Bài giảng lễ Thiếu nhi: Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần hiện Xuống - Năm C

Bài giảng lễ Thiếu nhi: Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần hiện Xuống - Năm C

CHÚA NHẬT
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Bài 01:
Ga 20,19-23

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Chúng con yêu quí,

Bài Tin Mừng chúng con vừa nghe rất vắn nhưng qua đó thánh Gioan cũng đã đủ để cho chúng ta thấy được những ơn ban của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta thấy được sự có mặt của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta.

Cha đố chúng con những ơn ban đó là những ân ban nào?

1- Trước hết chúng con hãy nghe Chúa Giêsu: "Chúc anh em được bình an!” (Ga 20,19)

Như vậy ơn ban đầu tiên và cao trọng nhất của Chúa Thánh Thần là ơn Bình an. Thế nhưng cha hỏi sự bình an mà Chúa Thánh Thần ban tặng là thứ bình an như thế nào?

Cha kể cho chúng con nghe một câu chuyện này do báo Tuổi Trẻ Chúa nhật số ra ngày 2.9.2001 đăng. Bào báo có tựa đề là "Sự bình an". Câu chuyện như thế này: Một vị vua kia treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một.

Một bức tranh thứ nhất vẽ một hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh diễn tả về sự bình an thật hoàn hảo.

Bức tranh kia cũng có những ngọn núi nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút, kèm theo những tiếng sấm chớp long trời. Ở giữa là một dòng thác nổi bọt trắng xóa đang xuống bên vách núi là. Bức tranh này trông thật chẳng bình an chút nào.

Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đàng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây ấy có một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, có một con chim mẹ đang thản nhiên đậu trên tổ của mình... Bình an thật sự.

Nhà vua công bố: "Ta chấm bức tranh này!"

Bình an không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình an ở ngay trong sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của bình an.

Sau khi Đức Giêsu chịu chết, các tông đồ sợ người Do Thái lùng bắt, nên đã trốn vào phòng, cửa đóng then cài.

Giữa cơn lo sợ đó, Đức Giêsu sống lại, hiện ra với các ông, như chim mẹ an nhiên đậu trên tổ canh giữ bầy con, Người mang lại cho các ông sự bình an đích thực: “Bình an cho anh em !”.

2- Tiếp đến ơn tha tội: chính nhờ được tha tội mà con người được bình an thật.

Linh mục Bernado thuộc hội Giáo Hoàng thừa sai người Ý truyền giáo tại Hongkong kể lại rằng: Vào một ngày thứ sáu tuần thánh, sau khi nói về cái chết trên thập giá và ơn tha thứ của của Chúa Giêsu, Ngài giải thích về ý nghĩa của Bí Tích Giải tội và kêu gọi mọi người xưng tội để hiểu được được ơn tha thứ của Chúa. Sau nghi lễ, có một người Hồi giáo đến gặp ngài và nói như sau:

- Thưa Cha, con muốn xưng tội để được ơn tha thứ.

Vị linh mục giải thích rằng: Vì chưa được rửa tội, ông không thể lãnh nhận Bí Tích Giải tội, nhưng người tín hữu Hồi giáo nài nỉ:

- Thưa Cha, trong Hồi giáo của chúng con không có sự tha tội, nhưng con cảm thấy cần phải được Chúa tha thứ và có được một dấu chỉ về sự tha thứ của Ngài.

Cha liền chúc lành cho người tín hữu Hồi giáo và sau đó người này trở thành người con của Chúa. Từ ngày đó người ấy nói rằng anh ta luôn được sống trong sự bình an.

3- Ơn ban cuối cùng là ơn được sai đi để loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người cho tới ngày tận thế. Thánh Phaolô đã quả quyết: "Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? (Rm 10,15). Chúa Giêsu bảo “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. (Ga 20,21)

Linh mục Natarinô Rochky, một thừa sai người Ý làm việc truyền giáo lâu năm ở Nhật Bản, đặc biệt là Ngài làm Cha sở họ đạo Elsaye. Cách thủ đô Tôkyô khoảng 100 km. Ngài kể lại câu chuyện sau đây:

"Có một giáo sư đại học trẻ tuổi người Nhật xin gặp tôi mỗi tuần 2 buổi tối để thảo luận về các vấn đề tôn giáo và Phúc Âm, mặc dù ông chưa phải là tín hữu Công giáo. Những cuộc thảo luận như vậy kéo dài hơn một năm trời. Vị giáo sư này trình bày cho tôi những nghi ngờ, thắc mắc về đạo, đồng thời ông cũng xin tôi giải thích thêm về Tin Mừng, về Giáo hội và về luân lý của đạo Công giáo.

Sau hơn một năm, tôi cảm thấy vị giáo sư thông minh đó có vẻ đã sẵn sàng đón nhận Bí Tích Thanh Tẩy, nên tôi hỏi ông có muốn được rửa tội và gia nhập vào Hội thánh Công Giáo hay không. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông từ chối cách lịch sự. Và từ đó, tôi không thấy không lui tới với tôi nữa... Bẵng đi hơn 10 tháng, khi tôi hầu như đã quên đi vị giáo sư đó, thì một hôm. Ông trở lại gặp tôi và nói:

- Thưa Cha, Cha đã thuyết phục được con. Bây giờ con sẵn sàng đón nhận Bí Tích Rửa tội và con cũng đã chuẩn bị cho vợ con cũng như hai đứa con của con.

Nghe đến đây, tôi rất ngạc nhiên. Tôi hỏi ông điều gì đã khiến ông thay đổi ý kiến như thế. Ông ta đáp:

- Trong những tháng qua, con đã âm thầm theo dõi xem Cha đã sống như thế nào. Cha đã từng nói với con rằng Cha thường dâng thánh lễ một mình trong nhà thờ mỗi ngày lúc 7 giờ sáng. Đó cũng là giờ con ra ga xe lửa để đến Tôkyô dạy học, vì thế con vẫn có dịp đi qua Nhà thờ của Cha. Con dừng lại một lát nhìn Cha qua cửa sổ, xem Cha làm gì trong đó. Bao giờ con cũng thấy Cha trong Nhà thờ và cầu nguyện thật sốt sắng. Ngoài ra, con cũng dò hỏi nhiều người về cách sống của Cha. Qua các cuộc điều tra đó, con thấy quả thật Cha đã tin và đã sống những điều Cha đã chia sẻ cho con về đạo. Xét về mặt kiến thức thì con đã xác tín về sự thật Phúc Âm, nhưng con muốn xem Cha có sống Phúc Âm thực sự hay không".

Cha Rochky không những đã truyền giáo bằng lời nói, giảng dạy, nhưng còn bằng cuộc sống thường nhật của mình nữa!

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến như ngọn gió mát, thổi vào cuộc đời chúng con luồng sinh khí mới để cả trái đất này được thay da đổi thịt trong cùng một Thánh Thần Tình Yêu. Amen.


Bài 02: SỨC MẠNH THÁNH THẦN

Lm. Đaminh Lâm Quang Khánh

Các thiếu nhi thân mến,

Chúa Nhật Tuần VII Phục Sinh trước là Lễ gì các con ?

Thưa Cha Lễ Chúa Giêsu Lên Trời.

Cám ơn con rất đúng. Các con còn nhớ trước khi về trời Chúa Giêsu có hứa ban ai cho các tông đồ mà Tin Mừng Gioan chương 14,16-17 cho chúng ta biết?

- Thưa: "Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em".

- Rất đúng, cám ơn con. Hôm nay, Cha mời các thiếu nhi xem lại đoạn Kinh Thánh Chúa Thánh Thần được sai đến trong ngày lễ Ngũ Tuần trong Công vụ tông đồ chương 2,1-11 nhé:

Các con vừa xem đoạn Video Lời Chúa trong sách Công vụ Tông đồ (Cv 2,1-11)các con cho Cha biết trong ngày lễ Ngũ Tuần thế nào?

- Thưa: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.”

Cám ơn các con rất đúng.

+ Chúa Giêsu, khi hứa ban Thánh Thần đã gọi Người là Đấng bảo trợ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16).

+ Chính Chúa Giêsu cũng gọi Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, Thần Khí Sự Thật: “Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ nơi Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26). “Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật vẹn toàn” (Ga 16,13).

+ Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống cho những ai tin Chúa Kitô. Thánh Phaolô nói: “Nếu Chúa Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính. Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,10.11). “Chính Người là Thánh Thần ban sự sống, là mạch nước vọt lên sự sống vĩnh cửu” (Ga 4,14).

- Các con đã học giáo lý, khi nói đến Chúa Thánh Thần, ta thường nghĩ đến những biểu tượng gì các con?, Cha hỏi các con lớp chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức:

- Thưa Cha, đó là: "Nước, lửa, việc xức dầu, áng mây, ánh sáng, ấn tín, bàn tay, ngón tay, chim bồ câu.

- Rất đúng , Cha sẽ nói cho các con biết qua vài điểm giáo lý về các biểu tượng đó:

a. Nước: Nước có ý nghĩa về hành động của Chúa Thánh Thần trong Bí tích Thánh Tẩy. Vì sau lời cầu Chúa Thánh Thần, nước trở nên dấu chỉ hữu hiệu mang lại ơn tái sinh.

b. Dầu: dầu là Thánh Thần có liên hệ mật thiết đến nỗi trở thành đồng nghĩa. Trong nghi thức khai tâm Kitô giáo, dầu là dấu chỉ của Bí tích Thêm Sức. Bí tích trao ban Chúa Thánh Thần cách đặc biệt. Nhưng để có một ý nghĩa xác đáng, cần phải trở lại việc xức dầu, đầu tiên Thánh Thần thực hiện: xức dầu cho Ðức Giêsu. Trong Cựu Ước có nhiều người được xức dầu của Thiên Chúa, nhưng Ðức Giêsu là Ðấng được xức dầu đặc biệt: nhân tính mà Ngôi Con nhận lấy được xức dầu trọn vẹn bởi Thánh Thần.

c. Lửa: tượng trưng sức mạnh biến đổi của tác động Thánh Thần. Lửa từ trời đến biến đổi của lễ của Elia và Ðức Giêsu nói: "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất" (Lc 12,49). Một trong những kiểu nói diễn tả hành động của Thánh Thần gợi cảm nhất là: "Ðừng dập tắt Thần Khí". (1Tx 5,19).

d. Mây: tỏ lộ Thiên Chúa hằng sống và cứu độ. Với Môsê trên núi Xinai, ở lều hội họp và đang khi đi trong sa mạc; với Salômôn khi cung hiến đền thờ; khi Chúa biến mình cũng như khi che khuất mắt các tông đồ ngày Chúa về trời, đám mây đều mang một ý nghĩa: Sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhưng khi Sứ thần nói: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà" (Lc 1,35) thì đám mây nầy chỉ rõ về Chúa Thánh Thần hơn cả.

e. Chim bồ câu: Khi Ðức Giêsu lên khỏi nước trong dịp chịu phép rửa, dưới hình chim bồ câu. Thánh Thần xuống trên Người. Thánh Thần cũng xuống và ở lại trong tâm hồn đã được thanh luyện của người chịu Thánh Tẩy.

Các thiếu nhi thân mến, Chúa Thánh Thần được ví như ngọn lửa để thiêu đốt mọi hư hèn, xấu xa, bẩn thỉu trong tâm hồn, để phá tan bóng tối của mù quáng lầm lạc đang bủa vây tâm trí, để sưởi ấm những trí lòng nguội lạnh đơn côi. Ngài còn được ví như ngọn gió mát xua tan mây mù tội lỗi, đem bình an đến cho ai đang đau khổ, gieo hy vọng cho những kẻ lầm than cơ cực. Ngoài ra, Ngài luôn ở bên ta bằng cách gợi cho ta sự hối hận khi phạm tội, thúc dục ta nhịn nhục chịu khó khi chu toàn trách nhiệm bổn phận, kêu mời ta mở lòng rộng lượng thứ tha khi bị xúc phạm, đốt lên trong ta ngọn lửa công bằng bác ái khi giao tế, giúp ta hướng tới sự trong sạch khi bị cám dỗ bủa vây.

- Chúa Thánh Thần là nguồn mạch mọi ân sủng. Chúa Thánh Thần mang lại cho ta vô số ân huệ, khôn ngoan, sức mạnh, niềm tin, cậy, mến, niềm vui ...

- Trong Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu thực hiện lời Người đã hứa với các Tông đồ: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19).

- Chúa Thánh Thần là Thầy dạy chân lý (x. Ga 16,13). Ta hãy siêng năng cầu xin Chúa Thánh Thần để Người hướng dẫn soi sáng ta hiểu rõ Lời Chúa dạy, hầu đi trong ánh sáng.

- Trong đời sống cầu nguyện, Chúa Thánh Thần còn giúp ta cầu nguyện, vì nhiều khi ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho hợp ý Thiên Chúa (x. Rm 8,26).

Nếu mỗi người chúng ta không nhận lãnh Chúa Thánh Thần, không mau mắn mời Ngài đến viếng thăm thì chúng ta không thể nào đủ sức đương đầu thử thách cám dỗ, đủ khôn ngoan sáng suốt lắng nghe, suy gẫm và thực thi những gì Chúa dạy. Vì như Chúa đã phán: “Không có Ta, các con chẳng làm được gì”.

Các thiếu nhi thân mến, Chúa Thánh Thần đang ngự trong tâm hồn chúng ta. Chính Người tăng cường niềm tin để chúng ta tin vào Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần lôi kéo chúng ta đến tụ họp nơi đây để: Dâng thánh lễ, học hỏi giáo lý, Cầu nguyện và chắc chắn Người cũng đang lắng nghe lời chúng ta cầu xin với Người. Các con cùng hướng về Ngôi Ba Thiên Chúa. Hát Kinh Chúa Thánh Thần. Amen.


Bài 03: Ga 20,19-23

Lm. Giuse Đào Nguyên Vũ

Lời Chúa:

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm buộc”.

Bài giảng:

Cha chào tất cả chúng con,

Hôm nay chúng ta cử hành lễ gì? (Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống). Chúa Thánh Thần là ai vậy các con? (là Ngôi Ba Thiên Chúa). Phải rồi, hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các thánh Tông Đồ sau khi Chúa Giêsu lên trời. Chúng con có nhớ Chúa Thánh Thần đã hiện xuống vào ngày nào không? (lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, 50 ngày sau khi Chúa Giêsu phục sinh). Ngài hiện xuống dưới hình thức nào? (hình lưỡi lửa).

Tốt lắm, chúng con học giáo lý có nghe biết hình ảnh nào là những biểu tượng của Chúa Thánh Thần? (Chim bồ câu- Chúa chịu phép rửa, Hơi thở - Chúa Giêsu Phục sinh thổi hơi, gió, lửa – trong lễ ngũ tuần,…). Đúng rồi, đó là những dấu chỉ nhắc đến sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Thánh Kinh.

Trong Tin Mừng hôm nay, dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần là gì? (Chúa Giêsu thổi hơi). Đúng rồi, thế nhưng chúng con để ý, ngay khi vừa xuất hiện, Chúa Giêsu đã nói gì? (Bình an cho các con). Đúng thế, Chúa không chỉ nói một lần, mà những hai lần. Ngay khi vừa xuất hiện, Chúa Giêsu đã nói như thế. Chúa Phục sinh là Chúa tràn đầy sự sống của Chúa Thánh Thần, và khi Ngài nói như thế, nghĩa là ơn bình an chính là quà tặng của Đấng Phục sinh tràn đầy Thánh Thần. Cho nên cũng có một dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nữa trong Tin mừng hôm nay đó là: sự bình an.

Điều này là cần thiết cho các môn đệ, tại sao vậy? (vì các ông đang sợ hãi). Phải rồi, các ông sợ người Do Thái bắt mình, sợ người ta đổ oan mình lấy xác Chúa, sợ người ta giết hại mình giống như họ giết Chúa. Bởi thế, các ông rất cần sự bình an. Sau khi ban bình an cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã làm gì? (Ngài thổi hơi và bảo: các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm).

Các con thân mến, lời nói này của Chúa Giêsu là một lời sai đi. Chúa ban Thánh Thần cho các môn đệ và sai các ông đi công bố ơn tha tội, công bố ơn bình an. Khi Chúa chịu phép rửa tại sông Giođan, chính Chúa Thánh Thần cũng đã ngự xuống trên Chúa Giêsu khi Ngài được sai đi loan báo Tin mừng. Và vì thế, một khi Chúa Thánh Thần được ban cho các môn đệ, họ cũng được sai đi: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.

Chính chúng con và cha cũng cần lãnh nhận ơn Thánh Thần để được sai đi. Cụ thể qua bí tích gì ban tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần? (bí tích Thêm sức). Đúng rồi, đó là bí tích làm cho ta can đảm làm chứng cho Chúa.

Trong lịch sử Giáo Hội không thiếu những vị thánh có được sự can đảm phi thường nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Thánh phó tế Stephano là một trong 7 vị phó tế đầu tiên. Dù chỉ là phó tế thôi, nhưng Kinh thánh ghi rõ, Ngài tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần. Ơn Chúa Thánh Thần làm cho Ngài trở nên người đầy mạnh mẽ và khôn ngoan trong lời nói. Ngài đã dùng điều đó để giảng dạy, rất nhiều người đã tin và trở lại với Chúa. Thế nhưng người Do Thái thì ghét Stephano, vì ông đã toàn giảng dạy về Chúa Giêsu, vì thế họ tìm cách giết ông. Họ bắt ông rồi vu khống, lên án ông, ném đá ông cho đến chết. Thế nhưng Stephanô không hề sợ hãi, sẵn sàng can đảm chịu chết vì Chúa Kitô. Đang khi người ta ném đá ông, ông còn cầu nguyện rằng: Lạy Chúa, xin đừng chấp họ vì tội này. Ông cầu xin ơn tha thứ cho những người giết mình. Rồi trước khi chết, ông còn nói: Lạy Chúa Giêsu xin đón nhận linh hồn con. Đố chúng con biết, Stephanô giống như ai? (Chúa Giêsu)

Phải rồi, Stephanô can đảm và mạnh mẽ như chính Chúa Giêsu: luôn tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa và xin ơn tha thứ cho kẻ thù. Tất cả là nhờ hồng ân Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nên giống Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần làm ta luôn ghi nhớ lời Chúa dạy trong tâm hồn mình, khắc cốt ghi tâm, để ta luôn có Chúa, mà một khi có Chúa, chúng ta sẽ luôn bình an và không sợ hãi.

Thiếu nhi chúng con thân mến, Chúa Thánh Thần cần thiết cho Chúa Giêsu thế nào, thì Ngài cũng cần cho chúng ta như vậy. Vì thế, trước khi làm bất cứ việc gì: học tập, cầu nguyện, làm việc… các con hãy xin Chúa Thánh Thần soi lòng mở trí cho con, để con có ơn Chúa mà hoàn thành mọi việc. Amen.


Bài 04:

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Lời Chúa: Ga 20,19-23

19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Dothái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Chúc anh em được bình an!" 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: "Chúc anh em được bình an! như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em". 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ".

Video: Chúa Thánh Thần hiện xuống.

A. DÀNH CHO THIẾU NHI

1. Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta điều gì?

a. Việc Chúa Giêsu lên trời trước mặt các tông đồ.

b. Việc Chúa Giêsu sống lại ra khỏi mồ.

c. Việc Chúa Giêsu sống hiện ra ban bình an và Thánh Thần cho các tông đồ.

d. Việc các tông đồ lo sợ trước việc Chúa Giêsu chịu chết.

2. Chúa Giêsu đã ban gì cho các tông đồ nhân dịp này?

a. Chúa ban bình an cho các tông đồ.

b. Chúa ban lệnh lên đường cho các tông đồ.

c. Chúa ban Thánh Thần và quyền tha tội cho các tông đồ.

d. Tất cả đề đúng.

3. Thái độ của các tông đồ thế nào?

a. Họ vui mừng khi được Chúa hiện ra.

b. Họ run sợ vì tưởng mình thấy ma.

c. Họ thêm can đảm khi được Chúa ban Thánh Thần.

d. Chỉ có câu a+c là đúng.

B. DÀNH CHO NGƯỜI LỚN

Biến cố sách Tông đồ Công vụ đã tường thuật lại một cách đặc biệt hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Thánh Thần đã làm một việc hết sức lạ lùng nơi các tông đồ. Người đổi mới các ông.

1. Việc đầu tiên là là đổi mới trí khôn.

Chúng ta biết các Tông đồ xưa là những người làm nghề chài lưới, ít học. Suốt 3 năm ở bên cạnh Chúa Giêsu, các ngài đã được Chúa dạy dỗ nhiều điều nhưng các ngài vẫn không hiểu. Vậy mà sau khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, trí khôn các ngài như được mở ra. Không những các ngài hiểu biết về Chúa, hiểu biết giáo lý của Chúa, mà còn có thể đi giảng dạy cho người khác nữa. Bài giảng của thánh Phêrô là một thì dụ.

Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người thất học nên hiểu biết. Ngài đã đổi những tâm trí u mê thành sáng suốt. 

2. Thứ đến là đổi mới ý chí.

Từ khi Chúa Giêsu bị bắt và bị kết án, các Tông đồ sống trong sợ hãi. Các ngài đã chối Chúa. Các ngài đã trốn chạy. Các ngài ẩn nấp trong nhà đóng kín cửa. Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, con người các ngài đã hoàn toàn thay đổi. Các ngài mở tung cửa hân hoan ra đi rao giảng Tin mừng cho mọi người. Bị đe dọa, các ngài vẫn không sợ. Bị đánh đòn, các ngài vẫn kiên cường. Không gì có thể ngăn cản các ngài rao giảng, làm chứng cho Đức Kitô phục sinh. Sau cùng tất cả các ngài đã chịu đổ máu, hiến mạng sống mình để làm chứng cho Chúa.

Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người yếu đuối nên vững mạnh. Ngài đã biến những con người nhút nhát nên can đảm.

3. Sau cùng là đổi mới trái tim.

Trước kia các ngài còn mang nặng những ước mơ trần tục. Theo Chúa để mong được chức trọng quyền cao, mong được ngồi bên tả bên hữu Chúa, tranh dành nhau chỗ cao chỗ thấp. Có thể nói, trước kia các ngài theo Chúa vì bản thân, vì chính các ngài. Các ngài chưa yêu mến Chúa bằng yêu mến bản thân. Nhưng từ khi được ơn Chúa Thánh Thần, trái tim của các ngài đã hoàn toàn thay đổi. Từ nay các ngài không còn tranh dành nhau chỗ cao chỗ thấp, ngồi bên tả hay bên hữu. Nhưng các ngài biết sống nhường nhịn yêu thương. Từ nay các ngài dành trọn trái tim cho Chúa, yêu mến đến sẵn sàng chịu mọi đau khổ, và nhất là sẵn sàng chết vì Chúa.

Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Đã biến đổi những trái tim chai đá thành những trái tim bằng thịt. Đã biến đổi những trái tim ích kỷ thành những trái tim yêu thương.

Chính vì thế mà khi bàn về vai trò của Chúa Thánh Thần đối với Giáo Hội, Thượng phụ Athénagoras không ngần ngại mà quả quyết: “Không có Thánh Thần, Thiên Chúa sẽ ở xa, Đức Kitô bị khép lại ở trong quá khứ, Tin Mừng sẽ chỉ là những dòng chữ chết. Hội Thánh sẽ chỉ là một tổ chức bình thường, quyền bính sẽ trở thành một thứ áp bức, và công việc truyền giáo sẽ trở thành một việc uyên truyền không hơn không kém. Rồi việc tế tự, một trong những sinh hoạt quan trọng nhất trong đạo của chúng ta sẽ chỉ còn là một thứ tưởng niệm và hoạt động Kitô giáo sẽ chỉ là một thứ đạo đức nô lệ."

Hôm nay ta hãy tha thiết xin ơn Chúa Thánh Thần đến đổi mới con người xưa cũ của ta.

Đổi mới Trí khôn u mê không hiểu Lời Chúa, không nhận biết thánh ý Chúa thành trí khôn biết bén nhạy với Lời Chúa, nhất là với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần

Đổi mới Ý chí bạc nhược không đủ sức làm việc lành, hèn nhát không dám làm chứng cho Chúa thành ý chí biết phục thiện và can đảm làm chứng cho chân lý.

Đổi mới Trái tim nhơ uế vì những ích kỷ nhỏ nhen, vì những ham muốn trần tục thành trái tim quảng đại, biết tha thứ và yêu thương. Amen.

Video: Đấng tha tội.

Top