Các Giám mục Á Châu bàn về Bí tích Thánh Thể trong tình hình chiến tranh, đói nghèo

Các Giám mục Á Châu bàn về Bí tích Thánh Thể trong tình hình chiến tranh, đói nghèo

Manila (UCAN) – Vào ngày thứ hai của Phiên họp khoáng đại của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) lần thứ 9 ở Manila, các giám mục Á Châu bàn luận về những triển vọng và những thách đố của việc sống mầu nhiệm Thánh thể ở đất nước của họ.

Vào ngày 12-8-2009, mười bảy Giám mục của hội nghị đã điều khiển cùng với hai thành viên trợ giúp của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC), bàn về văn bản làm việc của phiên họp từ ngày 11 đến 16 tháng 8 diễn ra tại Trung tâm Công giáo Piô XII.

Văn bản được đặt tựa theo chủ đề của phiên họp “Sống mầu nhiệm Thánh Thể tại Châu Á” và được trình bày vào buổi trưa ngày hôm trước bởi chính tác giả, giám mục thần học Luis Antonio Tagle đến từ Imus, Philippines.

Một ủy ban đã được giao nhiệm vụ phác thảo tài liệu cuối cùng, dựa vào những ý kiến đóng góp của những người tham gia.

Trong suốt phiên họp, những nhà lãnh đạo Giáo hội phát biểu về tình hình ở nước của họ, và Bí tích Thánh Thể được xem là “nguồn gốc và chóp đỉnh” của đời sống Giáo hội của họ.

Theo Tổng giám mục Paulinus Costa đến từ Dhaka, Bí tích Thánh Thể ở Bangladesh phản ánh nhu cầu “bánh hằng ngày” của người dân nơi đây và niềm tin Kitô hữu vào việc chia sẻ của cải cho người nghèo. Mức lương trung bình hằng ngày ở Bangladesh chỉ khoảng nửa đô la Mỹ.

Một vài giám mục nhấn mạnh giá trị hội nhập văn hoá của cách cử hành Bí tích Thánh Thể.

Tổng giám mục Oswald Gracias đến từ Bombay Ấn Độ nói: “Chúng ta phải nỗ lực sử dụng văn hóa và những biểu tượng Á châu liên quan đến Bí tích Thánh Thể”. Vị giám mục này nghĩ rằng có những lúc trong phụng vụ chúng ta nói và hát quá nhiều mà lại không có đủ thời gian cho những suy niệm trong thinh lặng.

Giám mục Ấn Độ nói : “Bí tích Thánh Thể được dùng để biến đổi người Công giáo. Để việc chữa lành và hòa giải diễn ra trong Thánh lễ, cần phải có những thời khắc dành cho sự thinh lặng cầu nguyện và suy niệm Thánh kinh.”

Ngài còn nhận thấy rằng, thông qua Bí tích Thánh Thể, có nhu cầu cần phải kêu gọi Giáo hội quan tâm đến cảnh đói nghèo và những vấn đề khác như quyền bình đẳng cho phụ nữ.

Ngài thêm rằng, Giáo hội “nên đẩy mạnh tính thánh thiêng của thể xác, vì chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần, đặc biệt là tính thánh thiêng của thân xác phụ nữ” khi mà có rất nhiều trường hợp thân xác họ bị “bán cho những hoạt động mãi dâm và nô lệ”

Giám mục Hàn Quốc Peter Kang U-il đến từ Cheju đề nghị cung cấp những ví dụ cụ thể cho việc “sống mầu nhiệm Thánh Thể ở châu Á”. Giám mục còn cảnh báo: nếu không làm như vậy, tuyên ngôn cuối cùng của phiên họp rồi cũng sẽ kết thúc như bao văn bản Giáo hội khác, được vài người đọc rồi trôi vào quên lãng.

Ngài tin rằng Thánh lễ ngày Chúa nhật có thể trở nên ý nghĩa hơn nếu “những cộng đồng nhỏ những tín đồ” tập hợp lại trước buổi lễ để đọc và suy gẫm Thánh kinh. Ngài nêu ra một ví dụ về những gia đình Do Thái tụ tập cùng nhau trước ngày Sabbat để chuẩn bị cho những nghi thức tôn giáo vào ngày hôm sau.

Ngài cũng gợi ý rằng Bí tích Thánh Thể giúp mọi người suy nghĩ về cách duy trì việc “xây dựng những vòng tay” ở Châu Á. Ngài nói: Bí tích Thánh Thể là Bí tích của hiệp nhất và hòa bình, và lưu ý rằng các quốc gia đang gia tăng việc chuẩn bị cho chiến tranh.

Giám mục Sri Lanka Vianney Fernando đến từ Kandy nói rằng người dân nuớc ngài đang rất mệt mỏi sau cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ. Họ cần Bí tích Thánh Thể để giúp mang đến sự hòa giải, tin tưởng và tha thứ. Ngài còn nói thêm: trong khi người Công giáo duy trì lòng trung thành với Giáo hội, họ vẫn cần tìm hiểu những niềm tin khác.

Ngài nhấn mạnh rằng cần phải nhấn mạnh Lời Chúa vì con người đang “đói” thông điệp của Chúa.

Các giám mục từ Inđô, Lào và Myanma nói rằng “cơn đói” Thánh Thể của dân họ rất khó thỏa mãn được vì họ thiếu rất nhiều linh mục và giáo lý. Ở rất nhiều nơi trên đất nước họ, không có Thánh lễ thường xuyên, người Công giáo cử hành Phụng vụ Lời Chúa được điều khiển bởi những giáo lý viên hay thừa tác viên giáo dân.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội Lào và Campuchia nói rằng, ở nước họ, chỉ có khoảng 60 linh mục làm việc trên những khu vực rộng lớn. Ở Lào, do chế độ cộng sản, việc dạy giáo lý cũng rất rời rạc.

Giám mục Thái Yod Phimphisan đến từ Udon Thani nói rằng việc tham gia vào những cộng đoàn giáo hội cơ bản đã và đang thay đổi người công giáo. Bây giờ họ tụ họp để suy gẫm Lời Chúa, sau đó ra ngoài sống mầu nhiệm Thánh Thể trong những cộng đồng nhỏ của họ.

Ngài nói rằng việc sử dụng một vài biểu tượng của Thái và Phật giáo cũng khiến cho Bí tích Thánh Thể trở nên dễ hiểu hơn đối với dân Thái, hầu hết là Phật tử.

Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) là một tổ chức tình nguyện của những Hội đồng Giám mục tại Châu Á, thành lập vào thập niên 1970 để củng cố sự liên đới và đồng trách nhiệm giữa các thành viên vì lợi ích của Giáo hội và xã hội ở Châu Á.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top