Bản đúc kết Hội nghị thường kỳ 2015 các Đại chủng viện tại Việt Nam
1. Hội nghị thường kỳ của các Đại chủng viện đã diễn ra tại Toà Giám mục Đà Lạt từ ngày 30/6 đến 04/7/2015, dưới sự chủ tọa của Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Đà Lạt, Chủ tịch Uỷ ban Giáo sĩ và Chủng sinh; được điều phối bởi cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Thư ký Uỷ ban, cùng với sự tham dự của 47 linh mục đang phụ trách việc đào tạo của 10 Đại chủng viện tại Việt Nam.
2. Ơn gọi linh mục là ân huệ đến từ Thiên Chúa, được đáp lại cách tự do bởi các ứng sinh linh mục, và được hướng dẫn bởi các nhà đào tạo. Trước sứ vụ cao cả và tầm quan trọng của việc đào tạo linh mục cũng như sự giới hạn của các nhà đào tạo, Uỷ ban Giáo sĩ và Chủng sinh đã tổ chức các hội nghị thường kỳ hai năm một lần từ năm 2005 để các linh mục đang phụ trách việc đào tạo tại các Đại chủng viện có dịp học hỏi và chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm trong việc đào tạo chủng sinh.
3. Trong kỳ họp này, hội nghị dành nhiều thời gian để nhìn lại và chia sẻ những vấn đề quan trọng của đời sống chủng sinh, đó là động lực ơn gọi, đào tạo nhân bản, đào tạo trí thức, đào tạo thiêng liêng và đào tạo mục vụ.
a. Động lực ơn gọi (ý ngay lành)
Động lực ơn gọi của chủng sinh cần được thanh luyện không chỉ trong suốt thời gian ở chủng viện, nhưng cả trong thời kỳ tiền chủng viện và sau khi đã rời chủng viện.
Các chủng sinh bước vào chủng viện với nhiều ý hướng khác nhau, vì lòng yêu mến và ước muốn sống tận hiến cho Chúa, vì thao thức dấn thân phục vụ Giáo hội và tha nhân, hoặc có khi chỉ vì muốn thăng tiến bản thân, để gia đình được vinh dự, để có địa vị ngoài xã hội. Để có được ý hướng ngay lành trong động lực ơn gọi, người chủng sinh cần đến sự hướng dẫn của cha đồng hành, cha linh hướng và tác động biến đổi của ơn Chúa.
b. Đào tạo nhân bản
Nhân bản là chiều kích nền tảng trong đời sống của chủng sinh. Chiều kích này phải được đặt trong liên hệ với các chiều kích khác trong suốt thời gian đào tạo. Trong các buổi chia sẻ, các tham dự viên đã cho thấy sự liên hệ chặt chẽ giữa động lực ơn gọi và đời sống nhân bản.
c. Đào tạo trí thức
Việc đào tạo trí thức đặt ra nhiều thách đố, từ phía nhà đào tạo cũng như phía chủng sinh.
Các chủng sinh chịu ảnh hưởng nhiều từ môi trường xã hội, từ nền giáo dục hiện tại của Việt Nam, nên việc học tủ, học đối phó, làm bài không trung thực, sao chép… cũng xuất hiện trong các chủng viện.
Việc dạy học ở chủng viện không chỉ giới hạn ở việc truyền đạt kiến thức mà còn bao gồm việc chia sẻ kinh nghiệm sống. Vì thế cần tạo mối tương quan gần gũi giữa giáo sư và chủng sinh để truyền thụ cảm hứng và đam mê học tập cho chủng sinh. Đây thực sự là một thách đố đối với những chủng viện có đông chủng sinh. Thêm vào đó, vì thiếu giáo sư chuyên môn, các chủng viện thường phải mời các giáo sư từ nơi khác đến giảng dạy. Các giáo sư thỉnh giảng chỉ có thể hiện diện một thời gian ngắn, nên không tránh khỏi việc dạy dồn, làm bài gấp.
Các tài liệu nghiên cứu bằng tiếng Việt ở các Đại chủng viện còn hạn chế. Hầu hết các sách thần học và triết học chuyên sâu đều bằng ngoại ngữ. Các chủng sinh cần trau dồi ngoại ngữ để có thể kín múc tận nguồn của tri thức.
d. Đào tạo thiêng liêng
Đời sống thiêng liêng là linh hồn của ơn gọi linh mục. Hội nghị đã chia sẻ nhiều về sự tương tác hài hoà giữa hai khía cạnh cá nhân và cộng đoàn của đời sống thiêng liêng của chủng sinh.
Đời sống cộng đoàn của chủng sinh được diễn tả qua nhiều cấp độ, từ việc cầu nguyện nhóm đến những sinh hoạt chung hằng ngày như dọn gẫm, nguyện gẫm, thánh lễ, chầu Thánh Thể, xét mình… Đó là những phương thế giúp tăng truởng đời sống thiêng liêng mang tính cộng đoàn. Tính cộng đoàn phượng tự trong chủng viện không chỉ giới hạn nơi các chủng sinh, mà còn mở rộng đến các cha đồng hành. Sự hiện diện của các cha chính là gương mẫu và sự khích lệ cho chủng sinh.
Bên cạnh việc cầu nguyện chung với cộng đoàn, đời sống cá nhân với Đức Kitô là điều không thể thiếu của một chủng sinh. Qua việc thường xuyên gặp gỡ riêng tư với Chúa Giêsu Thánh Thể, qua việc suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày, người chủng sinh nội tâm hoá và đi vào trong tương quan cá vị với Thiên Chúa để khám phá ra hồng ân Chúa ban và sống xứng đáng với những ân huệ đã lãnh nhận.
e. Đào tạo Mục vụ
Trong việc đào tạo mục vụ, chủng sinh học sống tương quan với con người bằng tình thương và đời sống phục vụ để mang Chúa đến cho họ. Cần giúp các chủng sinh tiếp cận nhiều môi trường mục vụ khác nhau, giúp họ gặp gỡ người nghèo, người kém may mắn, người khác niềm tin… để họ không ngỡ ngàng khi thi hành tác vụ mục tử sau này tại giáo xứ. Đời sống mục vụ không chỉ giới hạn trong những sinh hoạt của giáo xứ, nhưng còn mở ra với thao thức truyền giáo của Giáo hội để đem Tin mừng cho lương dân.
4. Tiếp nối hai hội nghị thường kỳ trước tập trung vào năm Tu Đức và năm Thử, hội nghị lần này dành nhiều thời gian chia sẻ về năm Mục vụ.
Các tham dự viên đã lắng nghe chia sẻ của một cha đang đồng hành với các chủng sinh năm Mục vụ thuộc chủng viện Thánh Giuse Sàigòn. Khởi đi từ mục đích của năm Mục vụ là (1) giúp phó tế thực hành thừa tác vụ thánh, đạt đến sự trưởng thành trong nhân bản và thiêng liêng, ngang qua sứ vụ mà ứng sinh đang đảm nhận, (2) giúp Giám mục hiểu biết thêm từng ứng sinh và sống tương quan thật sự giữa cha và con (x. Ratio 438 và 441), Đại chủng viện Sàigòn đã đưa ra một chương trình rất chi tiết cho năm Mục vụ để cùng đồng hành với các phó tế. Việc huấn luyện tập trung sau chủng viện đã giúp các phó tế của giáo phận vừa có thể duy trì nếp sống cộng đoàn, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm với nhau, vừa thích nghi dần với công việc của người mục tử tại giáo xứ.
Ngoài ra, Đại chủng viện Cần Thơ cũng chia sẻ về việc thực hiện năm Mục vụ cho các chủng sinh đã ra trường nhưng chưa lãnh chức phó tế. Điểm đặc biệt của giáo phận Cần Thơ là sai các thầy từng hai người đến các giáo điểm truyền giáo để giúp các thầy có thêm kinh nghiệm mục vụ truớc những nhu cầu đa dạng của giáo phận.
Các tham dự viên cũng đã nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm riêng của mỗi giáo phận trong việc áp dụng năm Mục vụ. Mỗi nơi đã gặt hái được những thành quả nhất định, nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi ưu tư và thao thức để có thể thực hiện tốt hơn những mục tiêu mà bản Ratio đã đề ra.
5. Hội nghị cũng dành thời gian để nhìn lại hai đề tài “Hướng đến sứ vụ, tự đào tạo và đào tạo người khác có khả năng phân định” của khoá thường huấn 2012 và “Thế tục hoá và việc đào tạo linh mục tại Việt Nam” của khoá 2014. Đồng thời hội nghị đã trao đổi và đề nghị đề tài cho khoá thường huấn 2016 sắp tới là “Phúc âm hoá và Tân Phúc Âm hoá trong bối cảnh Việt Nam”.
6. Trong kỳ hội nghị này, cha Giuse Nguyễn Tất Thắng, O.P, đang làm việc trong bộ Tu sĩ tại Roma, đã được mời để chia sẻ đề tài “Linh mục là thừa tác viên của hiệp thông trong Giáo hội”. Vì công việc, Cha đã không thể hiện diện trực tiếp để chia sẻ với hội nghị, nhưng gởi bài viết để các tham dự viên cùng làm việc và trao đổi.
Nội dung chính xoay quanh mối tương quan giữa linh mục với Chúa Kitô và với Giáo hội. Linh mục là Alter Christus, Chúa Kitô khác, nên Chúa Kitô hiện diện trong đời sống và sứ vụ linh mục. Linh mục là người được chọn giữa lòng Giáo hội, được tách riêng, được thánh hiến, để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và được sai đi để xây dựng dân Chúa trở nên cộng đoàn cầu nguyện để sống tương quan với Thiên Chúa, nên cộng đoàn hiệp thông để sống tương quan với Giáo hội, và nên cộng đoàn chứng nhân để sống tuơng quan với thế giới. Ngoài việc sống tương quan với đoàn dân được trao phó, linh mục cũng sống tương quan hiệp thông với giám mục, linh mục, và tu sĩ.
7. Qua ba ngày làm việc, các tham dự viên không chỉ trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc đào tạo chủng sinh, nhưng còn cùng nhau sống bầu khí thiêng liêng qua các giờ thánh lễ, nguyện gẫm, kinh phụng vụ, chầu Thánh Thể, cũng như sống bầu khí huynh đệ qua các giờ cơm, các giờ giải lao, các buổi đi dạo.
Hội nghị kết thúc với thánh lễ Tạ ơn Thiên Chúa vào sáng thứ Bảy, ngày kính Đức Mẹ. Công việc đào tạo chủng sinh là một sứ vụ đầy khó khăn và thách đố. Nguyện xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, ban thêm ơn khôn ngoan và lòng nhiệt thành cho các nhà đào tạo để họ chu toàn sứ vụ được Giáo hội Việt Nam trao phó.
bài liên quan mới nhất
- Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski gặp gỡ chủng sinh Tổng Giáo phận Hà Nội
-
Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể -
Trực tiếp Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể lúc 08G00 Ngày 20/12/2024 -
Hành trình cuộc đời và con đường sứ mạng của Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể -
Toà Tổng Giám mục Huế kính báo: Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể đã an nghỉ trong Chúa -
Hội đồng Giám mục Việt Nam dựng bia ghi ơn Hội Thừa sai Paris -
Thánh lễ truyền chức Giám Mục cho Đức Cha Tân Cử Giuse Vũ Công Viện Ngày 28/11/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Giuse Vũ Công Viện ngày 28/11/2024 -
Nghi thức Tuyên xưng Đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Vũ Công Viện -
Kỳ họp Thường niên Ủy ban Công lý - Hòa bình 2024: Trái đất và môi sinh
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô