Cảm tưởng về "Dấu ấn Đức Tin" qua cuộc triển lãm tranh tượng
WGPSG (20-9-2009) -- Hoạ sĩ Lê Hiếu là người góp nhiều công sức cho sự thành công của Triển lãm Mỹ thuật "Dấu Ấn Đức Tin II". Sau đây là cảm tưởng của ông về cuộc triển lãm này:
Đức tin mà không hành động là đức tin chết. Nghệ thuật mà không đi vào lòng người là phản nghệ thuật, phi nghệ thuật. Và một khi đức tin đã chết thì làm gì có dấu ấn nào để lại! Vậy làm thế nào để mối liên lạc giữa đức tin và nghệ thuật được phục sinh?
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã mời hơn 500 nghệ sĩ đến họp với ngài ngay dưới những bức bích họa lừng danh của Michelangelo trong nguyện đường Sixtine. Tổng Giám mục Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, cho biết cuộc họp này là một trong nhiều sáng kiến nhằm bắc một nhịp cầu nối lại khoảng trống ngăn cách giữa tâm linh và nghệ thuật, đã xảy ra trong những thế kỷ trước. Và tại cuộc họp báo ở Vatican ngày 10/09/2009, Tổng Giám mục Ravasi nói rằng, sự ngăn cách chết chóc giữa hai bên có thể thấy được rõ ràng nơi nghệ thuật và kiến trúc của nhiều ngôi nhà thờ mới, mà theo ngài thì không trình bày được vẻ đẹp mà trái lại còn xấu nữa. Giáo Hội hy vọng cuộc đối thoại có thể giúp cho các nghệ sĩ tìm lại được “tính siêu việt”, đã gợi hứng cho nhà họa sĩ và điêu khắc Michelangelo ở thế kỷ XVI và các nghệ nhân cùng thời với ông, đã tạo thành những công trình nghệ thuật tôn giáo lẫy lừng trải qua bao nhiêu thế kỷ. Mục đích cuộc họp nhằm tiếp nối những nỗ lực lặp lại mối quan hệ với giới nghệ sĩ đương đại, giống như các vị Giáo Hoàng trước đây từng làm.
Gần bốn mươi năm trước, năm 1971, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã có buổi gặp gỡ tương tự như thế với các nghệ sĩ tại Nguyện đường Sixtine, và mấy năm sau đã khai trương bộ sưu tập Nghệ thuật Tôn giáo Thời Hiện đại trong khuôn viên bảo tàng Vatican.
Rồi cách đây mười năm, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã viết bức thư gửi các nghệ sĩ: “Hỡi tất cả các nghệ sĩ trên thế giới, mọi nẻo đường khác nhau quý vị đang đi đều dẫn tới đại dương mênh mông của cái đẹp, nơi đó ngạc nhiên sẽ trở thành ngỡ ngàng, hoan hỉ và sướng vui khôn tả.” Ngài đã ngợi khen công trình của họ và thúc giục họ cộng tác nhiều hơn giữa Giáo Hội và giới làm nghệ thuật.
Vatican là một quốc gia văn minh tiến bộ, đã từng có những hoạt động nghệ thuật tuyệt vời, vậy mà còn tỏ ra lo lắng như thế, lo có cuộc họp như là một trong nhiều sáng kiến nhằm bắc một nhịp cầu nối lại khoảng trống ngăn cách giữa tâm linh và nghệ thuật, đã xảy ra trong những thế kỷ trước... Còn đất nước Việt Nam chúng ta thì sao? Giáo Hội Việt Nam ta thì sao? Vâng, nơi đây, người dân lao động cật lực, chỉ mong kiếm được ngày hai bữa nuôi thân đã là tạ ơn Chúa rồi, nói chi đến chuyện làm nghệ thuật, quả là điều không tưởng?! Người ta thường nói như thế...
Cũng thế, riêng các vị linh mục và tu sĩ thì hình như thường không được đào tạo hay phát triển nhiều về Mỹ thuật. Mỹ thuật có vẻ là vùng cấm đối với nhiều vị chủ chăn. Cha Nguyễn Văn Trinh kể chuyện thời xưa lúc còn đi du học ở Đức/Bỉ, cha có viết thư xin Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình học Triết học về Mỹ thuật, Đức Tổng trả lời: “Tôi gởi anh đi du học để học môn Mỹ thuật à?!” Hẳn là với sự sáng suốt của một chủ chăn, Đức Tổng Bình thấy có nhiều môn cần cấp bách để học hơn là Mỹ thuật. Nhưng có lẽ cũng chính vì thế mà sau 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam thì các chức sắc, các chủ chăn của Việt Nam luôn có một câu: “Đối với mỹ thuật, chúng tôi là người ‘ngoại đạo’.” Đã là ‘ngoại đạo’ thì các ngài vẫn tin là có cái đẹp, nhưng trong hành động, rất nhiều khi đã không đạt tới cái đẹp, không vì cái đẹp. Mà đức tin không hành động là đức tin chết... Đức Tổng Giám mục Ravasi đã từng nói về một sự ngăn cách chết chóc giữa hai bên: đức tin và nghệ thuật...
Nhưng theo qui luật âm dương của Tạo hóa, trong âm luôn có dương, và ngược lại, trong dương luôn có âm. Trong sự chết luôn có mầm sống. Một trong những mầm sống đó là “Triển lãm Dấu Ấn Đức Tin lần II- một cuộc triển lãm lịch sử ở Việt Nam” theo lời Đức Hồng y Gioan Baotixita Tổng Giám mục TP.HCM đã ghi trong sổ cảm tưởng ngày khai mạc hội thảo kỷ niệm 350 năm Thành lập hai Giáo phận Đàng trong và Đàng ngoài. Ủy ban Văn hóa của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, do Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống làm chủ tịch, đã đứng ra chỉ đạo và tổ chức cuộc triển lãm lịch sử này vào ngày 09.09.2009 tại Trung tâm Văn hóa Công giáo Việt Nam, số 6 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM.
Tạ ơn Chúa, với sự tham gia của 62 họa sĩ, điêu khắc gia trong và ngoài công giáo, cùng với những chất liệu phong phú như sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, đồng, gỗ, poliv…của nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam, cuộc triển lãm đã góp phần rút ngắn đôi chút khoảng cách giữa tâm linh tôn giáo và nghệ thuật so với nhiều thập niên trước...
bài liên quan mới nhất
- Chúa hiển dung dưới mắt của danh họa Raphael
-
Bức tranh "Cuộc dạo chơi của Chúa Hài đồng Giêsu" của Zurbaran -
Bức tranh ‘Dưới chân Chúa’ của họa sĩ Tôn Thất Văn -
Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994) -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng -
Triển lãm Mỹ Thuật “Máng Cỏ Nhân Sinh” 2014 -
Cảm mến tình yêu nghệ thuật “Về Nguồn” -
Triển lãm Tranh Lê Hiếu & Giới thiệu Thơ Lãng Đãng -
Triển lãm Tranh, Tượng mỹ thuật với chủ đề: Lời ngỏ tình yêu
bài liên quan đọc nhiều
- Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng
-
Lịch sử hội hoạ Hiện Đại và Hậu Hiện Đại tại Việt Nam -
Chuyện lạ từ Bích họa Bữa Tiệc Ly và Danh họa Leonardo Da Vinci -
Nhà điêu khắc, kiến trúc sư, hoạ sĩ Michelangelo (1475-1564) -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994) -
Năm Dần nói chuyện cọp trong nghệ thuật -
“Hành trình Emmaus” trong hội họa -
17 thế kỷ hội hoạ kitô giáo -
Họa sĩ Lê Văn Đệ: người đầu tiên khám phá tranh lụa truyền thống Việt Nam