Cha Thánh Arnold Janssen, nhà truyền thông

Cha Thánh Arnold Janssen, nhà truyền thông

Cha Thánh Arnold Janssen, nhà truyền thông

A. CHA ARNOLD VÀ CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG VÀO THỜI ĐẠI CỦA NGÀI

I. Phương tiện truyền thông phục vụ Hội Tông đồ Cầu nguyện

II. Tạp chí Sứ giả nhỏ của Thánh Tâm

III. Nhà in đầu tiên

IV. Tạp chí THE HEILIGE STADT GOTTES (Thành đô Thiên Chúa)

V. Lịch Anmalac của thánh Michael

VI. Nhà xuất bản

VII. Ấn bản đặc biệt tôn vinh Chúa Thánh Thần

B. SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC TÔNG ĐỒ TRUYỀN THÔNG NƠI CHA ARNOLD ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC HỘI DÒNG DO NGÀI THÀNH LẬP

I. Linh hoạt Truyền giáo – Quảng bá sự thành lập Mission House – Ơn gọi – Tài chính

 II. Sự tham gia của giáo dân

C. TRUYỀN THÔNG – SỨ VỤ TÔNG ĐỒ BẮT BUỘC TRONG DÒNG NGÔI LỜI

I. Sứ vụ tông đồ truyền thông theo Hiến pháp SVD – Truyền thông là một phần không thể thiếu của Hội Dòng

II. Truyền thông SVD trên toàn thế giới

III. Những ấn phẩm nội bộ của Dòng Ngôi Lời

 

A. CHA ARNOLD VÀ CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG VÀO THỜI ĐẠI CỦA NGÀI

Tôi đã được yêu cầu nói về cách thức và lý do tại sao cha Arnold đã tận dụng các phương tiện truyền thông sẵn có vào thời của ngài.

Nhìn vào cuộc đời của ngài, chúng ta thấy rằng ngài đã bắt đầu công việc của mình với tư cách là một nhà truyền thông, người cổ vũ và giám đốc Hội Tông đồ Cầu nguyện.

I. Phương tiện truyền thông phục vụ Hội Tông đồ Cầu nguyện

Trong phần lớn cuộc đời của mình, cha Arnold làm việc về truyền thông; thực ra sự tham gia của ngài vào việc truyền thông bắt đầu từ việc quảng bá và là giám đốc cấp giáo phận của Hội Tông đồ Cầu nguyện. Và ở đó ngài là nhà truyền thông thành công nhất. Ngài hỗ trợ công việc phục vụ Hội Tông đồ của mình thông qua những tập sách nhỏ và tờ rơi cầu nguyện.

Tổng cộng ngài đã xuất bản và bán khoảng 400.000 cuốn sách nhỏ và tờ rơi cầu nguyện để phục vụ Hội Tông đồ Cầu nguyện. Mọi chi phí xuất bản đều do ngài tự chi trả. Ngay cả sau khi cha Arnold đã thành lập Mission House ở Steyl; ngài tiếp tục xuất bản những tập sách nhỏ về cầu nguyện – chẳng hạn như Tập sách về Thánh Giuse vào năm 1884 với những lời cầu nguyện với Thánh Giuse. Năm 1908, ấn bản thứ 12 của tập sách này được xuất bản.

Một tờ rơi cầu nguyện đặc biệt nữa từ trước khi thành lập cơ sở ở Steyl đã được phổ biến khắp Châu Âu dành cho người nói tiếng Đức, giải thích lời cầu nguyện trong chuỗi Mân Côi và gợi ra năm ý cầu nguyện đặc biệt, mỗi ý cho mỗi chục kinh trong năm chục. Lý do đằng sau ý tưởng này khá đơn giản. Kinh Mân Côi là một trong những lời cầu nguyện quen thuộc nhất của người Công giáo, cả trong cộng đoàn giáo xứ và tại gia. Nếu các tín hữu được hướng dẫn và nhận thức được lời cầu nguyện của mình cho nhu cầu của người khác, họ sẽ ít bận tâm hơn đến những tư lợi ích kỷ, và dần dần sẽ có được sự quan tâm vị tha đối với người khác, tình yêu chân thành đối với người lân cận.

Khi nhận ra những ý hướng cầu nguyện này, chúng ta thấy chúng thực sự phục vụ cho việc truyền giáo:

Năm ý cầu nguyện không liên quan trực tiếp đến những mầu nhiệm trong kinh Mân Côi. Ở chục kinh đầu tiên, ý nguyện là “mở rộng tình yêu và vương quốc của Thiên Chúa trên trần gian”. Ý thứ hai là dành cho các nhà truyền giáo, linh mục và giám mục của Giáo Hội, để Chúa chúc lành cho họ và đổ đầy lòng nhiệt thành vì việc cứu rỗi các linh hồn. Ý hướng thứ ba là cầu nguyện cho người tội lỗi hoán cải, an ủi người đau khổ, giúp đỡ người nghèo khó và bị áp bức, và thăng tiến nhân đức nơi người công chính. Điều thứ tư “xin Chúa chúc lành cho các gia đình, cộng đoàn, tổ chức và nhà ở của tu sĩ, để tất cả mọi người có thể phục vụ Chúa trong bình an và đạt được hạnh phúc vĩnh cửu”. Điều thứ năm – “vì chính nghĩa của Chúa đã chiến thắng kẻ thù ở khắp mọi nơi, và những sai lầm có thể bị gạt ra đằng sau của Giáo Hội thánh thiện.”[2]

Nhà sử học quá cố thuộc Dòng Ngôi Lời, cha Bornemann viết: Thông qua những nỗ lực của mình nhằm thúc đẩy Phong trào Tông đồ Cầu nguyện, việc cầu nguyện quên mình bằng Kinh Mân Côi, và bằng lời cầu nguyện của chính mình cho những ý hướng lớn lao của Giáo hội, người giáo viên [Arnold] ở Bocholt đã phát triển một quan điểm công giáo [toàn cầu, phổ quát] thực sự.[3]

II. Tạp chí Sứ giả nhỏ của Thánh Tâm

1. Lý do ra đời Tạp chí

Việc phục vụ Hội Tông đồ của cha Arnold khiến ngài ngày càng không thỏa mãn với việc giảng dạy ở Bocholt nhỏ bé. Ngài quan tâm đến toàn thế giới. Thành công trong việc xuất bản rất nhiều tập sách nhỏ và tờ rơi cầu nguyện đã mang lại cho ngài niềm yêu thích truyền thông.

Năm 1873, ngài quyết định nghỉ việc làm giáo viên trung học. Và kỳ vọng mới trong cuộc sống của ngài là:

“Tôi thấm nhuần ý tưởng làm nhiều hơn nữa vì lợi ích thiêng liêng của Giáo Hội và đặc biệt là các việc truyền giáo nước ngoài. Nhưng vì lịch trình dày đặc và đặc biệt là các môn tôi phải dạy (khoa học, vật lý, toán học và tiếng Pháp) nên tôi có rất ít cơ hội cho những hoạt động này. Tôi muốn đảm nhận một vị trí mà tôi có thể làm được điều này; điều đó có nghĩa là phải từ bỏ công việc ở Bocholt. Ý định đặc biệt của tôi là tìm thời gian để xuất bản một tờ báo phổ biến hàng tháng nhằm cổ vũ việc cầu nguyện và tham gia vào các ý muốn cao cả của Đấng Cứu Thế, đặc biệt là việc truyền bá đức tin[4] đó là phúc âm hóa. Cha Arnold muốn trở thành một nhà truyền giáo toàn thời gian thông qua các phương tiện truyền thông.

Sau một thời gian tìm kiếm, cuối cùng Arnold quyết định trở thành tuyên úy và giáo viên bán thời gian (part-time teacher) cho các Nữ tu Ursuline ở Kempen, quê hương của Thomas thành Kempen nổi tiếng, tác giả cuốn Imitatio Christi (Gương Chúa Giêsu).

2. Cha Arnold là biên tập viên, nhà văn, quản lý bán hàng, kế toán

Và tại Kempen, Arnold đã trở thành người rao giảng Tin Mừng toàn thời gian thông qua truyền thông – công ty truyền thông của ngài là công ty một thành viên. Ngài là một nhà văn, biên tập viên, kiêm quản lý bán hàng. Tạp chí được in ở Paderborn. Ngài gọi tạp chí của mình là Kleiner Herz-Jesu-Bote; cái tên được mượn từ tạp chí Tông đồ Cầu nguyện: Sứ giả của Thánh Tâm. Ngài chỉ thêm chữ “Little” thành Sứ giả nhỏ của Thánh Tâm.

Mỗi số báo sẽ bao gồm 8 trang có định dạng hai cột, khổ 8 x 12 inch, kèm theo bản đồ hoặc hình ảnh. Cha Arnold là chủ sở hữu của tạp chí, do đó tất cả lợi nhuận đều thuộc về ngài và ngài cũng sống nhờ vào đó, do ngài không có thu nhập cố định.

Ngài yêu cầu nhà in và nhà xuất bản đăng những bài quảng bá lớn và đắt tiền trên ba tờ báo Công giáo lớn của Đức, và những bài báo quảng bá nhỏ hơn trên hàng chục tờ báo nhỏ, hầu hết ở Đức, và cũng có ở Tirol và Vienna.

Ngài đã viết ba bức thư quảng bá mà nhà in sẽ gửi cho các linh mục, tu viện và những người bán sách. 2.700 bản của những bức thư này đã được gửi đi.

Nội dung Tạp chí tập trung vào vấn đề truyền giáo ở nước ngoài và cho dân ngoại từ số báo thứ hai trở đi.

Để tìm tài liệu cho tạp chí xuất bản hàng tháng, Arnold đã tìm tòi nhiều sách và bản đồ. Ngài nghiên cứu lịch sử truyền giáo và đặt mua tạp chí truyền giáo Công giáo Pháp, ấn phẩm hàng đầu của Hội Truyền bá Đức tin Pháp, do Pauline Jaricot, một nữ giáo dân người Pháp thành lập.

Tạp chí nhỏ của cha Arnold không phải là tạp chí truyền giáo duy nhất ở Đức, mà các tu sĩ Dòng Tên cũng đã xuất bản một tạp chí loại này kể từ năm 1873. Nó dành cho các giáo sĩ và giáo dân có trình độ học vấn cao.

Cha Arnold hướng tới đại đa số người dân. Sau ba tháng, ngài đã có 3.000 người đăng ký. Sau khi thanh toán hết các chi phí, ngài vẫn kiếm được một khoản lãi nhỏ để có thể chi trả cho đợt phát hành tiếp theo.

3. Phong cách Tạp chí

Khi nhìn vào phong cách tạp chí của Arnold, chúng ta thấy: Ngài viết đơn giản, thực tế và không có những cụm từ hoa mỹ. Và ngài đã làm chứng về đức tin của mình sao cho tỏa sáng trên từng trang tạp chí. Kết quả là độc giả của ngài đã nhiệt tình ủng hộ ngài và tác phẩm của ngài. Chính ngài đã viết về phong cách của mình: Nguyên tắc chủ đạo của tôi là luôn phải thông minh và thú vị nhất có thể.

Tiêu đề của bài viết nhằm mục đích thu hút người đọc. Các bài viết chứa thông tin chi tiết về dữ liệu địa lý, hệ thực vật, động vật và dân tộc học. Trong bối cảnh đó, ngài đã phác họa một bức tranh rõ ràng về đời sống của nhà truyền giáo. Mọi thứ đều cô đọng, gần giống như trong một cuốn bách khoa toàn thư.

Thỉnh thoảng ngài cho in một vài bài báo khổ hạnh mang tính tín điều, gây khó hiểu cho độc giả [?]

Mỗi số tạp chí bắt đầu bằng lời cầu nguyện trước khi đọc và kết thúc bằng lời cầu nguyện sau khi đọc. Một số người cho rằng Arnold đã làm quá, nhưng ngài nói: Chỉ cần tôi làm Chúa vui lòng thì mọi chuyện sẽ ổn thôi.

Với những bài báo của mình, ngài đã tìm cách đánh thức mối quan tâm của quê hương [người Đức] đối với sứ vụ truyền giáo ở nước ngoài và cho dân ngoại, cũng như cho nhu cầu của quê hương ngài.

4. Phụ trương truyền giáo đặc biệt: tờ rơi Kinh Mân Côi Sống

Cùng với tạp chí Sứ giả nhỏ của Thánh Tâm, cha Arnold xuất bản mỗi tháng một tờ rơi bốn trang về Chuỗi Mân Côi Sống, phong trào do Pauline Jaricot bắt đầu ở Pháp. Tờ rơi chứa đựng những ý cầu nguyện kèm theo 15 chục của Kinh Mân Côi. Những chục kinh được phân chia cho 15 người, mỗi người hứa sẽ đọc một chục kinh Mân Côi hàng ngày, và được phát cho một ý cầu nguyện mới mỗi tháng.

Những tờ rơi lần chuỗi này không được thêm vào tạp chí như một thứ bổ sung, mà tạo thành một đơn vị duy nhất với nó. Ngài viết: Chúng ta cổ vũ việc truyền giáo một cách hiệu quả nhất bằng cách khiến người dân nhiệt thành cầu nguyện cho họ. Đó là vấn đề hoán cải thế giới. Thế giới sẽ được hoán cải nếu Chúa muốn. Đức Chúa muốn điều đó ngay khi người ta xin ơn như vậy. Rõ ràng, theo quy luật, không thể có được một ân sủng lớn lao nếu không cầu nguyện nhiều. “Những lời khuyên chung về việc cầu nguyện rất hay và hữu ích. Tuy nhiên, hiệu quả hơn nhiều là nhờ sự hướng dẫn thực tế.” Arnold muốn chỉ dẫn phải đơn giản như thể chúng dành cho trẻ em. “Theo một nghĩa nào đó, chúng ta vẫn là những đứa trẻ suốt đời. Chúng ta bất lực nhất chính xác là trong những điều quan trọng nhất, chẳng hạn như cầu nguyện.”

Các ý cầu nguyện kèm với các chục kinh đã bao trùm toàn thế giới, cả các quốc gia theo Kitô giáo cũng như các quốc gia không theo Kitô giáo. Ngoài ra, ngài còn đưa ra số liệu thống kê về tình trạng tôn giáo ở mỗi quốc gia cũng như thông tin chi tiết về vùng đất và con người. Mỗi tháng một vị thánh, một danh sách các vị thánh trong một quốc gia và một kinh cầu – giống như một loạt lời cầu xin cho các quốc gia khác nhau và cho người đọc lời cầu nguyện. Ngài nói: “Lời cầu nguyện như vậy là lời cầu nguyện thực sự cho việc truyền giáo; nó mở rộng tầm nhìn thiêng liêng của tất cả các bên.”

Trong vòng một năm, ngài đã có 800 người đặt mua tờ rơi Kinh Mân Côi; dần dần tổng số lên đến 1.000. Thậm chí 20 năm sau, ngài vẫn xuất bản phụ trương Kinh Mân Côi Sống.

Cha Arnold đã giao công việc biên tập tạp chí của mình cho cha Wegener vào năm 1877. Ngài có phong cách lịch sự và đưa ra nhiều chủ đề đa dạng hơn.

Cha Arnold nhận thức rõ ràng về sự đóng góp của tạp chí Sứ Giả Nhỏ của Thánh Tâm trong việc thành lập cơ sở truyền giáo Steyl. Và ngài nói rõ, nếu không có tạp chí, ngài sẽ không thể làm được nhiều việc như thế trong thời gian ngắn như vậy!

III. Nhà in đầu tiên

Vào năm 1874 và 1875, Sứ Giả Nhỏ được in tại nhà in St. Boniface ở Paderborn. Nhưng vào năm 1875 cha Arnold được thông báo rằng hợp đồng với ngài sẽ không được gia hạn vào cuối năm đó. Vì vậy, cha Arnold quyết định thành lập nhà in của riêng mình và bắt đầu hoạt động vào ngày 27/01/1876. May mắn thay, ngài đã tìm được một thợ in tình nguyện bình dân có đào tạo. Khi chúc lành cho nhà in, Cha Arnold nói: ‘Đấng Cứu Độ của chúng ta đã chỉ vào chữ (lời, word) cho sự hoán cải của thế giới bằng cách nói: “Hãy rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Vào thời của ngài, chữ in chưa được biết đến. Hiện nay nó được biết đến, nó được ứng dụng và ma quỷ dùng nó để làm rất nhiều điều xấu. Vì vậy, người tôi tớ của Chúa Giêsu phải sử dụng nó để làm điều tốt. Vì sức mạnh của chữ in qua máy in trong thời gian một giờ sẽ được nhân lên gấp ngàn lần! Tuy nhiên, không phải số lượng ấn bản nhiều là quan trọng. Điều quan trọng là lời ấy được đọc và đưa vào thực hành.…[5] Sau lời chúc lành, cha Arnold đã in ngay trang đầu tiên của tờ Sứ Giả Nhỏ, số tháng Giêng.

IV. Tạp chí THE HEILIGE STADT GOTTES (Thành đô Thiên Chúa)

Việc xuất bản tạp chí này là kết quả sự trợ giúp được đưa ra bởi một nhà xuất bản Hà Lan thành công nhất từ Hertogenbosch ở Hà Lan. Nhà xuất bản này đặc biệt giỏi in hình ảnh. Và họ đề xuất cha Arnold làm một tạp chí gia đình bằng hình ảnh dành cho độc giả nói tiếng Đức. Lời ngỏ giúp đỡ trên đã khiến cha Arnold hoàn toàn bất ngờ. Tạp chí như vậy có phù hợp với chương trình truyền giáo của cơ sở truyền giáo (truyền giáo hải ngoại) không? Chính Arnold sau này nhớ lại:

“Lúc đầu chúng tôi khá phản đối toàn bộ ý tưởng. Một trong những lý do chính là Đức đã có một số tạp chí có tranh minh họa rồi.” Nhưng cuối cùng ngài đã chấp nhận lời đề nghị. Ngài lý luận như thế này: Bằng một tạp chí phi truyền giáo, chủng viện và báo chí của chủng viện sẽ có thể mang ý tưởng truyền giáo đến với những nhóm khác mà không dễ tiếp cận. Và lời đề nghị giúp đó rất hấp dẫn về mặt tài chính. Chủng viện có thể kiếm được chút thu nhập khiêm tốn cho chính mình thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào sự đóng góp. – Theo thời gian, toàn bộ SVD đã nhận được hỗ trợ tài chính từ xưởng in truyền giáo Steyl!

Tạp chí được sắp chữ ở Steyl và sau đó được gửi đến Hertogenbosch để in hình ảnh. Đó là một tờ báo hàng tuần dài 8 trang với khổ lớn đến mức không thể in được ở Steyl. Suốt 5 năm, nó đã được in ở Hertogenbosch.

Số đầu tiên xuất hiện vào ngày 06/01/1878. Tiêu đề “Thành đô Thiên Chúa” có thể được lấy cảm hứng từ “Thành phố của Thiên Chúa” của thánh Augustinô hoặc từ “Thành phố huyền nhiệm của Thiên Chúa” do một nữ tu và nhà thị kiến vào thế kỷ 17, Maria thành Agreda.

Trong số đầu tiên cha Arnold giải thích cho độc giả của mình cách một cơ sở truyền giáo, có nhiệm vụ chính là truyền giáo nước ngoài, lại có thể xuất bản một tạp chí gia đình cho nước Đức.

Cha Arnold viết:

“Bất cứ ai muốn truyền bá điều gì đó tốt đẹp thì phải có ý định tác động đến đồng loại của mình. Và sau đó người đó phải sử dụng những phương tiện mà tùy theo tình hình tại một thời điểm nhất định, dường như là những phương tiện thích hợp nhất. Báo chí ngày nay là một trong những phương tiện đó.”

Bằng việc xuất bản “Stadt Gottes,” cha Arnold, theo chính lời ngài, muốn làm một điều gì đó nhiều hơn những gì đã xảy ra cho đến nay, nhằm tác động đến tinh thần công chúng ở Đức vì sự tốt nhất của đạo thánh.

Mục tiêu (truyền giáo) của “Stadt Gottes” cũng giống như mục tiêu của Hiệp hội Thánh Phaolô ở Thụy Sĩ nhằm thúc đẩy một nền báo chí tốt:

“Rằng quan điểm đức tin của chúng ta sẽ ngày càng thống trị trong nhà nước, trong gia đình và trong cuộc sống của từng cá nhân.”

“Stadt Gottes” sẽ đạt được mục tiêu đó thông qua ba loại bài báo. Trong số đầu tiên của Stadt Gottes chúng ta đọc thấy:

1. Stadt Gottes muốn trở thành một tạp chí giải trí. Vì vậy, nó cố gắng mang đến những câu chuyện và tiểu thuyết hay, những bản khắc họa và bức vẽ đẹp từ cuộc sống hàng ngày cũng như từ lịch sử hàng ngày và chiến tranh; nó sẽ mang lại điều gì đó trong số rất nhiều điều thích hợp để dành một giờ thư giãn một cách thú vị và nếu có thể mang tính giáo dục chỉ dẫn.

2. “Stadt Gottes” cũng sẽ là một tạp chí mang tính hướng dẫn nhằm mục đích phổ biến những kiến thức hữu ích, đặc biệt từ thiên nhiên là đền thờ tôn kính Chúa. Thiên Chúa đã đặt chúng ta ở đó để thiên nhiên công bố cho chúng ta sự tồn tại của Ngài, sự vĩ đại, sự khôn ngoan và tất cả những phẩm chất cao quý của Ngài.

3. “Stadt Gottes” cũng sẽ là một tạp chí tôn giáo, điều đó có nghĩa là nó cũng sẽ truyền cảm hứng và giảng dạy về các vấn đề tôn giáo, và về mặt này, nó muốn làm được nhiều hơn một chút so với những tạp chí hàng tuần có minh họa hiện có.

Đối với tạp chí mới của mình, Arnold Janssen cần sự giúp đỡ của các nhà văn và nhà thơ. Để lôi cuốn sự hợp tác của họ, trong một bài báo trên tờ Stadt Gottes số thứ hai, ngài đã mời họ gửi tiểu thuyết, bài thơ hoặc bất cứ thứ gì của họ. Họ không cần phải theo đạo Kitô giáo, nhưng cũng không được chống lại tinh thần Kitô giáo của tạp chí. Ngay cả những câu chuyện cười hay cũng được chào đón.

Cha Arnold kết thúc bài viết này bằng những lời có thể được coi là tuyên ngôn sứ vụ của tạp chí “Stadt Gottes”:

“Thân gửi Holy Stadt Gottes (Thành đô Thiên Chúa), bây giờ bạn có thể bắt đầu chuyến lang thang đến tất cả các vùng của nước Đức. Xin Chúa và Mẹ thân yêu của Ngài giúp bạn trở thành một chiến binh trung thành cho sự thật và công lý, đồng thời bạn cũng lưu giữ trong nhiều trái tim tình yêu đạo thánh và yêu mến Đấng Sáng Tạo vĩ đại của mọi tâm hồn…” (tr. 15).

V. Lịch Anmalac của thánh Michael

Việc xuất bản tạp chí này là ấn phẩm thành công nhất trong số các ấn phẩm của cha Arnold, ấn phẩm “trụ cột gia đình” thực sự, đã được tiến sĩ Kolbe, một giáo dân đến từ Berlin đề xuất với cha Arnold. Sau đó, tiến sĩ này cũng trở thành tổng biên tập đầu tiên trong 5 năm.

Almanac ra mắt mỗi năm một lần bằng tiếng Đức và tiếng Hà Lan; nó chứa thông tin thú vị, tiểu thuyết, và mỗi ngày trong năm nó cung cấp thông tin về mặt trời mọc và mặt trời lặn, mặt trăng mọc và mặt trăng lặn, các ngôi sao. Nó cung cấp thông tin phụng vụ, linh hứng thiêng liêng – và tất cả những điều đó trên một trang. Mỗi tháng có trang riêng – với thông tin vừa được đề cập cho từng ngày.

Lịch này có số lượng phát hành là 500.000 bản vào năm 1900. Trong đó, chúng ta cũng tìm thấy quảng bá đầu tiên về việc thành lập ngôi nhà mẹ và hội dòng [SSpS và SSpSAP]:

Cách đây không lâu, một cơ sở cũng đã được thành lập dành cho các nữ tu truyền giáo. Đó là những chị em sẽ hoạt động tại cơ sở Steyl. Sau này họ cũng sẽ làm việc truyền giáo nước ngoài và ở đó họ sẽ đặc biệt làm việc cho phụ nữ. Ngôi nhà mới này dành cho các nữ tu sẽ được đặt dưới sự điều hành của cơ sở truyền giáo Thánh Michael.

Ngoài các nữ tu truyền giáo đã được đề cập, một số nữ tu sẽ được nhận vào cơ sở, những người coi ơn gọi của mình là sống ẩn dật tích cực hơn trong các hoạt động phụ nữ và cầu nguyện với lòng nhiệt thành đặc biệt cho các sứ vụ truyền giáo và nhiệm vụ chung của hội dòng trước Chúa Thánh Thần. Chúng tôi đặc biệt khuyến khích sự tôn thờ và tôn kính của các chị em này.

VI. Nhà xuất bản

Năm 1880, nhà xuất bản Mission cũng chuyển sang lĩnh vực xuất bản sách. Danh mục xuất bản năm 1885 liệt kê hàng chục tài liệu quảng cáo từ 16 đến gần 100 trang, và nhiều cuốn sách 150, 300 và 500 trang. Chúng bao gồm các câu chuyện lịch sử, một số tiểu sử, văn học khổ hạnh và sách sùng kính. Từ năm 1895, 15 đến 20 tựa sách mới được thêm vào mỗi năm.

Tất cả những điều này đều nhằm mục đích phục vụ việc truyền giáo cũng như tạo nền tảng tài chính vững chắc cho cơ sở truyền giáo.

VII. Ấn bản đặc biệt tôn vinh Chúa Thánh Thần

Trong Tu Nghị SVD 1884-1886, Hội Dòng đã quyết định nhấn mạnh một cách rất đặc biệt tới việc tôn sùng Chúa Thánh Thần.

Để tôn vinh quảng bá lòng sùng kính Chúa Thánh Thần tới độc giả của tạp chí truyền giáo “Kleiner Herz-Jesu-Bote”, Sứ Giả Nhỏ của Thánh Tâm, cha Arnold bắt đầu với việc xuất bản một ấn phẩm dài 4 trang, có tên là “Komm, Heiliger Geist, hernieder!” – Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến! Chính cha Arnold đã xuất bản nó, tự viết bài hoặc chọn bài để xuất bản. Những ấn phẩm này được cho là phần phụ trương cho Sứ Giả Nhỏ của Thánh Tâm. Số đầu tiên được xuất bản vào Lễ Ngũ Tuần năm 1887. Và sau đó các số này xuất hiện không thường xuyên cho đến tháng 6/1908.

B. SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC TÔNG ĐỒ TRUYỀN THÔNG NƠI CHA ARNOLD ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC HỘI DÒNG DO NGÀI THÀNH LẬP

I. Linh hoạt Truyền giáo – Quảng bá sự thành lập Mission House – Ơn gọi – Tài chính

Đương nhiên, cha Arnold trước hết muốn công việc tông đồ truyền giáo của Giáo Hội được mọi người biết đến; Tạp chí Sứ Giả Nhỏ đã làm việc linh hoạt truyền giáo. Và sau đó ngài muốn các hội dòng của mình được nhiều người biết đến và kêu gọi quyên góp.

Liên quan đến sự phát triển của cơ sở truyền giáo St. Michael, ngài đã thông báo đầy đủ cho các độc giả sự phát triển về mặt tinh thần và vật chất của cơ sở – vì vậy, tôi nghĩ, điều này đã mang lại cho ngài sự ủng hộ của độc giả cũng như hỗ trợ tài chính. Vì vậy, chúng ta hãy theo dõi sự phát triển này từ đầu cho đến ngày 8 tháng 9 năm 1875.

1. Từ quyết định đến hoàn thành (tháng 9/1874 – tháng 9/1875): Câu chuyện dần dần hé lộ về sự thành lập Dòng

a. Thông tin chung

Cha Arnold đưa tin theo cách riêng của ngài. Trong số thứ hai của Sứ Giả Nhỏ của Thánh Tâm từ tháng 2/1874, ngài đã viết trong một chú thích cuối trang: việc ngài chỉ tiết lộ dần dần các kế hoạch của mình là tùy theo sự hướng dẫn của Chúa.

Trong các bài báo của mình liên quan đến việc thành lập cơ sở truyền giáo, cha Arnold đã làm đúng như vậy: Ngài để độc giả tham gia vào cách Chúa dẫn dắt ngài dần dần và hiểu được điều Chúa muốn ngài làm: đầu tiên ngài chỉ thông báo cho độc giả một cách rất chung chung – và dần dần, khi ngài nhận ra các kế hoạch của Chúa thì càng ngày thông tin của ngài về việc thành lập cơ sở truyền giáo càng trở nên cụ thể hơn. Làm thế nào mà Cha Arnold đi đến quyết định thành lập một cơ sở truyền giáo? Chịu trách nhiệm về việc đó là Đại diện Tông tòa ở Hồng Kông, Raimondi. Lễ Ngũ Tuần năm 1874, cha đã đến thăm linh mục giáo xứ Neuwerk gần Mönzhengladbach, đức ông tiến sĩ von Essen, người quan tâm đến việc thành lập một cơ sở truyền giáo cho các nhà truyền giáo Trung Hoa. Vì muốn có một số thông tin về Trung Hoa cho tờ Sứ Giả Nhỏ nên cha Arnold đến thăm và phỏng vấn ngài Raimondi ở Neuwerk. Khi cha Arnold cho biết người ta nói rằng nước Đức không có trụ sở truyền giáo cho các cơ quan truyền giáo nước ngoài. Raimondi đã chỉ ra cho Arnold biết rằng von Essen muốn thành lập một cơ sở truyền giáo và cha Arnold nên hợp tác với ngài von Essen. Tuy nhiên, cha Arnold đã từ chối. Raimondi sau đó đã đến thăm cha Arnold ở Kempen.

b. Quyết định thành lập cơ sở truyền giáo

Trong chuyến thăm Kempen, Raimondi đã đề nghị với cha Arnold thành lập một trường học tông đồ, đó là trường đào tạo các nhà truyền giáo từ năm đầu trung học cho đến triết học, thần học và đến khi thụ phong linh mục. Sau khi cầu nguyện và phân định kỹ lưỡng về ý muốn của Thiên Chúa dành cho mình, cha Arnold đã bị thuyết phục vào tháng 9/1874 rằng Chúa đã dẫn dắt cuộc đời ngài theo cách phù hợp để thành lập một trường tông đồ như vậy, nhằm đào tạo những nhà truyền giáo. Thiên Chúa đã lo liệu rằng với tư cách là một giáo viên, Arnold đã thu thập tất cả kinh nghiệm cần thiết để bắt đầu với một Trường Tông Đồ như vậy. Bây giờ, chúng ta hãy xem cách cha Arnold giao tiếp (truyền thông) để mở ra việc thành lập cở sở truyền giáo.

2. Tháng 9 và 11/1874: Các bài viết về cơ sở truyền giáo trong tương lai

Như đã nói, Arnold đã quyết định thành lập một cơ sở truyền giáo vào tháng 9/1874. Ngay trong tháng đó, ngài đã cho in lại một bài báo của tiến sĩ von Essen ở Neuwerk về sự cần thiết của việc thành lập một cơ sở truyền giáo.

Vào tháng 11/1874, ngài viết những ý tưởng của riêng mình về việc thành lập một cơ sở truyền giáo ở Đức dành cho những nhà truyền giáo Đức. Và ngài đã thực hiện việc gây quỹ đầu tiên của mình. Ngài viết:

Chúng tôi xin những độc giả ngoan đạo giúp đỡ bằng lời cầu nguyện và quyên góp vì tình thương nhiều nhất có thể. Đúng thật, ngoan đạo có nghĩa là cầu nguyện thành tâm; nhưng cũng phải làm việc một cách ngoan đạo với những nén bạc đã được ban cho, trong chừng mực tình hình [kinh tế] cho phép. Trong phần chú thích cuối trang, ngài viết: “Nếu ai đó muốn ủy thác cho chúng tôi quyên góp tiền cho mục đích này, chúng tôi sẽ vui lòng đón nhận. Nếu không có kết quả gì cho việc thành lập, chúng tôi sẽ gửi tiền vào ngân hàng có lãi suất.”

3. Tên của cơ sở truyền giáo mới và những đóng góp đầu tiên

Vào tháng 01/1875, cha Arnold viết về những khoản quyên góp đầu tiên cho cơ sở truyền giáo mới mà lúc đó ngài gọi là cơ sở truyền giáo Đức – Áo, dành cho Đức và Áo. Các khoản quyên góp đến từ Đức và Áo – từ tất cả những nơi mà tạp chí Sứ Giả Nhỏ đã được phân phối và đọc.

4. Tháng 2-3-4/1875: Các bài báo giải thích về Trường Tông Đồ

Đức ông Raimondi đã đề nghị ngài đào tạo những nhà truyền giáo của mình từ năm đầu trung học, qua triết học, thần học cho đến việc thụ phong. Những trường như vậy được gọi là Trường Tông Đồ (Apostolic School). Muốn làm theo gợi ý đó, cha Arnold đã viết bài giải thích các trường tông đồ như vậy và giá trị của chúng đối với việc đào tạo các nhà truyền giáo trong các số báo tháng 2-3-4/1875.

5. Tháng 3/1875: Thông tin về địa điểm và tên cơ sở truyền giáo

Vào tháng 3/1875, Arnold cũng thông báo với độc giả của mình rằng vì tình hình Kulturkampf [chiến tranh văn hóa] nên cơ sở truyền giáo cần được thành lập ở Hà Lan, và ngài đã liên hệ với Đức giám mục [giáo phận Roermond] rồi. Hơn nữa, ngài viết rằng cơ sở truyền giáo nên nhận thánh Michael làm bổn mạng.

6. Tháng 4 và tháng 6/1875: Các bài viết về thánh Michael Tổng lãnh Thiên thần

Mỗi số trong tháng 4 và tháng 6/1875, ngài đã viết một bài báo về Thánh Michael.

7. Tháng 5/1875: Tên mới của Cơ sở Truyền giáo và lời cầu nguyện lên Đức Maria cho ngôi nhà truyền giáo mới theo kế hoạch

Vào tháng 5/1875, lần đầu tiên trong tháng này, ngài xuất bản lời cầu nguyện với Đức Maria cho cơ sở truyền giáo mới, được gọi là “CƠ SỞ TRUYỀN GIÁO ĐỨC – ÁO – HÀ LAN dành cho sứ vụ truyền giáo nước ngoài trong sự liên kết với nơi huấn luyện nhằm giáo dục những nhà truyền giáo tương lai”. Hơn nữa, ngài còn đề cập đích danh các giám mục đã ủng hộ việc này.

Arnold vui mừng báo cáo về việc Đức Giáo Hoàng Piô IX ban phép lành cho cơ sở truyền giáo mới.

8. Tháng 7/1875: Báo cáo về việc ký hợp đồng mua bán cơ sở truyền giáo, việc kết nối các tuyến xe lửa đi và đến Steyl, và lịch trình tàu chạy.

Vào tháng 7/1875, ngài báo cáo rằng hợp đồng mua cơ sở truyền giáo mới cho Đức, Áo và Hà Lan đã được ký vào ngày 16 tháng 6. Ngài cũng mô tả rất rõ ràng cách mọi người có thể đến bằng tàu hỏa từ Đức đến Kaldenkirchen, Venlo và cuối cùng đến Steyl. Ngài thậm chí còn cung cấp lịch trình của các chuyến tàu – đến Venlo, đến từ nhiều trung tâm ga tàu khác nhau ở Đức và khởi hành từ Venlo đến những trung tâm đó.

9. Báo cáo tháng 8/1875 về nền tảng thiêng liêng của cơ sở truyền giáo mới

Vào tháng 8/1875, ngài viết về nền tảng thiêng liêng của cơ sở truyền giáo mới:

Cha Arnold báo cáo với độc giả tạp chí Sứ Giả Nhỏ của Thánh Tâm rằng ngài và những cộng sự đầu tiên đã tận hiến cho công việc của cơ sở truyền giáo mới vào ngày 16/6/1875 – ngày kỷ niệm Thánh Tâm Chúa Giêsu hiện ra cho Margaret Mary Alacoque, và vào ngày hôm đó hợp đồng mua cơ sở truyền giáo đã được ký kết. Ngài viết:

Cơ sở truyền giáo sẽ không bao giờ quên nguồn gốc của nó. Theo mục đích của mình, cơ sở truyền giáo hướng tới việc thực hiện những ý hướng tốt lành của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Do đó, nguồn gốc này thúc đẩy phải thể hiện điều này một cách rõ ràng hơn nữa bằng việc đề cập rõ ràng đến Thánh Tâm Chúa Giêsu. Để chứng minh rằng cơ sở truyền giáo sẽ làm việc để hoàn thành các ý hướng của Thánh Tâm, cơ sở chọn khẩu hiệu với những lời ý nghĩa: Vivat cor Jesu in Cordibus Hominum – Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu ngự trị trong tâm hồn mọi người.

10. Tháng 9/1875: Báo cáo về việc khai trương cơ sở truyền giáo và điều kiện để nhận sinh viên vào học

Vào tháng 9/1875, Arnold báo cáo về việc khai trương cơ sở truyền giáo vào ngày 8 tháng 9. Ngài cũng công bố tất cả các yêu cầu để nhận sinh viên. Ví dụ, mỗi ứng viên phải đưa ra lời tuyên bố sau đây cho thấy rõ những phẩm chất mà một nhà truyền giáo phải có:

Những người muốn trở thành nhà truyền giáo phải nộp đơn đăng ký. Trong đơn đăng ký, ứng viên phải khai báo “những tạp chí nào ứng viên đã đọc về công việc của những nhà truyền giáo giữa các dân tộc chưa biết Chúa; ứng viên mong muốn trở thành một nhà truyền giáo từ khi nào; ứng viên có bị bệnh thường xuyên không và thường bệnh bao lâu; ứng viên cảm thấy thế nào khi vì Chúa mà chịu đựng cái nóng, cái lạnh, những đau khổ và thiếu thốn khác; và ứng viên thấy thế nào khi chuẩn bị sẵn sàng tuân theo mọi luật lệ của cơ sở truyền giáo, sẵn sàng tự rèn luyện mình trong việc cầu nguyện, vâng phục và kiên nhẫn, để nhờ ơn Chúa mà trở nên một nhà truyền giáo tốt.”

Sau khi khai trương cơ sở truyền giáo, cha Arnold liên tục thông báo cho độc giả của mình về sự phát triển tiếp theo – về các tòa nhà mới, về sự gia tăng số lượng sinh viên – sau đó về các nhiệm vụ khác nhau và công việc của những nhà truyền giáo của ngài: các linh mục, các tu huynh và các nữ tu.

Điều quan trọng là ngài đã báo cáo hàng tháng về số tiền quyên góp mà ngài đã nhận được ở cuối mỗi số tạp chí Sứ Giả Nhỏ của Thánh Tâm.

 II. Sự tham gia của giáo dân

Thông qua nhiều khoản đóng góp nhỏ và hai khoản lớn hơn (của hồi môn của các Nữ tu Dòng Claire Khó Nghèo và sự đóng góp của một bà cụ làm giúp việc gia đình và nhận được một số tiền từ chủ), các giáo dân đã tham gia vào việc thành lập cơ sở truyền giáo mới, và hỗ trợ cơ sở trong những năm đầu tiên.

Nhưng dần dần người ta thấy rằng nguồn tài chính cần một số thu nhập thường xuyên hơn. Và đó là một lý do để thành lập nhà in thuộc sở hữu của cơ sở truyền giáo và xuất bản Holy Stadt Gottes cũng như Almanac của Thánh Michael. Cả hai tạp chí đều được lấy cảm hứng từ hai giáo dân.

Danh sách người đăng ký mua ba ấn phẩm của Steyl tăng lên cùng với sự xuất hiện của Tu huynh Clemens Lanze vào năm 1884.

Tu huynh này đã có sáng kiến về hệ thống các tu huynh lữ hành và những tình nguyện viên quảng bá cho các tạp chí Steyl. Bằng cách đó, giáo dân đã tham gia sâu vào công việc truyền giáo của Steyl thông qua hoạt động tông đồ trên các phương tiện truyền thông. Hệ thống tu huynh lữ hành và những người quảng bá hoạt động như sau:

Các tu huynh từ Steyl (sau này từ các cơ sở truyền giáo khác) sẽ đi từng nhà trong các thành phố và làng mạc để thu hút những độc giả Công giáo tiềm năng đăng ký tạp chí. Sau đó, các tu huynh sẽ tiếp cận một số người đáng tin cậy ở mỗi làng hoặc khu vực của thành phố và hỏi liệu những người đó có sẵn lòng phân phát tạp chí cho những người đặt mua dài hạn khác trong khu vực lân cận hàng tháng hay không, thu phí và chuyển chúng cho Steyl. Văn phòng Steyl sẽ giao dịch trực tiếp với những nhà phân phối này chứ không phải với những người đăng ký.

Các tu huynh đã dành nửa năm lữ hành trên đường, và làm nhiều công việc khác nhau tại cơ sở truyền giáo trong sáu tháng còn lại. Họ cũng giữ liên lạc thường xuyên với những người quảng bá đã phân phối các tạp chí. Các nhà phân phối hoặc người quảng bá là những người tốt, có tinh thần truyền giáo và luôn tìm cách thúc đẩy sứ vụ bằng cách đưa tạp chí đến tay người đăng ký. Không có cách nào khác để giải thích việc họ đã kiên trì trong nhiều năm với một nhiệm vụ thường khó khăn, thậm chí bị vô ơn và không được công nhận, nhưng lại đóng góp rất nhiều cho công việc truyền giáo của Giáo Hội, vì vậy nhà sử học của Dòng Ngôi Lời là cha Bornemann viết.[6] Và thậm chí ngày nay có khoảng 10.000 phụ nữ và nam giới đang phân phát các tạp chí; họ là những cộng tác viên giáo dân hoặc những nhà truyền giáo là giáo dân theo đúng nghĩa truyền giáo nhất.

C. TRUYỀN THÔNG – SỨ VỤ TÔNG ĐỒ BẮT BUỘC TRONG DÒNG NGÔI LỜI

I. Sứ vụ tông đồ truyền thông theo Hiến pháp SVD – Truyền thông là một phần không thể thiếu của Hội Dòng

Truyền thông đã được coi là một trong những hoạt động tông đồ trong hiến pháp của Dòng Ngôi Lời, vốn là bắt buộc đối với SVD trên toàn thế giới.

Luật Dòng đầu tiên năm 1891 được chia thành các chương, luật, hiến pháp và qui chế (chapters, rules, constitutions and statutes).[7]

Trong Chương 2, Luật 2, Qui chế 1, chúng ta đọc thấy rằng các thành viên phải hỗ trợ Giáo Hội trong công việc và cầu nguyện bằng những bài viết đạo đức thiêng liêng.[8]

Trong Chương 2, Luật 2, Hiến pháp c, trình bày: chúng ta phải làm việc để hoán cải những người ngoại giáo, lạc giáo và những người không có đức tin. Và chúng ta phải làm điều này qua lời cầu nguyện, hoạt động qua lời nói và các bài viết.

Và trong Chương 2, Luật 2, Qui chế 3, chúng ta thấy:

Những bài viết hay cũng phải được xuất bản. Thông qua đó, chúng ta cũng có thể giảng dạy và khuyên răn những người ở xa chúng ta. Hơn nữa, lời nói nhanh chóng bị lãng quên, còn các bài viết vẫn lưu lại. Tuy nhiên, những bài viết và bài phát biểu phải thuộc loại sao cho người ta đọc và nghe thấy niềm vui và nhờ đó mang lại hoa trái cho sự sống đời đời. Bằng cách đó, chúng ta có thể chống lại những bài phát biểu và bài viết tồi tệ mà ở thời đại chúng ta được lan truyền rất nhiều với tinh thần dối trá.

Hiến pháp năm 1898, 1905, 1910 đều đề cập đến hoạt động tông đồ truyền thông.

Hiến pháp sửa đổi năm 1977 có nội dung:

Nhằm chuẩn bị và trực tiếp công bố Lời Chúa, nhằm củng cố đức tin, nhằm thúc đẩy linh hoạt truyền giáo, chúng ta hoạt động tông đồ cập nhật trên các phương tiện truyền thông.

Loại công việc này trước hết không nhằm mục đích đạt được thành công về mặt kinh tế, nhưng nhằm đào sâu đức tin và linh hoạt truyền giáo. Ngoài ra còn phải là công việc mang tính khoa học theo nghĩa rộng nhất.

Tổng Tu Nghị năm 2000 đã đúc kết cho SVD bốn chiều kích đối thoại, và các chiều kích đặc trưng, một trong những chiều kích sau cùng là truyền thông.

Tu Nghị lúc đó khuyên:

“Chúng ta khuyến khích giáo dục truyền thông và sử dụng các phương tiện truyền thông để thúc đẩy các giá trị thay thế dựa trên Kinh Thánh và cảm thức siêu việt. Điều này cũng sẽ chống lại tác động tiêu cực thường xuyên của các phương tiện truyền thông đại chúng, vốn đôi khi phủ nhận các giá trị tôn giáo và con người. Hơn nữa, những đổi mới như thư điện tử và internet cần được khám phá như những phương tiện mới để loan báo Tin Mừng. Các trang web SVD nên được thiết lập để thể hiện giao diện phúc âm hóa trên internet”[9]

II. Truyền thông SVD trên toàn thế giới

Hà Lan

Cuốn lịch Almanac của thánh Michael đã được in bằng phiên bản tiếng Hà Lan ngay từ năm 1880 – cảm ơn một giáo viên đã nghỉ hưu ở Venlo.

Năm 1907, Steyl tiếp quản tạp chí truyền giáo Hà Lan “De Katholieke Missien” – Truyền giáo Công giáo. Lúc đó nó chỉ có 500 người đăng ký nhưng chẳng bao lâu số lượng người đăng ký đã tăng lên 20.000.

Khi Hitlers NS People chiếm đóng Hà Lan, việc xuất bản bị dừng lại. Nó được tiếp tục lại sau chiến tranh, nhưng kết hợp với một tạp chí truyền giáo khác của Hà Lan vào năm 1968.

Argentina

Năm 1895, SVD bắt đầu thành lập tờ báo của riêng mình: một tuần báo chính trị bằng tiếng Đức, với phụ trương tôn giáo vào Chủ nhật: “Argentinischer Volksfreund” (Người bạn của Nhân dân Argentina). Đây là một tạp chí gia đình cũng mang đến những câu chuyện từ các cuộc truyền giáo.

Sau 66 năm, việc xuất bản đã dừng lại.

Từ năm 1901, một tuần báo tiếng Tây Ban Nha được xuất bản: “El Semanario”.

Hoa Kỳ

Hoạt động tông đồ truyền thông, việc bán các tạp chí truyền giáo Steyl cho những người Đức di cư là lý do khiến tu huynh Wendlin Meyer trở thành SVD đầu tiên đến Hoa Kỳ.

Không có sự cho phép của cha Arnold, Giám tỉnh SVD đầu tiên ở Hoa Kỳ, cha Peil, bắt đầu xuất bản một tờ báo hàng tháng bằng tiếng Đức. Năm 1902, nó được gọi là “Amerikanische Missionsblatt” (“Tạp chí Truyền giáo Hoa Kỳ”). Chẳng bao lâu nó đã có 10.000 người đăng ký.

Từ năm 1906, một tạp chí gia đình được xuất bản, tương tự như Stadt Gottes, tờ The Christian Family (Gia đình Kitô giáo) tồn tại cho đến sau Thế chiến thứ hai.

Thành công hơn các tạp chí là những tập sách nhỏ và tờ rơi. Hàng triệu bản đã được phát hành khắp nước Mỹ.

Ngoài ra, tại Yên Châu (Trung Hoa) có nhà in; tại Philippines có nhà xuất bản Logos Publications; các hoạt động khác tại Papua New GuineaZaire, và Ghana.

III. Những ấn phẩm nội bộ của Dòng Ngôi Lời

- SVD Nuntius đã được xuất bản từ năm 1906 trở đi để cung cấp tin tức và đặc biệt liên quan đến luật, v.v.

- Ordo Divini Officii SVD chứa đựng các bản văn phụng vụ dành riêng cho SVD, các ngày giỗ của SVD, SSpS và SSpSAP, các lễ kỷ niệm của SVD, các ngày lễ của các bề trên.

- Catalogus SVD chứa thông tin về Tổng quyền, vùng sứ vụ, địa chỉ các cơ sở SVD và danh sách tất cả các thành viên SVD từ tập sinh đến khấn trọn đời,… (cập nhật 2 lần hằng năm)

- Arnoldus Nota là bản tin nội bộ của Tổng quyền phát hành 10 số mỗi năm

- Các thư luân lưu của Tổng Quyền[10]

- Các tài liệu của Hội Dòng: về quản trị tài sản, về nghiên cứu khoa học

- Các xuất bản hằng năm theo series: Witnessing to the WordFollowing the WordIn Dialogue with the WordIn Word and DeedFaithful to the Word

- Verbum SVD gồm các bài nghiên cứu mang tính học thuật về truyền giáo, thần học, xã hội,… phát hành trung bình 3-4 số hằng năm với tổng 450 trang, xuất bản từ năm 1959 đến năm 2020 thì dừng lại.

- Những ấn phẩm không định kỳ: Constitutions (Hiến pháp), Fontes Historici SVD (Lịch sử SVD), General Chapters – Documents (Các tài liệu Tổng Tu Nghị), Handbook for Superiors (Sổ tay các bề trên), Statutes of the Zones (Quy tắc ứng xử và tổ chức theo vùng SVD), SVD Ceremonial (các nghi thức cử hành phụng vụ trong SVD), SVD Vademecum (Sổ tay cầu nguyện cho các thành viên SVD),…

Và vô số các tác phẩm sách liên quan đến Hội Dòng đã phát hành rộng rãi bằng nhiều ngôn ngữ, do các tác giả SVD đóng góp vào kho tàng vô giá và phong phú trong sứ vụ truyền thông của Dòng Ngôi Lời.

 Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD

Chuyển ngữ (có bổ sung) từ: vivatdeus.org

Nguồn: Truyền Thông Ngôi Lời Việt Nam - ngoiloivn.net

_______

Chú thích

[1] Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD chuyển ngữ từ bài viết: https://vivatdeus.org/library/art048/

[2] Nguyên văn: “for the triumph of God’s cause over its enemies everywhere, and that the erring may be brought back to the bottom of the holy church.”

[3] Bornemann, bản dịch của John Vogelgesang, Arnold Janssen, Manila, 1975, trang 35.

[4] Alt, Journey in Faith, trang 41.

[5] auf der Heide, Die Missionsgesellschaft von Steyl [Hội Truyền giáo Steyl], trang 58.

[6] Bornemann, bản dịch của John Vogelgesang, Arnold Janssen, Manila, 1975, trang 160.

[7] Tham khảo Luật 1891 với quyền truy cập của thành viên SVD trên: https://s125.servername.online/~svdcu3/members/histtrad/docs/consten1891.pdf [ctcnd]

[8] Xem thêm Luật Dòng SVD 1891, Chương 1, Luật 8, Qui chế 1. [Người dịch đã thay đổi số tham chiếu, tác giả ban đầu ghi “Chương 1, Luật 6, Qui chế 1” là không chính xác. [ctcnd]

[9] Franz Josef Eilers, Communicating in Community, An introduction to Social Communication, ấn bản cập nhật lần thứ tư, Logos Publications, Manila, 2000, trang 299.

[10] Kể từ dòng này, các tài liệu phía sau do người dịch tiếng Việt bổ sung.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top