Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Lá năm B
Mc 11, 1-10
“Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavít, tổ phụ chúng ta.
Hoan hô trên các tầng trời!”(Mc 11, 10)
Lễ lá có một khởi đầu vui nhưng lại có một kết cục buồn. Khởi đầu Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem. Kết cục Chúa Giêsu chịu kết án, chịu khổ hình và chết trên Thập giá. Con đường vào thành thánh Giêrusalem của Người là con đường vinh quang vương giả. Còn con đường lên Núi Sọ lại là con đường của kẻ tội đồ.
Đám rước ngày lễ Lá hôm nay mời gọi chúng ta cùng tiến bước theo Chúa.
Tiến bước theo Chúa để hiểu rằng hành trình theo Chúa không kết thúc tại cổng thành Giêrusalem với đám đông người ngưỡng mộ, với cành lá và quần áo trải thảm đường đi, nhưng kết thúc trên núi Sọ với những lời nhục mạ ê chề, với cây Thập giá cùng với hai tội nhân đồng hành. Chúa Giêsu đã không xưng vương trước đám đông cuồng nhiệt nghinh đón, nhưng lại xưng vương trước mặt Philatô, khi tay đã bị trói, khi thân thể đã tan nát không còn hình tượng con người, khi đã mất hết uy tín, và phải đứng trước vành móng ngựa như một phạm nhân. Và danh hiệu làm Vua chỉ được chính thức ghi bằng chữ viết khi Người bị treo trên Thập Giá: “Giêsu Nazareth, Vua dân Do Thái”(Mt 27, 37).
Hành trình của Chúa là một hành trình gian khổ. Đích điểm chỉ đạt tới sau khi đã từ bỏ tất cả, không phải chỉ nhà cửa, y phục mà cả những người thân, cả thành công, cả danh dự và cả mạng sống.
Tiến bước theo Chúa để chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của lòng dạ con người.
Cũng đám đông ấy, hôm trước vừa vung tay vung chân hoan hô Chúa, ngay hôm sau đã vội vung tay vung chân kết án Chúa.
Cũng đám đông ấy hôm trước vừa reo hò chúc tụng Chúa, ngay hôm sau cũng vẫn reo hò nhưng là để buộc tội Chúa.
Cũng đám đông ấy hôm trước vừa chen lấn nhau để nghênh đón Chúa, ngay hôm sau đã xúm lại với nhau để hành hạ Chúa.
Cũng đám đông ấy hôm trước vừa cởi áo, chặt cành lá lót đường để Chúa đi qua, ngay hôm sau đã lột áo Chúa, chặt cành gai cuốn lại đặt lên đầu Chúa.
Tiến bước theo Chúa còn là để dứt khoát lựa chọn cho mình một con đường.
Đường vào Giêrusalem chỉ có một và rộng thênh thang. Mọi người đều có thể tụ tập và cùng chung lối bước. Nhưng đường lên Núi Sọ chật hẹp và chia ra muôn ngả. Mỗi người có thể chọn cho mình một con đường để đi.
Đường vào Giêrusalem đông vui và phấn khởi vì mọi người ca hát tưng bừng. Nhưng đường lên Núi Sọ thật buồn thảm, chỉ có tiếng roi vọt, tiếng than khóc và tiếng chửi rủa.
Đường vào Giêrusalem mọi người đều theo Chúa, mọi người đều là môn đệ Chúa. Nhưng đường lên Núi Sọ chỉ còn ít người theo Chúa. Có những người đã phản bội. Có những người đã trốn chạy. Có những người đã chối bỏ Thầy.
Đường vào Giêrusalem có con lừa chở Chúa. Nhưng đường lên Núi Sọ, Chúa phải vác Thánh Giá.
Đi theo Chúa trên đường vào Giêrusalem thì dễ dàng và vui vẻ. Nhưng theo Chúa trên con đường Núi Sọ mới thật chông gai.
Nếu tôi có mặt ở đó, tôi sẽ dễ dàng hòa nhập vào đoàn người cầm cành lá đi rước Chúa. Nhưng khi Chúa đi lên Núi Sọ, tôi sẽ rẽ sang đường nào? Tôi sẽ rẽ sang con đường phản bội Chúa như Giuđa? Tôi sẽ rẽ sang con đường chối Chúa như Phêrô? Tôi sẽ rẽ sang những con đường hẻm in dấu chân trốn chạy của các môn đệ? Tôi sẽ phụ họa với đám đông kết án Chúa? Hay tôi cũng theo quân lính đánh đập Chúa? Trước sau gì tôi cũng phải lựa chọn một con đường.
Theo truyện thần thoại của Hy lạp, Hercule là một vị thần, một lần đứng giữa ngã ba đường và tự hỏi xem đi về đâu. Hai người chỉ đường đến với ông. Một người nói:
- Hãy theo tôi, đây là con đường thoải mái, hạnh phúc và lối đi dễ dàng.
Người thứ hai nói:
- Đây là con đường cố gắng, nỗ lực, khó khăn. Tuy là đường khó khăn, nhưng đưa tới hạnh phúc.
Hercule đã chọn con đường thứ hai, khó khăn và quả thực ông khôn ngoan, ông đã thành công.
Vâng! Bất cứ cách nào, lựa chọn là phải liều, phải chấp nhận một tương lai bấp bênh, phải chấp nhận hậu quả của việc lựa chọn ấy, mặc dầu phải hy sinh rất nhiều.
J. Martin Kohe nói: “Sức mạnh lớn nhất mà con người có được là sức mạnh có được quyền lựa chọn”.
Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,
đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha
trong mọi nỗi khổ đau của đời con,
và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá,
bao lâu tùy ý Cha định liệu.
Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con
nói lên lòng tin của con
vào những lời hứa của Cha,
lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha,
và lòng mến mà con dành cho Cha.
Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân,
và yêu Cha chỉ vì Cha,
chứ không mong phần thưởng.
Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con,
là ánh sáng cho cho con trong đêm tăm tối,
nhờ đó con không còn coi khổ đau
như một tai họa hay một điều vô lý,
nhưng như một dấu chỉ cho thấy
con đang thuộc về Cha mãi mãi. (Karl Rahner)
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C
-
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B