Các văn kiện của Giáo Hội nói về Ngày Thế Giới Truyền Thông

Các văn kiện của Giáo Hội nói về Ngày Thế Giới Truyền Thông

 

 

WGPSG -- Ngày 5-6-2011 sẽ là Ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 45. Dưới đây là những trích đoạn của Sắc lệnh INTER MIRIFICA (năm 1963) và Huấn thị COMMUNIO ET PROGRESSIO (năm 1971) nói về  Ngày Thế Giới Truyền Thông. 

Sắc lệnh INTER MIRIFICA (năm 1963) của Công đồng Vatican II

Hoạt động của chủ chăn và tín hữu

13. Mọi thành phần của Giáo Hội phải đồng tâm hiệp lực để bảo đảm rằng, nhằm phục vụ cho việc tông đồ dưới nhiều hình thức, mọi người không được trì hoãn mà còn phải hết sức nhiệt tình sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội bất cứ lúc nào và nơi nào cần đến. Đồng thời phải ngăn chặn những dự án có hại, nhất là tại những nơi đang cần đến sự giúp đỡ cấp bách về mặt luân lý và tôn giáo.
Các mục tử cần phải đặc biệt nhiệt tình trong lãnh vực này, vì nó liên quan mật thiết đến bổn phận loan báo Tin Mừng. Giáo dân hoạt động chuyên nghiệp trong lãnh vực truyền thông phải hăng say làm chứng cho Chúa: trước hết, phải thật tốt và thành thạo khi hành nghề, thứ đến là trực tiếp cộng tác vào hoạt động tông đồ của Giáo Hội bằng cách tuỳ theo khả năng mà đóng góp về mặt kỹ thuật, kinh tế, văn hoá và nghệ thuật…

15. Linh mục, tu sĩ và giáo dân phải được cấp bách đào tạo để đáp ứng những nhu cầu nói trên. Họ cần thu đạt được những khả năng cần thiết để sử dụng những phương tiện truyền thông trong công tác tông đồ…
Huấn luyện người sử dụng

16. Để sử dụng đúng đắn phương tiện truyền thông xã hội, những người sử dụng thuộc tuổi tác và văn hoá khác nhau cần phải được đào tạo về lý thuyết và thực hành; họ không chỉ cần được huấn luyện riêng biệt về từng loại phương tiện truyền thông, mà còn cần được đáp ứng theo nhu cầu của từng nhóm. Vì thế, những dự án huấn luyện này, nhất là những dự án huấn luyện dành riêng cho giới trẻ, cần phải được cổ võ và gia tăng trong các trường công giáo thuộc mọi cấp, trong chủng viện và trong cả những nhóm tông đồ giáo dân; và những dự án đó cần được hướng dẫn đi theo nguyên tắc luân lý Kitô giáo. Để sớm đạt kết quả, các lớp giáo lý cần có phần trình bày cũng như giải thích giáo thuyết và quy luật Công giáo về vấn đề ấy.

Phương tiện và trợ giúp

17. Thật đáng hổ thẹn khi con cái Giáo Hội đã lãnh đạm để cho việc rao giảng Lời Chúa bị trì trệ, bị cản trở vì ngại những khó khăn kỹ thuật hay những tốn kém tài chánh to lớn khi sử dụng những phương tiện truyền thông này. Vì lý do đó, Thánh Công Đồng nhắc lại cho họ bổn phận phải nâng đỡ và trợ giúp các nhật báo công giáo, các tạp chí, các dự án phim ảnh, các đài và các chương trình phát thanh, phát hình nhằm mục đích chính phổ biến và bảo vệ sự thật, làm cho xã hội thấm nhuần nền giáo dục Kitô giáo. Đồng thời Thánh Công Đồng khẩn khoản mời gọi các đoàn thể và cá nhân có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong lãnh vực kinh tế và kỹ thuật, hãy quảng đại dùng tài nguyên và kiến thức của mình để hỗ trợ những phương tiện này khi chúng phục vụ nền văn hoá đích thực và việc tông đồ.
Ngày Quốc tế Truyền Thông

18. Để việc tông đồ dưới nhiều hình thức trong lãnh vực truyền thông xã hội của Giáo Hội được hữu hiệu hơn, mọi giáo phận trên thế giới, tuỳ theo quyết định của các Giám mục, hằng năm phải cử hành một ngày lễ để nhắc nhở các tín hữu về bổn phận của họ trong lãnh vực này. Họ được mời gọi cầu nguyện cho việc tông đồ trong lãnh vực truyền thông được thành công, những đóng góp của họ sẽ được cẩn trọng sử dụng cho việc hỗ trợ và gia tăng triển khai những dự án do Giáo Hội đề xướng nhằm đáp ứng nhu cầu của toàn Giáo Hội…

Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 4-12-1963
ĐGH Phaolô VI và các Nghị phụ Công đồng

 

Huấn thị COMMUNIO ET PROGRESSIO (năm 1971)

Truyền thông để loan báo Tin Mừng

126. Đức Kitô ra lệnh cho các tông đồ và các đấng kế vị phải “giảng dạy muôn dân”, phải thành “ánh sáng cho thế giới” và loan báo Tin Mừng ờ mọi nơi mọi lúc. Khi sống ở trần gian, Đức Kitô đã tỏ ra là nhà truyền thông trọn hảo, trong khi các tông đồ cũng đã dùng mọi phương tiện truyền thông sẵn có của thời đại của các ngài. Ngày nay cũng cần thiết phải truyền đi một sứ điệp như thế về việc sử dụng các phương tiện truyền thông sẵn có trong thời đại này. Quả thực, khó mà nói rằng lệnh truyền loan báo Tin Mừng đã được thực thi khi người ta không chịu tận dụng mọi cơ hội mà các phương tiện truyền thông phổ biến cống hiến cho họ để loan báo Tin Mừng. Do đó, Công đồng Vatican II mời gọi Dân Chúa phải gấp rút sử dụng một cách hữu hiệu các phương tiện truyền thông, nhiệt tình tranh thủ sử dụng chúng cho mục đích tông đồ.

127. Sự cần thiết phải làm như thế là điều quá rõ khi nhận ra rằng con người thời nay đắm mình trong cơn “thuỷ triều” của phương tiện truyền thông, là những công cụ tạo nên những xác tín sâu xa và điều khiển các thái độ của họ. Các phương tiện truyền thông cũng ảnh hưởng mạnh mẽ như thế trên các xác tín và các thái độ tôn giáo, giống như trên các loại xác tín khác.

131. Các phương tiện truyền thông phải được dùng càng nhiều càng tốt để giúp cho việc giảng dạy về Kitô giáo được thú vị và hiệu quả hơn. Phải nỗ lực hết sức để sử dụng các kỹ thuật và các kiểu loại thích hợp nhất của từng loại phương tiện truyền thông.

Ngày Thế giới Truyền Thông

167. Các Đấng Bản Quyền trong Giáo Hội ở mọi cấp bậc sẽ hỗ trợ cho việc chuẩn bị và cử hành Ngày Thế Giới Truyền Thông. Ngày này được thiết lập để tôn vinh các chuyên viên truyền thông và cổ võ sự cộng tác. Các Đấng Bản Quyền sẽ thường xuyên trình bày cho Hội đồng Giám mục những dự án về những hoạt động mục vụ tài chánh trong lãnh vực truyền thông xã hội…

Ngày Thế giới Truyền Thông lần thứ 5, 23-5-1991
ĐTGM. Martin J. O Connor, ĐGM Augustine Ferrari-Tonioly, và thư ký Andrew M. Deskur

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top