Bài giảng Thánh lễ Đêm Giáng Sinh (Nhà thờ Chính toà Sài Gòn 24.12.2014)
BÀI GIẢNG LỄ ĐÊM NOEL
Anh chị em rất thân mến, Tiên tri Isaia loan báo: “Đoàn Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một Ánh Sáng Huy Hoàng” (Is 9,1). Ánh Sáng đó bừng lên từ đâu vậy?
1. Ánh Sáng đó bừng lên từ hang đá Bêlem! Có gì đơn giản bằng một trẻ sơ sinh bọc trong tả, có gì mong manh bằng trẻ thơ, nhất là trẻ sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, như hài nhi Giêsu được Mẹ Maria đặt nằm trong máng cỏ? Có gì hấp dẫn bằng một phụ nữ xinh đẹp như Mẹ Maria đang cho con bú? Có gì vui bằng những người nghèo như những mục đồng được thiên thần mời gọi tới thăm hài nhi Giêsu? Niềm vui đó càng lớn hơn nữa, khi có tiếng hát của thiên thần và Vinh Quang của Thiên Chúa chiếu tỏa xung quanh: “Anh em đừng sợ! Này tôi loan báo cho anh em một tin trọng đại, cũng sẽ là Niềm Vui cho toàn dân. Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em… Ngài là Đấng Kitô, là Đức Chúa.” (Lc 2,10-11)
2. Thật là niềm vui lớn cho chúng ta đêm nay, nếu ta có đức tin đơn sơ giống niềm tin của các mục đồng, khi lắng nghe thông điệp từ trời do các vị thiên sứ! Tin vui, trở thành “nguồn vui”, làm nảy sinh niềm vui sâu đậm nơi người nghe, đó là niềm vui của đức tin. Niềm vui đó càng lớn hơn nữa khi chúng ta nhận biết nhờ ánh sáng đức tin là: “Một trẻ thơ chào đời để Cứu ta, một NGƯỜI CON đã được ban tặng cho ta” (Is 9,5). Niềm vui do nhận biết Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người khiến chúng ta muốn cùng với các sứ thần cất tiếng ca tụng Thiên Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2,14)
3. Bình an dưới thế là điều hết sức cần thiết cho xã hội loài người chúng ta hôm nay. Nhưng bình an đó chỉ có thể có, khi ta mở rộng tâm hồn đón nhận. Bình an đó là một hồng ân, là chính Chúa ở giữa chúng ta, là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập “nền hòa bình vô tận” (Is 9,6). Sự bình an hết sức cần thiết, cho mỗi cá nhân, cho mỗi gia đình, cho từng cộng đoàn nhân loại. Sự bình an với Chúa, sự bình an với nhau, sự bình an với chính mình. Bình an với Chúa, khi chúng ta đón nhận ơn tha thứ của Người; sự bình an với nhau, khi chúng ta đã hòa giải với nhau; sự bình an với chính mình, khi chúng ta biết chấp nhận chính mình.
4. Bình an đó là hoa trái của Chúa Thánh Thần, là hồng ân Chúa Thánh Thần ban khi chúng ta chống lại các đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Là kết quả của sự tự hiến của Chúa Giêsu theo ý của Chúa Cha, để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều bất chính, như lời Ngài ngỏ cùng Chúa Cha, lúc nhập thể làm người: “Này đây Con đến để thực thi Ý Cha!” (x. Dt 10,9). Bình an là kết quả của sự vâng phục, làm theo Thánh Ý Thiên Chúa. Tri Thiên mệnh, biết Ý Trời và thuận theo Ý Trời, chúng ta sẽ được bình an.
5. Mà Ý Trời, thì chỉ có một, là “yêu thương như Thầy yêu thương” (Ga 15,12). Chúa Giêsu sinh ra ở trần gian để dạy chúng ta yêu thương. Đạo của Chúa là “Đạo Yêu Thương”. Chúa làm người để dạy chúng ta làm người: lòng nhân, đối với Chúa Giêsu, hết sức quan trọng, vì đó là con đường làm người! Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, mà Thiên Chúa tự bản chất là “Yêu Thương”. Ai yêu thương thì được sinh ra bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
6. Chúng ta chỉ làm rạng Danh Thiên Chúa, khi thực thi Ý Chúa. Thực thi Ý Chúa, chúng ta sẽ làm cho Ngài vui, làm cho Ngài hãnh diện vì chúng ta là con cái của Ngài. Thiên Chúa là nguồn vui của chúng ta, nhưng chúng ta cũng có thể trở thành nguyên nhân cho niềm vui của Ngài, chúng ta có thể làm đẹp lòng Ngài! Làm đẹp lòng Thiên Chúa là một hành vi hiếu thảo đối với Thiên Chúa là Cha trên trời. Chúa Giêsu sinh ra ở trần gian, để làm vinh danh Thiên Chúa. Đó là ước vọng thâm sâu nhất của Chúa Giêsu, và phải là ước vọng sâu xa nhất của chúng ta.
7. Chúng ta sinh ra ở trần gian, để làm vinh danh Thiên Chúa. Bài học thâm sâu nhất của “Đêm Giáng Sinh” là bài học Vinh Danh Thiên Chúa, là một bài học cả đời: bài học dễ nhất, cũng là bài học khó nhất! Dễ nhất, vì ai trong chúng ta cũng có thể yêu thương, và làm đẹp lòng, làm vinh danh Thiên Chúa! Là bài học khó nhất, vì không bao giờ chúng ta có thể yêu thương đầy đủ, yêu thương trọn hảo. Chỉ khi nào có Chúa Thánh Thần, là Tình Yêu của Thiên Chúa trong lòng chúng ta, bấy giờ mới có thể yêu thương trọn vẹn, đẹp lòng Thiên Chúa và làm vinh danh Ngài cách trọn vẹn.
Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn, thứ Tư ngày 24.12.2014
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn
bài liên quan mới nhất
- Khai mạc năm Thánh 2025 tại hạt Thủ Thiêm
-
Khai mạc Năm Thánh 2025 tại Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Lễ Đêm Giáng sinh tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn 24-12-2024 -
Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm -
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025 -
Tĩnh huấn Mùa Vọng 2024 của giáo hạt Tân Sơn Nhì -
Giờ lễ Giáng sinh 2024 cho các cộng đoàn nước ngoài (Christmas Schedule 2024)
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023