Bài giảng lễ Thiếu nhi: Chúa Nhật II Mùa Vọng - Năm C

Bài giảng lễ Thiếu nhi: Chúa Nhật II Mùa Vọng - Năm C

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG - NĂM C
***

Bài 1: MỞ ĐƯỜNG CHO CHÚA
Lc 3,1-6

Chúng con thân mến!

1. Bài Tin Mừng chúng con vừa nghe là bài Tin Mừng của thánh Luca. Thánh Luca viết bài Tin Mừng này dưới cái nhìn của một người viết sử.

Cha đố chúng con, muốn biết một ai, một người nào đó đã có thời sống trên trái đất này thì người ta phải làm thế nào? Phải căn cứ vào những tiêu chuẩn nào?

Thí dụ bây giờ người ta bảo là ở Việt Nam chúng ta có một người tên là Trần Hưng Đạo. Vậy muốn biết điều đó có thật hay không thì chúng ta phải làm sao? Thưa phải tìm trong lịch sử. Nhưng lịch sử sẽ cho chúng ta thấy gì? Lịch sử sẽ cho chúng con thấy có một người có tên như thế. Nhưng để chắc là người có tên như thế có đúng hay không thì người ta phải xem xem người đó sinh ra ở đâu và năm nào.

Bây giờ mình mở lại lịch sử xem Trần Hưng Đạo sinh ra ở đâu và năm nào nhé!

Cha tìm trong Google cha thấy người ta cho cha nhiều tài liệu về Trần Hưng Đạo lắm. Nào là tiểu sử của ông, rồi sau đó là đến thân thế, tài dụng binh và nhất là việc ông điều hành đất nước với câu châm ngôn luôn lấy dân làm gốc.

Và chính vì thế mà không ai mà không tin có một Trần Hưng Đạo thật ở Việt Nam chúng ta.

Bây giờ chúng con trở lại với bài Tin Mừng. Thánh Luca cũng làm một công việc tương tự như thế để cho mọi người tin rằng việc có một ông Gioan Tẩy Giả là có thật chứ không phải là truyện người ta bày ra.

Có điều là cách Thánh Luca làm có khác. Thay vì cho người thấy những con số, những địa danh thì Luca đã lồng vào khung cảnh lịch sử lúc đó. Đây chúng ta hãy nghe chính lời của thánh Luca: “Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhonít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên, Khanna và Caiphai làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội"

Ở đây ta có thể tự hỏi: Làm sao mà Luca lại không nói rõ về ngày tháng nơi chốn như những sử gia ngày hôm nay thường làm nhỉ.

Thưa cũng dễ hiểu thôi vì lúc đó chưa có lịch như chúng ta có ngày hôm nay. Mãi đến năm 1582 mới có lịch chúng ta dùng hôm nay. Trước đó có nhiều loại lịch khác nhau nhưng ngày nay ít ai dùng.

2. Gioan đến để nói cho mọi người những điều gì?

Ông nói thật rõ ràng: "Hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi."

Dọn như thế nào thì ông cắt nghĩa: "Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.”

Đây là những lời ông mượn từ ngôn sứ Isaia để nói với mọi người.

Rồi ông kết luận: "Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa"

Những lời ông Gioan nói thật hay:

“Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy” nghĩa là gì?

Thưa là những hố sâu chia rẽ. Hố sâu tạo nên sự ngăn cách khiến những người hai bên bờ không thế đến với nhau. Sau một cơn mưa bão, một đoạn đường bị sạt lở. Thế là giao thông bị gián đoạn. Muốn cho hai bờ nối lại với nhau để có thể giao thông được phục hồi. Người ta phải lấp lại những chỗ bị sạt lở. Và sau đó người ta mới có thể đi lại được.

Việc san hẳng những núi đồi hay những khúc đường quanh co, lồi lõm cũng tương tự như vậy. “Mọi núi đồi kiêu ngạo,tự mãn tự kiêu là những căn bệnh gây nên những bất hoà, mất yêu thương đoàn kết, phải bạt cho thấp!” “Những khúc quanh co gian dối, phải uốn cho ngay!” “Những đoạn đường lồi lõm, không bằng phẳng dễ gây nên tai nạn tức là những tính toán không công bằng, bất công, bất chính phải được san cho phẳng!”

Vâng! Phải sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay. Phải san cho phẳng, bạt cho thấp...

Để lấp đầy những hố sâu, san bằng những chỗ gồ ghề, thật không dễ dàng tí nào! Nhưng nếu không bắt tay vào làm việc đó thì chúng ta không thể hưởng được niềm vui của mầu nhiệm Giáng Sinh một cách trọn vẹn. Chúa Cứu Thế đến để đem bình an và niềm vui cứu độ. Nhưng nếu con đường của tâm hồn tôi còn nhiều hố sâu của ích kỷ, lồi lõm vì những tính toán hẹp hòi, nhiều chướng ngại vật vì chỉ biết nghĩ đến mình mà không biết mở lòng ra với mọi người thì làm sao tôi có thể gặp được Chúa.

Trên một con đường vắng, một chiếc xe đang phóng nhanh, chợt đột ngột thắng gấp lại và tấp vào lề đường. Ai đó vừa ném một viên đá vào cánh cửa chiếc xe. Bước ra khỏi xe, liếc nhìn chỗ xe bị ném, người lái xe bực tức chạy nhanh đến tóm ngay thằng bé dứng gần đó - chắc chắn nó là tác giả của vết trầy trên chiếc xe. Trước đó anh đã thấy nó vẫy xe, chắc là để đi nhờ.

- Không cho đi nhờ mà mày làm như vậy hả?

Anh vừa gằn giọng vừa nắm chặt cổ áo đẩy cậu bé sát vào chiếc xe...

Cậu bé lắp bắp sợ hãi:

- Em xin lỗi! Nhưng em em... không biết làm cách nào khác. Nếu em không ném vào xe của anh thì anh đã không dừng xe... Nãy giờ em đã vẫy biết bao nhiêu xe mà không có ai chịu dừng.

Nói đến đó, nước mắt cậu bé lăn dài trên má. Cậu chỉ tay về vệt cỏ phía bên kia đường.

- Có một người... anh ấy bị ngã và chiếc xe lăn của anh ấy cũng ngã. Em tình cờ đi ngang qua thấy vậy nhưng không thể đỡ nổi anh ấy vì anh ấy nặng quá.

Giọng ngắt quãng vì những tiếng nấc liên tục cậu bé nài nỉ:

- Anh có thể giúp em đưa anh ấy trở lại chiếc xe lăn được không ạ? Anh ấy ngã chắc là đau và đang bị chảy máu.

Lời nói của cậu bé khiến anh thanh niên không thể thốt lên được lời nào. Anh thấy cổ mình như nghẹn lại vì bất ngờ và xúc động. Anh đến đỡ người bị ngã trở lại ngồi ngay ngắn trên chiếc xe lăn, băng vết thương và cùng cậu bé kéo xe lên đường. Người bị ngã cảm ơn anh rồi chiếc xe bắt đầu lăn đi về phía đường ngược lại, cậu bé phụ đẩy phía sau. Anh dõi mắt nhìn theo cho đến khi hình ảnh cậu bé và chiếc xe lăn khuất hẳn.

Anh bước thật chậm về phía chiếc xe của mình, cảm giác giận dữ trong anh không còn nữa và những bước chân ngập ngừng cũng không thể diễn tả hết tâm trạng của anh lúc này. Anh quyết định không sửa lại vềt trầy trên xe. Anh muốn nó sẽ nhắc anh về câu chuyện xúc động hôm nay về một điều mà trước nay anh không để ý đến và cũng không có thời gian để nghĩ đến. Anh đã không nhận ra, không có được lòng trắc ẩn như cậu bé kia. Anh đã tiếc thời gian và đi quá nhanh đến nỗi phải có ai đó ném một viên đá mới làm anh dừng lại.

Vâng! Phải làm ngôn sứ cho dân tộc mình, cho thời đại mình: đó là ơn gọi của mọi Kitô hữu chẳng trừ ai.

Cần phải cất lên những tiếng hô bằng lời nói và bằng cuộc sống:

Ơn cứu độ đã đến từ hai mươi thế kỷ nay, nhưng vẫn thiếu những con đường phẳng phiu, ngay thẳng, để Thiên Chúa có thể đến gặp con người.

Xin Thánh Thần giúp chúng ta xây dựng những con đường mới trên những nẻo đường quen thuộc của nhân loại để Chúa có thể đến với mọi người trong Mùa Giáng Sinh này. Amen.


Bài 2: DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA
Lc 3,1-6

Thiếu nhi thân mến!

Các con biết không, thỉnh thoảng trên Tivi có chiếu những đoạn phim về ngày xưa vua đi thăm nơi nào đó, thì có người cầm loa thổi... “Loa! loa! loa!... Trong nhà ngoài ngõ phải dọn dẹp cho sạch sẽ, để nhà vua đi qua...”

Hay thực tế hơn, trong trường học của chúng con mỗi khi có phái đoàn của Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục hay Phòng Giáo dục về thăm, thì nhà trường phải làm gì các con?... Làm vệ sinh, dọn dẹp, nhổ cỏ sạch xung quanh trường, rồi các thầy cô phải cử những người đại diện đón tiếp.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy Gioan Tẩy Giả có nhiệm vụ dọn đường, nhưng không phải dọn đường cho vua trần gian, mà dọn tâm hồn mỗi người để Thiên Chúa, vua các vua ngự đến.

Chúng con có nhớ Tin Mừng cha vừa đọc nói về Gioan Tẩy Giả là con ai không?

- Con ông Dacaria.

Vậy các con biết ông Gioan sống ở đâu?

- Ông sống trong hoang địa.

Ông sống trong hoang địa, sau đó Ông đi khắp vùng sông Giođan rao giảng kêu gọi người ta ăn năn sám hối.

 Như thế, thánh Gioan rao giảng điều gì, các con có nhớ không?

- Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.”

Khi nói đến sửa đường, thì có những chỗ quanh co, có những thung lũng thăm thẳm, có những hố sâu lồi lõm, có những núi đồi gập ghềnh. Những từ này ám chỉ đến những tình trạng tâm hồn, cách sống không phù hợp với Tin Mừng của Chúa.

Thung lũng ở đây có thể là sự thiếu sót bổn phận, không siêng đi lễ, giúp đỡ bố mẹ, mình tỏ vẻ khó khăn khi ai đó nhờ mình giúp, thay vì đi học thì lại bỏ học mê chơi game...;

Núi đồi” có thể là cách sống kiêu căng, không khiêm nhường, coi thường người khác, nhìn người khác bằng nửa con mắt;

Khúc quanh co” có thể sống không thật thà, thiếu trung thực: chẳng hạn, điểm mình thấp ai hỏi đến thì cứ nói tăng lên, đi chơi game mà lại nói đi tham dự thánh lễ;

Đường lồi lõm có thể cuộc sống có nhiều khuyết điểm, thiếu lòng tin, cậy mến nơi Thiên Chúa. Thiếu bác ái yêu thương đối với anh chị em mình.

Thánh Gioan Tẩy Giả ngoài công việc dọn đường cho Chúa, ông còn là người sống trọn vẹn bổn phận làm chứng cho Chúa, và phục vụ người khác đến hy sinh cả mạng sống mình.

Thiếu nhi thân mến!

Vậy nếu các con muốn dọn đường cho Chúa đến trong Mùa Vọng này, thì các con phải biết cố gắng cộng tác với ơn Chúa chu toàn bổn phận mỗi ngày.

Chuyện xưa kể lại rằng, có một ông vua kia, để thử lòng dân, ông đã cho đặt ở giữa đường một tảng đá lớn. Vua bèn núp rình xem người ta phản ứng thế nào.

Kết quả là rất nhiều người đi ngang qua, lớn tiếng càu nhàu nhà chức trách đã không giữ cho đường xá được an toàn và sạch đẹp, nhưng không ai chịu khó dừng lại, để dẹp chướng ngại vật đó ra khỏi đường.

Cuối cùng có một bác nông phu nghèo dừng lại và ra sức lăn tảng đá đi. Ông vô cùng ngạc nhiên khi thấy một túi vàng dưới tảng đá. Đang lúc lúng túng không biết giải quyết ra sao, với một kho báu từ trên trời rơi xuống như thế, thì người nông phu phát hiện bên cạnh túi vàng có một mảnh giấy viết rằng: đây là phần thưởng nhà Vua tặng cho bất kỳ ai dẹp chướng ngại vật này.

Như vậy, chúng ta thấy bác nông phu là một con người có trách nhiệm, vì là người có trách nhiệm nên ông đã tìm cách lăn tảng đá ra, để dọn đường cho mọi người đi. Và ông xứng đáng được phần thưởng.

Thiếu nhi thân mến!

Cũng thế, dọn đường cho Chúa chính là biết chu toàn bổn phận của mình. Mỗi ngày trong tuần, cố gắng làm một số việc hy sinh nhỏ như: giúp đỡ bạn bè, chịu khó học hành, vâng lời ông bà cha mẹ anh chị... Khi các con biết dọn đường cho Chúa bằng tâm hồn khiêm tốn, luôn thực hiện những việc bác ái, yêu thương, thì chắc chắn Chúa sẽ đến, và chính Chúa là phần thưởng cho các con. Các con cũng sẽ nhận được quà tặng của Chúa, nếu các con biết chăm chỉ dọn đường cho Chúa đến ngự trị trong tâm hồn. Bằng những việc tốt lành như thế, là chúng con đang biến việc mình làm, thành những cọng rơm sưởi ấm Chúa Hài Đồng.

Xin Chúa Hài Nhi chúc lành cho từng người thiếu nhi chúng con.


Bài 3
Lc 3,1-6

Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhonít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên, Khanna và Caipha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách sứ Isaia rằng:

“Có tiếng người hô trong hoang địa:
hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa,
sửa lối cho thẳng để Người đi.
Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy,
mọi núi đồi, phải bạt cho thấp,
khúc quanh co, phải uốn cho ngay,
đường lồi lõm, phải san cho phẳng.
Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”

Qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta được thấy Thánh Luca nói cho chúng ta biết về một nhân vật lịch sử Chúa đã gửi đến trước để chuẩn bị cho một việc vô cùng trọng đại Chúa sẽ làm, đó là chuẩn bị cho Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Đây mời chúng con xem nhân vật ấy là ai.

Video: Sinh Nhật Gioan Tẩy Giả

 

1. Gioan Tẩy Giả mà thánh Luca muốn giới thiệu cho chúng ta là người như thế nào?

a. Ông là người được sinh ra làm người sống ở trần gian

b. Ông được sinh ra giữa dòng lịch sự của con người.

c. Ông được Thiên Chúa chọn để làm công việc dọn đường đón Đấng Thiên sai

d. Tất cả đều đúng. 

2. Sứ mạng của Gioan Tẩy Giả là sứ mạng nào?

a. Ông kêu gọi mọi người sám hối để sẵn sàng đón Đấng Cứu thế

b. Ông kêu gọi người ta uốn lại những nẻo đường quanh co, lấp đầy những thung lũng để đón Chúa đến

c. Gioan đòi hỏi mọi người phải vào hoang địa với ông.

d. Câu a+b là đúng

3. Để chu toàn sứ mạng của mình, Gioan đã làm gì?

a. Ông xây dựng nhiều công trình to lớn để đón Chúa.

b. Ông đã làm nhiều việc lạ lùng để chứng tỏ mình là sứ giả của Chúa.

c. Ông đã đi chu du khắp nơi kêu gọi người ta sám hối trở lại.

d. Ông đã sống cuộc đời khắc khổ, hy sinh trong hoang địa, không màng đến các tiện nghi vật chất và cuối cùng ông đã chết để chu toàn sứ mạng của mình.

Video: Gioan Tẩy giả bị trảm quyết

 

 

 

Top