Ban Mục vụ Gia đình: Chương trình Mừng Ngày Của Cha 2011

Ban Mục vụ Gia đình: Chương trình Mừng Ngày Của Cha 2011

WGPSG -- Chiều Chúa nhật 12/6/2011, tại Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM, Chương trình Mừng Ngày Của Cha do Chương trình Chuyên đề thuộc Ban Mục vụ Gia đình (MVGĐ) tổ chức với chủ đề “Cây cao bóng cả” nhằm tôn vinh những người cha đã vất vả lao nhọc trong lặng thầm, để không chỉ mang lại cho gia đình những người con ngoan hiền, mà còn cống hiến cho xã hội những con người tài đức. Lễ hội hôm nay đã thu hút nhiều thành phần tham dự, khoảng hơn 600 người, đã làm cho Ngày Của Cha hứa hẹn nhiều vui tươi, sinh động và hào hứng.

Ngay từ đầu, đội ngũ tiếp tân rất ân cần và chuyên nghiệp đã gây ấn tượng thật tốt đẹp cho người đến tham dự. Tiếp theo, mọi người bị lôi cuốn với góc triển lãm tranh thư pháp cùng với các ông đồ trong trang phục áo dài khăn đóng truyền thống. Và thật ngạc nhiên với các nhân tượng đóng vai những người cha thể chất và tinh thần, được mạ vàng, đứng cách điệu với lối hóa trang hết sức độc đáo.

Những bức thư pháp, những câu thơ câu đối, những câu ca dao Việt Nam được trưng bày và tặng cho khách thưởng lãm, đã làm cho không gian đậm nét Văn Hóa Dân Tộc. Một không gian rộng mở, xúm xít bên các ông đồ nhờ viết thư pháp, vây quanh bên các nhân tượng để được chụp hình, đã đưa khách thưởng lãm có những phút giây trở về với cội nguồn dân tộc. Những tiếng cười trong trẻo, những lời nhận xét chân thành tạo nên bầu khí thật ấm cúng, thân thiện.

Sau khi tham quan, mọi người tiến vào Hội trường tham dự Chương trình chuyên đề mừng Ngày Của Cha.

Để mở đầu, nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế OP giới thiệu các thành phần tham dự gồm: Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn, Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm, quý Đức ông, quý linh mục, tu sĩ, quý mục sư, thượng tọa, ni sư, quý khách mời.

Đúng 15g, sau phần khởi động thật hào hứng và sôi động của cha FX. Nguyễn Minh Thiệu SDB, nghi thức Thánh hóa khai mạc đã hướng mọi người đến 2 người cha tinh thần rất gần gũi với Dân tộc Việt Nam - Tân Chân phước Gioan Phaolô II và ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận, để cầu khẩn các Ngài thánh hóa và nâng đỡ những người cha đang lao đao vất vả trên trần gian này.

Sau phần tuyên bố lý do của cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban MVGĐ TGP TPHCM, chủ đề của chương trình “Cây cao bóng cả” đã được nhóm múa Don Bosco miêu tả qua hoạt cảnh một người cha, sau khi vợ mất sớm, đã tần tảo nuôi người con gái khôn lớn, trưởng thành, và yên bề gia thất. Để rồi “Tình khúc Cha yêu” do ca sĩ Hoàng Quân trình diễn, sẽ mãi khắc sâu vào tâm trí của những người con, mà cả cuộc đời đã được đón nhận một biển trời tình yêu của những người cha thầm lặng. Chính nhờ những hy sinh vất vả, những giọt mồ hôi nhễ nhại của cha, như là nguồn suối ân tình tuôn đổ trên đời con, để con được lớn khôn và thành đạt trên cuộc đời này.

Một chút nũng nịu của người con gái với tuổi thơ được đong đầy tình thương của một người cha, chị Maria Nguyễn Bảo Thư với videoclip: “Ba ơi, ba là tất cả” đã ca ngợi tình Cha vừa thâm trầm, nghiêm khắc nhưng cũng rất dạt dào, dịu ngọt; luôn đồng hành cùng con từ lúc thơ bé đến khi trưởng thành, mà nếu không có cái nhìn tinh tế và sâu sắc, thì không dễ gì cảm nhận được công ơn biển trời ấy.

Hòa cùng niềm cảm xúc đó, chị Anna Nguyễn Thị Huỳnh, qua bài thơ “Tình cha”, đã lột tả hết sức sâu sắc “Tình yêu và sự Hy sinh” của một người cha: Tình yêu ấy, không vồn vã nhưng sâu xa trầm lắng, không ồn ào nhưng rộng lớn bao la; Hy sinh ấy, không chỉ gói gọn trong gia đình mà còn lan tỏa trong cộng đoàn giáo xứ.

Cuộc thi “Viết và thuyết trình về Cha” đã khởi xướng từ ngày 30/01/2011 và ngày 22/5/2011, danh sách các tác giả đoạt giải đã được công bố. Nhân dịp này, BTC đã trao phần thưởng cho 3 tác giả đoạt giải nhất gồm:

- Linh mục Phaolô Trương Hoàng Phong với bài văn: Cha tôi.
- Chị Anna Nguyễn Thị Huỳnh với bài thơ: Tình cha.
- Chị Maria Nguyễn Bảo Thư với videoclip: Ba ơi, ba là tất cả.

Cả Hội trường như lắng đọng khi nghe linh mục Phaolô Trương Hoàng Phong diễn tả tình yêu của ông cố (bị câm và điếc) đã dành cho ngài. Một tình yêu không diễn tả bằng lời, chỉ biểu lộ bằng những cử chỉ với ánh mắt trìu mến thân thương, đôi khi tỏ ra cương quyết nhưng lại là chỗ dựa vững chắc, là bóng râm che mát để ngài vững bước trong thiên chức linh mục, phục vụ tha nhân.

Chị Têrêsa Lê Thị Thanh Hương ngấn lệ bộc bạch - Là linh mục, nhưng cha Phaolô không ngần ngại nói về ông cố bị câm và điếc của mình! Thế nhưng, trong thực tế đã có những người con khi có chức có quyền trong xã hội, lại che dấu và không dám giới thiệu cha mẹ của mình với mọi người, đừng nói chi khi cha mẹ già nua, lú lẫn!

Không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh người cha trần gian. Theo Thượng tọa Thích Thiện Tâm, Trú Xứ Quan Âm tu viện, Biên Hòa - Đồng Nai tâm sự:

- Tôi rất vui mừng hoan hỷ khi đến Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM, ở đây đã xây dựng một cái nhìn không phân biệt, mang lại bình an cho mọi người.

- Đức cha Phụ tá Phêrô đã trình bày một đề tài thật sâu sắc với một triết lý nghe tưởng giản đơn, nhưng đã giúp mọi người hiểu thấu “Tình cha”, kể cả người cha tinh thần: “Với trách nhiệm người cha, chúng ta phải cảm nghiệm đó là một Ơn gọi”.

Đúng thế, Đức cha Phêrô đã dựa vào dụ ngôn - Đứa con hoang đàng (Lc 15,11-32) để chia sẻ với khán giả đề tài: “Cha ơi, cha là ai?”.

Dưới cái nhìn của Đức tin Kitô giáo, ngài đã nâng vai trò, trách nhiệm người cha lên tầm cao và thánh thiêng hơn. Người cha phải có chức năng làm cha như Thiên Chúa, có trách nhiệm diễn đạt lại tình yêu Thiên Chúa là Cha đối với con cái Thiên Chúa trao phó cho mình. Những người cha bằng mọi cách phải họa lại tình yêu của Thiên Chúa giầu lòng thương xót. Biết sống hài hòa và kết hợp giữa kinh nghiệm siêu nhiên và tự nhiên, để rút ra kinh nghiệm sống cho bản thân, để trở thành người cha gương mẫu cho con cái yêu thương, thể hiện một tình yêu thuần khiết, yêu con chính là yêu hạnh phúc của con chứ không phải lý do nào khác. Chỉ khi nào chúng ta hoàn thành trách nhiệm người cha thật khoan dung, tôn trọng tự do của con cái nhưng luôn hướng dẫn và dìu dắt con trên đường đời, như mầu nhiệm của tự do mà Thiên Chúa đã dành cho con người, dẫu biết rằng con người đã dùng tự do đó để phản bội Chúa, lúc đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được vai trò và trách nhiệm của người cha là một Ơn gọi, dù là cha tinh thần hay cha trần thế.

Giờ giải lao với các gian hàng ẩm thực và trái cây thật tuyệt vời để mọi ngườithưởng thức, giao lưu và hàn huyên tâm sự...

Trở lại Hội trường, các chứng nhân và khán giả đã chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm sống:

- Ai thấu hiểu được nỗi lòng của bác Huỳnh Văn Ẩn, khi phải lao động vất và nuôi sống gia đình, chăm sóc, hướng dẫn và tập đi cho người con trai Huỳnh Lê Võ (33 tuổi) bị rối loạn chức năng hoạt động từ bẩm sinh.

- Anh Lê Hữu Tuấn đã chấp nhận di dời chỗ ở để cho con cái ý thức và yêu thiên nhiên, từ đó giúp con cảm nghiệm được tình yêu con người.

Ngoài ra, còn nhiều sẻ chia về người cha rất đời thường nhưng rất chân tình từ các bạn trẻ. Đan xen và nối kết từng tiết mục, các bài hát , kịch nói ca ngợi về người cha do các ca sĩ trình bày, đã góp phần tạo nên sự sinh động của Chương trình (Xin mời nghe Audio).

Phát biểu đúc kết, Đức Hồng y đã nhắc đến xu thế văn hóa xưa và nay: “Trước đây, ‘Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó’, còn ngày nay, ‘Con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đó’. Vì thế, để hoàn thành trách nhiệm người cha, chúng ta phải tạo điều kiện để cha con cùng trao đổi cái cần trao đổi, đặc biệt những nỗi ưu tư và khắc khoải của con mình. Đồng thời, chúng ta phải cầu nguyện luôn, vì Thiên Chúa là nguồn gốc của sự thật và tình yêu, để tạo sự hài hòa và an bình từ gia đình đến xã hội”. Cuối cùng, ngài đã tặng mỗi người chân dung Tân Chân phước Gioan Phaolô II với lời cầu nguyện ở mặt sau tấm ảnh.

Đúng 19g30, Chương trình Mừng Ngày Của Cha đã thực sự khép lại, nhưng lại mở ra một thông điệp mới: “Hỡi những người làm cha, hãy làm tròn trách nhiệm đối với con cái; hỡi những người con, hãy kính yêu và tri ân cha mình”. Bởi lẽ, hiếu nghĩa với cha mình, không chỉ là bổn phận và trách nhiệm, mà còn là quyền lợi thiêng liêng và cao cả của người con. Con cái hiếu thảo với cha mình, ngoài việc mang lại êm ấm và hạnh phúc trong gia đình, nó còn mang đến cho người con sự vui tươi và an bình trong tâm hồn.

Hơn nữa, đạo hiếu vốn không đóng khung trong phạm vi gia đình mà còn ảnh hưởng ra ngoài xã hội. Một kẻ bất hiếu với cha mình thì khó trở thành người tốt trong tương quan với người khác. Một người con hiếu thảo trong đời sống gia đình, chắc chắn sẽ là một công dân gương mẫu biết gánh vác bổn phận ngoài xã hội.

Xin chân thành chúc mừng những người thực hiện Chương trình Mừng Ngày Của Cha đã khơi gợi lại được “chữ hiếu” trong cuộc sống đua tranh, có nguy cơ bị lãng quên, nhất là trong lớp người trẻ hôm nay.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top