Bài giảng lễ Thiếu nhi: Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm C

Bài giảng lễ Thiếu nhi: Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm C

CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY – NĂM C

BÀI 1: Lc 13,1-9
(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

"Không phải đâu
nhưng nếu các ngươi không sám hối
thì các ngươi cũng phải chết như vậy."

(Lc 13,5)

Chúng con yêu quí,

Chúng con vừa nghe một đoạn Tin Mừng do thánh sử Luca thuật lại.

Trong đoạn Tin Mừng này Thánh Luca nói với chúng ta về sự sám hối.

Chúng con vẫn nghe nói về sự sám hối, nhưng cha hỏi chúng con sám hối là gì?

Ai trả lời cho cha nào?

- Thưa cha sám hối là ăn năn hối lỗi về tội lỗi của mình.

- Tốt! Rất tốt! Sám hối là ăn năn hối hận về tội lỗi của mình.

Nhưng muốn có được lòng sám hối thật sự thì điều kiện đầu tiên không thể thiếu đó là phải thấy được tội lỗi, thấy lỗi lầm của mình. Nói một cách đơn giản hơn là thấy được mình là người tội lỗi. Phải thấy được mình là người có tội thì mới sám hối được.

1. Nhưng làm sao để thấy được tội lỗi của mình hay làm sao biết được mình là người có tội?

* Ngày trước người Do thái cho rằng muốn biết ai là người có tội thì cứ căn cứ vào những dấu chỉ bên ngoài thí dụ như bị tai nạn, bị trừng phạt.v.v…

Tin Mừng hôm nay nói đến hai sự kiện: Một là việc Philatô giết một số người Gallilê - những người Galilê nói ở đây là những người đến Giêrusalem dâng lễ tế, có lẽ họ đã gây ra một vài hỗn loạn trong khuôn viên đền thờ, do đó đội binh La Mã ở trong đồn Antonia đã ra tay can thiệp và tàn sát tại chỗ không nương tay và sự kiện thứ hai là việc tháp Siloe đổ xuống làm chết 18 người trước đó.

Có phải những người đó có tội nên bị giết và bị đè chết như thế không?

Theo người Do thái thì quả là như vậy.

Nhưng thử hỏi Chúa có nghĩ như vậy không?

Theo như tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay thì Chúa đã không nghĩ như vậy mà Chúa lại coi đó như một cơ hội để giúp người ta cảnh tỉnh mà rà lại cuộc sống của mình. Đây chúng con hãy nghe lời của Chúa: "Không phải đâu nhưng nếu các ngươi không sám hối thì các ngươi cũng phải chết như vậy" (Lc 13,5)

2. Trước mặt Chúa, mọi người chúng ta đều có tội. Chẳng có ai hoàn toàn trong trắng vô tội trước mặt Chúa.

Một mục sư giảng về chiếc thang Giacóp. Cậu con trai ông ấy cảm động. Mấy ngày sau, cậu nói với cha là mình vừa mơ về câu chuyện đó.

- Sao, con mơ thấy gì?

- Con mơ thấy một chiếc thang bác lên tới tầng mây. Ở dưới chân thang có rất nhiều phấn và mỗi người phải lấy phấn viết hết các tội mình đã phạm lên các bậc của chiếc thang đó thì mới lên được.

- Hay thật! Rồi con thấy gì nữa?

- Con thấy con leo lên, nhứng chưa được bao xa thì con thấy có người leo xuống.

- Ai vậy?

- Ba chứ ai.

- Ba?

- Thế ba leo xuống để làm gì?

- Ba lấy thêm phấn!

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được khiêm nhường trước mặt Chúa. Tưởng cũng nên nhắc lại đây lời của Thánh Phaolô: "Những ai đang đứng vững hãy coi chừng kẻo té".

3. Như vậy vấn đề còn lại là mỗi người phải thấy được tội lỗi của mình và can đảm sửa lại. Chúa rất ghét tội, nhưng luôn yêu thương tội nhân và sẵn lòng đổ tràn ơn tha thứ trên họ.

Có hai hành khách ngồi chung trong một chuyến xe lửa từ Tôrinô bên nước Ý tới thủ đô Paris của nước Pháp.

Vào một ngày mùa đông, bầu trời xanh xám không một tia sáng mặt trời, xe lửa chạy tới biên giới nước Pháp thì tuyết bắt đầu rơi. Bên ngoài thì trời giá lạnh, nhưng trong xe thì hơi ấm của lò sưởi rất dễ chịu. Thêm vào đó là tiếng máy đều đặn như tiếng nhạc ru ngủ cho cuộc hành trình thêm thoải mái. Một trong hai người khách tỏ vẻ băn khoăn lo lắng lạ thường, mỗi lần tới một nhà ga người ấy lại giựt mình đứng phắt lên, đến gần cửa nhìn nhà ga đọc lớn tên ga rồi ông trở về chiếc ghế ngồi và thở dài một cách thảm não. Sau nhiều trạm như thế, người bạn bên cạnh lên tiếng hỏi với tất cả sự quan tâm và tế nhị.

- Có điều gì làm ông khó chịu hoặc ông bị đau chăng? Ông ta thở dài một cách thảm não và nói:

- Tôi không đau ốm gì cả, chỉ có điều là tôi đã lấy chuyến xe đang chạy ngược chiều với hướng tôi định đi. Lẽ ra tôi phải xuống xe từ những trạm trước kia rồi để đổi sang chuyến xe khác, nhưng tôi không có can đảm bước xuống giữa làn mưa tuyết trắng, ngồi trong xe với hơi ấm thế này dễ chịu hơn.

Biết mình đang là người tiến trên con đường tội lỗi, phải quay về con đường thiện. Nếu không đủ can đảm cởi bỏ những thói quen cũ và những tiện nghi vui sướng tạm bợ của đời sống đang sống thì chắc chắc đích điểm mà mình muốn nhắm tới sẽ càng ngày càng bỏ xa mình. Than vãn thở dài nào có ích lợi gì đâu.

Thống hối cải tà quy chính là phải can đảm, đôi khi phải trả giá rất cao. Qua miệng các ngôn sứ, chúng ta biết Thiên Chúa rất nhân từ và đầy lòng thương xót luôn chờ đợi các tội nhân ăn năn thống hối trở về với Ngài.

Lạy chúa, xin ban cho con cánh cửa tình thương để con biết can đảm trở về với Chúa.

Xin ban cho con lòng khiêm nhượng để con biết nhìn nhận tội lỗi của con.

Xin ban cho sức mạnh để con biết mau mắn chỗi dậy sau khi sa ngã.

Xin hãy thay đổi sự cứng cỏi lòng chai dạ đá, để con chỉ biết ước muốn và thi hành những gì Chúa yêu thích nơi con mà thôi. Amen.


BÀI 2: HÃY SÁM HỐI
(Lm. GB. Nguyễn Mạnh Toàn)

Cha chào tất cả các con thiếu nhi

Hôm nay là tuần thứ mấy mùa Chay rồi chúng con? (tuần thứ 3). Đúng rồi! cha hỏi tiếp nhé! Trong mùa Chay, thường Giáo Hội mời gọi chúng ta làm gì? (cầu nguyện, bác ái, ăn chay sám hối trở về với Chúa). Đúng lắm. Các con biết không, trong mùa Chay Giáo Hội cho chúng ta có nhiều thời gian để chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa phục sinh. Vì thế, Giáo Hội luôn mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi mình để sám hối trở về với Chúa, đặc biệt hơn là để chúng ta sống 1 đời sống hoàn toàn mới trong Chúa Kitô phục sinh.

Lời kêu gọi này không chỉ nhắm đến những người tội lỗi mà hướng đến mọi người không trừ ai. Bằng chứng, trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, cha đố các con, để nói đến tinh thần sám hối, Chúa Giêsu đã kể cho những Do Thái những biến cố nào xảy ra trong đời sống? (chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết; mười tám người bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết và dụ ngôn cây vả).

Đúng lắm! Cha hỏi thêm các con nhé, những người chết trong 2 biến cố này có phải là họ tội lỗi lắm không? (thưa không hoàn toàn như vậy), chúng ta nhận thấy, Chúa Giêsu trả lời cho nhóm Pharisêu biết rằng: nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.

Đứng trước những biến cố đem lại tai hoạ và chết chóc cho con người, Chúa Giêsu không nghĩ như số người Do Thái thời đó cho rằng: việc quan tổng trấn Philalô tàn sát mấy người Galilê và việc tháp Silôác đổ xuống đè chết 18 nạn nhân, tai hoạ đó là do tội lỗi của chính họ, nên bị Thiên Chúa giáng phạt. Còn những người khác thấy vẫn bình yên vô sự, thì cho rằng mình vô tội, nên dễ tự hào về sự công chính thánh thiện của mình. Chúa Giêsu không có ý nghĩ như thế, theo ý của Ngài, những người bị tai nạn đó, chưa hẳn là tội lỗi hơn những người đồng hương của họ. Qua những biến cố trên đây, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh rằng, mọi người đều là tội nhân, đều bị Thiên Chúa phán xét, nên cần phải ăn năn sám hối, để đón nhận tình thương của Thiên Chúa.

Như vậy, Sám hối là gì? Sám hối là hối hận vì tội lỗi mình đã phạm đến Chúa và những người khác, bây giờ quyết tâm trở về với Chúa và cố gắng chừa bỏ tội lỗi. Do đó, sám hối là tin vào lòng thương xót của Chúa, tin nhận có Chúa đang ở giữa chúng ta và chúng ta muốn sống với Chúa. Sám hối là điều rất cần thiết trong đời sống Kitô hữu, bởi khi bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi mọi người: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, vì Nước Trời đã gần đến". Chúa Giêsu đã nối kết sám hối với Tin Mừng. Tin Mừng là gì, nếu không phải là tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ qua con người của Chúa Giêsu Kitô. Ngoài ra, sám hối không chỉ là ý thứcNHỚ LẠI về tội lỗi của mình; sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là con đường tìm đến Tin Mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc, như thánh sử Luca có ghi lại trong dụ ngôn “Con Chiên Lạc”: “trên trời, ai nấy sẽ vui mừng khi thấy 1 người tội lỗi biết ăn năn sám hối …”.

Cha kể cho các con câu chuyện: nói về việc làm tốt của 1 anh thanh niên được phát trên đài phát thanh, truyền hình, trong mục nói về giáo dục trẻ em, giới thiệu chương trình hoạt động của anh Thảo Đàn ở thành phố Hồ chí Minh.

Trước đây, Thảo Đàn là một trẻ em hay đi lang thang ở đường phố, bỏ nhà đi bụi đời; tệ hơn nữa, anh vướng vào nghiện hút ma tuý. Nhưng khi hiểu được tác hại của ma tuý, anh quyết tâm cai nghiện. Với ý chí cương quyết, anh đã hoàn toàn dứt bỏ được ma tuý. Chừa được ma tuý rồi, anh không chỉ hài lòng với việc làm lại cuộc đời cho bản thân, nhưng còn muốn dùng kinh nghiệm của mình để giúp đỡ các trẻ em đường phố. Với sự hỗ trợ của Nhà Nước và các tổ chức từ thiện, anh mở ra một trung tâm giáo dục, qui tụ 200 trẻ em lang thang ở đường phố. Tại đây, anh giáo dục cho các em hiểu biết những mối nguy hiểm đang rình rập các em, giúp các em bảo vệ quyền lợi của mình và nhất là tìm cách đưa các em hội nhập vào đời sống xã hội lành mạnh.

Các con thiếu nhi thân mến.

Sám hối không chỉ dừng lại ở nỗi đau buồn, thất vọng vì bao lần sa ngã phạm tội, nhưng điều quan trọng, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thay đổi nếp sống, hãy vươn lên và quyết tâm mỗi ngày sống tốt hơn, cụ thể như câu chuyện cha vừa kể cho các con, khi đã biết lỗi lầm của mình, Anh Thảo Đàn đã sám hối thật lòng và quyết tâm thay đổi nếp sống, bằng cách, anh mở 1 trung tâm từ thiện nhằm giúp đỡ những trẻ em bụi đời bất hạnh, anh đã tạo điều kiện giúp những trẻ em này biết từ bỏ những thứ gây tác hại đến đời sống các em, để giúp các em thăng tiến không ngừng.

Ước gì Lời Chúa nói với chúng ta trong mùa Chay thánh này, ban thêm sức sống và hướng dẫn mỗi người chúng ta, để khi lỡ sa ngã phạm tội, chúng ta không chán nản, buồn phiền, nhưng biết trông cậy vào lòng thương xót của Chúa và lãnh bí tích giải tội, để nhờ ân sủng, giúp chúng ta đón nhận ơn tha thứ của Chúa, quyết tâm đổi mới đời sống làm sao cho đẹp lòng Chúa và làm vui lòng mọi người.


 

BÀI 3: HẠI ÐẤT

Lời Chúa: Lc 13,1-9

1 Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Ðức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Ðức Giêsu đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Galilê đó có tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? 3 Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? 5 Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy".

6 Rồi Ðức Giêsu kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?" 8 Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi".

Video: Chúa Giêsu thành Nagiareth

1. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn nói gì với chúng ta?

a. Chúa muốn nói với chúng ta về con đường đau khổ của Chúa.

b. Chúa muốn nói với chúng ta về việc phải sám hối.

c. Chúa muốn kêu gọi chúng ta phải biết ăn ngay ở lành.

d. Chúa muốn bảo chúng ta phải biết chăm chỉ làm việc.

2.  Chúa muốn dạy chúng ta điều gì qua dụ ngôn cây vả?

a. Chúa muốn bảo Chúa không muốn cho người ta sám hối.

b. Chúa muốn cho mọi người thấy tình thương của Chúa qua sự kiên trì chờ đợi.

c. Chúa muốn cho mọi người thấy sự kiên trì chờ đợi của Chúa có giới hạn.

d. Chỉ có câu b+c là đúng.

3. Việc sám hối đem lại cho con người có tội điều gì?

a. Sẽ giúp họ tìm lại được cuộc sống tốt đẹp của mình.

b. Sẽ giúp họ tìm lại được niềm vui của cuộc đời thánh thiện.

c. Thoát khỏi sự nô lệ của tội lỗi để được sống tự do hơn.

d. Tất cả đều đúng.

Video: Sám hối

Top