Buổi tiếp kiến chung thứ Tư hằng tuần lần thứ một trăm của Đức giáo hoàng Phanxicô
WHĐ (28.08.2015) – Buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư 26 tháng Tám vừa qua là buổi thứ một trăm của Đức giáo hoàng Phanxicô. Theo thống kê của Phủ Giáo hoàng, từ khi được bầu làm giáo hoàng vào tháng Ba 2013, Đức giáo hoàng Phanxicô đã “gặp gỡ” ba triệu người hành hương tại Roma trong khuôn khổ các buổi tiếp kiến chung, các buổi đọc kinh Truyền tin và các buổi tiếp kiến đặc biệt.
Truyền thống tiếp kiến chung này đã khởi đầu từ thời Đức giáo hoàng Piô XI vào năm 1925. Mỗi vị giáo hoàng đều thực thi truyền thống này theo phong cách riêng của mình. Chẳng hạn trong 4 năm đầu làm giáo hoàng, Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã trình bày các bài giáo huấn về thần học thân xác, giới thiệu một giáo lý thực thụ về tính dục và về tính bổ sung cho nhau giữa người nam và người nữ. Đức Bênêđictô XVI lại thường giới thiệu một giáo huấn với trình độ đại học về các vị thánh lớn và các dung mạo thần học, đặc biệt là các Giáo phụ.
Sau khi giới thiệu trong nhiều chu kỳ về nền tảng của đời sống Kitô hữu (bảy bí tích, bảy ơn Chúa Thánh Thần, hay một loạt bài giáo lý về Giáo hội), trong những tháng gần đây, Đức giáo hoàng Phanxicô đã tập trung nói về các niềm vui và đau khổ của cuộc sống gia đình, đề cập đến các chủ đề rất cụ thể như tang tóc, bệnh tật, vai trò của ông bà, của cha mẹ, hay những thời kỳ riêng của cuộc sống gia đình, như: ngày lễ, công việc và việc cầu nguyện – vào dịp cuối hè 2015 vừa qua.
Các bài huấn dụ này của Đức giáo hoàng Phanxicô là như một cách cắm sâu vào giáo huấn của Giáo hội, trong năm nay –là năm “giữa hai Thượng Hội đồng Giám mục”–, một nền mục vụ gia đình biết lắng nghe tiếng nói của các thực tại mà các gia đình trên khắp thế giới đang trải nghiệm.
Như vậy, các bài huấn dụ của ngài giúp mọi người tiếp tục suy tư, hướng tới Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình sẽ nhóm họp tại Vatican từ ngày 05 đến ngày 26 tháng Mười sắp tới.
12 buổi tiếp kiến chung trong Năm Thánh Lòng Thương xót
Trong khuôn khổ của Năm Thánh Lòng Thương xót, vào năm 2016, sẽ có thêm 12 buổi tiếp kiến chung vào thứ Bảy, cụ thể là các ngày: 30 tháng Giêng; 20 tháng Hai; 12 tháng Ba; 09 tháng Tư; 30 tháng Tư; 14 tháng Năm; 18 tháng Sáu; 30 tháng Sáu (riêng ngày này là thứ Năm, trước kỳ nghỉ hè), 10 tháng Chín; 01 tháng Mười; 22 tháng Mười và 12 tháng Mười Một.
Hồi đầu tháng Tám, Đức Tổng giám mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI và là Chủ tịch Phủ Giáo hoàng, đã nói: “Buổi tiếp kiến chung đối với Đức giáo hoàng Phanxicô là một cuộc gặp gỡ rất được mong đợi và người ta thấy ngài rất thoải mái. Tín hữu được nhìn thấy và được nghe Đức giáo hoàng nói. Có sự tiếp xúc trực tiếp –có lẽ đối với nhiều người là lần duy nhất trong đời– và sự tiếp xúc này đã để lại dấu ấn trên suốt cuộc đời của họ. Có lời nói, nhưng cũng có cả bầu khí, và cả ánh mắt nhìn. Cuộc gặp gỡ cũng là gặp gỡ của các giác quan vốn rất quan trọng đối với Đức giáo hoàng Phanxicô. Nhưng không chỉ đối với ngài mà thôi, mà còn đối với cả các tín hữu và các khách hành hương nữa”.
Một triều đại giáo hoàng nhập thể
Hằng tuần, những hình ảnh cảm động xuất hiện trên các màn hình, cho thấy những cử chỉ siết chặt giữa Đức giáo hoàng và một số người hành hương, thường là trẻ em và người khuyết tật hay bệnh nhân, như Vinicio Riva, một người Italia có khuôn mặt bị biến dạng vì hội chứng Recklinghausen, vào mùa thu năm 2013. Ông kể lại với tuần báo Panorama của Italia như sau: “Thoạt đầu Đức Thánh Cha cầm lấy tay tôi, tay kia ngài xoa đầu và các vết thương của tôi. Rồi ngài kéo sát tôi lại, ôm chặt lấy tôi và hôn lên mặt tôi, đầu tôi chạm vào ngực ngài, và hai tay ngài choàng lấy tôi. Đức Thánh Cha ghì chặt lấy tôi và làm như thể vuốt ve tôi, không muốn rời tôi nữa. Tôi muốn nói với ngài điều gì đó, nhưng không thành lời vì quá xúc động. Viêc ấy kéo dài khoảng hơn một phút, nhưng tôi cảm thấy như vô tận”.
Tuy khác nhau, nhưng các giáo hoàng đương thời đã bổ túc cho nhau, khi đánh động trên các giác quan, làm vọng lại gương mặt Đức Kitô, Thiên Chúa nhập thể làm người, sống, nhạy cảm, đau khổ… Cuối thể kỷ XX, người hành hương tới Roma để “thấy” Đức Gioan Phaolô II. Rồi sang đầu thế kỷ XXI, một số người đã tới để “nghe” Đức Bênêđictô XVI. Đến thời đại hiện nay của chúng ta –được đánh dấu bởi cuộc cách mạng số khiến cho liên lạc thông tin toàn cầu trở nên dễ dàng hơn, nhưng cũng tạo ra những nỗi thất vọng lớn trong các mối tương quan–, chính những người hành hương này, cũng như những người mới, nhạy cảm với chiều kích thể xác và nhập thể ấy của triều giáo hoàng hiện nay, đã tới Roma để được “chạm vào” Đức giáo hoàng Phanxicô.
(Vatican Radio)
Mai Tâm
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô