Canh tân đức tin nơi sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô và chầu Thánh Thể trong mọi giáo xứ toàn thế giới
Hãy canh tân đức tin nơi sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong Bí Tích Cực Thánh và chầu Thánh Thể trong mọi giáo xứ toàn thế giới. Ước chi ”mùa xuân Thánh Thể” tươi nở khắp nơi. Vì khi chiêm ngắm và thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta sống kinh nghiệm tình yêu của Thiên Chúa, được Chúa Giêsu Thánh Thể biến đổi và nhận được từ Ngài sức mạnh, sự ủi an và niềm vui.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến chung 30.000 tín hữu năm châu sáng thứ Tư 17-11-2010 tại quảng trường Thánh Phêrô.
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt một phụ nữ khác sống vào thế kỷ XIII, ít được biết tới, nhưng có ảnh hưởng trên việc thành lập lễ kính Mình Máu Thánh Chúa: đó là thánh nữ Giuliana thành Cornillon, người Bỉ.
Đức Thánh Cha nói về tiểu sử thánh nữ như sau: Giuliana sinh gần Lièges, bên Bỉ, giữa các năm 1191-1192. Cần quan trọng nhấn mạnh trên nơi này, bởi vì vào thời đó có thể nói rằng Giáo phận Lièges đã là một ”nhà tiệc ly Thánh Thể”. Trước Giuliana nhiều nhà thần học tên tuổi tại đây đã minh giải giá trị siêu việt của Bí tích Thánh Thể, và luôn luôn tại Lièges, đã có các nhóm phụ nữ quảng đại tôn sùng Thánh Thể và sốt sắng rước lễ. Được các linh mục gương mẫu hướng dẫn, họ sống chung với nhau, và tận hiến cuộc sống cho việc cầu nguyện và làm việc bác ái.
Mồ côi cha mẹ khi lên 5 tuổi, Giuliana cùng với em gái là Agnese được giao cho các nữ tu dòng thánh Agostino của tu viện phong cùi Mont-Cornilon nuôi nấng. Nhất là Giuliana được một nữ tu tên là Sapienza chăm nom, và bước theo chị trên con đường trưởng thành thiêng liêng, cho tới khi nhận áo dòng và cũng trở thành nữ tu dòng thánh Agostino. Chị có trình độ văn hóa đáng kể đến độ đọc sách các Giáo phụ bằng tiếng Latinh, đặc biệt là các tác phẩm của thánh Agostino và thánh Bênađô. Ngoài trí thông minh sinh động, ngay từ đầu chị Giuliana còn tỏ ra có khuynh hướng chiêm niệm và một ý thức sâu xa về sự hiện diện của Chúa Kitô, mà chị sống kinh nghiệm đặc biệt sâu đậm trong Bí tích Thánh Thể, và thường dừng lại để suy niệm các lời này của Chúa Giêsu: ”Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế” (Mt 28,20)
Đức Thánh Cha trình bày tiếp về cuộc đời chị Giuliana như sau: Năm 16 tuổi, chị Giuliana đã nhận được thị kiến đầu tiên, và thị kiến này lặp đi lặp lại trong các giờ chầu Thánh Thể. Thị kiến cho thấy mặt trăng tròn đầy rạng rỡ, với một vệt sậm ngang qua chính giữa. Chúa cho chị hiểu ý nghĩa của của thị kiến ấy. Mặt trăng biểu tượng cho cuộc sống của Giáo hội trên trái đất này, vệt sậm, trái lại, ám chỉ sự thiếu sót một ngày lễ phụng vụ, mà Chúa xin chị nỗ lực cổ võ: đó là một lễ, trong đó mọi tín hữu có thể thờ lạy Thánh Thể để đươc gia tăng đức tin, tiến bước trên đường nhân đức và đền bù các xúc phạm đến Bí Tích Cực Thánh.
Trong vòng gần 20 năm chị Giuliana, giờ đây đã trở thành bề trên tu viện, giữ kín bí mật của mạc khải đã khiến cho con tim của chị tràn ngập niềm vui, cho riêng mình. Rồi chị thổ lộ với hai phụ nữ sốt sắng chầu Thánh Thể khác là chân phước Evà, người sống đời ẩn tu, và Isabella là người đã theo chị gia nhập tu viện Mont-Cornillon. Thế là ba phụ nữ ký kết với nhau một loại ”giao ước thiêng liêng”, nhằm mục đích vinh danh Bí tích Thánh Thể. Họ cũng muốn lôi kéo một linh mục rất được kính trọng, là cha Giovanni thành Lausanne, kinh sĩ nhà thờ Thánh Martino vào cuộc bằng cách xin cha kêu gọi các nhà thần học và hàng giáo sĩ chú ý tới nguyện vọng thầm kín của họ. Các hưởng ứng đã tích cực và đáng khích lệ.
Điều xảy ra cho chị Giuliana thường được lặp lại trong cuộc sống các Thánh: để có được xác nhận một linh hứng đến từ Thiên Chúa cần phải luôn luôn dìm mình trong lời cầu nguyện, biết kiên nhẫn chờ đợi, tìm tình bạn và sự đối chọi với các linh hồn tốt lành khác, và để tất cả dưới sự phân xử của các Chủ Chăn của Giáo hội. Chính Đức Giám mục Giáo phận Lièges là Đức cha Robert de Thourotte, sau các lưỡng lự ban đầu, đã tiếp nhận đề nghị của chị Giuliana và các bạn gái của chị, và thành lập lần đầu tiên lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa trong Giáo phận của ngài. Sau này các Giám mục khác đã noi gương và cũng thành lập lễ này trong các Giáo phận thuộc quyền săn sóc mục vụ của các vị.
Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: tuy nhiên Chúa thường xin các Thánh vượt thắng các thử thách, để cho đức tin của các vị được gia tăng. Chị Giuliana cũng phải chịu sự chống đối của vài thành phần giáo sĩ và của chính vị bản quyền đối với tu viện của chị. Khí đó chị đã cùng với vài nữ tu tự ý rời bỏ tu viện Mont-Cornillon, và trong vòng 10 năm trời từ 1248-1258 các chị là khách của nhiều tu viện của các nữ tu Xitô. Chị nêu gương sáng cho mọi người vì lòng khiêm tốn, và không hề có lời chỉ trích hay trách móc nào đối với những người chống đối chị, nhưng vẫn tiếp tục hăng say phổ biến lòng tôn sùng Thánh Thể. Chị qua đời tại Fosses-La-Ville năm 1258. Trong căn phòng, nơi chị nằm có đặt Mình Thánh Chúa, và theo lời người viết tiểu sử, Giuliana qua đời, khi chiếm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể với tình yêu nồng cháy cuối cùng, Đấng mà chị đã luôn luôn yêu mến, vinh danh và tôn thờ.
Tiếp đến Đức Thánh Cha nói về nguồn gốc việc thành lập lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu trong toàn Giáo hội như sau: Đức cha Giacomo Pantaléon thành Troyes, là người đã quen biết thánh nữ Giuliana khi làm Tổng Giám mục Giáo phận Lièges, cũng bị chinh phục về việc thành lập lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Chính người, năm 1264 khi trở thành Giáo Hoàng với tên gọi là Urbano IV, đã thành lập lễ kính Mình Máu Thánh Chúa như là lễ trọng cho Giáo hội hoàn vũ, vào ngày thứ Năm sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Trong Tự Sắc thành lập tựa đề ”Transiturus de hoc mundo” ban hành ngày 11 tháng 8 năm 1264, ĐGH Urbano kín đáo gợi lại các kinh nghiệm thần bí của chị Giuliana, bằng cách thừa nhận tính cách đích thực của chúng và viết như sau: ”Mặc dù Thánh Thể được long trọng cử hành mỗi ngày, chúng tôi cho rằng thật là phải lẽ, ít nhất mỗi năm một lần, Thánh Thể được tưởng niệm một cách tôn kính và long trọng hơn. Thật thế, khi tưởng niệm các sự khác chúng ta nắm bắt chúng với tinh thần và trí khôn, nhưng không vì thế mà có được sự hiện diện thực sự của chúng. Trái lại, trong việc tưởng niệm bí tích này của Chúa Kitô, cả khi dưới hình dạng khác, Chúa Giêsu Kitô hiện diện thực sự với chúng ta trong bản thể riêng của Người. Thật vậy, trong khi lên trời Người đã nói: ”Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế” (Mt 28,20).
Đức Giáo Hoàng Urbano đã làm gương bằng cách cử hành lễ trọng kính Mình và Máu Thánh Chúa tại Orvieto, là thành phố nơi người ở thời đó. Chính Đức Giáo Hoàng đã ra lệnh cất giữ trong nhà thờ Chính tòa Giáo phận khăn thánh có dấu vết phép lạ Thánh Thể đã xảy ra trước đó năm 1263 tại Bolsena. Một linh mục trong khi truyền phép bánh và rượu, đã nghi ngờ về sự hiện diện thực sự của Mình và Máu Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Một cách lạ lùng, vài giọt máu đã bắt đầu chảy ra từ Bánh Thánh, và qua cách thức này xác nhận điều đức tin của chúng ta tuyên xưng. Đức Giáo Hoàng Urbano IV xin một trong những nhà thần học lớn nhất trong lịch sử, là thánh Toma thành Aquino, hồi đó đang tháp tùng người và ở tại Orvieto, sáng tác các thánh thi cho phụng vụ lễ trọng này. Các thánh thi đó ngày nay vẫn còn được dùng trong Giáo hội, là các kiệt tác, trong đó thần học và thơ phú hòa lẫn với nhau. Chúng là các thánh thi làm rung động con tim, diễn tả lời chúc tụng và lòng biết ơn đối với Bí tích Cực Thánh, trong khi trí thông minh kinh ngạc chìm sâu trong mầu nhiệm, thừa nhận trong Thánh Thể sự hiện diện sống động và thật sự của Chúa Giêsu, của Hy tế tình yêu của Người giao hòa chúng ta với Thiên Chúa Cha và trao ban ơn cứu độ cho chúng ta.
Sau khi Đức Giáo Hoàng Urbano IV qua đời, việc cử hành lễ kính Mình Máu Thánh Chúa chỉ hạn hẹp trong vài miền ở nước Pháp, Đức, Anh và bắc Italia, nhưng năm 1317 Đức Giáo Hoàng Gioan XXII tái lập trong toàn Giáo hội. Từ đó trở đi, lễ kính Mình Máu Thánh Chúa phát triển một cách tuyệt diệu, và rất được dân kitô cảm nghiệm. Tôi muốn tuơi vui khẳng định rằng ngày nay trong Giáo hội có một ”mùa xuân Thánh Thể”: có biết bao nhiêu người dừng lại trước Thánh Thể trong thinh lặng, để chuyện vãn với Chúa Giêsu trong yêu thương. Thật là an ủi, khi bết rằng nhiều nhóm bạn trẻ đã tái khám phá ra vẻ đẹp của việc cầu nguyện trong khi tôn thờ Bí tích Cực Thánh. Chẳng hạn tôi nghĩ tới buổi Chầu Thánh Thể tại Hyde Park ở Luân Đôn. Tôi cầu xin cho mùa xuân Thánh Thể này ngày càng được phổ biến trong tất cả mọi giáo xứ, đặc biệt tại Bỉ, là quê hương của thánh nữ Giuliana.
Và Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: khi nhắc tới thánh nữ Giuliana thành Cornillon, chúng ta cũng hãy canh tân đức tin nơi sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể như Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo dạy. Việc trung thành gặp gỡ Chúa Kitô Thánh Thể trong Thánh Lễ Chúa Nhật là điều nòng cốt đối với con đường đức tin, nhưng chúng ta cũng hãy tìm cách thường xuyên đến thăm viếng Chúa trong Nhà Tạm! Khi ngắm nhìn và thờ lạy Bánh Thánh, chúng ta gặp gỡ món quà tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta gặp gỡ Cuộc Khổ Nạn và Thập Giá của Chúa Giêsu cũng như sự Phục Sinh của Người. Chính qua việc nhìn ngắm thờ lạy của chúng ta, Chúa lôi kéo chúng ta tới với Người, vào trong mầu nhiệm của Người, để biến đổi chúng ta như biến đổi bánh và rượu. Các Thánh đã luôn luôn tìm thấy sức mạnh, sự ủi an và niềm vui trong cuộc gặp gỡ Thánh Thể. Cùng với các lời của Thánh thi ”Adorote devote” chúng ta hãy lặp lại trước mặt Chúa hiện diện trong Bí tích Cực Thánh: ”Xin làm cho con luôn ngày càng tin nơi Chúa hơn, để nơi Chúa con có niềm hy vọng, và để con yêu Chúa”.
Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Tchèques, Slovac, Croat, và Ý. Ngài đã đặc biệt kêu gọi trả tự do cho bà Asia Bibi, một tín hữu Công giáo Pakistan, bị kết án tử hình oan ức về tội gọi là ”phạm thượng chống Hồi giáo”. Ngài cầu nguyện cho tất cả mọi người phải ở trong tình trạng tương tự để nhân phẩm và các quyền căn bản của họ được hoàn toàn tôn trọng. Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô