu khát[7], chịu thiếu thốn[8]. Hơn thế nữa, Người tự đồng hóa mình với mọi hạng người nghèo hèn và coi lòng yêu thương tích cực đối với họ là điều kiện để được vào Nước của Người[9].
Số 545. Chúa Giêsu mời những kẻ tội lỗi vào bàn tiệc Nước Thiên Chúa: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17)[10]. Người mời gọi họ hối cải, vì không hối cải thì không thể vào Nước Người, nhưng Người cũng dùng lời nói và hành động cho họ thấy lòng thương xót vô biên của Cha Người đối với họ[11], và “trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc l5,7). Bằng chứng cao cả nhất của tình yêu này, là việc Người dâng hiến mạng sống mình “cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28).
Số 546. Chúa Giêsu kêu gọi người ta vào Nước Trời, bằng cách dùng các dụ ngôn, là nét đặc trưng trong cách giảng dạy của Người[12]. Qua các dụ ngôn, Người mời vào dự tiệc Nước Trời[13], nhưng Người cũng đòi phải có một lựa chọn triệt để: để đạt được Nước Trời, cần phải cho đi mọi sự[14]; lời nói suông không đủ, cần phải có việc làm[15]. Các dụ ngôn như những tấm gương đối với con người: họ đón nhận Lời Chúa chỉ như mảnh đất khô khan hay mảnh đất mau mỡ?[16] Họ làm gì với những nén bạc đã nhận?[17] Chúa Giêsu và sự hiện diện của Nước Trời trong trần gian, một cách kín đáo, nằm ở trung tâm của các dụ ngôn. Cần phải tiến vào Nước Trời, nghĩa là, phải trở nên môn đệ Đức Kitô, mới “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13,11). Còn đối với những kẻ “ở ngoài” (Mc 4,11), mọi sự đều bí ẩn[18].
Số 2653-2654, 2660, 2716: Nước Thiên Chúa phát triển nhờ việc nghe Lời Chúa
Số 2653. Hội Thánh “nhiệt liệt và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu … học được ‘sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô’ (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh…. Nhưng họ nên nhớ rằng kinh nguyện phải có kèm theo việc đọc Thánh Kinh, để trở thành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì ‘chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh’”[19].
Số 2654. Các linh phụ đã dùng câu Tin Mừng Mt 7,7 để tóm lược tiến trình tâm hồn được Lời Chúa nuôi dưỡng khi cầu nguyện, như sau: “Anh em cứ tìm nhờ đọc, thì sẽ thấy nhờ suy niệm; cứ gõ cửa nhờ cầu nguyện, thì sẽ mở ra cho anh em nhờ chiêm niệm”[20].
Số 2660. Cầu nguyện trong các biến cố mỗi ngày và mỗi lúc, là một trong những điều bí ẩn của Nước Trời, được mạc khải cho “những người bé mọn”, những tôi tớ Đức Kitô, những người nghèo theo các mối phúc. Thật là chính đáng và tốt lành khi cầu nguyện để công lý và hoà bình của “Nước Chúa trị đến” có ảnh hưởng trên tiến trình lịch sử; nhưng cũng quan trọng là phải dùng cầu nguyện mà nhào nặn khối bột là những hoàn cảnh tầm thường hằng ngày. Mọi hình thức cầu nguyện đều có thể là thứ men mà Chúa đã sánh ví với Nước Chúa[21].
Số 2716. Cầu nguyện chiêm niệm là lắng nghe Lời Chúa. Đây không phải là một thái độ thụ động, mà là sự tuân phục của đức tin, là sự chấp nhận tuyệt đối của người tôi tớ và là sự gắn bó yêu thương của người con. Sự lắng nghe này tham dự vào tiếng “Amen” của Người Con đã hạ mình làm Tôi tớ và tiếng “Fiat” của người nữ tì khiêm tốn của Chúa.
Bài giảng Đức Thánh Cha - Chúa nhật 11 Thường Niên năm B
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 11 Thường Niên năm B (14.06.2015) - Sức mạnh của Lời Chúa
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 11 Thường Niên năm B (17.06.2012) - Lý do hy vọng và dấn thân
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu đã gieo hạt giống Tin Mừng Nước Thiên Chúa vào trần gian. Chính Thiên Chúa đang âm thầm hoạt động để Nước Thiên Chúa lớn lên và đạt tới thành công. Thực tế đôi khi xem ra bi quan, nhưng ta phải biết tin tưởng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, thế giới ngày càng lao mình vào tương lai. Với sự phát triển không ngừng, những thành quả của khoa học kỹ thuật, nhiều người tự mãn, nghĩ mình có thể làm chủ được mọi sự mà không cần một bàn tay nào khác. Nhưng lạy Chúa, thật ra thế giới được Chúa tạo dựng để đi đến cùng đích dưới sự quan phòng của tình yêu Chúa. Dù con không nhận ra, nhưng Chúa vẫn luôn hiện diện và hướng dẫn lịch sử loài người chúng con.
Lạy Chúa, lịch sử nhân loại đã từng gây ra bao thảm họa cho con người: chiến tranh, hận thù, ích kỷ, giá trị đạo đức ngày càng đi xuống, con người đối xử với nhau thiếu tình người. Vì thế nhiều lúc con tự hỏi: Thiên Chúa đâu rồi trong thế giới này.
Lạy Chúa, Chúa không vắng mặt, Chúa không bỏ rơi thế giới chúng con. Chính Chúa vẫn hiện diện cách kín đáo và âm thầm hoạt động để cứu độ chúng con. Xin Chúa ban cho con đôi mắt đức tin để nhận ra tình thương và quyền năng Chúa vẫn đang âm thầm hoạt động biến đổi cuộc sống loài người mỗi ngày một tốt hơn. Tin Mừng Chúa ban cho Hội Thánh đang nâng cao thế giới. Bên ngoài thế giới dường như xuống dốc, Hội Thánh dường như nhỏ bé, Tin Mừng dường như bất lực. Nhưng dù vậy, xin Chúa đừng để con bi quan, xin giữ lòng con luôn tin tưởng. Xin Chúa giúp con biết kiên nhẫn và góp phần nhỏ bé để tình yêu và ánh sáng của Chúa mỗi ngày một lớn thêm lên trong thế giới này. Amen.
Ghi nhớ: “Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Chúa Giêsu dạy người ta từ những điều đã biết tới những điều chưa biết, từ cõi hữu hình đến thực tại vô hình.
Cây cải ở xứ Paléttin khác với cây cải ở xứ ta. Đúng ra hạt cải không phải là hạt nhỏ nhất (hạt trắc bá, họ thông còn nhỏ hơn nhiều, nhưng ở Đông phương nó là từ ngữ chỉ cái nhỏ nhất: nhỏ như hạt cải (như chúng ta hay gọi “bé hạt tiêu”). Chúa Giêsu theo kiểu nói đó khi bảo lòng tin bằng hạt cải (Mt7, 20). Ở xứ Paléttin hạt cải mọc thành cây to. Ông Thomson viết trong cuốn “Xứ Thánh và Kinh Thánh”: “Tôi đã thấy cây này trong cánh đồng phì nhiêu ở Askar. Với sự giúp đỡ của người hướng dẫn, tôi đã nhìn thấy được một cây cao hơn bốn mét. Ví dụ này của Chúa không thổi phồng chút nào. Người ta vẫn thấy có bụi cải hay cây cải như vậy có bầy chim lượn quanh, vì chim thích những hạt cải đen nên chúng đậu lên cây để ăn. Vì thế Chúa Giêsu nói rằng nước trời giống như hạt cải lớn lên thành cây.
Ý nghĩa của ví dụ này rất rõ ràng. Nước thiên đàng bắt đầu từ những khởi điểm hết sức nhỏ bé, nhưng không biết khi nào nó kết thúc. Trong ngôn ngữ Đông phương và trong Thánh kinh Cựu ước, một trong những hình ảnh thông thường nhất chỉ đế quốc lớn là hình ảnh một cây to, và những nước chư hầu được mô tả như chim chóc nghỉ ngơi và làm tổ trên cành (Ed 31, 6; Đn 4, 18). Vì vậy ví dụ này cho biết nước thiên đàng bắt đầu từ những bước hết sức nhỏ bé, nhưng cuối cùng nhiều nước sẽ qui tụ trong đó. Sự kiện lịch sử chứng minh rằng những điều lớn nhất luôn bắt đầu bằng những khởi điểm nhỏ nhất.
Một tư tưởng khả dĩ làm thay đổi cả nền văn minh thường bắt đầu từ một người.
Trong đế quốc Anh, Wilberforce là người khởi xướng việc giải phóng nô lệ. Ý tưởng giải phóng đến với ông khi ông được một nhà báo phơi bày tục buôn bán nô lệ của Thomas Clarson. Ông là bạn thân của ông Pitt, thủ tướng đương thời. Ngày nọ, ông ngồi với ông Pitt và Grenville trong vườn của ông Pitt ở Holywood, phong cảnh hữu tình với thung lũng Keston trải dài trước mắt, tư tưởng của Wilberforce không tập trung vào đó mà vào những vết nhơ của Thế giới. Đột nhiên Pitt quay qua nói với ông: “này anh Wilberforce, tại sao anh không nhận định về vụ buôn bán nô lệ?”
Một ý tưởng gieo vào tâm trí một người và ý tưởng đó đã làm thay đổi cuộc sống của hàng trăm người.
Sự làm chứng cho đạo cũng bắt đầu từ một người:
Một nhóm thanh niên đến từ nhiều quốc gia họp thảo luận cách truyền bá Phúc âm. Họ nói đến tuyên truyền, đến báo chí, đến mọi phương cách phổ biến Phúc âm trong thời đại kỹ thuật số, những phương tiện truyền thông hoen65 đại. Khi đó một thiếu nữ phi châu phát biểu: “Khi chúng tôi muốn đem Kitô giáo đến với đồng bào trong buôn làng chúng tôi, chúng tôi không gửi đến cho họ sách báo, mà chúng tôi mang một gia đình có đạo tới, gửi họ sống trong buôn đó và khiến cả buôn tin Chúa. Trong bất cứ tổ chức hay đoàn thể nào, trong bất cứ trường học hay cơ sở nào, trong bất cứ cửa hàng hay văn phòng nào, Kitô giáo đến với tập thể đều là sự làm chứng cá nhân. Người nóng cháy cho Chúa là người châm lửa cho những người khác.
Cải cách thường bắt đầu với một người.
Một trong những chuyện cảm động nhất trong những ngày đầu của giáo hội là chuyện về Telemachus, một ẩn sỹ đang sống trong sa mạc, nhưng Chúa thúc đẩy ông phải rời bỏ nơi hiu quạnh để đi Lamã. Lamã là thành phố mang danh thành phố Kitô giáo, nhưng ngay trong thành phố đó vẫn diễn ra những trò giác đấu, ở đó người ta đánh nhau có đám đông khát máu hò hét, cổ vũ. Telemanchus đến xem, trận đấu với tám mươi ngàn người có mặt ở đó. Những con người đang tàn sát này không phải là con cái của Thiên Chúa hay sao? Kinh khiếp quá ông nhảy khỏi chỗ ngồi, chạy xuống đứng giữa những người giác đấu. Bị xô qua một bên, rồi ông quay trở lại. Đám đông nổi giận, họ bắt đầu ném đá ông, nhưng ông cố vẫy vùng trở lại giữa những người giác đấu. Viên phán quan truyền lệnh, thế là một lưỡi gươm lóe lên giữa ánh nắng, Telemachus bị chém chết. Đột nhiên một sự im lặng bao trùm, đám đông nhận thức được điều đã xảy ra: một vị thánh đã chết! Sự việc đã xảy ra trong ngày đó ở Lamã để từ nay về sau không còn trò giác đấu nào nữa. Một người đã hy sinh mạng sống mình để làm sạch cho cả một đế quốc. Phải có một người bắt đầu cuộc cải cách.
Khi Chúa Giêsu bắt đầu câu hỏi: “Ta sẽ lấy gì sánh ví nước trời” chúng ta có thể hình dung các môn đệ chờ đợi phác họa bước tranh vĩ đại huy hoàng, nhưng họ sẽ kinh ngạc nghe Chúa trả lời: “Nước ấy giống như hạt cải”. Chúa hoàn toàn hiểu rằng kẻ thù đánh giá sự hiện diện của Ngài và đám quần chúng nghe Ngài chẳng có gì quan trọng. Có lẽ trong đầu óc của các môn đệ bên cạnh Ngài cũng nảy sinh những nghi ngờ. Họ chỉ vỏn vẹn một nhóm người không quyền thế và không ai biết đến. Phong trào mà Đức Chúa Giêsu đang dẫn đầu có thể nào là nước vinh hiển mà các tiên tri đã báo trước? Họ quá nhỏ bé mà thế giới thì mênh mông, làm sao họ có thể thay đổi và chinh phục cả thế giới này. Trong ví dụ này Chúa nói với các môn đệ và những người theo Ngài, Ngài cũng tiếp tục nói với chúng ta hôm nay rằng không nên ngã lòng, chúng ta phải làm chứng cho mọi người nơi chúng ta sống và làm việc. Mỗi chúng ta phải là khởi đầu nhỏ bé để từ đó nước trời lớn lên cho đến cuối cùng các nước trên thế giới này trở thành nước trời. Lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta phải là: “Xin cho nước Chúa trị đến, bắt đầu từ chính con”.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
SỨC MẠNH CỦA NƯỚC TRỜI
+++
A. DẪN NHẬP
Đức Giêsu đi rao giảng Tin mừng về Nước trời. Đây là một đề tài rất khó hiểu vì nó quá trừu tượng. Ngài phải vận dụng mọi sự vật chung quanh, mọi hình ảnh cụ thể để nói lên cho thính giả biết về những đặc tính của Nước trời.
Vì thế, Đức Giêsu phải dùng nhiều dụ ngôn, để mỗi dụ ngôn nói lên một đặc tính của Nước trời. Dĩ nhiên, dụ ngôn không làm cho người ta hiểu chính xác và thấu đáo về Nước trời, nhưng cũng đem lại cho người nghe một vài ý niệm, để từ đó, dưới sự trợ giúp của ơn Chúa và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, người ta sẽ có một quan niệm chính xác về Nước trời.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu chỉ đưa ra hai dụ ngôn về người gieo giống và hạt cải, để nói lên sức mạnh nội tại của Nước trời, nghĩa là hạt giống Lời Chúa được gieo vãi, cứ âm thầm mọc lên và phát triển không ngừng. Hội thánh của Chúa từ một khởi đầu nhỏ bé, khiêm tốn, nhưng vẫn phát triển trong gian nan thử thách và một ngày kia Hội thánh sẽ lan tràn khắp nơi, đến với mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ. Và sau cùng, Hội thánh sẽ trở nên thành toàn viên mãn trên thiên quốc.
Tuy Nước trời có sức mạnh nội tại tự phát triển không ngừng, nhưng chúng ta là những thành viên, có nhiệm vụ góp phần làm cho Nước trời phát triển lớn mạnh trong khả năng hạn hẹp của chúng ta. Phần việc của chúng ta thì chúng ta cứ làm, còn phần của Thiên Chúa thì Ngài sẽ làm theo sự khôn ngoan của Ngài. Chúng ta hãy tin chắc rằng Nước trời sẽ thành toàn trong ngày sau hết và chúng ta sẽ được vào đó để hưởng vinh quang mà Chúa dành cho chúng ta. Nhưng trong khi chờ đợi đến ngày đó, theo lời thánh Phaolô trong bài đọc 2, chúng ta hãy cố gắng sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Ed 17, 22-24
Đây là một dụ ngôn lạc quan mà tiên tri Ezéchiel nói với dân Israel đang bị lưu đày bên Babylon, để họ nuôi niềm hy vọng lớn lao.
Từ cây bị đốn ngã là Israel, chính Thiên Chúa sẽ ngắt một nhánh con trên ngọn và đem trồng nơi đất tốt để từ nhánh mới đó sẽ lại xuất hiện một cây hương bá xum xuê, nghĩa là Thiên Chúa sẽ cho họ được hồi hương và đất nước họ sẽ được thịnh vượng.
Thực tế là Thiên Chúa sẽ tái thực hiện kế hoạch của Ngài, nhưng trong sự khiêm tốn và hèn mọn của một “số sót nhỏ bé”.
+ Bài đọc 2: 2Cr 5, 6-10
Người Kitô hữu sống ở thế gian ví như bị lưu đày “xa Chúa” (2Cr 5, 6). Khi nói như thế, có lẽ thánh Phaolô nghĩ đến những người Do thái nơi tha hương, sống xa Đền thờ Giêrusalem. Quả thật, người Kitô hữu cũng ở trong hoàn cảnh tương tự với đền thờ mới là Đức Kitô vinh quang.
Tuy sống ở trần gian như bị lưu đày xa Chúa, người Kitô hữu vẫn một lòng trông cậy sẽ thoát cảnh lưu đày đó mà về với Chúa.
Trong khi chờ đợi đến ngày đó, chúng ta hãy cố gắng sống sao cho đẹp lòng Chúa, để khi đến ngày đó, chúng ta sẽ được Thiên Chúa xét xử và thưởng công.
+ Bài Tin mừng: Mc 4, 26-34
Đức Giêsu dùng hai dụ ngôn để nói về sự tăng trưởng của Nước Thiên Chúa theo hai đặc tính:
- Dụ ngôn thứ nhất: Đức Giêsu ví Nước Thiên Chúa như hạt giống gieo vào lòng đất, hạt giống cứ âm thầm mọc lên thành cây, không cần biết người gieo thức hay ngủ, đêm hay ngày. Điều đó nói lên sức phát triển nội tại của Nước Thiên Chúa.
- Dụ ngôn thứ hai: Đức Giêsu ví Nước Thiên Chúa như hạt cải rất nhỏ gieo xuống đất. Hạt cải dần dà lớn lên thành cây to, đến nỗi chim trời có thể đến núp dưới bóng của nó. Điều đó nói lên sức bành trướng rất mạnh của Nước Thiên Chúa.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Sức mạnh của Nước trời
I. NÓI VỀ DỤ NGÔN
Đức Giêsu đi rao giảng về Nước Thiên Chúa cho mọi người, cách riêng cho người Do thái. Nước Thiên Chúa tức là Nước trời như Ngài đã rao giảng: “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1, 15)… Đức Giêsu có ý phân biệt Nước Thiên Chúa mà Ngài sẽ thiết lập, tức là Hội thánh của Ngài, với nước trần gian theo kiểu người Do thái vẫn hằng mong ước, là được giải thoát khỏi ách nô lệ của đế quốc Rôma.
Đức Giêsu không dùng kiểu nói của các nhà hiền triết hay các nhà thần học với kiểu nói trừu tượng để nói về Nước trời, nhưng dùng những hình ảnh tự nhiên, quen thuộc và một kiểu nói bình dân để nói lên các đặc tính của Nước trời. Hay nói cách khác, Ngài hay dùng dụ ngôn mà giảng dạy.
J. Hervieux giải thích: “Dụ ngôn là một câu chuyện rút ra từ thiên nhiên hay trong đời sống thường nhật. Nhờ hình thức rất đơn giản và tính cách lạ thường, dụ ngôn dễ làm cho người nghe chú ý và khiến họ phải suy nghĩ đến điều mà dụ ngôn có ý nhắm tới thông qua những hình ảnh (L’Evangile de Marc, Centurion, tr 65).
Các dụ ngôn không cho chúng ta thấy toàn cảnh, nhưng dù sao cũng cho chúng ta một số khái niệm về Nước Thiên Chúa. Trong chương 4 của Phúc âm thánh Marcô, chúng ta thấy có 3 dụ ngôn khác nhau về Nước Chúa. Nhìn vào lần lượt từng dụ ngôn một, chúng ta có 3 hình ảnh khác nhau về Nước Thiên Chúa. Điều lý thú là cả ba đều nói về hình ảnh hạt giống. Hôm nay chúng ta chỉ nói tới hai dụ ngôn thôi.
II. HAI DỤ NGÔN VỀ NƯỚC TRỜI
Hôm nay Đức Giêsu đưa ra hai dụ ngôn về người gieo giống và hạt cải để nói lên hai đặc tính của Nước trời, đó là Nước trời hay Hội thánh của Chúa cứ âm thầm tăng triển và từ một cộng đoàn nhỏ bé sẽ trở nên một cộng đoàn lớn mạnh.
1. Dụ ngôn người gieo hạt giống
Đức Giêsu dùng lối so sánh rất tự nhiên mà các thính giả của Ngài đều biết rõ.“Gieo hạt giống” đó là cử chỉ rất quen thuộc, đến nỗi ta có nguy cơ không còn nhận ra mầu nhiệm của nó nữa. Người ta đã gọi dụ ngôn này là “hạt giống tự mọc lên” vì mọi sự diễn tiến đúng như vậy.
Theo Đức Giêsu, Nước Thiên Chúa như người kia gieo hạt giống xuống đất… hạt giống tự nó đâm mầm và mọc lên thế nào, nào ai biết? Thì Nước trời cũng giống như vậy. Hạt giống Lời Chúa được rao giảng bên ngoài, sức tác động của Chúa hoạt động bên trong, thế là Phúc âm sẽ sinh hoa kết quả. Nhưng Chúa thấy trước, lời của Ngài, sứ vụ của Ngài sẽ gây kết quả từ từ, không gấp gáp, không gây chấn động. Vậy phải nhẫn nại, hãy đợi chờ, như người nông phu đợi chờ hạt giống nảy mầm và sinh hoa kết quả.
Vì vậy, người tông đồ không được sốt ruột khi thấy công việc rao giảng Tin mừng không đi đến đâu. Hạt giống đâu có thể lớn vượt thời gian được, nó phải lớn lên từng bước theo trật tự tự nhiên của vạn vật. Do đó, Lời Chúa cũng phải theo một trật tự như thế.
Chúng ta cần hiểu rằng Nước Thiên Chúa âm thầm lớn mạnh, tuần tự nhi tiến, dưới sự thúc đẩy của Chúa. Nhưng sự tiến triển cũng đòi hỏi sự góp phần tích cực của chúng ta.
Đừng ngã lòng khi không thấy kết quả trước mắt. Sự lỗi lầm lớn của các tông đồ là dựa trên tài cán, nghị lực của ta hơn là vào sức mạnh của Chúa. Nhưng hãy cố gắng hết sức ta, thi hành phận bé nhỏ của ta vì yêu mến. Và kết quả sẽ đến vào lúc thật bất ngờ nhất.
Truyện: Giải đáp ba thắc mắc
Một hôm, cha Petitjean đến giảng đạo tại Nagasaki cho một số đông người Nhật. Nghĩ rằng họ đều là người bên lương, nên sau bài giảng, ngài tươi cười hỏi:
- Anh em có thắc mắc gì không?
Một người đưa tay đặt câu hỏi:
- Chúng tôi muốn được hỏi ông ba điều, yêu cầu ông trả lời có hay không? Câu hỏi thứ nhất, các ông có tin Đức Mẹ đồng trinh không ?
- Có.
Câu hỏi thứ hai:
- Các ông có vâng lời và thông hiệp với Đức Thánh Cha không?
- Có.
Câu hỏi thứ ba:
- Là linh mục, các ông có giữ mình thanh khiết và sống độc thân không? - Có.
- Vậy thì mấy trăm người chúng tôi đây với ông là đồng đạo. Chúng tôi là người Công giáo cả.
Cha Petitjean bàng hoàng như từ cung trăng rơi xuống. Cha con âu yếm ôm cổ nhau. Nhà truyền giáo hỏi :
- Bấy lâu nay, có ai giảng dạy cho các anh không?
- Thưa cha, không có ai suốt hai thế kỷ rồi! Đó là nhờ ông bà tổ tiên chúng con truyền lại, rồi chúng con âm thầm cầu nguyện, dạy giáo lý cho con em, đoàn kết đùm bọc nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ: Sau này có ai đến giảng đạo hãy cảnh giác, phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà nhận xem họ có phải là các cha đích thực, là người của Hội thánh sai đến.
Giáo hội Nhật Bản đã tái sinh.
2. Dụ ngôn hạt cải
Đức Giêsu sánh ví Nước Thiên Chúa như hạt cải. Dụ ngôn này cho thấy vẻ tương phản rõ rệt giữa một bên là sự nhỏ bé, vô nghĩa lúc ban đầu, và bên kia là kết quả cuối cùng lại phong phú không ngờ. Thật chẳng tương xứng chút nào! “Hạt cải… là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất, nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ”.
Cây cải ở xứ Palestine khác với cây cải ở xứ ta. Ở xứ Palestine hạt cải mọc lên thành cây to đến nỗi chim trời có thể đến trú ẩn.
Ông Thompson trong cuốn “Xứ thánh và Kinh thánh” đã viết:“Tôi đã thấy cây này trong cánh đồng phì nhiêu ở Akka, nó cao bằng con ngựa và người cưỡi ngựa. Với sự giúp đỡ của người hướng dẫn, tôi đã nhổ được một cây cao hơn 4 mét”.
Ví dụ này của Đức Giêsu không thổi phồng sự thật chút nào. Người ta vẫn thấy những loại cải hay cây cải to như vậy có bầy chim bu quanh, vì chim thích những hạt cải đen, nên chúng đậu trên cây để ăn. Vì thế Đức Giêsu mới nói rằng Nước Ngài giống như hạt cải lớn lên thành cây.
Ý nghĩa của ví dụ này rất rõ ràng. Nước Thiên Chúa bắt đầu từ những bước khởi điểm hết sứ nhỏ bé, nhưng không biết khi nào nó kết thúc.
Ngỏ lời với đám thính giả đang đánh giá sứ vụ của mình theo những tiêu chuẩn phàm trần, và với những ai đang thất vọng khi thấy vẻ khiêm tốn lúc ban đầu của mình. Đức Giêsu báo trước cho họ biết rằng, dù thế nào, họ cũng vẫn là những người được chứng kiến công cuộc khai trương Nước Thiên Chúa. Nơi bản thân Đức Giêsu, dù bằng cách kín đáo thế nào chăng nữa, thì Nước Thiên Chúa cũng đã xuất hiện rồi. Một ngày nào đó, nhân loại sẽ phải ngỡ ngàng chứng kiến sức mạnh vô địch và vẻ phong phú lạ lùng của Nước ấy. Cái gì mắt người được nhìn thấy hiện nay không cho ai đoán trước được nó sẽ như thế nào ở giai đoạn chót của mức phát triển.
Tường thuật lại cho các độc giả của mình những lời này của Đức Giêsu, Marcô muốn trấn an họ rằng hoạt động của Đức Giêsu khi còn tại thế dù khiêm nhường, nhỏ bé, và cộng đoàn các môn đệ của Ngài là Giáo hội, dù có yếu đuối thế nào, thì tất cả đều đang tham gia vào thành tựu vẻ vang của một công trình tràn đầy sức sống và khi tới giai đoạn chót của mức phát triển, phải đạt được chiều kích toàn cầu (Theo J. Hervieux).
Bước khởi đầu của Nước Thiên Chúa khiêm tốn như vậy đấy, nhưng sự bắt đầu là rất quan trọng. Có nhiều việc lớn phải bắt đầu bằng những việc nhỏ, ví dụ: muốn xây một toà nhà thì phải bắt đầu bằng từng viên gạch; muốn viết một cuốn sách thì phải bắt đầu bằng từng trang, thậm chí từng chữ; muốn làm một chuyến viễn du phải bắt đầu bằng từng bước; muốn xây một tình bạn thì phải bắt đầu bằng những cuộc gặp gỡ đổi trao.
Truyện: Hạt giống cây tre Tầu
Nhà tâm lý học Weldon cho rằng hạt giống kỳ lạ nhất thế giới là hạt giống cây tre Trung quốc. Hạt giống nằm yên dưới lòng đất đến 5 năm, rồi mới nhú chồi non lên mặt đất. Suốt thời gian 5 năm này, người ta phải vất vả chăm sóc nó, nào là tưới nước, nào là bón phân, mà không hề nhìn thấy hệ thống rễ phức tạp đang bố trí trong lòng đất.
Cuối cùng, sự sống đã vươn lên đầy kinh ngạc: Chỉ trong 6 tuần đầu, cây tre đã mọc cao lên gần 3 mét.
Hạt giống Nước trời cũng không khác chi hạt giống cây tre Trung quốc. “Hạt bé nhất” lại cho cây lớn nhất. Nước trời khởi đầu là Chúa Giêsu và một nhóm nhỏ môn đệ dân chài. Sau 20 thế kỷ, Kitô giáo đã lan tràn khắp nơi, đến với mọi dân tộc.
Có thể nói Đức Giêsu đã gieo hạt giống Hội thánh vào giữa lòng thế giới. Sau đó Ngài biến mất khỏi dòng lịch sử, để hạt giống Hội thánh “âm thầm lớn lên” với bao gian nan và thử thách, yếu đuối và bất lực.
Dường như Ngài dửng dưng trước bao khó khăn của Hội thánh.
Dường như Ngài không biết đến bao tội ác đang lan tràn khắp thế giới.
Dường như Ngài không quan tâm đến nỗ lực sống thánh của dân Ngài.
Nhưng với lòng tin yêu phó thác, chúng ta xác tín rằng: bên kia dòng thời gian, nơi cuộc sống vĩnh hằng, Thiên Chúa đang chờ đợi, nhìn xem và điều khiển cho hạt giống Nước trời lớn lên và tăng trưởng sung mãn vào một mùa bội thu trong ngày cánh chung sẽ tới.
III. NHIỆM VỤ CỦA CHÚNG TA
Đức Giêsu đã thành lập Hội thánh qua 2000 năm rồi, Hội thánh vẫn trường tồn nhưng chưa hoàn chỉnh. Chúa còn cần đến sự đóng góp của chúng ta, tuy nhỏ bé, nhưng cần thiết. Người ta thường nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, việc của chúng ta thì chúng ta cứ làm, còn kết quả là do Chúa định.
Truyện: Thế giới chưa hoàn chỉnh
Có một phiên bản của câu chuyện sáng thế như sau: Khi Thiên Chúa dựng nên thế giới, Ngài dựng nên từ từ. Ngài tạo ra cây cối, cỏ hoa, sinh vật, chim cá… Khi Ngài làm ra những vật ấy, các thiên thần liền hỏi: “Thưa Chúa, vậy thế giới đã xong chưa?” Thiên Chúa đáp lại với một từ “Chưa” đơn giản.
Sau cùng Thiên Chúa đã tạo ra con người và nói với họ: “Ta mệt rồi. Ta muốn các con hoàn thành thế giới. Nếu các con đồng ý làm thế, Ta sẽ cộng tác với các con”. Họ đồng ý. Sau đó, bất cứ lúc nào các thiên thần hỏi Thiên Chúa thế giới đã hoàn thành chưa, câu trả lời vẫn là: “Ta không biết. Các ngươi phải hỏi những người cộng tác của ta”.
Có những điều mà chúng ta có thể làm và phải làm, Thiên Chúa sẽ không làm điều đó thay chúng ta. Không phải vì Ngài không thể làm chỉ vì muốn chúng ta cộng tác với Ngài. Chúng ta phải gieo hạt giống, đó là phần việc của chúng ta. Nhưng khi làm điều ấy, chúng ta phải hiểu rằng: chúng ta không thể làm mọi việc. Chúng ta không thể làm cho hạt giống mọc lên. Đó là phần việc của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa làm phần việc của Ngài. Không một chủ nông trại hoặc người làm vườn nào sẽ nói với bạn điều ấy.
Chúng ta có nhiệm vụ truyền bá Nước Thiên Chúa cho người ta trong hoàn cảnh thuận tiện cũng như không thuận tiện, cho những người muốn nghe cũng như cho những người không muốn nghe. Phần chúng ta cứ việc gieo Lời Chúa và để cho Lời Chúa âm thầm mọc lên.
Bên Phương Tây, có những người thẳng thừng chống lại Thiên Chúa, họ bảo rằng: “Thiên Chúa đã chết rồi” (Nietzsch), nhưng Thiên Chúa vẫn còn, Ngài là Đấng ẩn danh (Deus absconditus), Ngài vẫn nói, nói một cách khiêm tốn và dịu hiền để ai có tai, có thiện tâm thì nghe rất thấm thía. Kẻ ác tâm, dã tâm, vô tâm chẳng bao giờ nghe được tiếng Ngài. Mà chỉ thấy chói tai.
Người Đông Phương xưa, tuy không gần Ngài bằng xương, bằng thịt, nhưng cũng nhìn thấy: “Thiên hành kiện” – Trời hành động kiên cường không ngừng, mà chẳng nói gì “Thiên hà ngôn tai” – Trời không nói bằng miệng, nhưng nói bằng nhiều cách: nói bằng tác tạo trời đất muôn vật, nói trong lương tâm con người: “Thiên mệnh chi vị tính”, nói bằng ban phép tắc cho muôn vật: “Duy thiên sinh dân, hữu vật, hữu tắc”. Vì thế, con người phải biết luôn luôn tìm ý Ngài để tuân theo. Không biết tìm ý Trời thì không đáng là quân tử, không xứng đáng làm con Trời: “Bất tri thiên mệnh, vô dĩ vi quân tử”.
Để kết thúc, chúng ta hãy trở lại bài đọc 2, thánh Phaolô cho biết cuộc sống ở trần gian này được coi như cuộc lưu đày “xa Chúa” (2Cr 5, 6). Nhưng chúng ta tin chắc rằng một ngày kia chúng ta sẽ rời bỏ chốn lưu đày này mà về với Chúa.
Tuy nhiên, trong khi còn sống ở trần gian này chúng ta hãy cố gắng sống sao cho đẹp lòng Chúa, góp phần làm cho hạt giống Lời Chúa được phát triển mạnh mẽ, được sinh hoa kết quả dồi dào, đợi chờ một mùa bội thu trong thời viên mãn là ngày cánh chung.
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
ĐÊM HAY NGÀY, NGỦ HAY THỨC
Hội Thánh ở Rôma vào thời thánh Mác-cô viết Tin Mừng
là một Hội Thánh bị bách hại dữ dội.
Thiên Chúa như vắng mặt, như thinh lặng, như khoanh tay.
Nước Thiên Chúa đã được Đức Giêsu khai mạc
nay có vẻ chững lại trước sự tấn công của đế quốc Rôma.
Hai dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay
có ý đem lại niềm hy vọng cho các kitô hữu đang xao xuyến.
Dụ ngôn đầu mang tên là dụ ngôn về Hạt Lúa tự mình lớn lên.
Có người gieo vãi hạt giống trên đất.
Không thấy nói đến chất lượng của hạt giống hay của đất,
cũng không thấy nói đến nỗ lực của người gieo trồng,
dù hẳn người này có tưới nước, bón phân.
Điều được nhấn mạnh là tiến trình tăng trưởng của hạt giống.
Hạt giống cứ tự mình lớn lên qua nhiều giai đoạn.
Nó mục nát đi để mầm nhú lên, thành cây vươn lên khỏi đất.
Cây lúa có những lá lúa non đầu tiên, rồi trổ đòng đòng,
sau cùng là bông lúa mang những hạt lúa nặng trĩu.
Người gieo hạt không hiểu được tiến trình này.
Anh ta chỉ biết hạt lúa đã đi con đường của nó,
con đường mầu nhiệm, âm thầm, không dễ nhận ra,
từ một hạt lúa thành nhiều hạt lúa.
Bất chấp anh ngủ hay thức, ban đêm hay ban ngày,
hạt lúa vẫn cứ đi, cứ lớn, không ai cản nổi.
Và kết cục là một mùa lúa chín vàng, chờ người gặt hái.
Đối với Đức Giêsu, Nước Thiên Chúa cũng giống hạt lúa,
cũng lớn lên từ từ theo một cách thức
mà người gieo không hiểu được, không thấy được.
Trong dòng lịch sử, Nước Thiên Chúa có lúc như bị vỡ vụn
bởi nội bộ chia rẽ bè phái, bởi sức ép của bạo quyền,
hay bởi sự hư hỏng của chính những nhà lãnh đạo.
Nhưng thật ra Nước Thiên Chúa vẫn lớn lên,
thanh luyện qua sóng gió và nhờ sóng gió,
vẫn được Chúa dắt đi an toàn vào con đường chông gai.
Con người hẳn phải đóng góp cho Nước Thiên Chúa,
nhưng như thánh Phaolô viết (1 Cr 3, 6-7): “Tôi trồng,
anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.
Như thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả,
nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể.”
Với đức tin, nhìn lại hai ngàn năm qua từ thời Đức Giêsu,
ta không thể không thấy sự tăng trưởng của Nước Chúa.
Vì Nước này là công trình của Thiên Chúa,
nên chúng ta không dễ thất vọng khi gặp khó khăn,
cũng không coi là do công của mình khi Nước ấy tăng trưởng.
Chúng ta vẫn phải khiêm tốn đọc kinh Lạy Cha mỗi ngày:
“Xin Cha làm cho Nước của Cha mau đến” (Mt 6, 10).
Dụ ngôn thứ hai cũng đem lại niềm hy vọng lạc quan.
Nước Thiên Chúa như hạt cải nhỏ xíu lúc được gieo xuống đất,
sau lại trở thành bụi cây cao lớn cho chim trời đến làm tổ.
Đàn chim là hình ảnh của các dân tộc trên mặt đất (Đn 4, 9).
Bụi cải khổng lồ là hình ảnh của Nước Thiên Chúa.
Nước này sẽ trở thành nơi trú ngụ bình an cho mọi người.
Chúng ta tin vào kết cục viên mãn của Nước Chúa.
Thiên Chúa có cách đưa đưa Nước ấy đi vào lòng người.
Ngài thường dùng những con đường khó hiểu, khó chịu,
như khi Ngài để cho Con Ngài cứu độ nhân loại bằng thập giá.
Ngài hay dùng thất bại để dẫn đến thành công.
Khi nhìn Hội Thánh hôm nay, với bao thách đố liên tục,
với bao vấn đề nóng bỏng không dễ có câu trả lời,
với những đổ vỡ và thất bại, sai lầm và yếu đuối,
chúng ta không được nản lòng, mất kiên nhẫn và đức tin.
Chúng ta tin Thiên Chúa là chủ dòng lịch sử.
Ngài đang “bắt muôn loài phải quy phục Đức Kitô”,
để cuối cùng “Thiên Chúa là tất cả cho mọi người” (1 Cr 15, 28).
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu,
những hạt cải Chúa gieo vãi cách đây hai ngàn năm
nay đã thành cây cao, cho chim trời rủ nhau trú ngụ.
Nhúm men nhỏ bé được Chúa vùi vào khối bột,
đã làm bột dậy lên,
để trở thành tấm bánh thơm ngon cho thế giới.
Sau hai mươi thế kỷ,
các môn đệ Chúa không còn là nhóm Mười Hai bé nhỏ.
nhưng các kitô hữu đã bằng gần một phần ba dân số thế giới.
Chúng con được mời gọi xây dựng Nước Chúa trên trần gian,
cho đến khi tất cả mọi người nhận biết và tin yêu Chúa.
Xin cho chúng con đừng mặc cảm
vì người công giáo chỉ là thiểu số trên quê hương Việt Nam,
nhưng xin cho chúng con mạnh dạn làm chứng cho Chúa
trong việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ.
Hôm nay, chúng con phải tiếp tục làm việc như Chúa,
gieo hạt giống để làm nên những cánh rừng,
trở nên chất xúc tác để biến đổi môi trường sống.
Và chúng con biết rằng sớm muộn cũng sẽ thành công,
vì tin rằng Chúa vẫn cần mẫn làm việc với chúng con.
5. Suy niệm (song ngữ)
11th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Ezekiel 17: 22-24 II: 2 Corinthians 5: 6-10
Chúa Nhật 11 Thường Niên
Bài Đọc I: Êzêkien 17: 22-24 II: 2 Côrintô 5: 6-10
------o0o-----
Gospel
Mark 4:26-34
26 And he said: "The kingdom of God is as if a man should scatter seed upon the ground,
27 and should sleep and rise night and day, and the seed should sprout and grow, he knows not how.
28 The earth produces of itself, first the blade, then the ear, then the full grain in the ear.
29 But when the grain is ripe, at once he puts in the sickle, because the harvest has come."
30 And he said, "With what can we compare the kingdom of God, or what parable shall we use for it?
31 It is like a grain of mustard seed, which, when sown upon the ground, is the smallest of all the seeds on earth;
32 yet when it is sown it grows up and becomes the greatest of all shrubs, and puts forth large branches, so that the birds of the air can make nests in its shade."
33 With many such parables he spoke the word to them, as they were able to hear it;
34 he did not speak to them without a parable, but privately to his own disciples he explained everything.
Phúc Âm
Mác-cô 4:26-34
26 Người nói: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất.
27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.
28 Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt.
29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa."
30 Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hìnnh dung được?
31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất.
32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."
33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe.
34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
Interesting Details
• A parable is "a metaphor or simile drawn from nature or common life, arresting the hearer by its vividness or strangeness, and leaving the mind in sufficient doubt about its precise application to tease it into active thought" (C. H. Dodd). With parables, Jesus uses what is familiar to describe what is unfamiliar to us: the kingdom of God. The reader is asked to look at his familiar world in a new way--God's way.
• "The kingdom of God" is not a place; it really means "the reign of God." "The kingdom of God is like..." illustrates what happens when God's will is done on earth as perfectly as it is done in heaven. The seed is God's word. Both parables emphasize the mysterious growth of the seed.
• (vv.26-28) The first parable contrasts the helplessness of man with the power of God. The farmer sows, and then waits. He waits, because the seed grows of its own accord, and he "knows not how." As the seed inevitably grows to fruitfulness, so does God's word grow inevitably to achieve the end for which it was sent. The lesson for us is to be not anxious, be not proud. God's word grows not primarily from our efforts, and grows out of proportion to our efforts.
• (v.29) The first parable concludes with an allusion to Joel 4:13; the harvest is the day of judgment.
• (vv.30-32) In Palestine, a grain of mustard seed stands for the smallest possible thing. For example, a person of little faith would be said to have "faith as a grain of mustard seed." A mustard plant crowded with birds is a common sight, since the plant has many black seeds which birds feed on. The parable of the mustard seed contrasts a beginning with an end--the smallness of the beginning and the greatness of the end. The Church started with but a small band of uneducated fishermen.
• (v.34) Jesus used parables to teach the public, but "explained everything" to his disciples. The difference between the public and his disciples is a matter of commitment.
Chi Tiết Hay
• Dụ ngôn là một thứ diễn từ. Trong đó, một khía cạnh của đời sống hàng ngày được so chiếu với một đặc điểm của Nước Thiên Chúa. Chúa Giê-su dùng những gì quen thuộc để diễn tả những gì không quen thuộc: Nước Thiên Chúa. Người đọc được mời gọi nhìn thế giới quen thuộc của mình với một cái nhìn mới: cái nhìn của Chúa.
• "Nước Thiên Chúa" không có nghĩa là một nơi, mà là một triều đại, khi ý Chúa thể hiện dưới đất hoàn hảo như trên trời.
• (cc.26-28) Dụ ngôn thứ nhất đối chiếu sự yếu đuối của con người với quyền năng của Chúa. Người nông dân gieo giống, rồi chờ đợi. Anh chờ, vì hạt giống tự nó nẩy mầm, rồi lên bông, anh cũng chẳng hiểu "bằng cách nào". Hạt giống là Lời Chúa. Lời Chúa được rao giảng, rồi với một sức mạnh thầm kín, Nước Thiên Chúa cứ phát triển cho đến giai đoạn hoàn tất. Chúng ta cần có kiên nhẫn và khiêm nhường. Khiêm nhường vì không phải ở sức ta mà Nước Thiên Chúa phát triển. Và kiên nhẫn vì chúng ta tin vào quyền năng Thiên Chúa đang âm thầm họat động trong lịch sử nhân loại.
• (cc.30-32) Người Palestine dùng hạt cải để ví những gì nhỏ mọn nhất. Thí dụ, một người không có đức tin thì gọi là "đức tin bằng hạt cải". Cảnh cây bông cải ngợp bóng chim trời là cảnh thường thấy, vì chim rất thích ăn các hạt trên loại cây nàỷ Dụ ngôn hạt cải dùng hai hình ảnh tương phản nhau: sự nhỏ mọn của hạt cải vàkết quả cuối cùng là một cây to đến nỗi chim trời có thể núp bóng. Giai đoạn đầu của Nước Thiên Chúa cũng vậy, thật khiêm tốn với một vài anh đánh cá thất học.
• Câu 34 làm nổi bật 1 khía cạnh của Lời Chúa. Lời Chúa chứa đựng những điều khó hiểu, bí ẩn. Để có thể hiểu một phần nào những điều ấy, chúng ta cần trở thành môn đệ của Chúa, cậy thuộc vào sự dạy dỗ của Người.
One Main Point
The reign of God will grow to its fullness, despite all obstacles.
Một Điểm Chính
Nước Thiên Chúa sẽ tiếp tục lớn mạnh cho đến khi hoàn tất, không lệ thuộc vào những gian nan, thử thách đã và sẽ xảy ra. Hãy tin tưởng tuyệt đối vào sự thành công cuối cùng của Nước Thiên Chúa.
Reflections
1. Recall a small beginning that has blossomed into fruit--a change in someone close to me that I did not expect, a change in my own attitude or outlook of life. How patient am I with myself? with others? How easily do I give up?
2. How do I view the church today? Disappointed, anxious, frustrated? How should I view the church?
Suy Niệm
1. Tôi hồi tưởng lại một vài thay đổ nơi một người thân, nơi tôi: từ một quá khứ tội lỗi cho đến ngày hôm nay. Tôi có kiên nhẫn với người đó, với chính tôi? Tôi đã bỏ cuộc như thế nào?
2. Tôi nhìn giáo hội hiện nay với tâm tư nào? Tôi có thất vọng, lo lắng, hay chán chường? Tôi nên nhìn giáo hội với con mắt nào?
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23 tháng 12: Bàn Tay Thiên Chúa phù hộ (Lc 1,57-66)
-
Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C - Đến với mọi người (Lc 1,39-45) -
Ngày 21 tháng 12: Đức Mẹ đi thăm bà Isave (Lc 1,39-45) -
Ngày 20 tháng 12: Vâng theo ý Chúa (Lc 1,26-38) -
Ngày 19 tháng 12 - Đối với thiên Chúa điều gì cũng có thể (Lc 1,5-25) -
Ngày 18 tháng 12: Đấng Emmanuen (Mt 1,18-24) -
Ngày 17 tháng 12: Gia phả Chúa Giêsu (Mt 1,1-17) -
Thứ Hai tuần 3 mùa Vọng - Chất vấn về quyền (Mt 21,23-27) -
Thứ Bảy tuần 2 mùa Vọng - Khước từ (Mt 17,10-13) -
Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C - Tôi phải làm gì? (Lc 3,10-18)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Lễ Đức Mẹ Mân Côi - Vâng phục (Lc 1, 26-38)