Cái nhìn về giáo dục & con người

Cái nhìn về giáo dục & con người

Chuyện thời sự: Nhân năm học sắp kết thúc, cần hướng đến việc kết thúc cái nhìn lỗi thời về giáo dục và phiến diện về con người

Mới giữa tháng Tư, còn đúng một tháng rưỡi nữa năm học 2009-2010 mới kết thúc, nhưng các trường phổ thông đã chuẩn bị khép lại một niên khóa.

Lúc này, bầu khí tại các trường đã nóng lên.

Không phải cái nóng của mùa khô phía Nam hay tiết trời cuối xuân đầu hạ miền Bắc, cũng không hẳn do tin tức dồn dập về những vụ “bạo hành học đường” (học trò đánh nhau, giáo viên xử sự thô bạo với học sinh, trò phản ứng thầy cô…), nhưng từ không khí chộn rộn, hối hả, tất bật chuẩn bị kết thúc một năm học.

Một năm học sắp kết thúc, nghĩa là một mùa thi sắp bắt đầu.

Bắt đầu cả một núi công việc chuẩn bị cho thi cử.

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố môn thi, lịch thi, quy chế thi, cấu trúc đề thi, chuẩn bị đội ngũ ra đề, coi thi, chấm thi, thanh tra thi…

Các trường sắp xếp lịch ôn tập, truy bài, thi thử. Có nơi còn rà soát danh sách thí sinh, loại bớt số học sinh có nguy cơ… rớt, bảo đảm thành tích “năm sau cao hơn năm trước”!

Phụ huynh cuống cuồng tìm thầy luyện thi cho con, lập kế hoạch tỉ mỉ theo dõi việc ôn bài, tính toán chi li kế hoạch đưa con đi thi.

Học trò thức đêm thức hôm, căng mắt gạo bài, đoán già đoán non nội dung đề “tủ”.

Cả một guồng máy thi cử chuyển động, cuốn hàng triệu người từ Bắc chí Nam vào mối lo đậu-rớt. Việc đậu-rớt quyết định số phận của cả đời học trò, ảnh hường đến thành tích của nhà trường, làm nên niềm vui hay nỗi buồn của các bậc cha mẹ…

Có người khen đó là tinh thần hiếu học của dân ta. Người khác nghi ngại: chủ nghĩa bằng cấp đấy! Có người nghĩ xa xôi: không lẽ tựu trung việc học chỉ còn mỗi chuyện thi cử? Có người lại bảo: Thôi thì khi chưa đưa ra được tiêu chí đánh giá năng lực con người, cũng như chưa xoay chuyển được nhận thức xã hội về chất lượng thật của việc đào tạo, hãy tạm thời chấp nhận phương thức dùng thi cử, bằng cấp để ghi nhận… thành tích của Bộ GD&ĐT, các địa phương tỉnh thành, quận huyện, các trường và cá nhân học sinh!

Xem trọng thi cử đang là một thực tế hiển nhiên.

Nhưng đáng nói là những nội dung học trò ra sức học để thi đậu, lên lớp… xem ra chưa giúp cho các em có kỹ năng sống, ứng xử, giải quyết những vụ việc, tình huống cụ thể trong đời sống hàng ngày.

Một cậu học trò giỏi vật lý không biết thay bóng đèn giúp cha mẹ.

Một cô học trò khá văn không viết nổi lá đơn cho hàng xóm.

Lại còn không ít học trò dù được nghe giảng giải biết bao bài đạo đức… công dân trong giờ giáo dục công dân, sinh hoạt đoàn thể, ngoại khóa nhưng không thể kiềm chế bản thân, vẫn hung hăng gây sự, đánh nhau, quyết ăn thua đủ với bạn bè trong trường, trong lớp.

Đó là chưa kể đến biết bao biểu hiện tiêu cực của lối sống đua đòi, muốn hưởng thụ sớm…

Vì thế, đã đến lúc, trước khi qua muộn, phải tận dụng những nguồn lực chất xám và kinh nghiệm đa dạng về giáo dục trong xã hội, trong đó có nguồn lực phong phú là các tôn giáo, mà bàn luận về giáo dục.

Đã đến lúc phải thực hiện cuộc cải cách triệt để, nền tảng về giáo dục. Không thể chỉ bằng lòng với việc thay đổi nội dung chương trình, kể cả thay đổi phương pháp sư phạm, mà phải tiến đến thừa nhận sự cần thiết phải giáo dục con người toàn diện.

Đào tạo con người toàn diện không chỉ là việc trang bị tri thức, đạo đức, tình cảm, kỹ năng sống…, mà còn là kiến tạo thế giới tâm linh với những xác tín cá nhân về một “đời sống thiêng liêng”.

Chính “đời sống thiêng liêng”, vốn đang bị loại khỏi nội dung giáo dục hiện nay, là một điều thiếu sót cơ bản nhất trong mọi khiếm khuyết của nền giáo dục hiện hành.

Biết coi trọng đời sống thiêng liêng của con người, mới mong có được những con người biết sống theo lương tâm và lẽ phải, biết chọn và có khả năng quyết định đời sống của mình một cách đúng đắn và thực sự có tự do.

Một năm học sắp kết thúc. Có nhiều việc phải chu toàn để kết thúc năm học.

Nhưng có lẽ điều cần phải được kết thúc sớm chính là những cái nhìn lỗi thời về giáo dục và phiến diện về con người.


Sài Gòn, tháng Tư 2010
 

Top