Bài giảng Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên - năm A
Lời Chúa: Mt 28,16-20
"Vậy anh em hãy đi
và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,
làm phép rửa cho họ
nhân danh Chúa Cha, Chúa Con
và Chúa Thánh Thần." (Mt 28,18)
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Nói một cách văn vẻ hơn một chút thì chúng ta gọi là Chúa Giêsu thăng thiên. Việc lên trời hay Thăng Thiên của Chúa phải được hiểu như thế nào?
1. Chắc chắn chúng ta không được hiểu theo nghĩa hoàn toàn vật chất.
Tôi nhớ đến một câu chuyện xảy ra cách đây cũng đã khá lâu: ngày 5-9-1961. Sau khi Nga Sô đã đưa được người đầu tiên lên không gian, trong một cuộc phỏng vấn, Tổng Bí thư Krouchev của Nga đã nói với ký giả của tờ New York Time lúc đó rằng: "Để điều tra trên trời có Thiên Đàng thật như người ta nói hay không, chúng tôi đã gửi một thám tử lên không trung: Youri Gararine. Anh đã đi vòng quanh quả địa cầu mà chỉ trông thấy những bóng đen dầy đặc, không có chi giống như Thiên Đàng cả. Sau đó, chúng tôi đã suy nghĩ và chúng tôi lại gửi một thám tử khác lên: German Titov. Chúng tôi đã bảo anh rằng: "Hãy bay lâu hơn một chút nữa. Có lẽ Gagarine chưa thấy Thiên Đàng vì chàng chỉ mới bay có một tiếng rưỡi thôi. Vậy chuyến này anh hãy nhìn cho kỹ."
Titov đã trẩy đi, rồi trở về và anh xác nhận lời tuyên bố của Gagarine: "Hư vô! Chỉ có Hư vô!"
Rồi Krouchev kết luận: "Cho nên người cộng sản chúng tôi không tin có đời sau."
Đó là cái nhìn của một người cộng sản, một cái nhìn hoàn toàn duy vật. Đúng hay không thì chúng ta không cần phải xét, nhưng chắc chắn đó không phải là cái nhìn của chúng ta.
2. Với biến cố lên trời hôm nay chúng ta thấy cuộc đời trần thế của Chúa được khép lại và một sứ mệnh mới được mở ra, mở ra cho các tông đồ thuở xưa và mở ra cho chúng ta hôm nay. Chính sự đan kết ý nghĩa này, mời gọi chúng ta suy niệm mầu nhiệm Thăng Thiên của Chúa một cách nghiêm chỉnh hơn và đồng thời chúng ta cũng phải lưu tâm đến trách nhiệm thừa sai của chúng ta.
Thăng thiên là mầu nhiệm Chúa Giêsu được tôn vinh cách công khai.
- Thực ra thì Chúa Giêsu đã được tôn vinh ngay từ khi Phục sinh, nhưng tầm nhìn của các môn đệ chưa vươn tới.
- Phải cần một thời gian, với sự hiện ra của Chúa, các môn đệ mới được sáng mắt ra. Sau đó, bằng mầu nhiệm Thăng thiên, các tông đồ mới thực sự thấy Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha tôn vinh như thế nào.
Như vậy, việc thăng thiên chỉ là sự chia tay vắng mặt bằng con người, các môn đệ có thể nhìn bằng mắt, bắt bằng tay. Chứ không phải là hoàn toàn vắng mặt. Bởi vì, ngay trước khi về trời, Chúa Giêsu đã khẳng định một cách hết sức rõ rệt với các tông đồ: "Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20).
Chúa ở như thế nào?
Chắc không phải là như trước đó. Suốt ba năm trời Chúa đã hiện diện giữa các môn đệ của Ngài. Hiện diện gần gũi, xương thịt, đến nỗi tông đồ Gioan đã phải nói lên: "Chúng tôi đã sờ thấy Ngôi Lời hằng sống". Phêrô cũng phải xác nhận trước cộng đoàn những người Do Thái: "Chúng tôi đã được cùng ăn cùng uống với Người". Sự hiện diện như thế quả là rất cụ thể. Lịch sử cũng đã xác nhận. Đây không còn phải là một vấn đề phải tranh cãi.
Nhưng với sự việc lên trời hôm nay, chúng ta thấy rõ, sự hiện diện cụ thể như thế không còn, hay nói đúng hơn: không cần nữa.
Rõ ràng với việc được tôn vinh trong biến cố lên trời, Chúa đã đổi cách thức hiện diện của Chúa: Đổi từ hữu hình sang vô hình, đổi từ cuộc sống xác thịt sang cuộc sống thần linh, đổi để Người có thể hiện diện rộng lớn hơn, phổ quát hơn. Cha Teilhard de Chardin gọi sự hiện diện này là sự hiện diện tràn lan, tràn lan khắp địa cầu.
Lúc đầu, các môn đệ chưa có thể chấp nhận được điều đó. Chính vì thế mà Chúa đã phải để một thời gian tương đối dài: 40 ngày sau Phục Sinh để tập cho các môn đệ làm quen với sự hiện diện đó bằng những lần hiện ra với các ông, cá nhân cũng như với tập thể. Để rồi sau đó, các ngài dám sống cuộc sống chứng nhân một cách triệt để hơn, mạnh dạn hơn, bất chấp những thách đố, bắt bớ và kể cả sự chết vì có Chúa luôn ở với các ngài.
Vâng! Nhờ có Chúa ở cùng mà cuộc sống của các tông đồ sau đó đã hoàn toàn đổi mới.
Cộng thêm với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các ngài đã trở thành những chứng nhân không biết mệt mỏi trên con đường rao giảng và làm chứng. Kết quả các ngài để lại, đã làm cho Voltaire một trong những nhà văn hào lớn của nhân loại phải ghen tức mà nói lên: "Ông Giêsu với 13 môn đệ của mình đã thay đổi cả bộ mặt của thế giới".
3. Bây giờ đến lượt chúng ta.
Như anh chị em biết, đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma là một trong 8 kỳ công lớn của Thế giới. Dịp năm thánh trước đây tin tức cho biết đã có 3.000.000 người hành hương về đây. Trong ngôi đền thờ này có một nhà nguyện nhỏ: Đó là nhà nguyện Sixtina rất nổi tiếng. Nguyện đường này đã được Đức Giáo hoàng Sixto IV cho xây cất vào cuối thế kỷ XV. Không những là nơi các vị Hồng y tụ tập để bầu Giáo hoàng, hay còn là nơi để tổ chức những buổi họp quan trọng khác có tính cách thượng đỉnh, nguyện đường Sixtina còn là một bảo tàng viện với những tác phẩm nghệ thuật bất hủ, nhất là những bức bích họa của Michelangelo.
Bất cứ du khách nào đến Rôma cũng tìm đủ mọi cách để được một lần chiêm ngắm các bức tranh được vẽ trên tường và trên trần nhà này. Người thưởng lãm không những chỉ ngắm nghía dưới khía cạnh lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, nhưng còn để hồn hòa nhập vào niềm tin sâu sắc của nhà nghệ sĩ. Thật thế, tất cả những bức tranh mà Michelangelo đã thực hiện trong nhà nguyện Sixtina đều được cảm hứng từ Thánh Kinh.
Nhà danh họa của chúng ta đã phải nằm ngửa trên một sàn gỗ hướng mặt về trần ròng rã không biết bao nhiêu năm trời. Tương truyền rằng, lúc đang xây dựng, một hôm Đức Thánh Cha Sixtô IV vào tham quan công trình, thấy Michelangelo đang nằm ngửa lên để tô vẽ bức ảnh, Đức Thánh Cha có hỏi ông:
- Ông Michelangelo, chừng nào ông mới hoàn thành công việc đây?
Từ trên giàn gỗ, nhà danh họa đáp lại:
- Chừng nào con có thể!
Vị giáo hoàng đường như mất hết kiên nhẫn:
- Thế ông có biết là ông đã bắt đầu mấy năm rồi chưa? Thế mà tôi vẫn chưa thấy gì hết...!
Một cách điềm tĩnh, Michelangelo trả lời:
- Thưa Đức Thánh cha, con không làm việc cho đời tạm này, mà cho đời sau...
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao;
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân chúng con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Đố vui Kinh Thánh trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024
-
Giáo hạt Xóm Mới cầu nguyện cho các linh hồn -
Giáo hạt Xóm Mới Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ -
Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Giám mục và Linh mục của TGP Sài Gòn đã qua đời -
Linh mục đoàn Giáo hạt Thủ Thiêm tĩnh tâm và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn tháng 11 -
Bản Ghi nhớ cho việc Chăm sóc Mục vụ Di dân -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XIV của Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Healing Night, Healing Love - Mẹ, Em & Tôi năm 2024 -
Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc năm Thực tập Mục vụ khóa 20 Đại Chủng Viện Sài Gòn -
Linh mục đoàn giáo hạt Gia Định tĩnh tâm tháng 10
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023